Trung Quốc tại Biển Đông: Từ "quyết đoán" đến "hiếu chiến"

Trọng Nghĩa

clip_image001  
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 3/7/2011. REUTERS/Kham  

Biển Đông đột nhiên dậy sóng trở lại trong năm 2011 với một loạt hành động thô bạo của Trung Quốc nhắm vào Philippines và Việt Nam. Theo giới chuyên gia, để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền “phi lý” của mình, Bắc Kinh đang leo thang, chuyển dịch từ một thái độ “quyết đoán” đơn thuần qua “quyết đoán hiếu chiến”, đặt ra nhiều thách thức cho Manila và Hà Nội.

Tình hình Biển Đông tưởng chừng đã lắng dịu vào cuối năm ngoái 2010, đã đột nhiên dậy sóng trở lại trong năm nay. Trung Quốc đã có một loạt hành động thô bạo nhắm vào hai nước Philippines và Việt Nam đang tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh. Theo thẩm định của hầu hết các chuyên gia, để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền “vô lý” của mình, Bắc Kinh đang leo thang, chuyển dịch từ một thái độ “quyết đoán” đơn thuần qua “quyết đoán hiếu chiến”.

Các động thái mới của Trung Quốc lẽ dĩ nhiên đã đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng cho Việt Nam và Philipines, hai đối tượng bị Bắc Kinh trực tiếp thúc ép tại vùng Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc không hề che giấu ý định dùng sức mạnh để thâu tóm các vùng mà họ đơn phương tuyên bố quyền sở hữu.

Theo giới quan sát, chiến lược mới của Trung Quốc đi theo nhiều hướng: ngăn chặn không cho các nước láng giềng thăm dò dầu khí tại các khu vực mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền, gây sự cố để làm nản lòng các tập đoàn dầu khí quốc tế muốn khai thác các khu vực đó để nhường chỗ lại cho các công ty Trung Quốc.

Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ các đề nghị đàm phán đa phương để giải quyết vấn đề do chính họ gây nên, tránh không cho Hoa Kỳ can thiệp vào khu vực. Trung Quốc chủ trương giải quyết song phương, một biện pháp được giới phân tích cho là thể hiện dụng tâm dùng sức mạnh kinh tế và quân sự gây áp lực trên các láng giềng yếu thế hơn để buộc các nước này chấp nhận các điều kiện của Trung Quốc.

Sự kiện Bắc Kinh dự trù kéo giàn khoan khổng lồ vừa khai trương của họ xuống vùng Biển Đông trong tháng 7 này được cho là không xa lạ gì với ý định kể trên.

Leo thang trong hành động sách nhiễu Việt Nam và Philippines tại Biển Đông

Theo Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về châu Á và Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales), các hành động sách nhiễu Việt Nam và Philippines mới đây, thể hiện một sự leo thang từ phía Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn của báo chí ngày 28/6 vừa qua, ông nói rõ:

“Tôi xác định rằng các hành động của Trung Quốc trong năm nay là quyết đoán hiếu chiến (aggressive assertiveness), vì hai sự cố cắt cáp liên quan đến Việt Nam. Sự có đầu tiên khá rõ ràng. Tàu Trung Quốc đã cố tình và có chủ mưu trước khi sử dụng vũ lực làm gián đoạn các hoạt động làm ăn hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vụ việc thứ hai còn chưa rõ, nhưng trước đó, tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam đã bị quấy nhiễu trước khi sự cố cắt cáp bị tố cáo diễn ra.

Về trường hợp tàu thăm dò của Philippines, ít nhất là một tàu Trung Quốc đã có hành động như thể là sắp đâm vào [tàu Philippines]. Việc tàu Trung Quốc bắn vào các tàu đánh cá Philippines (vào tháng 2) được xem như là một hành động hung hãn khác thường. Các ngư dân không có vũ trang và không hề là mối đe dọa cho tàu khu trục của Trung Quốc.

Ngoài các sự cố trên biển, phản ứng của Trung Quốc khi bị Việt Nam và Philippines phản đối cũng thô bạo và hiếu chiến. Các hành động của Trung Quốc bắt nguồn từ nhận thức của chính họ, theo đó họ có quyền “quản lý Biển Đông” và thi hành “quyền tài phán” trong lĩnh vực hàng hải…”

Về nguyên do làm cho Trung Quốc trở nên hung hãn, giáo sư Thayer đưa ra ba giả thuyết:

“Có ít nhất ba động cơ đằng sau hành vi của Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc cảm thấy bị bắt buộc phải thực hiện quyền tài phán ở biển Đông sau khi họ chính thức đệ trình bản đồ chín đường gián đoạn hình chữ U lên Ủy ban Giới hạn Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc tìm cách giành quyền kiểm soát nguồn dầu khí được cho là đang nằm ở khu vực Trường Sa. Trung Quốc thường ước tính trữ lượng dầu tại đấy khoảng 8-9 lần nhiều hơn các công ty dầu hỏa phương Tây.

Thứ ba, Trung Quốc phản ứng lại việc Philippines và Việt Nam cung cấp các hợp đồng thăm dò và bắt đầu các hoạt động thăm dò dầu khí”.

Điều đáng lo ngại, theo Giáo sư Thayer, là Trung Quốc chưa thấy có dấu hiệu từ bỏ tham vọng chủ quyền quá đáng của họ ở Biển Đông:

“Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách vừa dùng ngoại giao vừa dùng sức ép cụ thể trên biển để khẳng định đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông, bên trong đường chín vạch. Trung Quốc sẽ tiếp tục đòi giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở song phương với các nước tranh chấp trực tiếp liên can. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc là làm sao để cho một trong những nước đòi chủ quyền phải bỏ cuộc, qua đó làm trầm trọng thêm bất đồng trong khối ASEAN.

Sức ép cụ thể trên biển của Trung Quốc cũng nhằm thúc đẩy các công ty dầu khí nước ngoài đánh giá lại rủi ro trong việc thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp. Áp lực đó cũng nhằm thuyết phục Manila và Hà Nội rằng cái giá phải trả khi đối đầu với Bắc Kinh năng nề hơn cái lợi thu được. Cái lợi đó là để Trung Quốc đồng tham gia khai thác”.

Đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tiếp tục bị quốc tế chỉ trích

Thái độ hung hăng của Trung Quốc đã bị cả Việt Nam và Philippines cực lực tố cáo và thu hút sự quan tâm của thế giới, đặc biệt sau những cuộc biểu tình tại Việt Nam cũng như tại nhiều nước khác, phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc. Thái độ này cũng đã được bàn bạc tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào đầu tháng 6, và mới đây tại cuộc Hội thảo về An ninh Hàng hải ở Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức trong hai ngày 21-22/6 ở Washington, Hoa Kỳ.

Nhân hội nghị này, hành động mới đây của Trung Quốc cũng như các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông đều đã bị giới phân tích và nghiên cứu quốc tế chỉ trích. Ngoại trừ đại diện của Trung Quốc, hầu như tất cả các chuyên gia tham gia hội nghị đều cho rằng những lập luận được dùng làm cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên phần lớn diện tích Biển Đông, thể hiện trong tấm bản đồ hình chữ U đều không có tính thuyết phục.

Giáo sư Carl Thayer là một trong những diễn giả có tham luận tại hội nghị ở Washington. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, ông xác nhận là các chuyên gia đại diện Việt Nam tại Hội nghị đã thành công trong việc thuyết phục cử tọa về lập trường của Việt Nam. Qua thư điện tử email, ông viết:

- Việt Nam có đại diện là Quyền Viện trưởng Học viện Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý, và Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, cũng thuộc Học viện Ngoại giao.

Ông Quý, từng là Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Washington cách đây sáu năm, có trình độ tiếng Anh thông thạo và phong cách phát biểu mạnh mẽ. Ông biết sử dụng sự hài hước và những nhận xét sắc bén để thúc đẩy quan điểm của mình.

Tiến sĩ Thủy bị nhiều sức ép từ một chuyên gia châu Âu, đã chất vấn ông một cách chi tiết về xuất xứ tấm bản đồ được ông sử dụng trong phần trình bày của mình. Ông cũng bị áp lực từ phía một đại diện của đảng Việt Tân, đã nêu lên vấn đề lá thư năm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gởi cho phía Trung Quốc, thừa nhận vùng lãnh thổ mới của nước này.

Cả hai ông Quý và Thủy đều hữu hiệu trong việc nêu lên trường hợp của Việt Nam trước một cử tọa phần lớn là có thiện cảm với Việt Nam, thấy rằng Việt Nam là nạn nhân của Trung Quốc…

Trên vấn đề này, ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc Vụ Chính trị và An ninh của Ban Thư ký ASEAN, đặc biệt nổi bật. Ông rất nhún nhường, nhưng rất sắc bén trong các nhận xét. Bất cứ ai tham dự hội nghị đều nhớ câu bình luận châm biếm của ông đối với diễn giả Trung Quốc. Khi đề cập đến vấn đề lời nói và việc làm, ông cho rằng khối ASEAN chỉ biết “nói và nói mà thôi”, còn Trung Quốc thì “nói và thâu tóm lấy”.

Ngày đầu tiên của Hội nghị được tổ chức tại trụ sở của Viện CSIS và thu hút rất nhiều người Mỹ gốc Việt cũng như các phương tiện truyền thông Việt Nam. Nhưng các quan chức Trung Quốc cũng hiện diện đáng kể. Qua ngày thứ hai, diễn ra tại Đại học Georgetown, người Trung Quốc đã ào ào đổ tới và vượt xa số người Việt Nam.

Đánh giá của tôi là hầu hết những người tham gia hội nghị đều đã góp phần tạo ra được một bầu không khí thông cảm với Việt Nam, nâng cao được nhận thức về vấn đề này trong tầng lớp ưu tú đảm trách chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như trong các thành viên có thế lực của Quốc hội Hoa Kỳ.

Đại diện Trung Quốc tại hội nghị không biện minh được cho lập trường của Bắc Kinh

- Giáo sư Tô Hạo thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh là người tham gia duy nhất đến từ Trung Quốc, và ông đã nói rõ là ông chỉ phát biểu với tư cách cá nhân. Dường như viện CSIS cũng có mời các học giả khác từ Trung Quốc nhưng họ không thể đến tham dự hội nghị.

Tiến sĩ Tô Hạo nói năng rất nhẹ nhàng, điềm đạm, và ngây ngô. Ông bảo vệ quan điểm chính thống của Trung Quốc, và làm cho đa số trong cử tọa phải sững sờ. Những ý kiến ông đưa ra, được hiểu là Trung Quốc đã đòi hỏi chủ quyền trên tất cả mọi thứ nằm bên trong vòng chữ U của tấm bản đồ 9 đường gián đoạn của họ. Ông Tô Hạo đã nhiều lần đánh giá rằng Biển Đông là một vấn đề "phức tạp".

Chính trong báo cáo tại hội nghị CSIS, mà Giáo sư Thayer đã nói về "thái độ quyết đoán hiếu chiến của Trung Quốc" nhắm vào Philippines và Việt Nam.

Về cách đối phó của chính phủ Việt Nam trước các hành động "gây hấn" mới của Trung Quốc, ông đánh giá như sau:

- Trước năm 2011, Việt Nam đã bắt đầu đối phó với các hành động quyết đoán của Trung Quốc bằng cách hiện đại hóa lực lượng không quân và hải quân của mình. Trong năm qua, Việt Nam đã tiếp nhận một khu trục hạm Gepard (do Nga sản xuất), có trang bị hệ thống tên lửa được hướng dẫn bằng radar. Việt Nam cũng mua thêm tên lửa địa đối hạm và nhiều chiến đấu cơ Su-30 MK-2 cũng được trang bị tên lửa không đối hạm... Việt Nam sẽ tiếp nhận chiếc tàu ngầm loại Kilo đầu tiên trong thời gian tới đây.

Trong năm nay, chính phủ Việt Nam đã bãi bỏ một số hạn chế, để cho phép báo chí đưa tin về Biển Đông và đáp trả lại các cuộc tấn công của các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Chính quyền Việt Nam cũng đã chấp thuận cho công chúng biểu tình 4 ngày (Chủ nhật) cuối tuần liên tiếp. (Hôm qua là lần thứ năm). Cả Thủ tướng chính phủ lẫn Chủ tịch nước Việt Nam đều lên tiếng kêu gọi bảo vệ chủ quyền quốc gia một cách mạnh mẽ.

Có lẽ phản ứng hiệu quả nhất là việc Việt Nam tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ngoài khơi bờ biển miền Trung. Và tất nhiên là sự kiện Thủ tướng Việt Nam ban hành một thông báo nêu rõ các trường hợp miễn nghĩa vụ quân sự trong trường hợp quốc gia lâm nguy.

Đối sách của Việt Nam trong hồ sơ Biển Đông: kiên định về nguyên tắc, thực dụng trong xử lý

Tuy vậy trong thời gian qua, một số quan sát viên đã cho rằng phản ứng của Việt Nam trước các hành động của Trung Quốc, có vẻ yếu ớt hơn phản ứng của Philippines. Giáo sư Thayer không đồng ý với nhận định này:

- Việt Nam không thể đối đầu với Trung Quốc một cách quá trực tiếp. Hà Nội đang theo đuổi một chính sách “khoanh vùng” vấn đề Biển Đông, tách nó ra khỏi các mối quan hệ rộng và sâu hơn giữa hai nước. Nói cách khác, Việt Nam kiên định về mặt nguyên tắc, nhưng thực dụng trong cách xử lý một loạt các vấn đề liên quan đến nhau.

Việt Nam đã thực hiện chính sách này một cách dễ dàng hơn nhờ vào phản ứng mạnh mẽ chống lại Trung Quốc từ phía Philippines. Tôi không nghĩ rằng phản ứng của Việt Nam yếu hơn Philippines vì lẽ Manila đang lún vào một cuộc tranh luận rất cởi mở và công khai về cách đối phó với Trung Quốc.

Các quan điểm tại Philippines đi từ bó giáo quy hàng cho đến vùng dậy chống lại Trung Quốc. Một số người lập luận rằng Mỹ sẽ can thiệp trợ giúp Philippines, trong khi những người khác cho rằng giá trị Hiệp ước An ninh Hỗ tương Mỹ - Phi không bằng tờ giấy ghi lại văn kiện đó!

Trung Quốc có thể hài lòng trước tình trạng lộn xộn ở Philippines, và lợi dụng sự bất đồng trong nội bộ đó. Nhưng Việt Nam thì có một mặt trận thống nhất trong nước mạnh mẽ hơn.

Một số người Việt Nam thì lại có quan điểm riêng, cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn còn đang tranh luận về chính sách đối với Trung Quốc, và hiện chưa có hướng đi rõ ràng nào xuất hiện trong các bài xã luận trên các tờ báo đảng là Nhân dân hoặc Tạp chí Cộng sản.

Đàm phán Biển Đông: Vừa song phương, vừa đa phương

Riêng về dư luận cho rằng chính quyền Việt Nam đã lùi bước trước Trung Quốc khi phải cử đặc sứ Hồ Xuân Sơn qua Bắc Kinh hạ tuần tháng 6 vừa qua, và chấp nhận một số điều kiện như dẹp bỏ biểu tình chống Trung Quốc, đàm phán song phương…, Giáo sư Thayer có quan điểm thận trọng hơn:

- Năm ngoái, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức 5 cuộc thảo luận song phương bí mật về Biển Đông. Việt Nam không nhượng bộ Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh rằng các cuộc thảo luận song phương chỉ tập trung vào các vấn đề ảnh hưởng đến hai bên. Việt Nam muốn đưa quần đảo Hoàng Sa vào vòng đàm phán, nhưng Trung Quốc đã từ chối.

Hai bên tiếp tục thảo luận về việc phân định cửa Vịnh Bắc Bộ và các hướng dẫn hay nguyên tắc cơ bản để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Họ đã đạt được một thỏa thuận tương tự cho biên giới trên bộ và điều đó đã giúp cho vấn đề được giải quyết nhanh chóng.

Thế nhưng Việt Nam đã cho biết rõ ràng là sẽ không và không thể thảo luận các vấn đề có ảnh hưởng đến các bên thứ ba.

(Sau chuyến đi của ông Hồ Xuân Sơn), bản thông cáo báo chí chung (không phải là một tuyên bố chung) có rất ít điểm mới mà chưa từng được nói lên trước đây. Tài liệu đó không có nhiều giá trị cho đến khi được các Ngoại trưởng xác nhận trong một tuyên bố chung thực thụ, và được xác nhận ở cấp cao nhất là các nhà lãnh đạo.

Điểm mới trong bản thông cáo báo chí đó là vấn đề yêu cầu "hướng dẫn công luận". Việt Nam sẽ phải dẹp các cuộc biểu tình để đánh đổi với việc Trung Quốc khóa miệng giới báo chí của họ vốn đang cực lực đả kích Việt Nam. Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) đã đóng vai trò của một con chó dữ Rottweiler.

Việt Nam đã theo truyền thống trước đây bằng cách gửi sứ giả qua Trung Quốc. Điều này thừa nhận những gì mọi người đều biết - Trung Quốc là cường quốc chủ yếu trong khu vực. Mong muốn của ngành ngoại giao Việt Nam là làm sao tránh cho Việt Nam không bị coi như là nước gây ra vấn đề. Việt Nam phải chứng tỏ là mình hành xử một cách hợp lý và theo đuổi con đường ngoại giao, cả với Trung Quốc lẫn với các thành viên khác của ASEAN.

Việt Nam không phải là nước duy nhất theo đuổi phương thức đàm phán vừa song phương, vừa đa phương (trên vấn đề Biển Đông). Đó cũng là chính sách được tuyên bố của Malaysia và Philippines, cũng như Indonesia.

Hà Nội và Manila phải nâng cao năng lực kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế

Trong tham luận tại hội nghị ở Washington, Giáo sư đã cho rằng "Cả Philippines lẫn Việt Nam nên thực hiện các bước để nâng cao năng lực xác lập chủ quyền quốc gia trên vùng đặc quyền kinh tế EEZ của mình. Về đề nghị này, ông nói rõ thêm:

- Việt Nam đã bắt tay vào một chương trình hiện đại hóa nhằm phát triển năng lực giám sát vùng đặc quyền kinh tế của mình. Giờ đây, Việt Nam phải phát triển các chương trình để tích hợp màng lưới radar ven biển với hệ thống radar của hải quân và không quân. Trong dài hạn, Việt Nam phải xem xét việc giảm lực lượng bộ binh để tăng cường hải quân và không quân.

Việt Nam có thể tiến hành tập trận chung với hải quân các quốc gia hàng hải trong khu vực để học hỏi kinh nghiệm của họ, trong việc thực hiện kiểm soát các vùng đặc quyền kinh tế.

Riêng Philippines thì phải bắt đầu hầu như từ “số không”. Trong thời gian qua, họ đã để cho lực lượng hải quân và không quân của họ teo tóp lại. Hiện thời, Philippines đang làm việc với Mỹ để mua tàu tuần duyên, và với Đài Loan để mua tàu bắn tên lửa, tìm mua thêm radar ven biển. Philippines đang thay đổi học thuyết của mình, từ việc tập trung vào an ninh nội bộ họ đang chuyển sang lãnh vực bảo vệ lãnh thổ.

Tuy nhiên, Philippines phải tốn kém rất nhiều thời gian, phải đề ra cả một chương trình để có được một số lượng lớn các tàu thuyền thích hợp với việc triển khai trong vùng Biển Đông.

T.N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn