Từ “HAI KHÔNG” đến “MỘT CÓ”!

Mạc Văn Trang

Tôi quá vui mừng khi đọc bài Độc đáo hộp thư “Những điều em muốn nói” trên báo Dân trí online. Đó là “hộp thư” do các thày cô ở hai trường tiểu học An Bình và Trà Nóc 1 (Cần Thơ) lập ra để cho các trò nhỏ của mình “có điều gì muốn nói” thì viết bỏ vô... Giản dị thế thôi! Vậy mà tôi có cảm giác như đang đi trong môi trường giáo dục đầy ô nhiễm, ồn ào, bụi bặm… bỗng gặp một giếng nước mát lành!

Tôi đến Cần Thơ vào cuối năm ngoái, có ghé vô mấy trường thấy những khẩu hiệu “quyết tâm thực hiện hai không”, “phấn đấu xây dựng nhà trường thân thiện”, “Mỗi thày, cô giáo phấn đấu là một tấm gương đạo đức và tự học”… vẫn đỏ trên các bức tường, nhưng xem ra mọi phong trào như gió lướt qua, thực trạng giáo dục đâu vẫn hoàn đó: áp đặt, giả dối, nhàm chán… Vậy mà nay tại Cần Thơ lại nhú lên một mầm non xanh tươi của giáo dục!

Tôi vốn dị ứng ngay từ đầu với phong trào “đột phá hai không”, vì bản chất của giáo dục là “”. Là “từ Không đến Có”. Là gieo trồng, chăm sóc cho cái mầm “Có” sống sót, nẩy nở, phát triển lên để tự nó cứng cáp hiên ngang sống giữa cõi đời này đúng nghĩa một con người BÌNH THƯỜNG.

Quá ngán ngẩm với những “đột phá hai không”, “tăng cường quản lý”, “Ra sức thi đua”, “đẩy mạnh” kiểm soát học sinh bằng sổ theo dõi để “khen chê trong buổi chào cờ”; bố trí học sinh theo dõi nhau như “đặc tình”; “ghi hình” học sinh như cảnh sát giao thông; “lắp camera” như gián điệp… đến “phối hợp với công an, dân phòng” như trấn áp tội phạm… nay thấy cái hòm thư đó sao chẳng vui mừng, xúc động!

Thầy phụ tách “hòm thư” ở trường An Bình đã thốt lên: “Thật không ngờ các em học sinh lại có nhiều tâm tư đến như vậy”. Từ chuyện góp ý nhà trường nên trồng thêm cây, chuyện nhiều bạn còn xả rác bừa, phá hại cây xanh, tham gia giao thông tùy tiện đến chuyện mong có nhiều trò chơi, mong cô giáo hiền và dạy có nhiều đồ dùng… đến việc chia sẻ với bạn gặp bất hạnh và thổ lộ nỗi buồn: mỗi khi cha mẹ cãi nhau, em không thể học được… Có em học kém môn văn, tự hứa “sẽ cố gắng, cô đừng buồn”, khác lắm với việc bắt “viết kiểm điểm” và mời bố mẹ đến để răn đe! Có em học sinh lớp 1 mà cũng bày tỏ “muốn được bạn hôn”, muốn “dắt tay bạn về nhà” “vì bạn học giỏi, em quý bạn đó!”… Cũng đừng tưởng trẻ con nói rồi quên ngay như kiểu “cử tri phát biểu với ứng viên…”. Không đâu, em Phương Duy góp ý: “Nhà trường nên trồng thêm cây xanh”... và “… em sẽ lên lớp 6 nên những nguyện vọng này không biết sẽ ra sao. Nhưng em hứa là năm sau em sẽ quay lại để xem nguyện vọng của mình có được nhà trường đáp ứng hay không”! Vui sao khi cô Kim Chi, Hiệu trưởng trường Trà Nóc 1 nói rằng sẽ thực hiện, vì các em góp ý đúng cả!...

Nhớ lại chuyện năm trước thăm nhà chị Hoa ở Ba Lan, chị kể con gái chị học lớp 5 mà “dám viết thư gửi ông Quận trưởng, rằng mở rộng đường ô tô mà phá bỏ đường dành riêng cho xe đạp là sai lầm… Ông sẽ phải chịu trách nhiệm!”. Ông Quận trưởng đã phúc đáp và tiếp thu góp ý của em. Tôi cứ nghĩ bao giờ học sinh ta dám làm thế? Thì đây, em Phương Duy còn làm hơn thế, vì còn trở lại “giám sát” việc thực thi! Rõ là tại người lớn, chứ đâu tại học sinh ta!

Các thầy cô, nhất là hiệu trưởng của hai trường này làm được thế vì thực sự chân thành tôn trọng, yêu thương học sinh, muốn thấu hiểu các em… Đó là cơ sở căn bản cho mọi phương pháp giáo dục có hiệu quả. Mọi cái đối phó, hình thức giả dối không lừa được học sinh đang khôn lớn lên mỗi ngày và đều sẽ thất bại vì nó đi ngược với bản chất của giáo dục.

Tôi có cảm giác các nhà quản lý giáo dục ngày càng hoang mang, xa rời bản chất, quy luật cơ bản của giáo dục; họ nói và làm nhiều chuyện tầm phào, gây rối nhiễu thêm cho giáo dục, vốn dĩ rất giản dị, tự nhiên, chân thật…

Hãy trân trọng và “nhân” ra “hộp thư mở” như hai trường Tiểu học Cần Thơ đang làm. Việc đó vô cùng giản dị, không tốn kém, trường nào cũng làm được. Trường Tiểu học làm được, Trung học, Đại học càng làm tốt. Từ “hộp thư” sẽ có nhiều sáng kiến cho học sinh, sinh viên “được mở mồm ra” (ý của Bác Hồ). Đó là việc sơ đẳng, đầu tiên của dân chủ hóa nhà trường. Từ “Một có” hy vọng sẽ có nhiều hơn những đàm thọai trong dạy học, đối thoại trong việc giải quyết các vướng mắc, xung đột, tranh luận trong khoa học, lối sống… Không thể dùng bạo lực để giải quyết bạo lực học đường! Chỉ có sự bao dung, đối thoại trong tình yêu thương, tôn trọng, lắng nghe các bên mới có giải pháp mang tính giáo dục, bền vững.

“Hòm thư mở” chỉ là một việc nhỏ nhưng có thể khởi đầu cho một làn gió mát lành trong giáo dục, đem lại không khí tự do, dân chủ, bình đẳng sự gắn bó thân thương, chia sẻ tâm tư giữa thày-trò, trò-trò, con trẻ và cha mẹ… Đó chính là cái nhà trường đang thiếu, học sinh đang mong đợi. Học sinh mà tham gia một cách tự nhiên, tự động, ngày một nhiều hơn thì đó là dấu hiệu của thành công.

Làm sao để có được cái thành công đó? Tất cả phụ thuộc vào Hiệu trưởng và các giáo viên.

Mà tôi tin rằng vẫn có nhiều nhà giáo muốn làm những việc đúng với lương tâm nghề nghiệp của mình, đem lại cho học sinh những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, Ích một cách giản dị, nhẹ nhàng, trong sáng nhất.

27/5/211

M. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn