ĐB Dương Trung Quốc: Soạn Luật Biểu tình lý tưởng nhất là...

clip_image003“Nếu Hiến pháp (sửa) lần này không đề cập tới quyền biểu tình thì chẳng những thụt lùi so với các bản Hiến pháp trước đó, lại càng lạc hậu so với các nước. Nhưng nếu có quyền mà không có luật thì không lẽ chúng ta lại chấp nhận cả Hiến pháp... treo à!” – ĐBQH Dương Trung Quốc.

Hồ Chủ tịch từng chú trọng quyền biểu tình

Là một trong những đại biểu Quốc hội đầu tiên đặt vấn đề tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIII về việc cần có luật biểu tình, ngay trước thềm kỳ họp thứ hai, chính Thủ tướng Chính phủ chủ động đặt vấn đề về việc đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội về bộ luật này. Cảm xúc của ông thế nào?

Tôi thấy điều mà mình cũng như một vài đại biểu khác đề cập tới trong kỳ họp đầu của QH khoá XIII: sự cần thiết có luật biểu tình đã có hiệu ứng. Hiệu ứng vì nó đã được nhận thức như một nhu cầu của xã hội.

Việc Thủ tướng chủ động nêu vấn đề vào chương trình làm luật là một thông tin tích cực, nó cũng cho thấy sư cần thiết nhìn từ phía cơ quan hành pháp. Chỉ có điều, lẽ ra nó phải được thực thi từ lâu.

Điều đó chứng minh quan điểm mà tôi đã phát biểu rằng Luật Biểu tình không chỉ là nhu cầu của người dân muốn thực thi quyền lợi cơ bản của mình mà nó cũng là công cụ của cơ quan hành pháp để thực thi quyền hạn của mình.

Thưa ông, đã bao giờ Hiến pháp của chúng ta đề cập đến quyền biểu tình chưa?

Bản Hiến pháp đầu tiên ra đời năm 1946, trong chương II phần viết về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân không có thuật ngữ “biểu tình”.

Cụ thể: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Tuy nhiên khái niệm “biểu tình” đã được diễn giải trong bản sắc lệnh số 31 do Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký ngày 13/9/1945 (tức là chỉ chưa đầy 2 tuần sau Ngày Độc lập) khi thể hiện trong văn bản đoạn mở đầu sau:

“Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ Cộng hoà. Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao... ra sắc lệnh...”.

Như thế, quyền “biểu tình” nằm trong nội hàm của “quyền tổ chức và hội họp”. Đáng lưu ý là sắc lệnh 31 ra đời trước Hiến pháp hơn 1 năm (tháng 9/1945 và tháng 11/1946). Như thế cũng có nghĩa là đến Hiến pháp 1946 thì quyền hội họp được đề cập như một quyền cơ bản trong đó bao hàm cả quyền biểu tình.

Và quyền hội họp này đã từng được Nguyễn Ái Quốc cùng “Nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp” đưa vào bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hoà hội Versailles từ năm 1919.

Nó cho thấy từ 9/1945 khi đất nước mới độc lập, cơ quan hành pháp còn “lâm thời” thì sắc lệnh 31 ra đời do “tình thế đặc biệt”, còn đến Hiến pháp của một Chính phủ hợp pháp do Quốc hội bầu ra và tổ chức biên soạn bộ luật cơ bản thì quyền “tổ chức và hội họp” được coi là một điều đương nhiên trong đó có cả quyền biểu tình.

Cần nói thêm rằng, cho đến Hiến pháp năm 1959, sau thắng lợi của cuộc Kháng chiến chống Pháp, miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, hoàn thành khôi phục kinh tế và bắt đầu cương lĩnh xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa đồng thời với công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thì trong Hiến pháp 1959 đã ghi rõ hơn ở Chương III về “Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân” còn cụ thể hoá ở Điều 25 khi đề cập tới “quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình”. Như thế là thuật ngữ “biểu tình” đã được ghi rõ trong Hiếp pháp 1959.

Tôi muốn nhấn mạnh là 2 bản Hiến pháp này đều được tổ chức biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó cho thấy sự nhất quán của nhà lập pháp hàng đầu của nhà nước Việt Nam độc lập và thể chế Dân chủ kể từ 1919 (Bản Yêu sách) đến 1959 (Hiến pháp).

Có luật mới không ảnh hưởng đến trật tự xã hội

Theo báo cáo thẩm tra, có những ý kiến còn băn khoăn vì có Luật Biểu tình, phải quy định cụ thể các điều kiện đăng ký biểu tình (nội dung, thời gian, địa điểm); bảo đảm tạo điều kiện để người biểu tình thực hiện. Như vậy sẽ gây khó cho các địa phương, đặc biệt các thành phố lớn, giao thông tắc nghẽn. Ông chia sẻ với những băn khoăn này như thế nào?

Theo Sắc lệnh 31 (tháng 9/1945), rất đơn giản chỉ cần báo trước cho chính quyền sở tại trước 24 tiếng đồng hồ. Nhưng chắc với một bộ luật hoàn chỉnh vào thời điểm hiện tại, nó sẽ cụ thể và phức tạp hơn nhiều. Tôi chưa thể hình dung ra nhưng điều tối thiểu là phải có đăng ký với cơ quan hành pháp để họ vừa bảo vệ (quyền công dân) vừa giám sát và điều chỉnh (nhưng vi phạm luật pháp của công dân).

Tôi muốn nói thêm về ý niệm “biểu tình” khá phổ biến thời những năm đầu độc lập. Trên thực tế Chính phủ đã khai thác rất mạnh quyền này để huy động lực lượng quân chúng tham gia các cuộc biểu tình để hỗ trợ cho đoàn thể cách mạng và sau đó là nhà nước. Đương nhiên chủ yếu là ủng hộ chế độ.

Nhưng cũng có những cuộc biểu tình của các đảng phái khác (hồi đó đa đảng) nên Mặt trận Việt Minh cũng tổ chức, tạm gọi, là “phản biểu tình” lấy sức mạnh quần chúng áp đảo những người chống đối chính phủ....

Sau năm 1954 ở miền Bắc này ta ít dùng chữ “biểu tình” mà thay vào đó là thuật ngữ (phiên âm) là “mít tinh” (meeting) cho các cuộc huy động quần chúng của nhà nước (ví dụ: mít tinh phản đối Mỹ can thiệp, mít tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động hay mít tinh hoan nghênh một nguyên thủ quốc gia bạn bè đến thăm...).

Phải chăng khi đó khái niệm “biểu tình” chỉ dùng cho các cuộc tập hợp lực lượng chống chính quyền Sài Gòn diễn ra khá sôi nổi và phổ biến ở miền Nam, nhất là phong trào đô thị”. Sau 1975, thì tiếp tục e ngại dùng từ “biểu tình” mà thường ám chỉ bằng “tập trung đông người” (khiếu kiện), “tụ tập gây rổi” (trật tự trị an)...

Cho đến các vụ “biểu tình của quần chúng ở Thái Bình”, ta thấy có một bước thay đổi về nhận thức. Lúc đầu chỉ thấy tính chất “gây rối” hay “chống đối” chính quyền ,về sau này, do các nhà lãnh đạo trung ương dám tiếp cận, sâu sát với thực tế và gần dân nên nhận ra cả 2 mặt tiêu cực và tích cực. Do vậy khi xử lý thì không chỉ trị những người bị coi là “quá khích’ mà cũng trị cả mấy ông quan tham, tạo ra sự phấn khởi góp phần ổn định lòng dân.

Chính nhờ có luật mới không ảnh hưởng đến trật tự xã hội hay giao thông vì chính quyền có thể căn cứ vào luật quy định địa điểm, thời gian , thậm chí cả cuờng độ tiếng ồn...

Tôi đã có dịp quan sát biểu tình ở một số nước phương Tây. Người biểu tình cứ biểu tình theo đúng những gì luật cho phép, nhưng cứ vượt ra ngoài khuôn khổ cho phép là cảnh sát can thiệp ngay tức thì. Tất nhiên thực tiễn có thể diễn ra phức tạp hơn nhưng về căn bản chỉ có luật mới phân định đúng hay sai cả về phía người biểu tình và người giữ trị an. Nếu để vượt ra tầm kiểm soát thì đấy là lỗi của cơ quan hành pháp.

Nếu bị lợi dụng, dư luận xã hội cũng có căn cứ để phê phán

Nhiều người lo lắng, Luật Biểu tình có thể bị lợi dụng. Ông nghĩ sao về điều này?

Đã có luật thì thế nào cũng có người lách luật. Về phương diện chính trị thì thế nào cũng có người lợi dụng để phá hoại. Vấn đề luật phải đi vào đời sống để người dân thực hiện quyền như một tập quán xã hội, còn cơ quan hành pháp phải điều chỉnh như một trách nhiệm xã hội.

Nếu có kẻ lợi dụng thì không chỉ nhà nước có cơ sở pháp luật để trị mà dư luận xã hội cũng có căn cứ để biểu tỏ sự phê phán. Nó phải là một quá trình lâu dài, do vậy việc biên soạn luật này lý tưởng nhất là do các chuyên gia hay tổ chức xã hội nghề nghiệp soạn thảo có tham khảo dư luận, nhưng phải có lộ trình thích hợp để đi vào đời sống xã hội nước ta. Nếu thiếu thận trọng sẽ gây tai hoạ.

Để cơ quan hành pháp một mình soạn thảo dễ thiên lệch, việc thẩm định sẽ mang nặng tính phê phán dễ tạo ra phản cảm xã hội. Đương nhiên các cơ quan hành pháp luôn có vai trò quan trọng để cân nhắc giữa lợi ích của người dân và cơ quan hành pháp để bảo vệ công dân và chế độ.

Cá nhân ông kỳ vọng, bao giờ Việt Nam sẽ có Luật Biểu tình?

Tại kỳ họp vừa rồi đã có vị đại biểu nhắc lại rằng, trước Đổi mới có ai dám nghĩ đến luật bãi công khi giai cấp công nhân là người lãnh đạo? Vậy mà luật ra được nhiều năm nay rồi. Tuy nó còn nhiều khiếm khuyết nhưng vẫn từng bước đi vào đời sống để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tôi nghĩ, với Luật Biểu tình cũng vậy thôi.

Nếu Hiến pháp (sửa) lần này không đề cập tới quyền biểu tình thì chẳng những thụt lùi so với các bản Hiến pháp trước đó, lại càng lạc hậu so với các nước. Nhưng nếu có quyền mà không có luật thì không lẽ chúng ta lại chấp nhận cả Hiến pháp... “treo” à!

Hoàng Hạnh (thực hiện)

Nguồn: bee.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn