Trung Quốc chọn con đường đi cho riêng mình cùng sự thiếu vắng nền dân chủ

    Phan Thành Đạt

Trong bài diễn văn của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhân dịp lễ kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản (ĐCS) Trung Quốc. Người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đã nhấn mạnh ba thành tựu và 3 sự nghiệp đạt được trong 90 năm cầm quyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Thứ nhất, đó là nền dân chủ mới cho độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân. Thứ hai, đó là cuộc cách mạng xã hội để xây dựng nền tảng cho Chủ nghĩa xã hội (CNXH) bằng việc áp dụng Chủ nghĩa Mác. Thứ ba, là việc áp dụng các chính sách cải tổ và mở cửa để duy trì và phát triển CNXH mang màu sắc Trung Quốc.

Ông Hồ Cẩm Đào cũng thừa nhận sự nghiệp xây dựng CNXH ở Trung Quốc có nhiều khó khăn nhưng Trung Quốc đã đạt được những thành công ban đầu. Ba thành tựu ấy sẽ được hiểu rõ hơn thông qua việc phân tích về dân chủ, về chủ nghĩa Mác, về CNXH theo màu sắc Trung Quốc mà ĐCS Trung Quốc đang áp dụng.

I. Nền dân chủ

Dân chủ là biểu hiện tiến bộ ở một thể chế chính trị trong đó nhân dân là những người làm chủ, nói theo cách của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, nền dân chủ chỉ tồn tại khi “Chính phủ là của dân do dân vì dân”.

Nền dân chủ được đảm bảo thông qua Hiến pháp dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc thứ nhất là đảm bảo các quyền cơ bản của con người, đó là các quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp và lập hội, quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình, quyền biểu tình, quyền tự do đi lại, quyền sở hữu… Các quyền cơ bản ấy được Hiến pháp ghi nhận và được tòa án Hiến pháp bảo vệ.

Nguyên tắc thứ hai, các quyền con người chỉ được đảm bảo thực sự khi ba cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp độc lập và được phân định rõ ràng về vai trò riêng của mình, được gọi tắt là tam quyền phân lập. Nhờ sự phân quyền rõ ràng ấy, nền tư pháp của một nước mới có được những quyết định đúng đắn và công bằng vì không sợ cơ quan hành pháp (Chính phủ), lấn át. Cơ quan lập pháp (Quốc hội) sẽ có được các đạo luật hợp với lòng dân và đáp ứng được những nguyện vọng của nhân dân vì các đạo luật ấy bảo vệ quyền lợi của nhân dân chứ không phải đáp ứng nhu cầu của các nhà lãnh đạo. Về phía cơ quan hành pháp (Chính phủ) sẽ có quyền quyết định những chính sách, thông qua nghị quyết và dự thảo luật, dự thảo luật phải được Quốc hội thông qua nếu các dự thảo này không đem lại lợi ích cho nhân dân, chắc chắn sẽ bị Quốc hội phủ quyết và Chính phủ phải tuân theo quyết định của Quốc hội. Nguyên tắc tam quyền phân lập là nòng cốt của một nhà nước dân chủ. Hiến pháp Mỹ năm 1787 công nhận nguyên tắc này ở điều 1. Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp ngày 26 tháng 8 năm 1789 cũng thừa nhận ở điều 16 như sau: “Ở mỗi xã hội mà quyền con người không được đảm bảo, các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp không được phân định rõ ràng. Hiến pháp được lập ra hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Nguyên tắc thứ ba, là nền dân chủ chỉ được đảm bảo thông qua việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Có nghĩa là luật pháp để bảo vệ nhân dân chống lại sự lạm quyền của Chính phủ, Nhà nước cũng như nhân dân phải bình đẳng trước pháp luật theo nguyên tắc bên nào sai bên đó chịu. Cơ quan tư pháp xét xử những sai phạm ấy phải độc lập, không chịu sức ép của Nhà nước.

Quân đội của Nhà nước pháp quyền có nhiệm vụ bảo về chủ quyền của dân tộc còn cảnh sát bảo vệ các quyền của công dân. Nếu Nhà nước sử dụng hai lực lượng này để đàn áp nhân dân thì Nhà nước đó được gọi là Nhà nước hiến binh (Etat de police) như trường hợp của Syrie và Libye, khi quân đội và cảnh sát bắn vào người dân biểu tình. Nền dân chủ được đảm bảo khi nhân dân bầu ra những nhà lãnh đạo cao cấp nhất bằng lá phiếu của mình, đó là hình thức dân chủ trực tiếp. Khi nhân dân bầu ra những người đại diện cho mình, rồi những người đó bầu ra giới lãnh đạo cao cấp thì đó là dân chủ gián tiếp. Nền dân chủ còn được biểu hiện thông qua trưng cầu dân ý. Dân chủ sẽ được đảm bảo và củng cố nhờ vai trò của Tòa án Hiến pháp.

Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được Quốc hội thông qua ngày 4 tháng 12 năm 1982, bản Hiến pháp này không nói gì về tam quyền phân lập và thực tế ba cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp đều chịu sự chi phối của ĐCS Trung Quốc. Như vậy, không có sự phân quyền. Điều 37 ghi nhận các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền biểu tình, quyền đình công. Sau đó quyền đình công đã bị Quốc hội bác bỏ sau khi sửa đổi Hiến pháp. Ở Trung Quốc có 6 đảng chính trị nhưng các đảng ấy chỉ trang điểm cho ĐCS Trung Quốc chứ không có quyền hành gì. Tự do ngôn luận và tự do báo chí rất hạn chế. Như vậy, nền dân chủ mà ông Hồ Cẩm Đào nêu ra chỉ dựa trên lý thuyết vì thực tế những người đấu tranh cho tự do dân chủ được Hiến pháp công nhận thông qua điều 35 luôn là đối tượng bị đe dọa hoặc bị bắt. Luật sư Cao Chí Thiện, người đấu tranh cho nhân quyền hiện nay mất tích, Lưu Hiểu Ba người đoạt giải Nobel Hòa bình vẫn đang ngồi tù. Cần nói thêm rằng, từ khi có giả Nobel Hòa bình, có duy nhất hai tác giả đoạt giải bị ngăn cấm đến nhận giải và bản thân họ phải ngồi tù đó là nhà báo người Đức Carl Vol Ossietzky dưới thời Đức Quốc xã và nhà đấu tranh cho dân chủ Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc. Nhân loại tiến bộ sẽ ghi nhớ điều này.

Trung Quốc tổ chức Thế vận hội năm 2008, khẩu hiệu được Bắc Kinh đưa ra là: “một thế giới, một ước mơ”. Các nhà dân chủ phương Tây cho rằng khẩu hiệu ấy chưa trọn vẹn, và phải thêm cụm từ: “một Tây Tạng độc lập”. Những con chim bồ câu biểu tượng của hòa bình được thả trên bầu trời Trung Quốc nhưng những người con của họ đang đấu tranh cho hòa bình lại bị mất tự do.

II Chủ nghĩa Mác

Các-Mác, nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỷ 19, nhà nghiên cứu triết học, xã hội học. Ông nghiên cứu Chủ nghĩa tư bản (CNTB) dựa trên những phân tích kinh tế được soi sáng bởi Chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ông áp dụng nhưng phân tích mang tính phê bình về tư tưởng của Proudhon, Heghen, Feuerbach dựa trên những nguyên lý của Chủ nghĩa duy vận biện chứng, đây là điểm thuyết phục nhất và thú vị nhất của lí thuyết này. Để hiểu rõ về Chủ nghĩa Mác, điều rất quan trọng là cần hiểu tư tưởng của các bận tiền bối trước Mác như Saint -Simon với Chủ nghĩa khoa học không tưởng, Babeurf với tư tưởng về chủ nghĩa tập sản... Tư tưởng của Mác là sự tiếp nối và hoàn thiện tư tưởng trước đó. Mác đấu tranh cho lý tưởng tốt đẹp và theo ông những lý tưởng ấy phải được thể hiện bằng một cuộc cách mạng để tạo dựng một xã hội trong đó cơ chế tiền lương, chế độ tư bản, sự phân biệt giai cấp hay mô hình nhà nước và rào cản biên giới giữa các quốc gia sẽ không còn tồn tại. Trong các tập bản thảo viết năm 1844, Mác đánh giá Chủ nghĩa cộng sản là hình thức cần thiết và là nguyên tắc cơ bản trong một giai đoạn gần nhưng Chủ nghĩa cộng sản không phải là mục đích phát triển của xã hội loài người, đó cũng không phải là hình thức được áp dụng trong xã hội loài người. Năm 1847, Ăngen (Engels) cùng Mác nêu ra định nghĩa về chủ nghĩa cộng sản, theo hai ông, chủ nghĩa cộng sản là việc chỉ dẫn các điều kiện về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản. Tư tưởng của Mác về Chủ nghĩa cộng sản và Chủ nghĩa xã hội duy vật mang tính phê bình trở nên nổi tiếng và có ảnh hưởng sâu rộng trong các tần lớp bình dân nhờ công việc truyền bá của người con rể người Pháp Paul Lafargue cùng Jules Guesde. Nhưng chính Mác không thấy thuyết phục về cách tuyên truyền của họ. Vì cách tuyên truyền ấy xa rời những ý tưởng của ông và mang tính không tưởng. Bình luận về công việc tuyên truyền tư tưởng của Mác về các bài diễn văn của Jules Guesde về học thuyết của ông, Mác viết: “Nếu đó được coi là học thuyết Mác, thì điều chắc chắn rằng chính bản thân tôi không phải là người theo học thuyết này”.

Học thuyết Mác ra đời ở châu Âu, học thuyết ấy phải được dựa trên hoàn cảnh lịch sử lúc đó để phân tích. Mác viết tác phẩm tình cảnh của những người công nhân Anh với mục đích là giải phóng giai cấp vô sản khỏi sự bóc lột của Tư bản. Sau đó học thuyết Mác được truyền bá sang Liên Xô và Trung Quốc. Học thuyết  Mác được áp dụng từ cuộc Cách mạng tháng mười Nga, để phù hợp với những điều kiện hoàn cảnh nước Nga xô viết, chủ nghĩa Mác đã có những thay đổi.nhóm những người theo Chủ nghĩa xét lại. Nhiều nhà nghiên cứu ở châu Âu có quan điểm không đồng nhất về chủ nghĩa Mác, có người cho rằng chủ nghĩa Mác đã được những người theo Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản áp dụng, chẳng qua đó là một thứ tôn giáo được áp đặt cho những tầng lớp dưới của xã hội. Có nhà nghiên cứu lại cho rằng người sáng lập thực sự của chủ nghĩa Mác là Ăng-ghen vì Mác đã không hoàn thành được bộ Tư bản vĩ đại của mình. Ăng-ghen đã tiếp tục công việc ấy thông qua một số ghi chép còn dở dang của Mác. Theo nhận xét của họ, Ăng-ghen không phải là người yếu kém, nhưng cũng không có bộ óc siêu phàm như Mác để hiểu hết được tư tưởng của Mác và kết quả là chủ nghĩa Mác bị thay đổi theo suy nghĩ của Ăng-ghen. Nhiều người đánh giá rằng Chủ nghĩa Mác chỉ là một gia đoạn chuyển giao sang chủ nghĩa Tư bản. Giáo sư triết học người Ý Constanzo Preve, được coi là một trong những nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất về Mác, ông vừa cho xuất bản tác phẩm, lịch sử chủ nghĩa Mác, trong cuốn sách ông miêu tả đặc điểm của chủ nghĩa Mác từ khi mới ra đời đến khi chủ nghĩa Cộng sản bị xóa bỏ ở Châu Âu. Khi bức tường Berlin sụp đổ, tiếp theo là sụp đổ của CNXH, các nước Đông Âu và Liên bang Nga đã chọn CNTB. Các nước đó đã soạn ra những bản Hiến pháp mới để xác định mô hình chính trị và sự phát triển cho mình.

Câu hỏi đặt ra là vì saoTrung Quốc vẫn khăng khăng theo chủ nghĩa Mác và vận dụng lý thuyết ấy để xây dựng CNXH, mặc dù người Trung Quốc hiểu rằng chủ nghĩa Mác và CNXH là sản phẩm của phương Tây, người phương Tây hiểu hơn họ về học thuyết này vì việc nghiên cứu thuận lợi hơn nhờ có một môi trường văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ gần như thuần nhất? Phương Tây hiểu chủ nghĩa Mác hơn Trung Quốc, hơn nữa, xã hội phương Tây là xã hội thực dụng, những lý thuyết hợp lý và có lợi nhất sẽ được áp dụng và chủ nghĩa Mác đã bị gạt bỏ. Nhưng vì sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn cố theo đồng thời tô vẽ để bảo vệ cho một lý thuyết không còn hợp thời, phải chăng họ còn nặng lòng với quá khứ, nếu họ từ bỏ chủ nghĩa Mác, họ chẳng phải thừa nhận những sai lầm trước kia sao? Những sai lầm về cách mạng văn hóa, về cuộc cách mạng công nghiệp đại nhảy vọt khiến cho hàng triệu dân thường bị chết, văn hóa bị tàn phá nặng nề, những hậu quả vẫn còn đeo đẳng đến hôm nay. Vậy là họ giữ lại chủ nghĩa Mác. Một nhóm người đã định hướng chính trị cho một tỷ ba trăm triệu người. Nếu giữ nguyên mô hình ấy, những quyền lợi về vật chất và địa vị của họ sẽ được đảm bảo, do vậy, họ tạo ra một con đường riêng cho Trung Quốc.

III Chủ nghĩa xã hội theo màu sắc Trung Quốc

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong bài diễn văn kỉ niệm 90 năm thành lập ĐCS Trung Quốc đã trích lời của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Mao cho rằng:

“Trung Quốc đã học không ít những điều hay của phương Tây nhưng những điều ấy không áp dụng được, vì thế lý tưởng của Trung Quốc chưa thực hiện được”. Còn ông Đặng khẳng định: “Thế hệ con cháu chúng ta sẽ khôn ngoan hơn chúng ta, họ sẽ có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn”.

Cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc thừa nhận, nước này chọn CNXH và chuyển hóa lý thuyết ấy cho hợp với hoàn cảnh Trung Quốc vì đó là chiến lược. Trung Quốc sẽ xây dựng con đường chính trị cho riêng mình. Mô hình ấy sẽ cạnh tranh với phương Tây nhưng không copy của phương Tây. Chủ nghĩa Mác đã bị thay đổi và được áp dụng theo nhiều khuynh hướng khác nhau, những biến thể như kiểu Lênin và Stalin, khi đến Trung Quốc lại được vận dụng và chuyển hóa theo màu sắc Trung Quốc, vậy đó là học thuyết riêng của giới lãnh đạo Trung Quốc chứ không còn là chủ nghĩa Mác nữa.

Vậy CNXH theo màu sắc Trung Quốc là gì?

Đó là sự kết hợp giữa những nguyên tắc của CNTB như tự do sản xuất hàng hóa, tự do trao đổi, khai thác và tích lũy, kết hợp với chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc như dùng sức mạnh lấn át các nước nhỏ, tiền hành đồng hóa về mặt văn hóa với các dân tộc thiểu số, tạo ảnh hưởng và quảng bá sức mạnh của mình. Trung Quốc đang tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gây nên mối lo ngại cho các nước trong khu vực. Trung Quốc trở thành một đế quốc hung hăng. Công cuộc khai thác tài nguyên của họ tại châu Phi khiến Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không ngần ngại khi so sánh Trung Quốc là thực dân ở châu Phi, mà Chủ nghĩa thực dân và Chủ nghĩa đế quốc là hai biểu hiện của CNTB. Sự kết hợp giữa Chủ nghĩa dân tộc và Chủ nghĩa tư bản đang tạo đà cho Trung Quốc phát triển. Nhưng đó là sự phát triển không hài hòa và tiềm ẩn nhiều bất ổn vì thiếu vắng một nền dân chủ. Lý thuyết về CNXH mang màu sắc Trung Quốc chỉ là một thứ vỏ sò trống rỗng về chủ nghĩa Mác, lý thuyết ấy thể hiện khát khao giành ngôi vị siêu cường số 1 của Trung Quốc để chứng minh cho thế giới về khả năng của họ.

Tư tưởng về CNXH mang màu sắc Trung Quốc là sự áp đặt những suy nghĩ của một nhóm người lên toàn bộ nhân dân Trung Quốc. Chúng ta cũng thừa nhận rằng những thành công của Trung Quốc trên mọi lĩnh vực trong gần 30 năm qua là rất ấn tượng, nhưng những thành quả ấy không được chia sẻ công bằng cho người dân Trung Quốc.

P.T.Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn