Đi lên hay đi xuống?

Lê Thị Thanh Chung

clip_image001

Năm 2002, mình được cử sang văn phòng UNFPA Myanmar để hướng dẫn chương trình phần mềm quản lý tài chính của cơ quan. Trước đó mình cũng đã từng sang Malaysia, Thái Lan, Lào, Trung Quốc và Mông-cổ nên chuyến đi này không được xếp vào hàng “háo hức”.

Sân bay quốc tế của Myanmar lúc bấy giờ chưa được vi tính hóa. Nhân viên an ninh cửa khẩu thu hộ chiếu của khách để vào sổ bằng tay. Du khách xếp hàng, dài cổ chờ nghe tên mình được xướng lên. Nhiều người không nhận ra tên mình vì cách phiên âm tùy hứng kiểu “Sổm-sặc Kiệt-su-ra-nôn” rất giống “quân ta”. Cũng may nhân viên UN có thẻ ưu tiên vào tận khu vực cách ly đón khách nên mình “thoát” ra rất nhanh mà không phải đợi.

Chị sếp mình từng đi học về Dân số bên Ấn độ, có anh bạn cùng lớp đã lên tới chức bộ trường của Myanmar. Hai người mất liên lạc vì lúc đó chính quyền Myanmar không cho phép nhân dân nối mạng internet ngoài trừ UN và các tổ chức quốc tế. Chị sếp nhờ mình cầm thư tay và quà sang cho anh bạn. Trong thư còn dặn dò nhờ đưa mình đi thăm thắng cảnh ở Rangoon.

Myanmar lúc đó rất nghèo. Hàng may mặc bị Mỹ cấm vận không thể xuất khẩu, bày bán la liệt trên hè phố. Những quán ăn vỉa hè cũng bụi bặm, nhếch nhác không khác gì tại các đô thị cấp 3 cấp 4 ở Việt Nam. Mình thuê một phòng trong khách sạn tư nhân. Đây vốn là một ngôi biệt thự cũ kiểu Pháp, được chủ nhà sửa sang, giữ lại một phần để ở, một phần cho thuê để tăng thu nhập. Phòng rộng, nhưng vôi đã ngả màu loang lổ. Những con gián to kềnh càng, nghênh ngang đi lại trong phòng tắm. Mấy phong bánh mình mang theo phòng lúc nhỡ bữa cũng bị các chú chuột ghé thăm cắn nát lung tung. Đúng ra, với công tác phí của UN, mình có thể thuê được khách sạn “xịn” hơn. Nhưng… (vẫn cái nhưng kiểu đàn bà tằn tiện).

Anh bạn của chị sếp đến đón mình đi thăm chùa Vàng sau giờ làm việc ngày thứ tư. Complet đờ-mi, chân đi săng đan và cuốn xà-rông – quy định chung về trang phục của quan chức chính phủ. Bác “tài” xe lôi lưng trần đen bóng gò lưng chở hai người trên đường phố. Lần đầu tiên mình đi ra phố ban đêm. Người Myanmar theo đạo Phật nên nói chung hiền hòa và hiếu khách. Khi đi ngang qua một khu nhà cao tầng, có sân bóng, cỏ mọc kín như bỏ hoang, anh Bộ trưởng giải thích cho mình nghe, trước đây khu này vốn là trường đại học nổi tiếng. Vì sinh viên hay xuống đường biểu tình đòi dân chủ nên chính quyền quân sự đã chuyển toàn bộ trường ra ngoại thành. Năm 2002, mình nghe chuyện này cũng không thấy “giật mình” vì lúc ấy Việt Nam chưa có phong trào đi uống cà phê Cột Cờ và dạo Bờ Hồ ngày chủ nhật.

Mình ở Myanmar hai tuần. Lịch trình khép kín: khách sạn – cơ quan – khách sạn. Ngày nghỉ chỉ dám lang thang quanh quẩn trong khu mình ở, hỏi han và nói chuyện với mấy bác bán cơm. Cảm nhận chung là ngột ngạt và đói.

Lúc ấy tự thấy mình đứng trên Myanmar cả vài bậc. Nhất là khi nhìn thấy hành lý của mình được chuyển ra máy bay bằng xe cải tiến. Hôm nay đọc báo được biết chính phủ Myanmar chính thức thông qua Luật biểu tình. Tự nhiên phân vân, không biết nước mình đang đi lên hay đi xuống.

Luật này quy định người dân muốn biểu tình phải thông báo cho chính quyền trước 5 ngày về thời gian, địa điểm và lý do. Người biểu tình cũng phải báo trước là sẽ hô hào, ca hát những gì trong lúc xuống đường, cũng như lộ trình sẽ đi qua.

Luật biểu tình cấm làm tắc nghẽn giao thông hay gây rối trong cuộc tập họp. Những người nào biểu tình không xin phép có thể bị phạt đến một năm tù. Còn những ai quấy nhiễu những cuộc biểu tình hợp pháp có nguy cơ lãnh bản án hai năm tù giam.”

L. T. T. C.

Nguồn: guihuongchogio.vnweblogs.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn