Chiến thuật định hướng công luận của giới lãnh đạo Trung Quốc

Tú Anh

Vừa qua, Ban Tuyên huấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho lưu hành một tài liệu mật, chỉ đạo tiêu trừ mọi tiếng nói phản biện, thông tin đa chiều, ở trong cũng như ngoài nước.

clip_image001  

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. REUTERS

 

Trong chính sách đối ngoại, Trung Quốc luôn khẳng định là một quốc gia đang phát triển với chủ trương yêu chuộng hòa bình, quan hệ tốt với láng giềng và tôn trọng tự do. Trên thực tế, Ban Tuyên huấn của Đảng Cộng sản, trong một tài liệu mật, đã chỉ đạo tiêu trừ mọi tiếng nói phản biện và thông tin đa chiều, ở trong cũng như ở ngoài nước, gây bối rối cho chính phủ.

Tháng 3/2011 năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đưa ra một lời tuyên bố mang tính cảnh báo tại Quốc hội: Nhân dân đang căm phẫn chế độ.

Có lẽ, để đối phó với mối đe dọa này, giới lãnh đạo Trung Quốc đề ra một loạt biện pháp trấn áp, không từ một hình thức nào và không sót một đối tượng nào trong xã hội.

Các biện pháp này gồm: tăng cường kiểm duyệt thông tin, bắt giam tức khắc mọi cá nhân loan tải thông tin bất lợi cho chính phủ, gia tăng theo dõi mọi thành phần dân chúng ngay từ tuổi còn thơ và tố giác những người than oán.

Trên đây là nội dung một tài liệu mật của Ban Tuyên huấn, thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa được báo chí Tây phương tiết lộ, nhân chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Theo các trích đoạn đăng trên Danish newpaper Information của Đan Mạch thì chính sách của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với dáng vóc bề ngoài trầm tĩnh, hiền hòa của ông Ôn Gia Bảo.

Tài liệu mật do cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản cho lưu hành nội bộ vào giữa tháng Giêng và tháng Ba năm nay hướng dẫn cách “duy trì quân bình trong bộ máy quyền lực”, gia tăng kiểm duyệt thông tin và nỗ lực “định hướng” công luận quốc tế sao cho thuận lợi cho Trung Quốc.

Mục tiêu của chiến thuật này là duy trì “độc quyền thông tin” và ngăn chận trước mọi nguồn “thông tin nhạy cảm”. Trong tương lai, phải cải tiến các biện pháp “theo dõi thông tin” và nhanh chóng “nhận diện các nguồn tin bất hợp pháp, vô hiệu hóa và tiêu trừ mọi nguồn tin và thông tin trên các mạng Trung Quốc cũng như trên mạng nước ngoài có nội dung làm bối rối chính phủ Trung Quốc”.

Bạo lực là phương tiện

Để đạt được mục tiêu này, Trung ương chỉ thị cho chính quyền các tỉnh, huyện, xã phải lập “tổ đặc nhiệm” định hướng dư luận với nhiệm vụ tham gia thảo luận trên các diễn đàn thông tin và blog. Bên cạnh đường dây “công an mạng”, chính quyền dự kiến thành lập chức vụ gọi là “thủ trưởng thông tin” ở mọi cấp, mọi nơi từ “đại học, trường học, sở làm cho đến tận các trại hè của học sinh” để gọi là “kịp thời phát hiện bất cứ ai” chỉ trích chế độ.

Cũng trong chiều hướng này, Ban Tuyên huấn nêu lên mối đe dọa mà họ gọi là “những thế lực thù địch bên trong và bên ngoài” thực hiện âm mưu buộc Trung Quốc cải cách chính trị theo mô hình Tây phương. Tài liệu mật cho rằng đây là một hình thức can thiệp vào nội tình, đánh phá ngầm ý thức hệ chính trị và văn hóa Trung Quốc, làm hại hình ảnh của chế độ.

Biện pháp mà giới lãnh đạo đề ra để ngăn chận “âm mưu” này là phải giới hạn không gian hoạt động của các phóng viên quốc tế, các công ty tư nhân nước ngoài và phòng ngừa “kẻ thù trong nước phát biểu với báo chí ngoại quốc”.

Cụ thể là phải “làm giảm ảnh hưởng của thành phần ly khai tại Tây Tạng và Tân Cương trong công luận quốc tế”.

Theo giới quan sát, chỉ thị mật của Đảng Cộng Sản Trung Quốc gián tiếp thừa nhận tình hình nội trị đang có vấn đề trong bối cảnh mỗi năm có hơn 200 ngàn vụ dân oan biểu tình.

Mặc khác, nó cho thấy Bắc Kinh ý thức được là họ không dập tắt được khát vọng độc lập của người dân Tây Tạng và Tân Cương bằng bạo lực và đang lo ngại ảnh hưởng của phong trào Mùa Xuân Ả Rập.

Trên báo mạng công giáo châu Á, Asia News, Giám đốc tổ chức Tây Tạng Tự do tại Anh Quốc bà Stephanie Bridgen nhận định, tài liệu mật này là bằng chứng cho thấy sự “giả trá” của lãnh đạo Trung Quốc.

Ngày 28 /6/2011 vừa qua, tại Luân Đôn, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cam kết “Trung Quốc tương lai sẽ là một nước hoàn toàn dân chủ, pháp trị, bình đẳng và công lý trong đó người dân có quyền giám sát và chỉ trích chính phủ”.

Thực tế, theo chuyên gia Stephnie Bridgen, chà đạp nhân quyền là một sách lược của giới lãnh đạo Bắc Kinh để có thể tiếp tục thống trị nhân dân Tây Tạng và nhân dân Trung Quốc.

T.A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn