“Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát” tại Ba Lan

Đinh Minh Đạo

Bộ phim kết thúc với cảnh gọi hồn người chết bỏ xác ngoài biển thuộc Hoàng Sa trở về, nhập vào hình nhân bằng đất sét trong „ngôi mộ gió”*. Gia đình người chết từ nay được an ủi, rằng hương hồn người thân của họ đã trở về gần gũi. Từ nay họ đã có ngôi mộ để cúng giỗ, tưởng nhớ người ruột thịt, đã ra khơi và không bao giờ trở về.

Đã lâu lắm rồi, tôi mới được xem bộ phim Việt Nam chân thực, khách quan, thẳng thắn đầy xúc động như bộ phim này:” Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát” của André Menras Hồ Cương Quyết. Giờ đây, ông đang ngồi cùng với hơn 100 khán giả, hơn 100 người Việt tha hương trên đất nước Ba Lan, những người vừa xem xong bộ phim sẽ nghe ông – một người Pháp – kể và trả lời những câu hỏi về bộ phim, về chính quê hương Việt Nam của chúng tôi.

Mở đầu phim, trên màn ảnh là toàn cảnh địa lý của khu vực Biển Đông. Đường lưỡi bò màu trắng, đứt đoạn do Trung Quốc tự vẽ để nhận chủ quyền của mình, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện lên, Nó chiếm tớí 80% diện tích Biển Đông.

Nhìn đường lưỡi bò “liếm” đến sát thềm lục địa của Việt Nam, bất giác tôi nhớ đến bài thơ “Nếu tổ quốc mai này không có biển” của nhà thơ Nguyễn Duy Xuân:

Nếu tổ quốc mai này không có biển

Về đâu những con sóng vỗ bờ

Những con chim hải âu bay liệng

Những con còng vẽ cát vu vơ?

....

Nếu tổ quốc mai này không có biển

Bình minh thôi mọc đằng đông

Phía ấy chỉ còn dông bão đến

Mặt tiền đất nước sóng triều dâng

* * *

Khán giả theo chân đoàn làm phim về xã Bình Châu, về làng nghề biển đã bao đời gắn bó với Hoàng Są. Đây bến cảng nhỏ Sa Kỳ, nơi cách đây nhiều thế kỷ, những ngư dân đầu tiên đã ra đi chinh phục Hoàng Sa. Đây những chợ cá ven biển, khiến ta nhận ra cái nghèo, cái vất vả của những người dân sống nhờ biển, sống bám biển. Dượi nắng hè găy gắt, những người phụ nữ gầy guộc, đang trải dong biển ra phơi trên bãi cát ven biển...

Với cách nói tiếng Việt đơn giản, dễ hiểu, giọng nhỏ nhẹ, xúc động, André Hồ Cương Quyết phỏng vấn những nạn nhân của quân xâm lược Trung Quốc, ông vừa như muốn biết sự thật, vừa như muốn an ủi họ, chia sẻ với họ những mất mát, những khổ đau mà họ đã phải gánh chịu.

Bà Nguyễn Thị Hào, quê ở thôn Châu Thuận xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, tháng 04-2008 chồng và con trai bị mất tìch tại đảo đá Bông Bay của Hoàng Sa, trước đó, năm 2006 đã bị Trung Quốc bắt ở đảo Phú Lâm cũng thuộc Hoàng Sa. Chồng và con ra đi, để lại cho bà món nợ mấy trăm triệu đồng.

Anh Tiêu Viết Là ở thôn Đông Đường xã Binh Châu, ngư dân đánh bắt xa bờ, bị Trung Quốc bắt 4 lần tại Hoàng Sa. Năm 2006, 2007, 2009 bị bắt, bị lấy hết tài sản trên thuyền, thả cho về với thuyền không. Năm 2010 bị bắt tại đảo Phú Lâm, bị giam 1 tháng, bị đánh đập, tra tấn đến mang bệnh, nay không còn đủ sức ra khơi. Hiện còn nợ 400 triệu đồng, đó là số tiền đã vay để nộp tiền chuộc cho Trung Quốc.

Cháu Phạm Văn Ôn, 16 tuổi. Năm 1996 bố cháu đang trên thuyền đánh cá tại Hoàng Sa, tàu Trung Quốc chạy qua bắn chết ngay trên thuyền, những người sống sót cho thuyền tháo chạy về đất liền.

Hãy nghe Hồ Cương Quyết trò chuyện với Ôn:

_ Cháu có nhớ bố không?

_ Dạ, cháu có nhớ.

_ Trong trường hợp nào?

_ Trong trường hợp, những lúc mẹ khóc, mẹ đau.

_ Cháu học lớp mấy?

_ Cháu học lớp 9.

_ Trong tương lai, ước mơ của cháu là gì?

_ Tương lai của cháu là, cháu ước mơ làm một công việc thích hợp với mình để nuôi sống gia đình.

_ Giúp đỡ mẹ?

_ Dạ.

_ Vì thấy mẹ cực khổ quá?

_ Mẹ rất cực!

_ Cháu có ý định đi biển không?

_ Dạ không.

_ Tại sao lại không?

_ Tại vì cha đã mất ngoài biển rồi, giờ cháu không muốn đi biển nữa.

_ Mẹ cháu Ôn, chị Trương Thị Nhị, lúc chồng chết đang mang thai đứa em của Ôn 3 tháng nói thêm:

_ Con nó nói là làm biển bây giờ nó sợ quá, tôi nói là thôi thì con dáng học, rồi má có gì đó, ít nhiều cho con ăn học, không tới nơi thì cũng sơ sơ gì đó, chứ bây giờ nó nói nó sợ đi biển quá.

_ Cháu sợ quá hay là mẹ?

_ Mẹ cũng sợ mà con nó cũng sợ.

André Hồ Cương Quyết còn cho chúng tôi biết thêm, hàng trăm thanh niên của vùng ven biển này, không muốn làm nghề biển vì nguy hiểm về tính mạng và tài sản, họ tìm những nghề khác như đi hái cà phê ở Tây Nguyên, làm công nhân xây dựng, v.v.

Những người đang đi biển hiện nay rồi sẽ già yếu, không đủ sức đi biển nữa. Nếu chính quyền, Hải quân Nhân dân không bảo vệ được tính mạng, tài sản của ngư dân trước các “tàu lạ”, những thế hệ kế tiếp, thế hệ cháu Ôn sẽ không đi biển nữa, biển sẽ trống vắng. Lúc đó, người hàng xóm phương Bắc gian manh, người “đồng chí bốn tốt”, tha hồ lộng hành, biến biển Việt Nam thành “ao nhà” của mình. Đây rõ ràng là một nguy cơ đang hiển hiện đối với dân tộc ta, nếu để nguy cơ này xảy đến, ai sẽ là người mang tội với non sông đất nước, với cha ông, những người đã hy sinh xương máu, mở mang bờ cõi để dân tộc Việt không bị đồng hóa sau hàng nghìn năm đô hộ của giặc phương Bắc?

Những người làm phim cho chúng ta xem những chứng tích thật sống động trên đảo Lý Sơn về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đây là tượng đài của 70 dân quân đầu tiên được vua Gia Long phái đi để khai thác quần đảo Hoàng Sa năm 1815. Họ đã vẽ bản đồ, cắm cọc tiêu để khẳng định chủ quyền của An Nam.

Những người dân Lý Sơn đã bao đời gắn bó với Hoàng Sa. Những tên đảo Bông Bay, Đá Lồi, Phú Lâm, Bạch Quy, Đảo Cây, Đảo Bắc, Đảo Nam... đã bao đời quen thuộc, gắn bó với họ như tên làng, tên xóm nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Tổ tiên họ, đã bao đời đánh cá quanh đó, ra vào các đảo đó để nghỉ ngơi, tránh gió, tránh bão, họ đã là những người chủ. Giờ đây, ngay cả lúc sóng to, bão lớn, họ cũng không đựơc cho vào lánh nạn.

Ông Võ Hiển Đạt, 80 tuổi ở làng Tây An Vĩnh Lý Sơn nói: “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa đã được khẳng định từ thời chúa Nguyễn. Pháp sang đô hộ, đặt căn cứ quân sự và hải đăng tại Hoàng Sa. Ngư dân Lý Sơn đánh bắt xa bờ, gắn bó với Hoàng Sa từ xưa. Bất ngờ, năm 1974 Trung Quốc ngang nhiên tới chiếm, từ đây chúng gây khó khăn. Ngư dân Lý Sơn vẫn cứ đi đánh cá, bởi vì Hoàng Sa thuộc về Việt Nam, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam không thể nào cãi chối được.”

Ông Phạm Hoại Tuyền, hậu duệ của họ Phạm. Ông tổ họ Phạm là một trong bẩy người đầu tiên từ đất liền đến Lý Sơn để lập nên làng An Vĩnh, là thuyền nhân của của đội hùng binh Hoàng Sa. Hiện ông Tuyền còn gìn giữ nhiều cổ vật rất giá trị, trong đó có sắc chỉ của vua Gia Long, ca ngợi những người đi Hoàng Sa. Tổ tiên của họ Phạm, đã có hai người đươc đặt tên cho hai đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa là đảo Hữu Nhật và Quang Ảnh.

Người xem còn được chứng kiến ngày lễ hội hàng năm của người dân trên đảo, đón linh hồn những người đã bỏ mình tại Hoàng Sa, những ngư dân, những chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa trở về với Lý Sơn.

Người xem không khỏi bùi ngùi nghe bà Đỗ Thị Hảo, nghệ nhân hát dân ca Quảng Ngãi ca:

Ớ... chiều chiều ra bến ngó mong

Ngóng ai lại ngóng ngỡ người Hoàng Sa

Ớ... Chiều chiều ra ngóng biển xa

Ngóng người đi lính Hoàng Sa chưa về

Ớ... Hoàng Sa trời nước mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về

Lời ca nghe buồn mênh mang, hòa với tiếng sóng biển rì rào như lời than vãn, như lời trách móc của Hoàng Sa.

* * *

André Hồ Cương Quyết kể để làm được bộ phim này, ông đã bỏ ra hai tháng sống và đi biển cùng với ngư dân ở Bình Châu và Lý Sơn. Ông đã gặp gỡ những ngư dân, những người vợ góa, những đứa con côi của những ngư dân, nạn nhân của những hành động xâm lược và khủng bố của Trung Quốc. Ông đã thấy ngư dân không ai được bảo vệ cả về sinh mạng và tài sản.

Khi làm phim, ông được Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh giúp đỡ. Phim có giấy phép của Bộ Văn hóa và Truyền thông. Nhưng khi hoàn thành, buổi chiếu ra mắt ở thành phố Hồ Chí Minh, trước giờ khai mạc, điện bị cắt, bị từ chối cho mượn địa điểm. Phim cũng không được phổ biến, không được các đài truyền hình trong nước chiếu.

Ông đã đến các nơi có trách nhiệm hỏi xem ai ra lệnh cấm chiếu phim này, nhưng không ai trả lời ông. Cho đến nay ông vẫn không biết cá nhân hay cơ quan nào đã ra lệnh cấm chiếu phim. Không có bất cứ một văn bản nào giải thích.

Ai đã đứng đằng sau lệnh cấm này?

Có thể đây là áp lực từ bên ngoài nên chẳng ai dám nói ra, chẳng ai tìm ra được lý do nào để giải thích cho xuôi tai. Tốt nhất là đùn đẩy, thoái thác trả lời. Để ngăn chặn các buổi chiếu phim thì dùng biện pháp của xã hội đen như cắt điện, cấm các cơ sở cho mươn điểm chiếu...

Nhưng André Hồ Cương Quyết là một con người không dễ gì chịu khuất phục. Những giá trị nhân bản của Cách Mạng Pháp năm 1789 “tự do, bình đẳng, bác ái” đã sẵn có trong dòng máu của ông. Trái tim ông từ thời trai trẻ đã dành cho Việt Nam, ông yêu Việt Nam với một tình yêu chung thủy, trong sáng, mãnh liệt. Ông mang cuốn phim mà ông đã đổ bao công sức vào đó về quê hương ông – nước Pháp. Ông đã mang nó đi chiếu ở một số thành phố của Pháp, ông sẽ đi một vòng ba nước châu Âu Đức-Czech-Ba Lan, đến những thành phố có cộng đồng người Việt.

Ông tâm sự:

“Tôi thực hiện bộ phim này với mong muốn:

– Mang tiếng nói của những ngư dân đến với quần chúng.

– Tạo một phong trào đoàn kết ủng hộ ngư dân vùng Hoàng Sa, cả về tinh thần và vật chất.

– Tạo dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.”

Tại Ba Lan, phim được chiếu buổi đầu tiên tại một trung tâm thương mại tập trung nhiều người Việt. Ông chủ cho mượn phòng chiếu phim, một người Việt Nam cũng đã nhận được những cú “phôn lạ”.

Nhưng Warszawa không phải là Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Những người đứng ra tổ chức, ngay từ đầu đã xác định, các buổi chiếu phim không phải là các hoạt động chính trị chống đối nhằm vào ai, đơn thuần đây chỉ là những hoạt động vì tình yêu quê hương đất nước. Ngoài việc thông báo để nhiều người đến xem, họ đã mời đại sứ quán và các hội đoàn người Việt.

Kết quả khá bất ngờ! Căn phòng hơn môt trăm chỗ ngồi đã kín, có mặt hầu hết những người đại diện của các tổ chức hội đoàn. Hầu hết những người đến xem phim đã đóng góp để giúp đỡ ngư dân.

Một chủ trung tâm buôn bán của người Việt đã mời André Hồ Cương Quyết đến thăm bà con buôn bán, ông được giới thiệu với mọi người. Năm nay ở Ba Lan, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, việc buôn bàn khó khăn, nhưng khi nghe đến ủng hộ ngư dân Hoàng Sa ai cũng sốt sắng đóng góp. Người Việt Nam chúng ta, từ khi lọt lòng mẹ đã được ru bằng câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Vì vậy, đây cũng là dịp những người xa quê hương nhớ về đất nước, nhớ về những người đồng hương đang gặp hoạn nạn.

Ngoài hai buổi chiếu chính thức, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan còn tổ chức chiếu thêm một buổi mang tính nội bộ, với khoảng 15 – 20 người tham dự và đóng góp giúp đỡ ngư dân.

3200 euro đã được bà con đóng góp để giúp đỡ ngư dân Hoàng Sa.

Cám ơn André Hồ Cương Quyết đã nhắc nhở chúng tôi về lòng yêu nước, về Hoàng Sa – một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam đang bị kẻ thù chiếm đóng –, về những người đồng bào của chúng tôi đang gặp hoạn nạn, cần sự giúp đỡ.

Cám ơn Mạc Việt Hồng, Ti Sơn, Nguyễn Văn Thuấn…, đã bỏ thời gian, tiền bạc để “Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát” được ra mắt tại Ba Lan.

Warszawa tháng 04-2012

Đ. M. Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Chú thích:

*Mộ gió là ngôi mộ không có thi hài bên trong, vì người chết đã bỏ xác ngoài biển khơi. Ban đầu người nhà lập nên ngôi mộ với nấm cát dưới mái tôn sơ sài. Khi gia đình có đủ tiền (khoảng vài trăm euro) mời thầy pháp đến, tạo hình nhân bằng đất sét, cúng lễ cầu hồn để hồn người chết trở về nhập vào hình nhân. Sau đó, hình nhân được đưa vào trong mộ, ngôi mộ được xây như những ngôi mộ bình thường.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn