Đẩy mạnh chính sách "Hướng Đông", Ấn Độ trải thảm đỏ tiếp lãnh đạo Việt Nam

Thanh Phương

clip_image001

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (Reuters)

Ấn Độ đang tăng tốc thực hiện chính sách “Hướng Đông” với việc chuẩn bị đón tiếp hai lãnh đạo Việt Nam và Miến Điện. Vào ngày mai, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ viếng thăm chính thức Ấn Độ cho đến ngày 14/10/2011.

Sau chuyến viếng thăm của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, sẽ đến lượt Tổng thống Miến Điện Thein Sein đặt chân đến New Delhi, trong chuyến công du ngoại quốc lần thứ hai kể từ khi ông lên nắm quyền tại Miến Điện.

Theo nhận định của nhật báo The Times of India số ra ngày hôm nay, hai chuyến đi nói trên chắc chắn sẽ được Trung Quốc theo dõi sát sao, trong bối cảnh mà quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc tiếp tục bị khấy động bởi vấn đề chủ quyền Biển Đông, còn bang giao giữa Miến Điện với đồng minh Bắc Kinh gần đây cũng đang trong giai đoạn rắc rối, với việc chính quyền nước này bất ngờ đình chỉ một dự án đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ và xây dựng.

Chuyến đi của chủ tịch Trương Tấn Sang đến New Dehli ngày mai còn diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ khẳng định quyết tâm tiếp tục thăm dò dầu khí ở hai lô thuộc lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông, bất chấp phản đối quyết liệt của Trung Quốc. Đối với Ấn Độ cũng như đối với Việt Nam, việc thăm dò dầu khí ở hai lô nói trên hoàn toàn đúng theo luật quốc tế. Hành động này cho thấy là kể từ nay New Delhi không chấp nhận bị cản trở trên con đường “Hướng Đông”, đặc biệt là trong việc tăng cường quan hệ về mọi mặt với đối tác chiến lược Việt Nam.

Theo tờ The Times of India, các vấn đề quốc phòng và chiến lược sẽ bao trùm những cuộc hội đàm nhân chuyến viếng thăm Ấn Độ của chủ tịch Trương Tấn Sang. Tờ báo này nhắc lại là Việt Nam đã cho Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang, nằm không xa Vịnh Cam Ranh, một căn cứ có tính chất chiến lược từng được Hoa Kỳ sử dụng trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Ấn Độ hiện đang thúc đẩy quan hệ về hàng hải và hải quân với Việt Nam.

Ngoài ra, từ hơn một thập niên qua, Ấn Độ vẫn bàn đến việc trợ giúp Việt Nam phát triển chương trình hạt nhân dân sự, nhưng nhiều nước khác, đặc biệt là Nga và Nhật đã nhanh chân hơn. Chuyến đi của lãnh đạo Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ là dịp để Ấn Độ bắt kịp các đối thủ kia trong lĩnh vực này. Việt Nam đã dự trù là trong vòng 20 năm tới sẽ xây dựng tổng cộng 8 nhà máy điện hạt nhân. Nhà máy đầu tiên sẽ do Nga xây dựng, nhà máy thứ hai có lẽ sẽ vào tay Nhật Bản. Như vậy, còn tới 6 nhà máy hạt nhân và Ấn Độ có thể hy vọng được nằm trong danh sách kế tiếp.

Về phía Việt Nam, với chuyến công du Ấn Độ của Chủ tịch Trương Tấn Sang bắt đầu cùng ngày với chuyến đi Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, có lẽ Hà Nội đang tìm cách cân bằng lại quan hệ với hai cường quốc châu Á này.

Trả lời phỏng vấn hãng tin PTI hôm qua, ông Trương Tấn Sang tuyên bố là Việt Nam hoan nghênh các công ty của Ấn Độ và của các nước khác tham gia các dự án dầu khí với Việt Nam trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chủ tịch Việt Nam còn cam kết sẽ bảo vệ lợi ích “chính đáng” của các công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam. Nhưng vấn đề là Hà Nội sẽ phản ứng ra sao nếu các công ty dầu khí Ấn Độ bị Trung Quốc sách nhiễu hoặc hăm dọa trên Biển Đông?

T. P.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn