Ghi nhận về Đại hội thường niên 2012 của Amnesty International USA

Đoàn Thanh Liêm

Năm 2012 này là kỷ niệm lần thứ 51 kể từ ngày tổ chức Ân xá Quốc tế được thành lập tại London (1961 – 2012). Theo thông lệ, hàng năm tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ (Amnesty International USA được viết tắt là AIUSA) đều tổ chức một Đại hội thường niên (Annual General Meeting AGM) luân phiên tại mỗi thành phố khác nhau trên đất Mỹ. Và năm nay, AGM 2012 vừa diễn ra tại thành phố Denver tiểu bang Colorado vào 3 ngày 30, 31 tháng Ba và 1 tháng Tư với sự tham dự của chừng 700 đại biểu đến từ khắp các địa phương và một số khách mời quốc tế.

Là một thành viên họat động từ mấy năm nay của một đơn vị cơ sở địa phương tại vùng thành phố Irvine miền Nam California được gọi là Group 178, tôi đã có dịp tham dự liên tục với ba kỳ đại hội, đó là: AGM 2010 tại New Orleans Louisiana, AGM 2011 tại San Francisco California và AGM 2012 mới đây tại Denver Colorado. Chương trình làm việc của Đại hội thường được chuẩn bị rất nghiêm túc chu đáo với nhiều tiết mục được bố trí xen kẽ giữa những phiên họp gồm toàn thể mọi tham dự viên với những cuộc thảo luận chuyên biệt theo từng đề tài nơi những nhóm nhỏ hơn. Các đại biểu phần đông đều tham dự các phiên họp lớn, nhỏ với tinh thần hăng say phấn khởi, dù chương trình nghị sự được dàn trải kín mít với nhiều chi tiết cặn kẽ chính xác đến ngạc nhiên.

Năm nay, khẩu hiệu của AGM 2012 là Vùng Lên (Rise Up) mà nhiều bạn trẻ còn viết bằng mực đen lên trên khuôn mặt mình nữa. Và tổng số thuyết trình viên trong suốt ba ngày của Hội nghị đã lên đến con số trên 40 người, trong đó có đến chừng 10 vị khách mời từ nước ngoài.

Điều ghi nhận phấn khởi nhất đối với tôi, đó là thành phần tham dự của lớp người trẻ trên dưới 20 tuổi đã chiếm đến gần phân nửa số các đại biểu. Các sinh viên đại học, và cả một số học sinh trung học đều đi theo từng nhóm 5 - 7 người với nhau, nên họ đã đem lại cho Đại hội một ba62u không khí hết sức sinh động nô nức qua những phát biểu hăng say và nhất là những tràng “đứng dậy vỗ tay tán thưởng” nồng nhiệt – có khi kéo dài cả đến một vài phút, đặc biệt đối với một số diễn giả được đa số mến mộ. Được đích thân chứng kiến sự nhiệt tâm nhập cuộc của giới trẻ như thế, quả thật tôi rất vui mừng và lạc quan tin tưởng nơi tương lai tốt đẹp của phong trào tranh đấu nhân quyền hiện nay trên thế giới.

I – Tóm lược về Chương trình Nghị sự

Hội nghị làm việc trọn ngày, suốt từ 8.00 sáng đến 9.00 tối trong hai ngày Thứ Sáu 30 và Thứ Bảy 31 tháng Ba, cộng thêm nửa ngày Chủ Nhật mồng 1 tháng Tư từ 8.00 sáng đến 12.30 mới bế mạc.

1- Ngày Thứ Sáu 30 tháng Ba có những tiết mục đáng chú ý như sau:

* Huấn luyện về lãnh đạo chức năng Phối hợp các Nhóm Địa phương và Khu vực.

*Họp mặt các Phối hợp viên theo địa hạt quốc gia và theo chủ đề

* Biểu tình trước trụ sở Quốc hội tiểu bang Colorado nhằm đòi hỏi Nhân quyền của người Nhập cư (Immigrants’ Rights Rally).

* Nghi lễ Khai mạc và Trao Giải thưởng.

2 – Ngày Thứ bảy 31 tháng Ba có nhiều tiết mục đáng chú ý như:

* Diễn từ của Giám đốc Điều hành Suzanne Nossel

* Tường trình của Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford

* Tường trình của ba thành viên đi dã ngọai bị bắt giữ tại Iran: Shane Bauer, Josh Fattal và Sarah Shourd.

* Phiên họp toàn thể với chủ đề “Vùng lên: Đòi Nhân quyền, Xác định Tương lai”.

* Thảo luận về quá trình vận động thông qua “Hiệp ước Buôn bán Vũ khí” (Arms Trade Treaty ATT).

* Trình bày của các ứng cử viên vào Hội đồng Quản trị (AIUSA Board).

3 – Ngày Chủ Nhật 1 tháng Tư có hai tiết mục đáng chú ý nhất:

* Phiên họp toàn thể với chủ đề: “Chúng ta đã từng chấm dứt Án Tử Hình tại nước Mỹ – Bằng cách nào chúng ta có thể loại bỏ dứt khoát được Án Tử Hình?”(We Ended the Death Penalty Once in the US – How Will We End It for Good?)

* Diễn từ Bế mạc của Giám đốc Điều hành Suzanne Nossel.

II – Một số Diễn giả nổi bật

Trong số trên 40 diễn giả trình bày trong các phiên họp toàn thể cũng như trong các cuộc thảo luận từng nhóm nhỏ, tôi nhân thấy có mấy nhân vật nổi bật mà được cử tọa hoan nghênh nhiệt liệt, điển hình như sau:

1 – Bà Jenni Williams từ nước Zimbabwe ở Phi châu

Bà Zenni Williams được giải thưởng Ginetta Sagan năm 2012, là một phụ nữ nổi danh vì sự can trường bền bỉ tranh đấu cho Tự do và Nhân phẩm tại Zimbabwe từ nhiều năm qua. Năm 2003, bà đứng ra thành lập tổ chức WOZA (Women of Zimbabwe Arise) nhằm liên kết giới Phụ nữ trong công cuộc đòi hỏi quyền chính trị và kinh tế cho đồng bào của mình. Bà đã từng bị bắt giữ đến 40 lần vì những hành vi bất bạo động của tổ chức WOZA này. Một trong các chiến thuật tranh đấu mà gây được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng là những đòan viên WOZA mang theo cái chổi để tượng trưng cho quyết tâm “quét sạch tham nhũng” tại xứ sở Zimbabwe. Hiện nay phong trào WOZA đã có đến trên 80.000 thành viên hoạt động tích cực. Bài phát biểu của bà Williams sau lúc đón nhận Giải thưởng Ginetta Sagan đã được toàn thể cử tọa tại hội trường cùng đứng dậy vỗ tay hoan nghênh rất nồng nhiệt.

2 – Đại sứ Robert Stephen Ford

Đại sứ Ford là viên chức ngoại giao kỳ cựu, ông đã từng giữ chức vụ Đại sứ Mỹ ở nhiều quốc gia Phi châu và Trung Đông. Ông từng là đoàn viên thiện nguyện trong tổ chức Peace Corps tại Ma Rốc năm 1980 - 82 và nhận được nhiều giải thưởng do thành tích phục vụ nhiều năm ở Irak. Sự có mặt của Đại sứ Ford tại Đại hội của Amnesty năm nay là một bằng chứng rằng chính quyền nước Mỹ tán đồng lập trường của Amnesty trong việc bênh đỡ những nạn nhân của sự đàn áp thô bạo của nhà cầm quyền đương nhiệm tại Syria. Bài thuyết trình của ông đã được cử tọa chăm chú theo dõi và hoan nghênh nhiệt liệt với tràng pháo tay kéo dài đến hai phút.

3 – Nhà báo Amy Goodman

Amy Goodman là một nhà báo được đánh giá rất cao vì thành tích sáng lập ra phong trào vận động Dân chủ có tên là “Democracy Now”. Bà được giới truyền thông báo chí quốc tế xếp vào hàng đầu trong số 20 nhân vật truyền thông có ảnh hưởng nhất trên thế giới vào đầu thế kỷ XXI hiện nay. Bài trình bày của bà Goodman về phương cách vận động quần chúng đòi hỏi chính quyền các tiểu bang ở Mỹ cũng như chính quyền liên bang phải dứt khoát xóa bỏ Án Tử hình đã được cử tọa trong phiên họp toàn thể cuối cùng vào trưa ngày Chủ nhật mồng 1 tháng Tư chăm chú lắng nghe và vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt.

4 – Bà Asmaa Mahfouz, người phát động chiến dịch Mùa Xuân Ai cập

Asmaa Mahfouz là đồng sáng lập Phong trào Thanh niên mồng 6 tháng Tư của Ai Cập từ năm 2010. Vào đầu năm 2011, với các video YouTube kêu gọi nhân dân Ai Cập vùng lên đòi hỏi Nhân quyền, Asmaa Mahfouz đã góp phần quan trọng trong các cuộc biểu tình rầm rộ và liên tục tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo khiến đã đưa đến sự chấm dứt chế độ độc tài Hosni Mubarak. Asmaa Mahfouz đã được Quốc hội Âu châu tặng giải thưởng Sakharov về Tự do Tư tưởng năm 2011 và được giới kinh doanh Ả Rập xếp vào danh sách 500 nhân vật gốc Ả Rập có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Bài trình bày kinh nghiệm vận động quần chúng của bà Asmaa Mahfouz đã được cử tọa đứng dậy vỗ tay tán dương nồng nhiệt.

III – Cả ba thế hệ đều cùng tích cực tham gia tranh đấu cho Nhân quyền

Đây là lần thứ ba tôi tham dự Đại hội thường niên AGM của Ân xá Quốc tế Mỹ, nên lần này tôi gặp lại nhiều khuôn mặt quen thuộc từ mấy kỳ đại hội trước. Điển hình là giáo sư Kristy Hagersheimer từ Đại học Doane ở Nebraska, giáo sư Susan Waltz Đại học Michigan, giáo sư Julian C. Traylor là chiến hữu của bà Ginetta Sagan, giáo sư Carole Nagengast Đại học New Mexico hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị AIUSA (Chair of Board) v.v. Susan Schmidd đặc trách liên lạc phối hợp của khu vực miền Tây lần này đưa cả bà mẹ từ Arizona đến tham dự AGM. Bà mẹ cho tôi biết là hồi trước cả thân mẫu của bà cũng đã từng là thành viên hoạt động của Amnesty: như vậy là cả ba thế hệ trong gia đình này đã cùng tham gia sinh hoạt với Amnesty. Ana Sagan cháu nội của bà Ginetta Sagan, cũng như bà Jane Kristof cùng cháu nội năm nào cũng đứng ra trao giải thưởng Ginetta Sagan và Ladis Kristof tại AGM với lời phát biểu thật nghiêm túc chững chạc.

Về giới trẻ, năm nay tôi gặp được nhiều sinh viên ngoại quốc cũng như sinh viên Mỹ, cụ thể như Sabine Kast từ Nam Phi, Julia Hanne từ Đức, Eugenia Cavazos từ Mexico. Cả ba sinh viên này hiện đang theo học tại New York. Và tôi cũng làm quen được với Erika Maskal, Janessa Nedney là hai sinh viên Mỹ từ thành phố Seattle tiểu bang Washington. Theo yêu cầu của các bạn trẻ này, tôi đã chuyển bằng e-mail một số bài viết của tôi và cả bản tường trình mới nhất về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2011 nữa.

Và dĩ nhiên là tôi đã cố gắng tìm kiếm xem có ai là người Việt tham dự AGM này, mà rút cục tôi chỉ gặp được có một sinh viên Việt Nam duy nhất, đó là cô Phạm Thiên Thái Thanh từ tiểu bang Michigan. Cô Thanh cho tôi biết cô sinh ra và lớn lên tại Mỹ và vừa tốt nghiệp bằng Cao học tại một Đại học ở Colorado. Gần đây cô cũng về Việt Nam sống với ông bà một thời gian dài, nhờ vậy cô nói được tiếng Việt tương đối trôi chảy.

Đặc biệt, tôi có dịp trao đổi nhiều với luật sư Leila Ann Chacko vào lứa tuổi 35-36 là người đặc trách về hồ sơ Việt Nam của Nhóm 519 AIUSA tại Orlando Florida. Tôi đã gửi cho Leila bản Tường trình về tình hình Nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2011 mà Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam vừa mới cho phổ biến vào tháng Ba năm 2012 với nhiều chi tiết cập nhật cho đến cuối tháng hai năm nay. Và tôi dự trù sẽ gặp lại Leila và Nhóm 519 AIUSA của chị, khi đến viếng thăm Orlando vào cuối tháng Tư sắp tới, để trao đổi chi tiết hơn về công cuộc tranh đấu Nhân quyền ở Việt Nam.

IV – Để tóm lược lại, tôi xin ghi lại vài cảm nghĩ vắn tắt sau đây:

1 – Sau trên nửa thế kỷ hoạt động, Amnesty International đã gây thành một phong trào tranh đấu Nhân quyền mỗi ngày càng thêm mạnh mẽ quyết liệt tại cùng khắp mọi nơi trên thế giới. Riêng tại Mỹ, thì con số thành viên họat động của AIUSA đã lên đến con số gần 3 triệu người, được phân bố trong các Nhóm địa phương hoặc các Nhóm đặc biệt, nhất là trong khuôn viên các Đại học. Thành phần trẻ càng ngày càng thêm đông đảo năng động, nên khí thế tranh đấu thật là sôi nổi nhiệt thành. Rõ ràng là khu vực Xã hội Dân sự có chiều hướng đóng vai trò chủ động hơn trong nhiệm vụ làm đối trọng (counterbalance) đối với chính quyền của từng quốc gia, cũng như đối với các định chế và cơ cấu chính trị xã hội quốc tế.

2 – Nhờ viễn kiến thông thoáng cởi mở của giới hàn lâm đại học, cũng như lý tưởng nhân bản nhân ái của giới lãnh đạo tôn giáo văn hóa cùng với sự trao đổi và hợp tác quốc tế của Xã hội Dân sự, mà các cơ sở tranh đấu nhân quyền quốc tế như Amnesty, Human Rights Watch, v.v. đã phát triển rất rộng rãi trong vòng 30–40 năm gần đây. Sức mạnh của cuộc tranh đấu bất bạo động này hiện càng ngày càng tạo được áp lực nặng nề chống lại các chế độ độc tài sắt máu, cũng như chống lại những hành động sai trái của các chính quyền nhà nước bất kể tại một quốc gia nào. Điển hình như phong trào đòi chính quyền Mỹ phải bãi bỏ Án Tử hình, phải bảo vệ nhân quyền cho người di dân, cho giới phụ nữ…, thì Amnesty không bao giờ lại chịu khuất phục hay nhân nhượng trước sự đe dọa hay mua chuộc nào do phía nhà nước đưa ra.

3 – Trong số các chủ đề được bàn thảo sâu rộng trong ba ngày của AGM 2012 năm nay, tôi đặc biệt chú ý đến lập trường dứt khoát của đa số các thành viên AIUSA về các vấn đề cụ thể như sau:

*Bãi bỏ Án Tử hình

*Đóng cửa nhà tù Guantanamo

*Đòi Nhân quyền cho Phụ nữ và Người Di dân

* Kiện toàn Hiệp ước về việc Buôn bán Võ khí (Arms Trade Treaty).

* Yểm trợ công cuộc nổi dậy tranh đấu tại Trung Đông

* Tận dụng Mạng lưới Xã hội (Social Network) trong cuộc Tranh đấu Nhân quyền và Dân quyền.

v.v.

4 – Về mối liên kết của Việt Nam với Phong trào Nhân quyền tòan cầu, thì hiện nay vẫn chưa được bà con người Việt mình chú trọng đúng mức. Điển hình là số sinh viên Việt Nam tại Mỹ hưởng ứng tham gia các AGM trong thời gian gần đây hãy còn quá ít, mà giới truyền thông báo chí Việt Nam ở hải ngọai cũng chưa thấy để tâm theo dõi sinh hoạt của các tổ chức tranh đấu nhân quyền quốc tế như Amnesty, Human Rights Watch, Reporters Sans Frontìeres …

Để kết luận, người viết xin được gióng lên tiếng chuông báo động này với niềm mong ước nóng bỏng rằng sẽ có được nhiều thức giả và giới trẻ Việt Nam khởi sự tìm cách hội nhập sâu sát hơn nữa vào với dòng chính của phong trào tranh đấu toàn cầu cho Phẩm giá và Quyền Con Người trong thế kỷ XXI ngày nay./

Dallas Texas ngày 7 tháng Tư năm 2012

Đ. T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn