Cụ Lê Hiền Đức, Dân, và Công an

Phương Bích

Hôm trước đọc tin trên mạng, tôi đã biết chuyện công an quận Đống Đa có giấy mời cụ Lê Hiền Đức lên trụ sở công an quận để làm việc. Nội dung chỉ ghi vắn tắt là “giải quyết theo ý kiến của bà”. Dưới phần chữ in cuối cùng còn thêm dòng chữ viết tay: yêu cầu không vắng mặt.

Cụ Đức từng phục vụ trong ngành an ninh nên có lẽ hiểu chuyện hơn người khác. Cụ bảo bây giờ cụ đang quan sát những hành vi tham nhũng của công an để báo cáo lãnh đạo, nên đã có những hành vi trả thù, khủng bố cụ. Bởi vậy cụ tuyên bố là sẽ không đi đâu một mình, không thể tiếp xúc với công an trong tình trạng riêng lẻ, tránh tình trạng công an hành hung người dân đến chết rồi lu loa lên là tự sát, hoặc do va đập chấn thương vô tình. Rồi cụ cũng ghi rõ nếu công an đến nhà cụ làm việc thì phải có hẹn, xuất trình thẻ ngành đàng hoàng.

Đọc những thông tin này, tôi thấy nhiều người sẽ rút ra được kinh nghiệm quý báu cho mình. Tránh những trường hợp chết bí ẩn trong trụ sở công an, không có ai làm chứng như rất nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra.

Trước khi đi, trong khi cho bố ăn sáng, tôi kể chuyện cụ Đức cho bố nghe, kể cả chuyện mặc dù cụ Đức có rất nhiều tình nguyện viên làm thư ký cho cụ, nhưng hôm nay là tôi và chị Hương ở bên Viện Khoa học Xã hội cùng làm “thư ký” cho cụ trong buổi làm việc với công an. Bây giờ cái gì tôi cũng phải kể cho bố nghe, để bố biết mà “phản biện” với mấy người cứ hay bóng gió này nọ về tôi.

Phóng xe đến nhà cụ Đức, tôi thấy khoảng hơn hai chục người đứng trước cửa nhà cụ. Trông dáng vẻ họ rõ là những người dân quê lam lũ. Phần lớn họ là phụ nữ có tuổi, trong đó có cả bà cụ tám mươi tuổi, nhăn nheo móm mém. Hỏi mới biết họ là những người nông dân ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm bị mất đất bởi dự án Ciputra Nam Thăng Long từ năm 2005.

Cụ Đức mời họ vào nhà, nghe họ trình bày rồi nhận đơn từ của họ. Thoạt đầu thấy cái bao tải dứa họ khệ nệ vác vào, tôi lại tưởng sản vật quê nhà bà con đem lên biếu cụ. Đến lúc cụ hỏi về điều gì đó thì họ lôi cái bao dứa ra, hóa ra trong đó là một cái ba lô đựng toàn đơn từ khiếu nại. Tôi những muốn rớt nước mắt, cả một bao tải dứa trĩu nặng bao nỗi thống khổ của những người đàn bà lam lũ kia. Không biết họ đã đi tới những đâu, đã khóc hết bao nhiêu nước mắt, và mấy ai đã chìa tay ra cho những con người này.

Dù hôm nay cụ Đức không có lịch làm việc với họ, nhưng cụ vẫn mời họ vào nhà, lắng nghe họ trình bầy rồi nhận đơn của họ. Nghe vài lời không rõ được mọi chuyện, nhưng tôi tin những người đàn bà kia. Họ không dại gì bịa ra những câu chuyện tày đình, để rồi suốt 7 năm nay kiên trì và nhẫn nại gõ tất cả mọi cánh cửa, với hy vọng tìm được công lý cho họ.

clip_image001

Tôi rất ấn tượng với người đàn bà tên Hoàng Thị Tưởng, thay mặt bà con trình bày với cụ Đức. Nước da chị đen sạm, giọng nói từ tốn, nhẹ nhàng, rất lễ phép, chị kể về chuyện bao nhiêu năm nay chị cùng bà con gõ cửa đến những đâu để khiếu nại, rồi chỉ vì khiếu nại như thế mà công an bắt chị, kết án 7 tháng tù giam, tống vào Hỏa Lò. Nghe đến Hỏa Lò là ruột gan tôi lại nhộn nhạo. Cái tên địa danh đó giờ đây không còn đáng sợ với tôi nữa, nhưng cái chính tôi đã nhìn nó với một con mắt khác trước rất nhiều, về thực chất giữa những con người có án hay chưa có án lại cần phải được soi qua cái lăng kính cuộc đời, mới có thể biết được đâu là cái tốt, đâu là cái xấu.

Chị Tưởng kể khi không lấy được đất của dân, nhà thầu đã đổ bê tông dày 20 phân lên ruộng. Rốt cuộc ngần ấy năm nay ruộng đất để hoang, không cấy hái gì được nữa. Cụ Đức nghe vậy cũng gật đầu bảo đã từng thấy ruộng đất bị bỏ hoang nhiều lắm. Tôi nghĩ đó mới chính là tội ác. Lãng phí cũng là một tội ác.

Thời gian không có nhiều, trong khi chị Tưởng lôi đơn từ, ảnh chụp ra cho cụ Đức xem, mọi người kể những ai đã bị giam vào Hỏa Lò chỉ vì đi khiếu nại. Chị Đỗ Thị Ngữ ở xóm Đình, thôn Nhật Tảo còn kể bị giam 4 tháng, con cháu ở nhà bỏ ra 50 triệu để chạy chọt thì chị mới được ra. Lời chị kể đúng sai đến đâu tôi chưa biết, nhìn khắp lượt những con người ngồi quanh đây, tôi không thể hình dung ra chặng đường mà những người đàn bà này đã đi trong suốt những năm qua, thương không biết nói sao cho vừa. Chỉ biết động viên họ hãy cố gắng đi đến đích, ruộng đất là máu thịt của người nông dân, không thể để cho ai cướp đoạt được.

Nếu không vì mấy người đàn ông mặc cảnh phục xuất hiện thì bà con chắc còn ngồi lâu. Mọi người lần lượt chào chúng tôi, không quên lời cảm ơn đã tiếp đón bà con và xin chúng tôi hãy giúp đỡ họ. Bà cụ móm mém tám mươi tuổi ôm lấy cụ Đức nói gì tôi không nghe rõ, chỉ thấy là nước mắt giàn giụa. Tiễn bà con ra cửa, cụ Đức còn lớn tiếng dặn dò rồi bảo với tay công an khu vực:

-     Cấm không được ai gây khó dễ cho bà con đấy. Bà con có bị quấy nhiễu gì thì báo ngay cho tôi biết.

Giờ mới đến màn chính của ngày hôm nay. Sau khi cụ giới thiệu tôi và chị Hương là thư ký cho cụ một cách đàng hoàng, để cho họ khỏi thắc mắc, cụ bắt đầu yêu cầu hai công an viên mặc cảnh phục phải xưng tên và xuất trình thẻ ngành. Chỉ có thế mà um tý tỏi lên. Hai công an viên kia nhất định không chịu đáp ứng yêu cầu của cụ. Cụ cáu lắm, bảo:

-     Lạ nhỉ, tôi tên là thế này, ở địa chỉ này, các anh đều biết, vậy mà tôi lại không được biết tên các anh là sao. Thẻ ngành của các anh đâu?

-     Ôi giời, cụ biết cháu rõ quá rồi còn gì, cháu mặc quân phục thế này chưa đủ hay sao mà cụ còn phải đòi thẻ ngành?

Đúng là lạ thế đấy, nhưng cụ nói đại để là quân phục thì cụ cũng có thể mượn được, rồi nhỡ đâu hôm qua thì cậu còn ở công an quận, nhưng hôm nay thì cậu lại chuyển đơn vị khác rồi thì sao, vậy nên cần thẻ ngành là vì thế đấy. Hai tay công an gần như mất kiên nhẫn vì cụ cứ truy mấy cái vụ thể thức làm việc ban đầu ấy. Một tay công an tên là Sơn bỏ ra ngoài, tỏ vẻ rất bực bội, bảo thôi không làm việc nữa. Cụ Đức cũng bực mình, bảo: Láo! Ra thì cũng phải chào hỏi chứ, nhà cụ có phải là chỗ thích vào thì vào, thích ra là ra đâu. Nhưng tay công an tên là Hưng thì tỏ vẻ nhẫn nại hơn, nếu bỏ về thì không hoàn thành nhiệm vụ à? Anh ta không câu nệ gì nữa, hỏi thẳng luôn, rằng có phải vừa qua cụ có phản ảnh lên lãnh đạo công an thành phố về việc cảnh sát 113 quận Đống Đa đi xe chuyên ngành, đến gặp các hộ kinh doanh để xin tiền trong dịp tết vừa qua không? Đấy! Là hôm nay chúng cháu đến chỉ để hỏi cụ về việc đó thôi.

Trời đất, có thế mà cũng phải mời cụ lên quận, rồi không mời được thì lại xuống tận nhà cụ chỉ để hỏi có mỗi cái câu thế thôi à?

Theo thông tấn xã vỉa hè thì sáng nay sẽ có rất nhiều dân oan sẽ có mặt ở Hà Nội để gửi đơn kêu cứu. Mà cụ Lê Hiền Đức lại vốn được coi là vị cứu tinh của dân oan cả nước, nên chắc hẳn họ bày ra cái vụ này cốt chỉ để giữ chân cụ trong sáng nay mà thôi. Là tôi đoán vậy, nhưng hẵng nghe cụ hoạnh vụ giấy mời này cái đã. Cụ giương mục kỉnh soi cái giấy mời:

-     Thứ nhất từ ngữ ghi trong cái giấy mời này là rất thiếu lễ độ. Ghi là yêu cầu không được vắng mặt! Các anh có phải là lãnh đạo của tôi đâu mà ghi là yêu cầu, các anh mời thế đấy à? Mời thì phải mời cho nó đàng hoàng, phải hỏi xem liệu tôi có thể đến được hay không chứ lại ghi là yêu cầu à.

-     Thứ hai, giấy mời ghi cụt lủn là giải quyết ý kiến của bà. Tôi đã gặp các anh bao giờ đâu mà bảo là có ý kiến gì? Mà tôi có nhiều ý kiến lắm, nhưng tôi có ý kiến với lãnh đạo công an thành phố chứ không phải với các anh.

Tay công an tên Hưng đành phải công nhận là cái câu yêu cầu ấy là xấc xược, do không nhớ ra là cụ đã nhiều tuổi??? Và lúc đầu thì thay mặt anh em cháu xin lỗi, sau thì nhớ ra bảo chính là cháu viết nên cháu xin lỗi cụ. Cụ Đức đồng ý bỏ qua, nhưng thâm tâm tôi thì không bỏ qua. Anh ta nói thế hóa ra vì cụ Đức nhiều tuổi nên anh ta xin lỗi, thế còn với người khác thì anh ta không xin lỗi và có quyền yêu cầu à?

Sau thì cụ bắt đầu nói về cái vụ cụ phản ánh việc công an quận Đống Đa xin tiền dân để ăn tết. Cụ bảo cụ nói với ông Nhanh là, anh không cho lính tiền ăn tết hay sao mà để chúng nó ngửa tay đi xin tiền dân thế? Chúng nó đang bôi gio trát trấu vào mặt chính quyền đấy anh có biết không hả?

Anh công an Hưng cũng tỏ ra bức xúc lắm, bảo bắt được mấy thằng ăn bẩn ấy thì anh ta đập chết. Cụ Đức cười bảo, chúng nó bảo cụ ơi, con chỉ được một tý thôi, con còn phải nộp lên trên cơ. Cái nhà anh Hưng kia giãy lên:

-     Đấy, thế là cụ biết đấy chứ, cái chính cụ chả bảo cho chúng con biết thôi.

-     Tôi bảo thì để các anh hết việc à. Theo nguyên tắc chống tham nhũng, trước hết là phải đảm bảo giữ kín danh tính người tố cáo để bảo đảm an toàn cho họ. Còn việc tìm ra ai là người xin tiền, xin vào lúc nào, xin ai thì đó là nhiệm vụ của công an chứ không phải của tôi. Các anh phải bằng nghiệp vụ chuyên môn để tìm ra sự thật về phản ảnh của người dân, chứ sao lại đi hỏi ngược lại thế?

Nói tóm lại việc công an làm việc với cụ Đức hôm nay chỉ có thế. Anh công an tên Hưng ghi xong biên bản, đọc xong rồi lại đưa cụ Đức đọc lại, ký vào là xong. Lúc đầu căng thẳng thế, giờ thì cười tươi như hoa, bắt tay chúng tôi rồi chào cụ ra về. Tay công an tên Sơn bỏ đi đâu mất hút giờ cũng quay lại cười xởi lởi. Khi chia tay, hai anh công an ra sức nói rằng chống tham nhũng là việc của chúng cháu. Hai anh còn hùng hồn nói: nếu bắt được đứa nào ăn bẩn thì cháu đập chết. Chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ, thì hai anh khẳng định: đánh thẳng tay. Bằng chứng là năm vừa rồi đuổi khỏi ngành mấy đứa. Hai anh vẫn tức là vì cụ báo vụ việc những cụ lại chẳng chỉ rõ là ai để chúng cháu trị cho một trận. Cụ bảo: Nếu là tôi thì tôi đã tìm ra cái thằng ấy từ lâu rồi. Có mỗi việc ấy mà từ Tết đến giờ các anh không tìm ra là quá kém. Họ về rồi, tôi với chị Hương cứ cười rũ ra, phục bà cô hơn tám mươi tuổi sát đất.

Dù sao tôi cũng có thêm được một kinh nghiệm quý giá trong cuộc sống. Tôi cứ tủm tỉm cười suốt khi mấy tay công an bị cụ Đức đá xoáy. Lẽ ra biết tính cụ rồi thì ban đầu cứ đúng thể thức phép tắc mà làm, có phải đơn giản và nhẹ nhàng mà lại được việc không. Đằng này lại dốt thế, để cụ chỉnh từ đầu đến cuối trước mặt hai phụ nữ lạ mặt như tôi và chị Hương, để rồi thấy chúng tôi cứ ngồi cười suốt như thế. Chị Hương thì bảo, chẳng phải họ dốt đâu mà đó là bản chất của họ, quen cái cách làm việc trịch thượng, coi dân như cỏ rác rồi, chẳng may lần này gặp cụ Đức thì chịu thôi.

Tôi ra về với niềm vui thoáng chốc nhưng lòng lại chợt chùng xuống khi nghĩ về những người phụ nữ xã Đông Ngạc lúc sáng. Những người phụ nữ lam lũ cả đời cùng thửa ruộng, bán chân cho đất bán mặt cho trời mà chưa hết nỗi lo mất đất mất ruộng. Sao họ khổ thế, những mong cày sâu cuốc bẫm làm ra hạt lúa cho mình cho đời mà cũng không xong. Bỏ ruộng bỏ nhà đi kêu cứu mà nào có bàn tay nhà nước nào chìa ra cho họ hay chỉ có những kẻ ăn cơm dân nhong nhóng chờ cơ hội để hốt họ lên xe bus. Mà ai trong số phụ nữ lao khổ đó có được Trời phú cho một cái đầu thông tuệ như cụ Đức đâu cơ chứ.

Cầu những điều may mắn ngày nào đó đến với họ.

P. B.

Nguồn: xuandienhannom.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn