Nhóm Cánh Buồm ra mắt bộ sách mới: Từ hiểu trẻ đến dạy trẻ tự học

Tháng Chín 29, 2011

Thanh Tuyền (Thực hiện)

clip_image002  

Nhà giáo Phạm Toàn trình bày báo cáo. Ảnh: Hy Tuệ

 

Chiều ngày 30-9-2011 trong màn mưa mù mịt sát trước khi cơn bão số 6 đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, Nhóm Cánh Buồm vẫn hăng hái cho “giương buồm” ra mắt bộ sách 14 cuốn mới biên soạn xong tại trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật 53 Nguyễn Du, Hà Nội, do nhà giáo Phạm Toàn trình bày bản báo cáo “Triết lý giáo dục hiện đại: Hạnh phúc tự học, tự giáo dục”, sau đó TS Vũ Thế Khôi và GS Alain Fenet đọc những lời phản biện. Cuộc hội thảo này là bước chuẩn bị cho một buổi trình bày quy mô hơn tại Nhà văn hóa Pháp L’Espace vào ngày 3-10-2011 ở 24 Tràng Tiền, Hà Nội mà như ghi trong chương trình thì vừa có trình bày, có phản biện tổng quát, lại có trình bày và thảo luận về từng cuốn sách mới in, đặc biệt còn có cả phần trình diễn các vở kịch ngắn được các em học sinh Trường tư thục Nguyễn Văn Huyên thực hiện theo một trong các chương thể nghiệm của bộ sách. Để bạn đọc nếm trước chút hương vị của công cuộc cách tân rất đáng khích lệ này, chúng tôi xin đăng lại dưới đây bài phỏng vấn TS Nguyễn Thành Nam, một thành viên trong Nhóm Cánh Buồm do Thanh Tuyền, báo SGTT thực hiện.

Bauxite Việt Nam

SGTT.VN – Ngày 3.10.2011 tới đây, nhóm Cánh Buồm (*) sẽ tiếp tục cho ra mắt 14 đầu sách mới, tiếp nối bộ sách năm cuốn: Chào lớp một đã ra mắt vào cuối năm 2010. Sự khác biệt của bộ sách là gì? Tại sao lại biến môn văn thành môn “Đóng kịch”?…, Phóng viên báo SGTT đã trao đổi với TS Nguyễn Thành Nam, một thành viên của nhóm về các nội dung này. TS Nam cho biết:

 

clip_image004

Nhà giáo Phạm Toàn bên các học sinh trong khóa học.

Ảnh: Thanh Tuyền

Cho đến nay chúng tôi đã tổ chức hai hội thảo, đó là hội thảo “Hiểu trẻ em – dạy trẻ em” năm 2009, sau đó đến hội thảo “Chào lớp một” cuối năm 2010. Lần này, tại hội thảo “Tự học – tự giáo dục” nhóm sẽ giới thiệu tới độc giả 14 đầu sách mới (có bốn cuốn viết lại sách đã xuất bản năm ngoái). Qua tiến trình đó, nhóm Cánh Buồm đã đưa triết lý giáo dục của mình ra một cách tuần tự: phải hiểu trẻ em thì mới dạy được trẻ em. Trên cơ sở hiểu trẻ em, chúng tôi trình ra bộ sách với rất nhiều yếu tố tự học – tự giáo dục.

Giáo viên không cần giảng giải

Nhiều người băn khoăn về tính hệ thống của bộ sách, khi năm ngoái Cánh Buồm cho ra mắt 5 cuốn năm nay lại ra 14 cuốn, có cuốn được viết lại, ông nghĩ sao?

Khi chúng tôi đã có một hệ thống, thì chúng tôi có khả năng bổ sung, điều chỉnh những sản phẩm của mình cho hệ thống thêm chắc chắn. Như tôi đã nói, năm nay chúng tôi cho ra mắt 14 đầu sách. Những đầu sách lớp Một in năm ngoái thì năm nay được hoàn thiện. Chúng được trình ra thành một bộ – một chuỗi, một quy trình – thực chất chúng tôi đề xuất một chương trình giáo dục mới hoàn toàn – để các chuyên gia cũng như những ai không chuyên nghiệp (số đông phụ huynh chẳng hạn) đều có thể dễ dàng dùng thử sách và đánh giá những cuốn sách đó.

Ông trả lời thế nào về những phản hồi, sách của Cánh Buồm: văn không phải là văn, lối sống thì lại học cộng đồng trước gia đình sau?

Vậy theo mọi người văn thế nào mới gọi là văn? Chúng tôi đề nghị tổ chức việc học văn như sau: lớp một, các em bắt đầu học văn một cách chính thức. Chương trình văn của Cánh Buồm tổ chức cho các em những việc làm để tạo lòng đồng cảm. Những hoạt động dưới hình thức trò chơi đóng vai là công cụ đắc lực tạo đồng cảm mà không cần giảng giải.

Lớp Hai, lớp Ba, lớp Bốn (sách đã in xong) chúng tôi dẫn trẻ em mang lòng đồng cảm đó vào việc học và nắm vững các thao tác tưởng tượng, liên tưởng và bố cục là ba yếu tố cấu thành ngữ pháp nghệ thuật. Học theo cách của Cánh Buồm, giáo viên không cần giảng giải, chỉ tổ chức cho các em thực hiện những việc làm như chúng tôi đề xuất. Học xong ngữ pháp nghệ thuật, các em sẽ có năng lực của con người hiểu biết quy cách của các loại hình nghệ thuật.

Nhà giáo Phạm Toàn: “Những cuốn sách mang tính gợi ý này không phải là những cuốn sách tốt nhất đưa con em nước ta vào con đường hưởng thụ một nền giáo dục hiện đại. Nhưng đây là bộ sách cho những người biết đón nhận một đột phá đã được chuẩn bị từ nhiều thập kỷ. Mọi người có thể: nhận lấy nó mà dùng, nhận lấy nó rồi sửa đi mà dùng hoặc nếu khước từ nó hoàn toàn và làm ra những bộ sách hoàn toàn khác vượt được những sản phẩm này mà dùng. Một trong ba phương án đó đều xứng đáng được xã hội chấp nhận”.

Với môn Lối sống, theo quan điểm của nhóm, môn này có mục đích tạo ra ở trẻ em một năng lực sống đồng thuận với mọi người. Đồng thuận không phải là lúc nào cũng gật đầu, mà đồng thuận là biết tìm những cơ sở cho đoàn kết, biết cách tổ chức cùng sống cùng làm việc cùng xây dựng cuộc sống mới. Trên ý nghĩa đó thì một ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc và một học sinh lớp Một sẽ có cùng một năng lực người như nhau! Với lớp Một: tạo đồng thuận giữa học sinh, phụ huynh và nhà trường để tổ chức cho các em được sống tự lập. Lên lớp Hai các em sẽ đem cái riêng (tự phục vụ) của mình hòa vào cộng đồng – cái khái niệm cộng đồng khái quát nhất. Sau đó, gia đình chỉ là phạm vi vận dụng lối sống riêng vào một cộng đồng cụ thể. Lên lớp Bốn sẽ là cộng đồng Tổ quốc, lớp năm sẽ là cộng đồng Nhân loại…

Dạy trẻ em phương pháp làm việc thực nghiệm

Dường như Cánh Buồm đang thiên về các sách của khoa học nhân văn, thưa ông?

Ngoài lý do thiếu người làm sách toán, còn có thể nói thêm thế này: môn toán chúng ta có thể kế thừa sử dụng lại của các nước có nền giáo dục phát triển. Nhưng với môn ngôn ngữ, môn văn, môn lịch sử, thì nước ngoài giỏi bao nhiêu cũng không thể chỉ cho chúng ta cách dạy trẻ em Việt Nam được. Giống như những câu hát đồng dao, cây rau má thì phải có cái lá rau muống với cái cuộn rau đay …

Đặc biệt, tại hội thảo lần này, chúng tôi sẽ cho ra mắt hai tập đầu tiên của bộ sách học khoa học – công nghệ. Đó là bộ sách dạy trẻ em phương pháp làm việc thực nghiệm để tạo ra trong đầu các em một tư duy thực chứng, một đầu óc khoa học chỉ tin vào cái thực.

Để viết một bộ sách có người mất đến 20 năm hoặc cả đời mình. Tuy nhiên, Cánh Buồm từ khi thành lập tới nay được ba năm, liệu thời gian có quá ngắn để cho ra đời những bộ sách không?

Khi soạn sách của nhóm Cánh Buồm, chúng tôi thừa kế ít nhất 30 năm thực nghiệm của hệ thống công nghệ giáo dục. Chúng tôi còn phát triển thêm những gì hệ thống công nghệ giáo dục chưa làm được. Sách soạn trong 24 tháng. Nhưng nên nói rõ hơn, chúng tôi soạn vài cuốn sách trong 30 năm cộng 24 tháng.

Hiện nay sách của Cánh Buồm chỉ mới được một trường dân lập đón nhận. Các thầy cô trong nhóm mong muốn “Cánh Buồm của mình” sẽ được giong và đi đến đâu?

Cái mới ra đời bao giờ cũng khó. Cái khó liên quan tới những vấn đề mang tính chất xã hội. Điều thú vị là chúng tôi đã có một tập thể tự nguyện làm cải cách giáo dục. Chúng tôi được những nhà khoa học gạo cội ủng hộ. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau giữ vững lý tưởng và phải học hỏi nhiều nữa. Vì thế mà năm nay chúng tôi chủ động đề nghị Quỹ Phan Châu Trinh, Nhà xuất bản Tri Thức, Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức hội thảo phản biện. Trung tâm Văn hóa Pháp còn mời một Giáo sư ở Pháp qua phản biện chương trình của chúng tôi. Đó cũng lại là yếu tố bảo đảm và buộc Cánh Buồm phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Cũng may mà đa số thành viên của nhóm Cánh Buồm đều còn rất trẻ nên chúng tôi không sợ đường xa. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng những việc mình làm là rất có ích cho xã hội.

T.T.

(*) Một nhóm thiện nguyện các chuyên gia giáo dục trẻ tuổi tự xác định mục tiêu viết lại sách giáo khoa cho học sinh phổ thông.

Nguồn: abcvietnamese.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn