Chuyện ở Ba Lan (*)

Trương Đình Toe

(Truyện đã đăng trên báo Quê Việt ở Ba Lan với tựa đề “Ngày 13 tháng 12″)

Hôm ấy là ngày 13 tháng 12. Marian bất ngờ đến cửa hàng của tôi trong trung tâm thương mại ở Wolka Kosowska gần thủ đô Vacsava. Anh bắt tay chào rồi phân bua:

- Tôi có việc đi qua, tiện đường tạt vào, nên không báo trước.

- Không sao cả. Tôi dân quèn, sớm chiều lo miếng cơm manh áo nuôi thân, chứ có làm ông to bà lớn gì. Anh đến lúc nào thì đến, việc gì phải bẩm báo.

Tôi mời Marian ngồi và theo thói quen, pha cho anh cốc cà phê đặt lên bàn. Hàng hoá ế ẩm, khách khứa lèo tèo, tôi lại có thời gian ngồi chuyện phiếm với anh.

Marian với tôi cùng tuổi. Chúng tôi quen biết làm ăn với nhau đã lâu. Anh là người hiền lành, thật thà, sòng phẳng và trọng lời hứa. Nhiều khi anh thiếu tiền, hàng hóa tôi có thể giao cho không chút ngại ngần. Ngoài việc buôn bán, Marian hay đến thăm tôi còn là vì có người để nói chuyện, đúng ra là anh thích kể, còn tôi chịu khó nghe. Anh có khiếu kể, chuyện trên trời dưới biển, chuyện nhà cửa, chuyện bạn bè, chuyện ngày xưa anh sang Thuỵ Điển khai thác gỗ, ở trong rừng với người thiểu số Eskimos, chuyện thời học sinh, nhà trường tổ chức sang Moskva thăm lăng Lenin, thầy chủ nhiệm lớ ngớ bị anh lính gác lăng phạng cho nhát báng súng… Nhiều chuyện thực ra tôi đã nghe rồi, nhưng lúc đãng trí, anh lại kể lại.

Như đã nói, hôm ấy là ngày 13 tháng 12, sự kiện rất quan trọng trong lịch sử Ba Lan hiện đại. Nguyên xưa kia Ba Lan cũng là nước xã hội chủ nghĩa “anh em” với Việt Nam ta. Chỉ có điều chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan không do người bản xứ tự mang vào để giải phóng dân tộc, mà do Hồng quân Liên Xô áp đặt sau khi thắng phát xít Đức hồi Thế chiến thứ hai. Vì vậy dân chúng không phục, coi đó là sự nô dịch của ngoại bang. Ba Lan thời ấy cái gì cũng gắn với danh từ “Nhân dân”. Quốc hiệu có “Nhân dân”, Quân đội “Nhân dân”, Công an cũng “Nhân dân”… Nhưng nhân dân thì không mấy ai cho rằng những cái đó phục vụ quyền lợi của họ. Chính phủ dẫu độc về quyền thông tin, kiểm soát hoàn tòan phương tiện truyền thông đại chúng, song thực ra đất nước tương đối mở. Người dân đi lại, có sự so sánh với thế giới bên ngoài, nhận thấy nước mình thua kém, không có tiền đồ tươi sáng. Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan tồn tại được, ngoài dựa vào Khối quân sự Vacsava do Liên Xô cầm đầu, trong dùng quân đội, công an đàn áp những mầm mống đối lập ngay từ trong trứng nước. Nhưng một khi lòng người đã không phục thì sự sụp đổ là lẽ cố nhiên, vấn đề chỉ là sớm hay muộn và sụp đổ như thế nào.

Giữa những năm 70 thế kỷ trước, tôi sang Ba Lan du học. Những thanh niên Việt Nam như tôi được giáo dục dưới mái trường XHCN, thấm nhuần tư tưởng cách mạng, chịu ảnh hưởng bài thơ “Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan” của Tố Hữu, sang bị choáng, nhiều việc không tài nào hiểu được. Mùa hè năm 1980, tôi đang thực tập trong nhà máy thì nghe tin công nhân nhiều nơi biểu tình, đình công. Ngòi nổ cho sự bất ổn là việc nhà nước tăng giá hàng tiêu dùng. Nhưng những cuộc biểu tình còn mang mầu sắc chính trị, đòi dân chủ, tự do ngôn luận, thành lập công đoàn độc lập không do nhà cầm quyền chi phối… Phong trào quần chúng mạnh đến mức buộc chính phủ phải nhượng bộ. Công đoàn tự do được thành lập, lấy tên là “Đoàn Kết”. Nhưng tình hình càng ngày càng xấu đi. Công đoàn với chính phủ như lửa với nước. Đình công biểu tình nổ ra liên miên, nền kinh tế kiệt quệ, hàng hoá phải mua bằng tem phiếu như Việt Nam cùng thời. Ngày 13 tháng 12 năm 1981, Tướng W. Jaruzielski, Bí thư thứ nhất đảng Công nhân Thống nhất (tức cộng sản) Ba Lan kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra lệnh thiết quân luật, giải tán và cầm tù các thủ lĩnh công đoàn Đoàn Kết, cấm biểu tình đình công, quân sự hoá những nhà máy công xưởng… Ngoài việc ổn định tình hình còn một lý do nữa mà những người cầm quyền mãi sau này mới đưa ra để bào chữa, đó là tránh nguy cơ can thiệp quân sự của Liên Xô và Khối Vacsava. Nhưng việc ấy đến nay vẫn còn tranh cãi.

Sự kiện thiết quân luật, ngày 13 tháng 12 năm nào các phương tiện truyền thông đại chúng cũng nhắc tới. Hôm ấy tôi mua tờ nhật báo, trang nhất có bài và ảnh về sự kiện này, quẳng trên bàn, vẫn chưa kịp đọc. Marian vừa uống cà phê vừa cầm tờ báo xem qua, rồi hỏi tôi:

- Năm 1981 thiết quân luật, anh ở đâu?

- Hồi ấy tôi sống trong ký túc xá.

- Có sợ không?

- Bọn tôi là người nước ngoài, lại đến từ nước XHCN “anh em” nên chẳng ai động đến. Ngoài ra chiến tranh thật tôi đã thấy ở nước mình rồi, còn “chiến tranh”của các người nhiều khi thấy nó… như hề!

- Sao lại như hề?

- Khi mới thiết quân luật – tôi nhớ lại – các trường đại học đóng cửa cả, sinh viên Ba Lan giải tán về nhà hết. Lưu học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam kháo nhau là có lệnh của Đại sứ quán, phải chuẩn bị lương khô, gói ghém quần áo…, sẵn sàng sơ tán sang Liên Xô hoặc một nước Đông Âu nào khác. Tức là cứ thấy đồn đại thế, thực ra chẳng có thông báo chính thức nào. Sau lại có tin là chúng tôi phải ở lại để ủng hộ bạn! Đấy tất nhiên chỉ là tin nhảm nhí. Chúng tôi có thể làm được gì để “giúp bạn”? Nhưng nhiều cái còn nhảm nhí bằng vạn, cứ nghe mãi rồi cũng quen, trở thành không nhảm nhí! Vài tuần tiếp theo tình hình yên ổn. Sinh viên bản xứ quay về trường. Việc học hành lại diễn ra bình thường. Các bạn Ba Lan sáng lên trường, chiều hay kéo nhau đi biểu tình, chiến đấu với công an. Trời thì băng tuyết. Bọn công an hay giải tán đám đông bằng cách phun nước. Nhiều anh ướt lướt thướt chạy về. Nhưng hôm sau lại đi. Bấy giờ ở ngã tư cạnh “Khu sinh viên” có cái xe bọc thép và một toán lính gọi là ZOMO án ngữ – ZOMO là viết tắt “Những đơn vị cơ giới của Công an Nhân dân”, lực lượng nòng cốt trong việc đàn áp Công đoàn Đoàn Kết. Hễ mấy chú lính khoác súng đeo dùi cui lảng vảng đến gần “Khu sinh viên” thì các cửa sổ đồng loạt mở. Nồi niêu bát đĩa gõ inh tai, dân tình đồng thanh hô: “ZOMO! Huje! ZOMO! Huje!…” – Huje là tên một bộ phận của cơ thể đàn ông mà khi còn nhỏ gọi là con chim. Bọn ZOMO cáu, một hôm bắn đánh “đoành” một phát vỡ tan cửa kính ký túc xá. Quả lựu đạn cay khói nghi ngút rơi vào hành lang, lăn lông lốc. Lũ sinh viên hoảng loạn, chạy tán loạn… Anh thấy đấy chẳng hề thì là gì?

Marian nghe tôi tường thuật cũng phì cười, bảo:

- Bọn sinh viên thật là bất trị. Ngay ngày đầu tôi cũng bị bọn nó choảng cho!

- Làm gì mà lại bị bọn sinh viên nó choảng?

- Tôi ở bên kia chiến tuyến!

- Anh là lính ZOMO? – Tôi ngạc nhiên.

- Không – Marian trả lời. – Bọn tôi còn quan trọng hơn cả lính ZOMO!

Nguyên khi xưa Marian phục vụ trong quân đội, nhưng binh chủng thuộc loại đặc biệt, không trực thuộc Bộ Quốc phòng, mà do Bộ Nội vụ quản lý, được ưu đãi và huấn luyện để dùng vào những việc như đánh chiếm những vị trí then chốt, bảo vệ những cơ quan quan trọng kiểu trụ sở đảng, uỷ ban hành chính, đài truyền hình, bưu điện trung tâm… Doanh trại ở gần một thành phố lớn phía đông Ba Lan. Khi quân luật được thiết thì bọn anh cố nhiên phải tham gia.

– Nhưng đầu đuôi thế nào mà bị bọn sinh viên nó choảng? – Tôi gặng hỏi.

Thế là Marian có đề tài, càng hăng hái diễn thuyết. Là người Tây mà anh nói oang oang chẳng khác gì người Việt ta nơi công chúng, thỉnh thoảng lại đệm từ “ku-rờ-va” rất tục tĩu vào. Nhưng đối với tôi thì việc đó chẳng quan trọng, đàn ông với nhau cả.

Mùa đông năm 1981 giá lạnh khác thường. Đã gần nửa đêm, trong doanh trại Marian đương cùng đồng đội đương xem ti vi thì hình ảnh biến mất. Ti vi trắng đen thời ấy vẫn hay tịt như vậy. Mấy chiến sĩ ra sức chỉnh cũng chẳng được. Một vài người đã lục tục ra về thì trên màn hình ti vi ảnh hiện trở lại. Tướng Jaruzielski đương đọc diễn văn giải thích lệnh thiết quân luật. Nửa giờ sau có báo động. Đơn vị nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ.

Marian lái chiếc xe GAZ mui trần sản xuất tại Liên Xô cùng mấy chiến sĩ vào thành phố tuần hành. Thành phố yên ổn chẳng có việc gì xảy ra. Lúc trời đã tang tảng sáng, bọn anh đỗ lại cạnh một tòa nhà cao cho khuất gió. Bỗng phía trên cửa sổ mở một loạt, chai lọ bay ra vù vù, rơi xoang xoảng. Ghế ngồi, nền xe, dưới đường mảnh chai tung toé. Nhìn ra mới biết đây là ký túc xá của sinh viên:

- Ku-rờ-va! – Một chiến sĩ bực bội, chửi – Lên kéo mấy thằng xuống đánh bỏ mẹ chúng nó đi! – Rồi hùng hổ định xông vào.

- Đồ ngu! – Marian ngăn lại – Bọn nó đông, biết thằng nào với thằng nào. Vác súng ngênh ngang vào, nhỡ xảy ra xô xát thì bắn chúng nó à? – Nói rồi anh ra bẻ cành cây làm chổi, quét dọn xe pháo và mảnh thuỷ tinh dưới đường cho nó khỏi đâm thủng lốp. Sau đó thì cả hội lên xe mà rút lui.

Hôm sau, đơn vị của Marian nhận lệnh tham gia giải tỏa nhà máy phân bón lớn nhất Ba Lan. Nhà máy giáp với rừng, những công xưởng nối tiếp nhau trên lãnh địa rộng như một thành phố nhỏ. Đây có đến hàng chục nghìn công nhân làm việc. Họ đình công, nhưng lại ở lại tại chỗ chiếm nhà máy. Nửa đêm, đại đội Marian gồm 80 chiến sĩ rời doanh trại lên đường. Đến nơi đã thấy bộ đội, cứ mấy mét một người trang bị đến tận răng, dàn hàng ngang vây kín bên ngoài. Lính ZOMO súng ống, dùi cui, lá chắn… hàng ngũ chỉnh tề rậm rịch qua cổng tiến vào. Rồi đến bọn ROMO (các đơn vị dự bị của Công an Nhân dân) trang bị kém hơn, không có súng. Đơn vị Marian chờ vào sau cùng. Anh xuống xe đứng nói chuyện với mấy anh bộ đội. Họ mới nhập ngũ được hai tháng. Lại thấy dây thắt lưng anh nào cũng trễ xuống. Hỏi ra mới biết người nào cũng phải đeo mấy quả lựu đạn có lắp ngòi nổ hẳn hoi. Marian nghĩ mà đâm sợ. Chẳng hiểu ai phát lựu đạn cho họ, phát làm gì và định ném vào ai? Công nhân làm gì có vũ khí. Mang súng thật đạn thật còn chưa đủ hay sao? Lựu đạn đâu có phải là đồ chơi. Bọn lính mới cả đời chẳng biết lựu đạn là gì, hý hoáy nó mà nổ thì oan ra. Vào địa phận nhà máy Marian lại càng sợ, nhưng không phải sợ công nhân! Những phân xưởng có công nhân chiếm giữ đã bị lính ZOMO vây chặt. Ban chỉ huy vào đàm phán thuyết phục họ tự nguyện dời nhà máy, tránh dùng vũ lực. Nguyên trước khi bắt đầu chiến dịch, Ban chỉ huy một đơn vị nào đó phổ biến: nhà máy này có tầm quan trọng chiến lược, có thể bị bọn phá hoại đặt mìn giật nổ. Tin ấy thật ra vô căn cứ! Ở Ba Lan không có trường hợp nào người biểu tình chống chính phủ sử dụng những hành vi khủng bố như vậy cả. Sĩ tốt thay vì đánh giá đúng cái trọng trách được giao, ai nấy đều có phần không yên tâm. Bọn Marian đứng cạnh mấy cái tháp cao, trên là những bình vĩ đại. Quân lính đi lại thì thào: “Đây là những bể chứa chất amoniac, nó mà nổ thì nửa thành phố bị xoá sổ”! Người nọ truyền người kia, thần hồn nát thần tính, ai nấy đều xanh mắt. Bỗng có tiếng: ục ục ục, phì…! Rồi tiếng người hoảng hốt: “Ku-rờ-va, nổ, nổ”! Thế là lính tráng xô nhau chạy. “Không được chạy! Đứng lại”! – Viên sĩ quan miệng hét, tay rút súng bắn “đoàng, đoàng” mấy phát lên trời. Nhưng tiếng nổ càng tăng thêm nỗi kinh hoàng. Các chiến sĩ chạy bán sống bán chết, trèo qua cả hàng rào, chui vào rừng tẩu tán. Dùi cui, mũ sắt, lá chắn, mặt nạ chống hơi cay… rơi vãi lung tung. Có anh còn đánh mất cả súng. May mà công an không được phát lựu đạn như bộ đội bên ngoài, chứ lựu đạn rơi xuống sân xi măng nổ thì hy sinh nhiều lắm. Marian cũng khiếp đảm, nhưng vì cai quản xe, bỏ xe đấy anh không dám, mà lái chạy tất phải kẹp chết khối người. Đương dùng dằng chưa biết quyết bề nào, bỗng dưng anh tỉnh ngộ. Trong nhà máy còn hàng nghìn công nhân, nổ thì chết ráo cả. Đối phương cũng là người Ba Lan, lẽ nào dám làm cái việc tày trời như vậy? Anh đành đứng ngây người nhìn cảnh hoảng loạn. Thoáng một cái, sân nhà máy đã sạch người. Bấy giờ một kỹ sư lật đật chạy từ trong ra bảo: “Hóa chất lỏng thì thỉnh thoảng nó vẫn ùng ục thế chứ nổ niếc gì mà sợ”? Sau đó là tiếng bọn sĩ quan quát tháo, các đơn vị lục tục quay lại tìm chiến cụ, vất vả cho đến tận sáng cũng không chỉnh đốn được hàng ngũ. Hôm sau dân chúng vẫn còn tìm thấy trong khu rừng tiếp giáp với nhà máy dùi cui, mũ mãng… bỏ rơi.

Một trong những thứ được cung cấp thoải mái cho lính là rượu. Mùa đông năm ấy rét mướt lạ thường, chỉ cần ra khỏi doanh trại một lúc là nước trà trong bi đông đã bị đóng băng. Nhưng hoà một nửa nước trà một nửa rượu thì nhiệt độ thấp cũng không việc gì cả. Các chiến sĩ trước khi rời doanh trại đi tuần, xuống chỗ cung ứng chìa bi đông cho anh nuôi rót rượu và nước trà vào cho. Marian chơi với gã anh nuôi. Nhận rượu, anh chìa hai bi đông ra cười, nói: “Tao lái xe, phải được gấp đôi”! Gã anh nuôi cũng nhếch mép cười rồi rót thêm cho. Bọn anh vì thế cứ say khướt. Còn một thứ nữa không hạn chế, đó là đạn, ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Sẵn đạn, đi tuần chán rồi, các chiến sĩ ra rừng bắn súng làm vui. Marian có biệt tài bắn súng. Một lần từng cuộc với đồng đội, bắn trúng quả bi bằng ngón tay, đặt ở khoảng cách 100 m. Thế mà ra rừng đặt vỏ chai bia trên gò đất ở khoảng cách 50 bước. Bốn chiến sĩ thi nhau bắn, mỗi anh hết cả băng đạn súng AK, đất xung quanh bị cày cả lên mà cái chai không vỡ.

Uống rượu quen miệng rồi, nếu chẳng may hậu cần không kịp cung cấp thì người bứt rứt không yên. Đúng hôm thiếu rượu, bọn lính đi tuần sớm bắt được ở chợ một gã say, chẳng rõ vì lý do gì. Viên đại đội trưởng lệnh cho Marian cùng một chiến sĩ nữa chở gã về doanh trại tạm giam. Gã say rượu bị bắt thì hết cả say, nằn nì xin được thả.

- Chúng nó bắt ông về tội gì? – Marian hỏi.

- Tôi có tội gì đâu.

- Vô lý. Không có tội mà bị bắt?

- Tôi bán mỗi chai rượu.

- Ừ, có thế chứ. Bây giờ muốn mua rượu phải có tem phiếu. Ông bán lậu như vậy, có ngang với tội chống phá xã hội chủ nghĩa!

- Tôi uống không hết thì bán, chứ hơi đâu mà chống phá xã hội chủ nghĩa?

- Ở nhà còn chai nào không?

- Còn mỗi chai nửa lít.

- Tôi đề nghị thế này – Marian nói – Ông chỉ đường cho chúng tôi, chúng tôi chở ông về đến tận nhà rồi thả ông ra! Ông nghĩ sao?

- Thế thì Chúa hãy ban phúc lành cho các ông.

- Không cần Chúa ban phúc. Chỉ cần ông ban cho chúng tôi nửa lít. Tôi cho rằng trao đổi thế là công bằng. Ông mất chai rượu nhưng được trả tự do, còn bọn tôi được chai rượu nhưng sẽ phải tìm cách đối phó với bọn chỉ huy. Ông có đồng ý không?

Gã say mừng ra mặt. Xe dừng trước một tòa nhà chung cư cao tầng. Marian giữ giấy chứng minh thư của người bị bắt lại, nếu y mang rượu xuống thì sẽ trả sau. Hai chiến sĩ đứng chờ sau cửa ra vào cho đỡ lạnh. Gã say đi thang máy lên tầng. Một lát sau thay vì kẻ bị bắt, có người đàn bà mang xuống một bát tộ thức ăn khói nghi ngút, mời hai chiến sĩ. Hoá bà vợ nghe chồng tường thuật thì giam nghiến ông chồng say trong nhà, còn tự mình thân chinh xuống giải quyết với các chiến sĩ. Bọn Marian ngấu nghiến ăn xong thì chị chàng lại dúi cho cái túi trong có chai nửa lít. Hai chiến sĩ trả giấy chứng minh thư rồi về doanh trại, mở rượu gật gù ngồi uống với nhau. Khi viên đại đội trưởng về hỏi tù nhân đâu thì Marian đã ngà ngà say, trả lời:

- Nó chạy đằng thổ tả nào mất rồi!

- Hai thằng đặc công giong một thằng say mà lại để cho nó chạy mất. Thật là những đồ ăn hại. Lại còn uống rượu trong lúc làm nhiệm vụ. Các người phải làm bản báo cáo nộp cho ban chỉ huy và chịu kỷ luật.

- Bắt cái thằng say làm quái gì mà nhặng cả lên? – Marian cãi – Ông cũng vừa vừa thôi. “Chiến tranh” nhỡ ra lại có đứa nó bắn nhầm cho một phát vào sau lưng thì khổ!

Chẳng biết viên chỉ huy có sợ lời đe doạ của Marian hay không, nhưng chỉ sừng sộ một hồi rồi cũng thôi.

Những ngày tháng nhộn nhạo, một trong những kiểu phản ứng của các “phần tử chống phá XHCN” là phá hoại hoặc bôi nhọ các tượng đài cách mạng có liên quan đến Liên Xô, như tượng Lenin, Stalin, tượng đài hữu nghị… Việc đó xảy ra thường xuyên như cơm bữa, tin tức đưa lên cả báo chí và ti vi, khiến ông “Anh cả trong đại gia đình các nước XHCN” chẳng vừa lòng. Thành thử những đơn vị đặc biệt của Bộ Nội vụ ngoài việc bảo vệ các vị trí then chốt, còn phải đi canh tượng.

Một buổi tối, Marian cùng một đồng đội nhận lệnh canh tượng đài “Người lính Xô Viết” ở một công viên giữa trung tâm thành phố. Trời rét như cắt ruột. Đi tuần thì còn đi lại vận động, người cũng có phần ấm lên. Đằng này khoác súng đứng một chỗ mà nhìn mấy anh lính đá lố nhố đen xì, dẫu có là Xô Viết hay gì thì cũng không được ý vị cho lắm. Bốn bề im ắng. Lúc ấy còn chưa đến giờ giới nghiêm. Cạnh đấy có cái quán bia thỉnh thoảng vẫn còn người vào ra. “Bọn sĩ quan chỉ bày trò. – Hai chiến sĩ bảo nhau – Mấy tảng đá nặng hàng tấn, ai khênh được mà canh mới gác. Ra quán làm mỗi thằng một cốc bia cho ấm bụng”. Chẳng ngờ vừa được vài bước, bỗng nghe tiếng chân người chạy rình rịch, rồi “choang”! “choang”!… Marian ngoảnh đầu lại thì bọn phá hoại đã kịp ném mấy mấy chai phẩm vào tượng vỡ tan tành, phẩm bắn tung toé.

- Ố, ku-rờ-va”! – Anh thốt.

- Đứng lại, đứng lại! Không thì ông bắn! – Anh kia quát, nhưng thực ra chỉ là quát vuốt đuôi, chứ đâu đã dám bắn. Chưa dứt lời, mấy bóng đen đã mất hút vào ngõ hẻm. Hai chiến sĩ đành gọi qua máy báo cáo với cấp trên.

Viên đại đội trưởng đến, quát tháo:

- Các anh không được việc gì cả, lại còn để cho chúng nó thoát!

- Đánh nhoáng một cái chúng nó đã chạy mất. Ai làm thế nào được?

- Đương có “chiến tranh”, các người là lính thi hành nhiệm vụ. Có bắn chết cũng chẳng tội tình gì!

- Chiến tranh cái quái gì. – Marian cãi. – Ông muốn thì đi mà bắn người ta. Vì cái việc vớ vẩn mà bảo phải giết người thì chúng tôi không làm được.

Viên chỉ huy bực bội, lần này quyết không tha, lệnh cho hai chiến sĩ mang giẻ lau, dung dịch, bắc thang lên rửa tượng đài. Chân tay cứng đờ vì lạnh. Hai người phải lau chùi đến tận nửa đêm mới xong. Hôm sau thì nhận kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ. Suốt cả tuần, hai chiến sĩ đêm bị giam, ngày phải đi lao động.

Nhưng khổ nhất không phải vì rét mướt hay bị kỷ luật!

Một hôm được nghỉ mấy tiếng, Marian ra cửa hàng định mua vài thứ lặt vặt. Nhưng hỏi đến cái gì, các nhân viên bán hàng cũng lạnh lùng trả lời là không có. Mà quả thật hồi ấy cái gì cũng thiếu thốn cả. Hình như các nhân viên bán hàng ăn lương nhà nước, đến chỗ làm việc ngày ngồi tám tiếng chỉ để trả lời “Không có”! Đến khi anh trông thấy rõ ràng cái mình cần, hỏi:

- Thế cái gì kia?

- Đấy là hàng phân phối, phải có phiếu mới mua được! – Cô bán hàng giải thích.

Rồi lễ Giáng Sinh đến. Marian không được nghỉ phép như mọi năm. Nửa đêm trước ngày Chúa sinh, đúng lúc đại lễ thì anh đi tuần qua nhà thờ. Người lính trẻ bỗng thấy nhớ nhà da diết. Đây cũng xin nói, đại lễ diễn cảnh Chúa ra đời là lễ nhà thờ quan trọng nhất trong năm. Đại lễ không chỉ mang tính chất tôn giáo mà đối với người Ba Lan còn là phong tục tập quán, là các nét văn hoá. Nhiều người không tín ngưỡng, nhưng cũng tham dự. Vì vậy dân chúng đến nhà thờ đông nghìn nghịt. Vốn theo đạo Công giáo, Marian tạt vào lạy Chúa. Khẩu AK anh đeo bên trong, khoác áo choàng phủ đi. Đến lúc quỳ xuống, làm dấu thánh giá thì nòng súng thò ra một đoạn. Người xung quanh bỗng nhiên giãn hết. Marian quỳ ở tâm vòng tròn bán kính chừng hai mét. Lạy Chúa xong, thấy cung cảnh như vậy, anh đành bước ra khỏi nhà thờ, lòng bùi ngùi vô hạn. Và nói chung đi đến đâu, anh cũng cảm thấy thái độ thiếu thiện cảm, thù địch của dân chúng. Nếu có thể, chắc họ đã nhổ vào mặt anh rồi.

Ai phải ai trái chưa cần bàn, nhưng không thể chống lại tuyệt đại đa số các đồng bào của mình được. Marian nghĩ vậy, nên khi “tình trạng chiến tranh” kết thúc, anh tìm cách xin xuất ngũ.

Nhưng anh cũng chỉ như hạt cát trên sa mạc, chẳng ảnh hưởng gì đến thời cuộc cả. Có anh hay không có anh, bánh xe lịch sử vẫn cứ quay theo quán tính riêng của nó.

Năm 1989 ở Ba Lan diễn ra nhiều sự kiện trọng đại dẫn đến việc thay đổi toàn diện và triệt để. Tháng 2 bắt đầu hội nghị “Bàn tròn” giữa Công đoàn Đoàn Kết (danh chính ngôn thuận vẫn bị cấm hoạt động) và nhà nước cộng sản Ba Lan, đưa đến thay đổi Hiến pháp và thoả hiệp bầu cử, đảm bảo cho phe cầm quyền được 65%, phe Công đoàn Đoàn Kết 35% số ghế trong Hạ viện. Bầu cử Thượng viện thì tự do hoàn toàn. Báo “Gazeta Wyborcza” , do A. Michnik (một nhà tư tưởng của phong trào Đoàn Kết) làm Chủ bút, ra đời để vận động bầu cử cho Công đoàn. Tháng 7, trong lúc bế tắc về việc thành lập chính phủ và bầu Tổng thống, Michnik tung ra khẩu hiệu trên báo: “Tổng thống của các người, Thủ tướng của chúng tôi”! Lời kêu gọi ấy có ảnh hưởng to lớn. Kết quả là tháng 8, T. Mazowiecki (người của Công đoàn Đoàn Kết) được bầu làm Thủ tướng; tháng 11, Tướng Jaruzelski (người đã ra lệnh thiết quân luật) được bầu làm Tổng thống. Sau bầu cử, phe cộng sản vẫn nắm trong tay Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng. Chính phủ mới và Công đoàn Đoàn Kết chủ trương không buộc tội những người cộng sản điều hành nhà nước trong vòng 45 năm qua. Điều đó khiến Tổng thống cộng sản dễ dàng cho phép tháo bỏ những cơ chế XHCN hoàn tòan không phù hợp với đất nước. Cũng có lẽ Tổng thống nghĩ như Marian: không thể chống lại tuyệt đại đa số các đồng bào của mình được.

Ngày 29 tháng 12 năm 1989 Quốc hội phê chuẩn thay đổi Hiến pháp một lần nữa, chính thức chấm dứt chế độ cộng sản ở Ba Lan. Những sự kiện ở Ba Lan mở màn cho sự sụp đổ hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô.

Về với đời thường, Marian ba chìm bảy nổi, nhiều năm bôn ba sang Tây Âu kiếm sống. Cuối cùng thì thấy cũng chẳng đâu bằng quê nhà, trở về làm phó thường dân, buôn bán áo quần. Trước kia anh lấy hàng trên “Sân vận động Mười năm” – chợ trời lớn nhất châu Âu, nơi phần lớn bà con người Việt làm ăn. Khi chợ này có chiều tàn và ở Wolka Kosowska - một địa phương gần thủ đô Vacsava - mọc lên những trung tâm thương mại sầm uất thì Marian cũng như các thương gia và khách hàng khác, lũ lượt chuyển hướng về đây. Tình cờ anh làm quen được với một bạn hàng người Việt mà anh rất mực quý mến. Người bạn hàng ấy chính là tôi. Marian hiểu tôi hơn ai hết rất có thể là vì chính anh cũng như tôi, đã từng lênh đênh chìm nổi, lưu lạc nơi đất khách quê người, vật lộn với cuộc sống và gặp nhiều sự chẳng may. Còn đối với tôi anh không chỉ là một khách hàng mà còn là người bạn tốt, rất đáng tôn trọng.

Ngồi tán gẫu với Marian, ôn lại sự kiện ngày 13 tháng 12 năm 1981 mà cả hai chúng tôi đều là nhân chứng, tôi kết luận đùa với anh:

- Ngày ấy bọn mình mỗi người một thế giới, mỗi kẻ đi một đường, rồi vật đổi sao dời, cuối cùng lại gặp nhau ở đây. Nếu người La Mã ngày xưa nói, “mọi con đường đều dẫn đến thành Roma” thì ngày nay bọn mình cũng tự hào rằng “mọi con đường đều dẫn đến trung tâm thương mại Wolka Kosowska”!

- Đúng thế, sự đời thay đổi không ai lường được.

- Sau bao nhiêu năm, anh có cảm thấy điều gì hối tiếc?

- Làm gì có gì phải hối tiếc. – Marian nở một nụ cười rất hiền lành, chân thật.

Vacsava tháng 12 năm 2009

T. Đ. T.

Nguồn: zung.zetamu.net

(*) Tựa được BVN đặt lại.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn