Tận diệt thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không còn có chỗ dung thân: mùa nước nổi thủy sản lên đồng ruộng thì bị cách đánh bắt bằng dớn tận diệt, thủy sản ở dưới sông bị các ghe cào sử dụng dòng điện tận diệt, lại còn bị người dân mang bình ắc quy có bộ biến đổi điện 1 chiều thành điện xoay chiều 220 vôn gọi là “xiệt” tận diệt hằng ngày.

clip_image002

Những cái dớn (còn gọi là đú) này tận diệt tất cả thủy sản lên đồng vào mùa nước nổi

clip_image004

Dớn chi chít trên đồng

Mùa nước nổi là lúc thủy sản từ thượng nguồn sông Mê Kông, từ Biển Hồ Campuchia theo dòng nước chảy đổ về những cánh đồng của ĐBSCL. Thủy sản sinh sôi và lớn lên trên đồng, khi nước rút, thủy sản theo nước rút xuống sông và kênh rạch. Đây là nguồn lợi thủy sản quan trọng nhất ở ĐBSCL.

Vậy mà, mỗi năm, cứ đến mùa nước nổi, trên đồng ruộng xuất hiện chi chít những cái dớn (còn gọi là đú) để bắt thủy sản theo cách tận diệt. Mật độ dớn dày đến nổi hầu hết thủy sản sẽ bị bắt khi lên đồng.

Nhìn vào hình ta thấy: dớn gồm có hai phần, phần đầu có những cái hom bằng lưới, làm cho thủy sản vào được nhưng không ra được, phần thân dài khoảng 50 – 100 mét, là lưới để ngăn đường đi của thủy sản, buộc thủy sản phải đi đến đầu dớn.

Lưới làm dớn là loại lưới phơi lúa, mắc lưới nhỏ đến nổi con muỗi chui qua không lọt, vì vậy tất cả thủy sản có kích cỡ từ con muỗi trở lên đều bị bắt khi chui vào dớn.

Thủy sản lên đồng không có đường thoát, thủy sản ở dưới sông số phận cũng không hơn gì, hằng ngày bị các ghe cào bằng dòng điện tận diệt.

Những chiếc ghe cào sử dụng điện, thế nên thủy sản không mắc lưới cũng chết vì điện giật, ghe cào trang bị động cơ cao mã lực thường là động cơ 6 máy, khi chạy tiếng rền ở xa cả cây số cũng nghe được.

Ngoài ra, từng người dân, trang bị xiệt để bắt thủy sản, số lượng thủy sản mỗi lần bắt của từng người không nhiều, nhưng số lượng người đánh bắt kiểu này rất nhiều và thường xuyên quanh năm, do đó số lượng thủy sản bị tận diệt bằng cách này rất lớn.

clip_image006

Đang xiệt ven bờ

Chỉ cần đi dọc quốc lộ từ Cao Lãnh về Tân Hồng vào mùa nước nổi, chúng ta sẽ thấy chi chít trên đồng những cái dớn. Buổi chiều, ven sông, tiếng ghe cào điện rền vang cách cả cây số cũng nghe được (nhưng những người có trách nhiệm lại không nghe). Còn xiệt thì ven sông và trên đồng lúc nào cũng có người mang bình đi xiệt.

Chúng ta có “Luật Thủy sản” và cả “Luật Hình sự” để bảo về nguồn lợi thủy sản, thế nhưng, tại sao các vi phạm tận diệt thủy sản đang xảy ra ngang nhiên, hiển hiện trước mắt các cấp chính quyền?

Một cán bộ Ấp than thở với tôi: “Xã kêu tôi đi bắt xiệt, tôi bắt được gần chục cái, đem về văn phòng Ấp, để ít ngày, Xã lệnh cho người ta xin lại hết, lý do là vì họ nghèo, tôi bắt người ta thì bị người ta ghét, rồi lại cho lại, từ rày về sau Xã có ra lệnh tôi cũng chẳng dại gì đi bắt”.

Một cán bộ Huyện cho tôi biết: “Năm nào cũng ra quân đi bắt dớn, nhưng tinh thần chung là thấy họ nghèo nên thường nới tay, làm cho có hình thức chứ chẳng triệt để”.

Tôi hỏi một người có dớn rằng không sợ chính quyền lấy dớn sao? Anh ấy trả lời: “Chính quyền thông cảm cho dân nghèo mình anh ơi, trước khi ra quân mấy ổng cho mình hay, mình đạp dớn xuống dưới mặt nước, xong rồi thì lại kéo lên, còn mấy cái dớn chính quyền lấy về làm điển hình thì ai xui bị trúng ráng chịu”.

À, ra vậy, vì thương dân nghèo mà chính quyền các cấp làm ngơ cho họ kiếm sống bằng cách tận diệt nguồn lợi thủy sản (?!) mà quên rằng con cháu của chúng ta sẽ gánh hậu quả nặng nề từ việc làm này.

Thời cha tôi, hễ có nước là có cá, ra đồng kéo lục bình lên là thấy cá lóc lúc nhúc ở dưới, nay thời tôi, phải ăn cá nuôi, trên đồng và dưới sông không còn cá, đừng để cho con cháu chúng ta trách móc chúng ta đã tận diệt nguồn lợi thủy sản của chúng.

Thương và lo cho dân nghèo bằng các chính sách xóa đói giảm nghèo là những công việc tốt đẹp đầy tính nhân bản của Đảng và Nhà nước, thế nhưng, để cho người nghèo đứng trên luật pháp khiến họ ngày đêm tận diệt nguồn lợi thủy sản là điều sai trái.

Trong bộ Luật Hình sự có quy định về tội hủy hoại các nguồn lợi thủy sản như sau:

Khoản 1 Điều 188: Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản”.

Quy định này được hiểu là lần thứ nhất vi phạm thì chỉ phạt hành chính, lần thứ 2 mới bị phạt tiền hoặc phạt tù.

Quy định này tạo ra khe hở, tôi xin lấy thí dụ: một ghe cào bị bắt lần đầu ở huyện Tân Hồng theo quy định bị xử phạt hành chính, sau đó ghe cào này ra huyện Hồng Ngự bị bắt vẫn là vi phạm lần đầu vẫn xử phạt hành chính, tiếp đó ghe cào này vi phạm ở Huyện Cao Lãnh vẫn là lần đầu nên cũng chỉ phạt hành chính… vì ghe cào không đăng ký, không có số hiệu nên giả sử huyện Tân Hồng bắt được ghe này vi phạm lần thứ 2 cũng rất khó chứng minh, khi chủ ghe nói mới vi phạm lần đầu (chủ bị bắt lần này không phải người bị lập biên bản lần trước).

Để ngăn cấm triệt để việc hủy hoại nguồn lợi thủy sản bằng dòng điện, tôi đề nghị Điều 188 khoản 1 mục a đổi lại như sau:

Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây ngay lần đầu sẽ bị tịch thu toàn bộ phương tiện vi phạm, và bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Lần thứ 2 hình phạt giống lần thứ nhất cộng thêm việc cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản”.

Giá trị của ghe, tàu dùng đánh bắt cá rất lớn so với số tiền kiếm được do mỗi lần vi phạm, cho nên người ta sẽ không dám vi phạm.

Tóm lại, để ngăn cấm việc hủy hoại nguồn lợi thủy sản bằng các phương pháp đánh bắt tận diệt có hiệu quả, cần phải xử phạt vi phạm đủ mạnh, đủ sức răn đe để người dân không dám vi phạm, ngoài ra, chính quyền các cấp không nên biến người nghèo thành một đẳng cấp đứng trên pháp luật.

H.K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn