Giáo sư Võ Tòng Xuân nên nói lại!

Thuận Lý

Ngày 4-8-2011, Bauxite Việt Nam có bài Vài lời với giáo sư Võ Tòng Xuân và bà con nông dân của nhà giáo Vũ Cao Đàm. Bài này nhà giáo Vũ Cao Đàm đã gửi cho Vietnamnet – nơi đã đăng bài Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhưng đã được trả lời là trong tình hình hiện nay bài viết chưa sử dụng được! Lạ chưa? “Tình hình hiện nay”mà Vietnamnet làm căn cứ để từ chối đăng bài này là tình hình chính trị hay kinh tế vậy? Đây chẳng những là vấn đề quan hệ đến lợi ích của nông dân mà còn là vấn đề thuộc an ninh quốc gia, lẽ ra các cơ quan truyền thông và cả cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm nhanh chóng làm rõ một cách công khai!

Không biết giáo sư Võ Tòng Xuân đã đọc ý kiến phản hồi của nhà giáo Vũ Cao Đàm chưa? Giáo sư là người có đủ tư cách và trách nhiệm nói lại vấn đề này trên Vietnamnet mà cơ quan này không thể từ chối, không đăng.

Tôi là người từ lâu rất trân trọng ý kiến và tấm lòng của Giáo sư đối với nông dân. Năm 1993, tôi đã được đọc bài viết của Giáo sư có tựa đề “Bao giờ nông dân mới giàu?”. Sau đó có một bác nông dân tên là Sáu Kiên Nhẫn đã trả lời Giáo sư trong lá thư ngỏ “Kính gửi Giáo sư Vũ Tòng Xuân”, đăng trên báo Lao Động ngày 4-7-1993. Nội dung thư kể những khó khăn của nông dân kéo dài không được giải quyết như: Bị chèn ép phải bán lúa dưới giá thành, không có quyền sở hữu đất đai… Bác Sáu Kiên Nhẫn cho Giáo sư Võ Tòng Xuân biết rằng, “nông dân chúng tôi chỉ giàu khi người ta muốn chúng tôi giàu!” (ý Bác Sáu Kiên Nhẫn muốn nói là khi có chính sách vì lợi ích của nông dân). Sáu Kiên Nhẫn tỏ ra hi vọng kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khóa 8 đang họp, trong chương trình đã công bố có việc sửa đổi Luật đất đai năm 1987, sẽ giải quyết vấn đề quyền sở hữu đất đai cho nông dân.

Ngày 14-7-1993, Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi, vẫn giữ quan điểm “đất đai là sở hữu toàn dân”, nhưng không thấy Sáu Kiên Nhẫn tỏ ý vui hay buồn.

Mãi đến 17 năm sau, ngày 15-3-2010, trên báo Người Lao Động lại có bài báo thứ hai của Giáo sư Võ Tòng Xuân cùng một tựa đề với bài hồi trước: “Nông dân: Bao giờ mới giàu?”. Đọc bài báo của Giáo sư, thấy những điều băn khoăn của bác Sáu Kiên Nhẫn vẫn còn y nguyên đó!

Tôi rất tâm đắc với những bức xúc kéo dài 17 năm của Giáo sư. Dù biết rằng lĩnh vực này mình không thật am hiểu, nhưng với tình yêu nông dân, những người làm ra hạt gạo nuôi cả dân tộc mà vẫn đang quá nghèo khổ, tôi mạnh dạn hưởng ứng Giáo sư bằng bài viết tựa đề: “Lại hỏi: Bao giờ nông dân mới giàu?”. Bài này được đăng trên báo Lao Động ngày 1-5-2011. Bài có những đoạn: “Phập phù giá lúa, bấp bênh giá gạo” nói về tình trạng kéo dài hơn 20 năm, người nông dân vẫn không có cơ chế đảm bảo cho mình được quyết định giá lúa trước những nhà buôn gạo ép giá thu lời trên mồ hôi nước mắt của họ. Đoạn “Nông nghiệp không có nhạc trưởng”, nói về nông nghiệp có tới 5 Bộ, thêm cả chính quyền địa phương quản lý mà chẳng nơi nào chịu trách nhiệm về việc mỗi năm mất từ 70.000 ha đến 100.000 ha đất nông nghiệp! Đoạn “Không có ai bảo vệ quyền lợi nông dân” nói về tình cảnh nông dân bị các Dự án lấy đất, đền bù với giá rẻ mạt mà Hội Nông dân không có quyền can thiệp bảo vệ hội viên của mình. Có mấy vấn đề lớn cần được giải quyết: Nghị quyết T.Ư. 7, khóa 10 đã đề ra việc sửa đổi Luật Đất đai, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc nên công nhận quyền sở hữu đất đai của nông dân. Nghị quyết T.Ư.7 cũng đề ra việc “hướng dẫn phát triển hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp”. Nhiều ý kiến cho rằng nên giúp đỡ cho nông dân hình thành những công ty cổ phần sản xuất nông nghiệp, để có hình thức tổ chức bình đẳng hợp đồng với các đối tác rất lớn như Hiệp hội lương thực Việt Nam và giải quyết tình trạng hạt gạo Việt Nam do sản xuất manh mún, “năm cha ba mẹ”, nên không có thương hiệu, không thể đủ sức cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo. Một vấn đề nữa là: Nông nghiệp Việt Nam chiếm 70% dân số, dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, đóng góp 20% GDP mà hiện nay chỉ được đầu tư khoảng 5-6% tổng đầu tư, khoảng đầu tư lớn nhất lại dồn cho ngành đóng tàu luôn luôn thua lỗ!

Năm nay nhà nước bắt đầu bỏ tiền ra giúp cho việc xây dựng nông thôn mới. Đó là việc làm đáng hoan nghênh; tuy nhiên phải có chính sách để tạo điều kiện cho nông dân yêu ruộng đất, tích cực sáng tạo, làm giàu bằng đôi tay và khối óc của mình và tự mình xây dựng nông thôn mới cho mình thì mới là cách giải quyết cơ bản!

Không nên vì quá yêu nông dân mà “cám ơn thương nhân Trung Quốc” một cách cảm tính, để rồi đẩy họ chuốc lấy tai họa, mà không chỉ riêng họ mang họa đâu, cả đất nước phải mang họa đấy! Vì sao? Nhà giáo Vũ Cao Đàm đã phân tích việc này rất có sức thuyết phục xin không phải nhắc lại.

Ngày 8-8-2011

T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn