Trung Quốc: 10.000 người góp tiền giúp Ngải Vị Vị

Đức Tâm

clip_image001  

Một tác phẩm của nghệ sĩ Ngải Vị Vị, "Forever Bicycles", trong triển lãm tại Đài Bắc ngày 28/10/ 2011. REUTERS/Pichi Chuang EUTERS/Pi

 

Hôm nay, 04/11/2011, nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc Ngải Vị Vị cho AFP biết là hàng ngàn người đã đóng góp giúp đỡ ông nộp tiền thuế mà chính quyền Bắc Kinh vừa truy đòi. Tổng số tiền được quyên góp lên tới hơn một triệu nhân dân tệ (115.000 euro). Hôm thứ ba, 01/11, cơ quan thuế vụ Trung Quốc đã đòi nghệ sĩ Ngải Vị Vị phải truy nộp ngay 15 triệu nhân dân tệ (1,7 triệu euro).

Nghệ sĩ Ngải Vị Vị nói là làn sóng quyên góp được dấy lên từ trưa nay, hơn 10 ngàn người, đặc biệt là sinh viên và thanh niên, đã bắt đầu gửi tiền giúp đỡ. Những người quyên góp khẳng định là những đóng góp này là một cách bỏ phiếu và coi việc chính quyền phạt nghệ sĩ Ngải Vị Vị cũng như phạt họ.

Nghệ sĩ ly khai này hứa sẽ lên danh sách chi tiết những người và số tiền giúp đỡ và ông sẽ thanh toán lại trong tương lai cho dù chính quyền đã khuyên ông không nên nhận sự giúp đỡ này.

Theo nghệ sĩ Ngải Vị Vị, qua việc đòi truy thu một khoản thuế lớn như vậy, chính quyền muốn đánh gục ông.

Từ đầu tháng Tư đến cuối tháng Sáu năm nay, chính quyền Trung Quốc đã giam giữ kín nghệ sĩ Ngải Vị Vị. Sự kiện này đã làm dấy lên một làn sóng công phẫn trên thế giới. Sau khi được thả, ông bị an ninh theo dõi, giám sát và không thể ra khỏi thủ đô Bắc Kinh.

Nghệ sĩ Ngải Vị Vị vừa là họa sĩ, nhà điều khác, kiến trúc sư và một trong những công trình nổi tiếng của ông là sân vận động Olympic Tổ Chim ở Bắc Kinh.

Cách nay hai ngày, ông đã không ngần ngại tố cáo chính phủ Trung Quốc hành động coi thường đạo lý và công lý.

Đ.T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Dân Trung Quốc tiếp tục góp tiền giúp Ngải Vị Vị trả thuế

Trọng Thành

Hôm nay 5/11/2011, một người bạn của nghệ sĩ Ngải Vị Vị cho biết, số tiền quyên góp ủng hộ ông đã đạt tới con số 1.793.570 yuan (tương đương hơn 200.000 euro), đưa tổng số tiền lên gấp đôi so với ngày hôm qua. Nghệ sĩ Ngải Vị Vị cho biết ông ngạc nhiên trước quy mô của phong trào hỗ trợ.

clip_image002

Nghệ sĩ Ngải Vị Vị tại Bắc Kinh. Ảnh chụp hồi tháng 10/2011 (Reuters)

Làn sóng góp tiền giúp ông Ngải Vị Vị, với hơn 10.000 người đăng ký tham gia, đã bùng lên sau khi cơ quan thuế vụ Trung Quốc đòi ông phải trả 1,7 triệu euro tiền thuế (ngày 1/11).

Nhạc sĩ rock Zuoxiao Zuzhou (Tả Tiểu Tổ Chúc), bạn thân của Ngải Vị Vị, viết trên trang blog cá nhân của ông là, các đóng góp được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau : tiền mặt, trả qua mạng, chuyển khoản, qua bưu điện, …

Ngày hôm qua 4/11/2011, trả lời phỏng vấn AFP, nghệ sĩ Ngải Vị Vị nói rằng, ông ngạc nhiên trước quy mô của phong trào hỗ trợ. Theo ông, điều đáng nói không phải là số tiền của mỗi người gửi, mà là số lượng người tham gia vào phong trào. Ngải Vị Vị nhận xét, cái ý nghĩa của từ «nhân dân», đối với ông, giờ đây đã trở nên rõ ràng.

Việc nghệ sĩ nổi tiếng và nhà ly khai Ngải Vị Vị bị chính quyền Bắc Kinh giam giữ tại một nơi bí mật, từ đầu tháng Tư đến cuối tháng Sáu năm nay đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới. Kể từ khi được trả tự do đến nay, ông bị kiểm soát chặt chẽ và không được quyền rời khỏi Bắc Kinh.

Sau khi cơ quan thuế vụ Trung Quốc công bố khoản tiền truy thu khổng lồ kể trên, Ngải Vị Vị đã lên tiếng khẳng định, lệnh truy thu này được đưa ra là để nhằm «hạ gục» ông. Ngày thứ Tư đầu tuần này 3/11, ông lên án chính quyền Trung Quốc đã hành động «bất chấp đạo lý và công lý».

T.T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Hoa Kỳ: Tình hình nhân quyền tại Trung Quốc xuống cấp rộng khắp

William Ide | Washington

Trong khi chuẩn bị thay thế lãnh đạo trong năm 2012, Trung Quốc đang đối diện với tình trạng bất ổn xã hội, những lời chỉ trích siết chặt Internet, các blogger, các luật sư, và các nhà hoạt động xã hội. Một phúc trình thường niên của quốc hội Hoa Kỳ mới được công bố cho thấy tình trạng xuống cấp rộng khắp về nhân quyền đang diễn ra mặc dầu có những tiến bộ đáng kể về kinh tế, thăng tiến địa vị trên thế giới.

clip_image003

Cảnh sát Trung Quốc ngăn không cho 1 phụ nữ tham dự phiên xử phúc thẩm nhà hoạt động Wang Lihong vì đã tổ chức 1 cuộc biểu tình cho các blogger, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, 20/10/2011. Hình: AP

Các luật gia và những người hoạt động xã hội nói rằng, tình trạng xuống cấp trong lãnh vực nhân quyền tại Trung Quốc không phải chỉ hạn chế quyền tự do phát biểu và siết chặt Internet, mà còn xuống cấp trong các quyền của công nhân và phụ nữ, sự phân biệt đối xử về chủng tộc, và quyền tự do tôn giáo.

Tại buổi công bố phúc trình ở trụ sở Quốc hội, Dân biểu Chris Smith của Đảng Cộng hòa, tiểu bang New Jersey, Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về Trung Quốc nói phúc trình thường niên thứ 10 của ủy ban này cho thấy một hình ảnh đáng sợ của tình trạng nhân quyền hiện tại ở Trung Quốc:

“Lãnh đạo Trung Quốc đã vi phạm nhân quyền trắng trợn hơn, bất chấp những luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế mà họ đã tuyên bố tôn trọng, do đó, họ đã siết chặt kềm kẹp xã hội Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc không còn trả lời những chỉ trích về tình trạng nhân quyền và ngày càng sử dụng thêm luật pháp quốc tế để bênh vực cho hành động của họ”.

Dân biểu Cộng hòa Ilena Ros-Letinen, tiểu bang Florida, nói hơn một chục năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, giải phóng kinh tế đã không đem lại cải tổ:

“Làm thế nào mà một nhóm cai trị đã từng thủ tiêu các luật sư nhân quyền, hành quyết và tra tấn các thành viên Pháp Luân Công, đẩy các tăng sĩ Phật giáo Tây Tạng tới chỗ tuyệt vọng đến mức phải tự thiêu, và săn lùng, tiêu diệt dân tị nạn Bắc Triều Tiên ở biên giới phía bắc có thể được coi như thứ gì khác hơn là một chế độ man rợ, không xứng đáng với danh hiệu là một thành viên có trách nhiệm”.

Các nhà hoạt động nhân quyền trong buổi điều trần này đã nêu lên mức độ xuống cấp mới trong nhiều lĩnh vực.

Ông Bob Fu, người sáng lập và Chủ tịch của ChinaAid, một tổ chức bênh vực nhân quyền của người Ky-tô Giáo nói rằng, lập trường của chính phủ Trung Quốc đối với tôn giáo ngày càng cứng rắn:

“Trong 10 tháng đầu tiên năm 2011, điều kiện tôn giáo tiếp tục tệ hại. Thật vậy, điều kiện tự do tôn giáo xuống tới mức thấp nhất từ năm 1982, là năm Đặng Tiểu Bình chính thức chấm dứt chính sách tiêu diệt tôn giáo”.

Hồi đầu năm nay, mấy chục thành viên giáo hội tại gia Thủ Vọng, một trong những tổ chức Tin Lành không chính thức tương đối lớn ở Bắc Kinh, đã bị bắt khi định tổ chức Lễ Phục Sinh.

Nhưng người Ky-tô Giáo không phải là mục tiêu duy nhất bị ngược đãi. Tình hình này đã trở nên nghiêm trọng khó tin khi có cả chục tu sĩ Phật giáo Tây Tạng tự thiêu.

Ông Bhuchung Tsering thuộc một tổ chức bênh vực Tây Tạng nói:

“Không còn nghi ngờ là tất cả những vụ tự thiêu xảy ra vì chính sách áp bức của chính phủ Trung Quốc tại tất cả các khu vực của người Tây Tạng. Điều này đặc biệt cho đến độ trong những năm gần đây chính sách của Trung Quốc là hạn chế hơn nữa quyền tự do ít ỏi, hạn chế phạm vi bày tỏ ý kiến mà người Tây Tạng đã có trước đây”.

Chính phủ Trung Quốc cũng siết chặt thêm các quyền tự do khác, để ngăn ngừa Mùa Xuân Ả Rập lan đến Trung Quốc.

Nhà hoạt động nhân quyền John Kamm, đứng đầu tổ chức Đối thoại, nói theo những thống kê của chính phủ Trung Quốc, năm ngoái có hơn 1.000 người bị bắt và bị truy tố vì làm nguy hại đến an ninh quốc gia, một cáo buộc thường được sử dụng để chống lại những nhà bất đồng chính kiến. Ông Kamm nói đây là năm thứ ba con số này vượt quá 1.000:

“Trong bối cảnh như vậy, mức bắt giữ cao, và hầu như thiếu vắng những hành động khoan dung đối với những tù nhân bị kết tội vì đã phát biểu, hiện nay có thể nói là có nhiều tù chính trị hơn bất cứ thời điểm nào khác kể từ năm 1989”.

Ông Kamm nói thêm là theo các giới chức chính phủ Trung Quốc, hơn một nửa những vụ án trong năm 2010 là tội xảy ra tại Tân Cương:

“Từ 75% cho đến 80% các tội phạm làm nguy hại đến an ninh quốc gia liên quan đến những lời phát biểu, người phát biểu đã lãnh những bản án tù dài hạn và chuyện tha bổng không bao giờ được nghe đến trong những vụ này”.

Những ý kiến bất đồng trên mạng cũng gia tăng trong năm qua, và những trang mạng truyền thông xã hội như Weibo đóng một vai trò ngày càng tăng trong việc vạch rõ bất công và làm áp lực lên chính phủ.

Tuy nhiên, theo như phúc trình, việc thắt chặt kiểm soát Internet vẫn tiếp tục.

Vào tháng 5 năm nay, Trung Quốc thành lập một Cục Thông tin Internet Quốc gia để tăng cường việc kiểm soát nội dung của những bài viết trên mạng. Trung Quốc cũng vừa loan báo kế hoạch gia tăng kiểm soát Internet và những trang mạng truyền thông xã hội.

Theo một phúc trình của Hàn lâm viện Trung Quốc về Khoa học Xã hội, tổng số những trang mạng của Trung Quốc giảm 41% vào năm ngoái, xuống còn 1,91 triệu.

Phúc trình nói việc giảm sút này không phải do những nỗ lực kiểm soát ngôn luận, mà là một chiến dịch của chính phủ nhắm vào những trang mạng khiêu dâm, và một số trang mạng đóng cửa vì tình trạng kinh tế khó khăn.

W.I.

Nguồn: voanews.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn