“Gục ngã” trên đống tài sản

Đình Dân - Trần Vũ Nghi - Lê Sơn

- Kỳ 1: Sắt để gỉ, ximăng chất đống

TT - Như Tuổi Trẻ từng đề cập, nhiều doanh nghiệp co cụm, phá sản không chỉ do lãi suất quá cao mà còn do sức mua của thị trường quá thấp. Hàng làm ra không bán được khiến doanh nghiệp “gục ngã” trên đống tài sản.

Tình trạng này xảy ra ở nhiều lĩnh vực và dắt dây từ nhà sản xuất đến phân phối, bán lẻ...

clip_image001

Một cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình, TP.HCM) do ế ẩm nên bị tồn hàng tấn sắt thép, phần lớn trong số này đang bị gỉ sét - Ảnh: Đình Dân

Hiện doanh nghiệp thép chỉ chạy 50-60% công suất thiết kế, thậm chí có ít nhất sáu doanh nghiệp đã ngừng sản xuất do hàng bán không được.

Lượng hàng tồn kho ùn ứ khiến nhiều doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, còn các đại lý nhập hàng về nhỏ giọt, nhiều đại lý không cầm cự nổi phải bỏ nghề...

Sức mua giảm sâu

"Đây có lẽ là năm bi kịch nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng, khi mọi thứ dường như đã nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp, đặc biệt là kênh tiêu thụ ở thị trường nội địa"

Ông ĐỖ DUY THÁI

(tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt, Pomina)

Đã quá trưa nhưng tại một đại lý phân phối sắt, thép lớn có tiếng trên đường Lý Thường Kiệt (TP.HCM) vẫn vắng hoe không một bóng khách. Đứng trước đống sắt, thép tồn kho nhập về nhiều chủng loại như: Pomina, Việt Nhật, Miền Nam... đang phủ bạt kín giữa kho, bà Trần Thị S. - chủ đại lý - lắc đầu ngao ngán: “Ế ẩm quá! Mặc dù đã bước vào mùa xây dựng nhưng sức mua vẫn giảm 30-40% so với năm ngoái. Năm ngoái lỗ nặng rồi, năm nay còn nặng hơn năm ngoái!”.

Theo bà S., trước đây đại lý của bà mỗi lần nhập cả ngàn tấn thép về kho để bán, “nhiều lúc bán không ngơi tay, nhưng nay chỉ dám nhập nhỏ giọt khoảng 100 tấn để cho có hàng”, bà S. phân trần. Đồng lời ít, bạn hàng lại trả tiền chậm khiến đại lý bà S. rơi vào cảnh cầm cự từng ngày để nuôi nhân viên.

Ông Khang, người trông coi kho hàng rộng hơn 300m2 của bà S., phải dùng giẻ lau những lớp gỉ sét đóng trên những khối sắt thép do “đắp chiếu” lâu ngày. “Tôi trông coi kho này từ năm 1990 nhưng chưa có thời điểm nào thê thảm như lúc này. Đến cả lượng người bốc xếp của kho này trước có 15 người, nay không bán được chỉ còn lại ba người mà có ngày cũng không có việc để làm”, ông Khang nói.

Tương tự, tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ sắt, thép trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), đường Tô Hiến Thành (Q.10)... cũng hết sức ế ẩm, có khi cả tuần chỉ bán lẻ được vài món hàng không đáng kể. Tại cửa hàng Thanh Thiên trên đường Lý Thường Kiệt, không có khách nên dù đã gần 10g mà hai nhân viên bốc xếp vẫn nằm ngủ trên xe.

Anh Yên, chủ cửa hàng, cho hay mấy ngày nay các nhân viên điều tra thị trường “liên tiếp đến hỏi vì sao trước mỗi lần nhập hàng về 20 tấn, giờ chỉ còn lại 10 tấn. Nhìn hàng chất đống không bán được bị gỉ sét thì hiểu liền, đâu cần hỏi nữa!”. Còn các nhân viên giao hàng của cửa hàng này cho biết ngày trước mỗi ngày chạy 2-3 chuyến giao hàng thì nay mỗi tuần may ra được 1-2 chuyến.

Ximăng cũng cùng chung “số phận” với sắt thép. Lượng mua quá ít khiến các đại lý phân phối ximăng của Hà Tiên 1, Sông Gianh, Holcim, Nghi Sơn, Cẩm Phả, Hạ Long... đang phải “dở khóc dở cười”.

Tại kho hàng của vựa ximăng Thành Long trên đường Vạn Kiếp (Q.Phú Nhuận), bà Mai - chủ vựa - cho biết thời điểm này năm ngoái một tuần bà có thể bán được 800 bao, “nhưng giờ bán được 35-40 bao/tuần”. Kho hàng vốn chứa được trên 2.000 bao ximăng của bà Mai giờ rộng thênh thang, bà chỉ nhập hàng khi nào các công ty ximăng hạ giá hoặc khuyến mãi.

Bà Phượng, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Loan Phượng, từng phất lên trong ngành này, giờ chỉ biết nhìn những chiếc xe chở hàng nằm xó trong kho cùng vài bao ximăng sót lại. “Từ năm ngoái sức mua đã ế ẩm. Năm nay lại giảm thêm 40% so với trước thì còn bán buôn gì”, bà Phượng chua xót.

Sáng bán vật liệu, chiều bán gà nướng

Kho hàng của Công ty cổ phần Phương Nam (đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận) từng là nhà phân phối lớn của Ximăng Sông Gianh nay chỉ còn lại bãi đất trống được bao kín tôn xanh. Cạnh đó, kho hàng của Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thanh chuyên bán ximăng của Vincent và Hà Tiên 1 cũng ảm đạm không kém.

Cả khu kho hàng rộng gần 200m2 của công ty giờ chỉ còn lại vài bao ximăng, một ít gạch, cát. Phía ngoài cổng, chủ công ty phải rao bán chiếc xe tải thường dùng để chuyên chở ximăng cho khách. Còn phía trong cổng là nơi để chiếc xe đẩy bán khoai tây chiên, chân gà nướng của một người nhà trong công ty.

“Sáng thấy công ty bán vật liệu xây dựng, còn chiều thấy bán chân gà nướng, khách đến ăn chân gà nướng thì nhiều mà đến mua vật liệu thì không thấy!”, một người dân ở đây cho biết.

Hàng “ăn theo” kín lối ra

“Ăn theo” ngành vật liệu xây dựng, ngành hàng trang trí nội thất cũng bị vạ lây. Chỉ vào đống bàn ghế, tủ bếp bày ra từ ngày này sang ngày khác, bà Thu - chủ cửa hàng trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) - ngao ngán nói: “Cả ngày lượng khách đến chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết chỉ đi một vòng, hỏi giá sau đó lẳng lặng bỏ đi. Nguyên tháng 3 chúng tôi bán được ba bộ bàn ghế, không đủ trả tiền mặt bằng, lương nhân viên”.

Sức mua mặt hàng này hiện đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chủ cửa hàng nội thất trên đường Ngô Gia Tự (Q.10), Cộng Hòa (Q.Tân Bình)... cũng cho biết tình trạng buôn bán ế ẩm chưa từng thấy. Nhiều cửa hàng treo biển giảm giá 10-30% nhưng khách chẳng đoái hoài. Ông Nguyễn Văn Chương, giám đốc Công ty TNHH B.A (Boutique-Art) - doanh nghiệp hiện có ba showroom tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng đang hết sức mệt mỏi với lượng hàng tồn kho.

“Chúng tôi hiện có khoảng bốn kho với tổng diện tích trên 2.000m2 để chứa trữ hàng hóa, nhưng thời gian tới có lẽ phải thuê thêm một kho hàng tại Q.7 nữa để chứa... hàng tồn”.

Sức mua các sản phẩm xây dựng hoàn thiện khác (gạch men, đèn treo tường, giấy dán tường, dây cáp điện...) cũng khựng lại.

Anh Tấn, chủ cửa hàng số 711 Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), cho biết trước đây ngày nào cũng nhập hàng, giờ 1-2 tuần mới dám nhập về, mà lượng hàng mỗi lần nhập cũng giảm 30%. Từ cuối năm ngoái cửa hàng đã phải giảm giá các mặt hàng dây cáp xuống 10%, kèm thêm dịch vụ giao hàng tận nhà nhưng khách vẫn đìu hiu.

Ngoài tầm kiểm soát

Theo tài liệu chúng tôi có được, số doanh nghiệp trong Hiệp hội Thép VN (VSA) có lượng thép tồn kho từ vài chục lên đến cả trăm ngàn tấn hiện có mấy chục doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp giữ thị phần chi phối trên thị trường. Lượng hàng bán ra của các doanh nghiệp cứ giảm dần đều từ đầu năm 2012 đến nay, đẩy lượng hàng tồn ngày một chồng chất. Rất nhiều doanh nghiệp thép chỉ chạy 50-60% công suất thiết kế, thậm chí có ít nhất sáu doanh nghiệp đã ngừng sản xuất do hàng bán không được.

Ông Đ., chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp quy mô lớn tại TP.HCM, thừa nhận lượng thép tồn kho của ông hiện xấp xỉ 200.000 tấn. “Nếu trong bối cảnh thị trường bình thường, mức tồn kho nói trên là chấp nhận được. Nhưng ở hoàn cảnh hiện tại, đây là một mức... khó sống!”, ông Đ. thừa nhận. Nếu chỉ cần lấy giá nguyên liệu là 470 USD cho mỗi tấn thép, số tiền “chết” trong kho đã xấp xỉ 100 triệu USD”.

“Số tiền này nhân thêm lãi suất vay ngân hàng, cộng thêm chi phí vận hành nhà máy, chi trả nhân công thì mở mắt ra tôi đã bị “bốc hơi” cả chục tỉ đồng/ngày” - ông Đ. ngậm ngùi.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ximăng C còn chua chát hơn khi cho rằng “thị trường ximăng đang quẫy đạp giành nhau sự sống vì ai cũng sắp chết cả rồi!”. Theo ông này, hầu hết doanh nghiệp sản xuất đều tung ra mức chiết khấu “khủng” nhất từ trước đến nay, kèm theo một loạt khuyến mãi mua 100 bao tặng 9-13 bao (tùy hãng) từ nhiều tháng qua nhưng sức mua vẫn thấp.

Ghi nhận của Tổng công ty Công nghiệp ximăng VN (Vicem) cũng cho thấy sản lượng clinker lẫn ximăng bột của các doanh nghiệp thành viên đều rơi vào mức âm, trong khi lượng ximăng tiêu thụ cũng chỉ bằng 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù không xác nhận bằng văn bản chính thức, nhưng nhiều nguồn tin cho biết số doanh nghiệp sản xuất ximăng lỗ hàng ngàn tỉ đồng “rất nhiều”, đặc biệt là các doanh nghiệp mới đầu tư thêm dây chuyền sản xuất phải trả lãi vay chất chồng.

Đ. D. – T. V. N. – L. S.

(còn tiếp)

Nhiều mặt hàng tồn kho trên 50%

Theo Bộ Công thương, trong quý 1-2012, ngành công nghiệp chế biến vẫn là ngành gặp nhiều khó khăn nhất, chỉ số sản xuất ba tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước.

Đáng ngại là một số mặt hàng có chỉ số tồn kho rất cao, chỉ tiêu thụ, bán được chưa đến một nửa tổng lượng hàng đã sản xuất. Điều này sẽ gây khó trong thu hồi vốn, tiếp tục sản xuất của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, những nhóm hàng có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh là nhóm sản xuất: đồ uống không cồn, giấy nhăn và bao bì, sắt thép, ximăng, các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, dây điện và cáp điện...

Đến thời điểm 1-3, lượng tồn kho của phân bón và hợp chất nitơ tăng tới 62,7%; sắt, thép tăng 59,1%; bia và mạch nha tăng 48%; cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 29%; sợi và dệt vải tăng 6,6%; đồ uống không cồn tăng 11% (so với cùng kỳ năm trước)...

C.V.KÌNH

Nguồn: tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn