Vài điều băn khoăn sau khi đọc một bài viết hay

Nguyễn Đình Khoa

Ngày 01 tháng 05, mạng BVN đã đăng tải bài viết Về ngày “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc” để rồi “đi không bao giờ trở lại” (1) của ông Đại tá, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan. Đây là một bài viết có giá trị, liên quan đến một giai đoạn quan trọng của lịch sử nước nhà. Một giai đoạn lịch sử mà đến nay có lẽ vẫn còn nhiều điều chưa được biết dù cho đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Lý do gì đã khiến giai đoạn lịch sử này vẫn còn là một bí mật? Không quá khó hiểu bởi vì chúng ta thiếu những nhà viết sử đúng nghĩa – đó là “Trung Thực, Chính Xác, và Không Thiên Vị” – tự mình can đảm khổ công tìm tòi và bạch hóa khối tài liệu chắc chắn là rất nhiều còn ẩn kín đâu đó ở trong bóng tối, bởi chưa được “trình diện” ra ánh sáng.

Đọc đi đọc lại bài viết Về ngày “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc” để rồi “đi không bao giờ trở lại” của ông Đại tá, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan, tôi vẫn thấy có một vài điều băn khoăn.

Thứ nhất. Theo như bài viết của ông Đại tá, Tiến sĩ Sử học thì khi “Hoàng Hữu Nam đã thưa với Bác: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt”[12]... Bác đã nói ngay “Bất tất nhiên[13]”. Điều này cũng đã được nhắc đến trong bài “Bất Tất Nhiên” như sau: “Sáng 30 tháng 8, Hoàng Hữu Nam thưa với Bác: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt”. Bác nói: “Bất tất nhiên” (2).

Cũng theo bài viết "Bất Tất Nhiên" thì ba chữ "Bất tất nhiên" được ông Tiến sĩ hiểu là: "Từ điển Hán Việt - Đào Duy Anh tái bản năm 1992, trang 53 định nghĩa “Bất tất nhiên: Không nhất định phải như thế, có thể ra cách khác được (Contingent)”[1].

“Nếu không có tư liệu nào khác bổ sung thì đây có thể là câu nói duy nhất mà ta có được của Bác Hồ trong trường hợp duy nhất về ứng xử với Phạm Quỳnh".

Khi nghe hung tín về một người mình mến mộ, kính trọng... nói chung là theo chiều hướng tích cực, thì lẽ nào phản ứng của người nhận tin chỉ có đúng 3 từ "Bất tất nhiên" ngắn gọn như vậy? Hơn nữa, theo cách nghĩ nông cạn của tôi thì "Bất tất nhiên" không có nghĩa là người nói đã thật sự quan tâm tới số phận của người "bị bắt" như một hiện tượng oan trái cần được tháo gỡ - ở đây là Cụ Phạm Quỳnh. Mà cũng có thể chỉ là "Có cách khác giải quyết chuyện này tốt hơn là bắt bớ ra mặt". Hoặc "bắt bớ không phải là cách giải quyết tốt nhất"... Có phải thế hay không?

Từ cách nghĩ trên, lại có thể đi tới một mối bận tâm khác: Là người có quyền lực đủ để ngăn cản những người dưới quyền làm bậy, lẽ nào Cụ Chủ tịch nước chỉ thốt ra ba chữ "Bất tất nhiên" mà không có thêm hành động nào khác khi nghe tin người mình "mến mộ, kính trọng, tri kỷ...vân vân" lâm nạn mà việc cứu vớt hoàn toàn nằm trong phạm vi quyền hạn của mình?

Thứ hai. Trong phần ghi chú số 9 như sau "[9] Theo hồi ký Trần Huy Liệu: “Nhớ là ngày 25/8/1945, Phái đoàn Chính phủ lâm thời từ thủ đô Hà Nội ra đi bằng hai chiếc ô tô, có một Tiểu đội Giải phóng quân đi theo bảo vệ. Trong khi ấy bọn Pháp đã bắt đầu nhảy dù xuống Huế, tên Pháp vừa nhảy xuống đã hỏi ngay Bảo Đại, Phạm Quỳnh. Ta đã xử lý thích đáng ngay nhiều tên tay sai của Pháp như Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh” Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 18 (tháng 9 năm 1960)".

Giáo sư Trần Huy Liệu là một trong những nhà cách mạng lãnh đạo chủ chốt trong Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa vào thời điểm đó. Hồi ký trên đây được Giáo sư Trần Huy Liệu viết vào năm 1960 - nghĩa là sau khi Cụ Phạm Quỳnh bị giết hại 15 năm. Lẽ nào trong quảng thời gian 15 năm kia, Giáo sư Trần Huy Liệu không một lần gặp Hồ Chủ tịch? Lẽ nào Giáo sư Trần Huy Liệu không biết được Hồ Chủ tịch coi trọng Cụ Phạm Quỳnh là một "Học giả, Nhân sĩ, Hiền tài" của đất nước cũng như tâm trạng "Giết một học giả thì chúng ta được gì" của Hồ Chủ tịch? Một học giả mà Hồ Chủ tịch đã "viết thư" thay vì đánh điện để bày tỏ sự "tôn trọng, kính trọng"?

Nếu như Giáo sư Trần Huy Liệu đã biết được những "tâm tư" trên đây của cụ Chủ tịch nước thì có phải có điều "bất ổn" khi Giáo sư vẫn viết "Ta đã xử lý thích đáng ngay nhiều tên tay sai của Pháp như Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh” trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 18 (tháng 9 năm 1960) hay không? Hay quan điểm của nhà sử học Trần Huy Liệu trong cách đánh giá cụ Phạm có khác với Cụ Hồ?

Có ai đó đã từng nói rằng “Không ai có thể đánh bóng hay bôi bẩn lịch sử. Lịch sử chỉ có giá trị khi đó là sự thật – dù là một sự thật trần trụi”!

Vài điều nông cạn, thành thật đem ra chất chính các nhà sử học và cũng là câu hỏi muốn hỏi thêm tác giả bài báo mà không ai không thừa nhận là đã vén được một phần bức màn bí ẩn mấy chục năm nay trùm lên cái chết của học giả Phạm Quỳnh.

N.Đ.K.

Ghi chú:

(1) http://www.boxitvn.net/bai/21022

Phamquynh.wordpress.com

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

HC biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn