Tại sao bỗng dưng nhảy tưng sang Châu Phi lập liên doanh trồng lúa (?!)

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Muốn lập liên doanh đầu tư trồng lúa ở Sierra nói riêng và ở châu Phi nói chung thì những nhà khởi xướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là Chính phủ Việt Nam, phải trả lời thỏa đáng cho nông dân Việt Nam các câu hỏi: Việt Nam được lợi gì khi đầu tư trồng lúa ở châu Phi? Và việc phát triển cây lúa ở châu Phi có làm mất thị trường xuất khẩu gạo của nông dân Việt Nam, do tạo thêm cạnh tranh về xuất khẩu gạo hay không?

Hoàng Kim

(Những suy nghĩ nhân đọc bài: “Sang châu Phi trồng lúa” đăng trên Sài Gòn Tiếp thị Online)

Trước đây, tôi có nghe chuyện GS. TS Võ Tòng Xuân muốn giúp châu Phi trồng lúa. Tôi nghĩ: Giáo sư là một nhà khoa học lớn, một nhân cách lớn, nên có một tâm hồn lớn. Việc Giáo sư bất nhẫn trước nạn đói của châu Phi nên muốn giúp các nước châu Phi trồng được lúa để hết đói là một việc thiện, cho nên Giáo sư chủ trì chương trình “An toàn lương thực Tây Phi Châu – Sierra Leone” là điều có thể hiểu được.

Các công ty như công ty Long Dân, công ty Hữu Nghị, hoặc cá nhân bà Từ Thanh Hương vì hám lợi do thấy đất hoang còn nhiều ở Sierra Leone, nên đầu tư làm lúa để kiếm lời cũng là điều có thể hiểu được.

Nhưng hôm nay, khi đọc phát biểu của PGS. TS Dương Văn Chín, Phó viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cữu Long về những dự án đầu tư trồng lúa tại Sierra Leone châu Phi rằng: “Trong thời gian sắp tới, khả năng dự án có thể khởi động được vì Ai Cập hứa sẽ giúp về mặt tài chính. Hình thức hợp tác là: Sierra Leone có tài nguyên và nhân lực, Việt Nam cung cấp chuyên gia cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật, còn nguồn tài chính từ Ai Cập. Khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ soạn dự án chi tiết. Khi có kinh phí sẽ hoạch định chi tiết làm như thế nào, trong mấy năm, cử bao nhiêu chuyên gia sang, máy móc, trồng cây gì ưu tiên…”, tôi thấy vấn đề đã trở nên nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nếu đúng như PGS Dương Văn Chính nói - đã lẫn lộn giữa việc thiện của một cá nhân và việc hợp tác vì quyền lợi song phương của hai quốc gia.

Khi “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn dự án chi tiết” cho Bộ Nông nghiệp của Sierra Leone để trồng lúa, dưới sự tài trợ tiền bạc của Ai Cập, có nghĩa là việc sản xuất lúa đã trở thành việc hợp tác của hai quốc gia Việt Nam và Sierra Leone.

Việc hợp tác của hai quốc gia phải được xem xét ở góc độ quyền lợi. Quyền lợi của quốc gia và quyền lợi của nông dân. Muốn lập liên doanh đầu tư trồng lúa ở Sierra nói riêng và ở châu Phi nói chung thì những nhà khởi xướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là Chính phủ Việt Nam, phải trả lời thỏa đáng cho nông dân Việt Nam các câu hỏi: Việt Nam được lợi gì khi đầu tư trồng lúa ở châu Phi? Và việc phát triển cây lúa ở châu Phi có làm mất thị trường xuất khẩu gạo của nông dân Việt Nam, do tạo thêm cạnh tranh về xuất khẩu gạo hay không?

Lợi đâu tôi không thấy, có đâu mà thấy (?!). Nếu có thì quí vị hãy trưng ra. Tôi chỉ thấy toàn là tai hại cho nông dân Việt Nam, và nền kinh tế Việt Nam.

Giúp cho châu Phi làm lúa, rồi khi đủ lông đủ cánh họ “tự xuất khẩu gạo” Việt Nam được lợi gì?

Ông Alie Badara Mansaray – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực Cộng hòa Sierra Leone cho biết: “đã có giống lúa được mang từ đồng bằng sông Cữu Long sang Sierra Leone trồng và phát triển tốt…” Và ông nêu rõ mục đích của liên doanh: “Việc quan trọng nhất là thành lập các liên doanh giữa Việt Nam và Sierra Leone để cùng khai thác thị trường tiềm năng và sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu (tôi nhấn mạnh) cho các nước Tây Phi, châu Phi và các thị trường khác như châu Âu”.

Sierra Leone và châu Phi là thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, nay cử chuyên gia sang để hướng dẫn họ cách làm lúa, họ làm lúa đủ ăn tức là chúng ta mất thị trường xuất khẩu gạo, họ làm lúa dư ăn sẽ xuất khẩu, tức là Việt Nam tự tạo ra đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo.

Tự tạo ra đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo, trong khi gạo
Việt Nam nhiều năm liền không có ai mua, vì không có khách hàng mua gạo nên Chính phủ phải thực hiện chính sách mua tạm trữ lúa gạo giá thấp, hành động này còn gọi là gì nếu không nói là sự ngu xuẩn đến vô cảm (hay vô cảm vì ngu xuẩn).

Hành động đưa chuyên gia và chuyển giao kỹ thuật cho châu Phi làm lúa, khiến cho châu Phi có thể cạnh tranh trong xuất khẩu gạo, đứng trên góc độ nông dân, là một sự phản bội lại quyền lợi của nông dân, đứng trên phương diện kinh tế, thể hiện một cái nhìn thiển cận, thấy lợi ích trước mắt mà không thấy thiệt hại lâu dài, đứng trên bình diện chính trị là một sự phản động, do nông dân có thể tạo bất ổn chính trị khi không bán được lúa.

Cũng cần phải nói rõ rằng: kinh nghiệm làm lúa được đúc kết bằng mồ hôi, nước mắt và có khi cả xương máu của nhiều thế hệ nông dân, đây là bí mật của nông dân và cũng là bí mật của quốc gia, nên không có ai được phép tự tiện mang đi biếu không cho nước ngoài.

Diện tích đất nông nghiệp của Sierra Leone khoảng 5 triệu ha, nếu 5 triệu ha này sản xuất được lúa thì mỗi năm xuất khẩu ra thị trường thế giới bao nhiêu triệu tấn gạo? Nếu tất cả đất nông nghiệp của châu Phi đều sản xuất được lúa thì nông dân Việt Nam làm lúa bán cho ai?

Việc trồng lúa ở châu Phi thành công – châu Phi xuất khẩu được gạo – lợi ích chỉ là một vài cá nhân tiên phong, được các quốc gia châu Phi khen thưởng bằng vật chất và tinh thần, còn hằng triệu nông dân Việt Nam, sẽ ngày càng cơ cực, vì lúa làm ra không biết bán ở đâu và bán cho ai.

Chúng ta bán gạo theo giá thỏa thuận ra thị trường thế giới là đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới. Việt Nam là nước nghèo, nông dân Việt Nam đang ngày càng nghèo hơn, đừng tự phong cho mình nhiệm vụ bao đồng đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới.

Còn nhớ, vào tháng 9/2009, trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trong hai bài viết “Lo ngại liên doanh gạo Việt Nam – Campuchia” và bài “Không thể không lo về việc liên doanh lúa gạo” tôi đã phản đối việc thành lập liên doanh lúa gạo giữa Việt Nam và Campuchia để giúp Campuchia làm lúa và xuất khẩu lúa làm ra, vì sẽ lấn chiếm thị trường của nông dân Việt Nam và biến Campuchia thành đối thủ trong việc xuất khẩu gạo. Liên doanh vẫn thành lập bất chấp sự phản đối của nông dân chúng tôi.

Tháng 10/2010, cũng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trong bài: “Campuchia muốn tự xuất khẩu gạo” tác giả Phạm Quang Diệu cho biết năm 2010 Campuchia xuất khẩu khoảng 850.000 tấn gạo, năm 2011 cũng sẽ xuất khẩu với số lượng tương tự và nhận định: “Khi xuất khẩu gạo của Campuchia tăng lên, đặc biệt khi nước này đang nhắm vào các thị trường Đông Nam Á, sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Hơn nữa, những động thái gần đây cho thấy Campuchia sẽ tham gia mạnh mẽ hơn theo hình thức cung cấp gạo theo cấp chính phủ, cạnh tranh với các hợp đồng tập trung của Việt Nam”.

Giúp cho Campuchia thành nước xuất khẩu gạo, thành đối thủ cạnh tranh, thế nhưng khi đủ mạnh thì “Campuchia muốn tự xuất khẩu gạo”, hãy nghe lãnh đạo Campuchia phát biểu trong bài viết nêu trên: “Phát biểu trong trung tuần tháng 10, Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia đang hướng tới thị trường Trung Quốc để xuất khẩu gạo. Thủ tướng cho biết một thỏa thuận sẽ được ký kết giữa hai bên về vấn đề xuất khẩu gạo của Campuchia”.

Vậy thì, Việt Nam đã được lợi gì trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để biến Campuchia thành nước xuất khẩu gạo, khi Campuchia hất cẳng chúng ta để xuất khẩu gạo qua Trung Quốc? Tổng công ty Lương thực miền Nam đạt được lợi ích nhỏ cục bộ là thu lợi nhuận từ gạo xuất khẩu của Campuchia, liệu lợi ích cục bộ này có bền vững không? Trong khi thiệt hại cho nông dân là điều đã thấy trước con mắt.

Nông dân Việt Nam ngày càng nghèo hơn không lo giúp đỡ, lúa gạo nông dân làm ra không tìm cách bán giá cao, tự nhiên lại nhảy tưng qua giúp châu Phi trồng lúa, chính tư duy bao đồng, vô trách nhiệm này đang làm hại nông dân Việt Nam.

Vài tay ngu xuẩn và hám lợi mang ốc bưu vàng về nuôi, nay nông dân chúng tôi phải gánh hậu quả nặng nề mỗi vụ, vì tốn công tốn của để diệt ốc bưu vàng, tức tối không biết bao nhiêu mà nói. Nay, nếu người ta tỏa đi tứ hướng để chỉ các nước trồng lúa, hậu quả không phải là tốn công tốn của, mà nông dân sẽ nghỉ trồng lúa, vì cả thế giới trồng được lúa thì nông dân Việt Nam trồng lúa để bán cho ai?

H.K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn