Khi thủy điện thành... thủy quái!

Bích Ngọc

Một mặt, thủy điện mang lại điện năng phục vụ cuộc sống. Mặt kia, là sự tác động đến đời sống dân cư, môi trường... Trong thực tế, thủy điện có thể biến thành... thủy quái chỉ trong nháy mắt!

Bài 1: Từ chuyện đập Hố Hô suýt... vỡ!

Kỹ sư cao cấp (KSCC) Hoàng Xuân Hồng, Trưởng ban KH-CN, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) vẫn nhớ như in câu chuyện từ 2 năm trước. Đó là chuyện đập thủy điện Hố Hô (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh)...

Tai họa

Đó là vào năm 2009, trong đợt đi khảo sát thực địa huyện Hương Khê phục vụ cho công tác phản biện một dự án, ông Hồng và các đồng nghiệp đã được lãnh đạo huyện Hương Khê cho đến xem công trình thũy điện Hố Hô nằm trên sông Ngàn Sâu. Quan sát thấy, về mặt địa chất, hai vai đập bê tông nằm trên lớp đá phiến thạch có mặt trượt hướng về phía hạ lưu rất dễ gây ra sạt trượt vai đập. Công trình lại thuộc sở hữu của tư nhân nên các nhà khoa học nhận thấy, có thể do mục tiêu lợi nhuận, người chủ công trình có thể cho tích nước về mùa cạn để phát điện được nhiều nhất. Ngược lại, về mùa lũ cho tích nước đầy hồ trước khi có lũ chính vụ. Đến lúc lũ to đến lại xả xuống hạ lưu làm mức độ ngập lụt trầm trọng thêm. Do vậy, VNCOLD đã ngay lập tức có công văn gửi đến lãnh đạo Hương Khê, Hà Tĩnh cảnh báo việc quản lý vận hành trạm thũy điện Hố Hô phải được đặc biệt chú ý để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc. Ngoài ra, nhất thiết phải có một quy trình vận hành đảm bảo không gây ra sự thiệt hại của nhân dân ở thượng, hạ lưu công trình cũng như các công trình hạ tầng của nhà nước, đặc biệt là đường Hồ Chí Minh.

clip_image002

Nước tràn qua mặt đập thủy điện Hố Hô 2m trong khi đây không phải là đập tràn. Ảnh Việt Dũng

Lời cảnh báo được đúng 1 năm, vào đầu tháng 10/2010, một trận lũ bất ngờ ập về, cửa van thoát nước của đập thủy điện Hố Hô đã không thể kéo lên khiến nước bị tràn qua đập. Hàng chục nghìn người dân Hà Tĩnh như ngồi trên đống lửa vì nỗi lo vỡ đập, còn toàn bộ nhà máy thủy điện Hố Hô bị san phẳng. Lũ đã cuốn trôi 1 máy biến áp 35 KV có dung lượng 7,5 MW, toàn bộ thiết bị như turbin, máy phát đều bị ngấm nước. Thống kê của cơ quan bảo hiểm, tổng thiệt hại ước từ 18-20 tỷ đồng. KSCC Hoàng Xuân Hồng nói: “Thật đáng tiếc khi chúng tôi đã cảnh báo trước đó, nếu nhà máy vận hành đúng quy trình chắc chắn sự cố không xảy ra. Rất may là đập không bị vỡ”.

Bài học của thủy điện Hố Hô về sự bỏ qua lời cảnh báo đã dẫn đến những tai họa đáng tiếc. Lúc này, thủy điện thực sự trở thành con quái vật muốn cuốn phăng đi tất cả những gì cản đường nó. Còn trước đó, mọi người chỉ thấy, thủy điện mang lại nguồn lợi lớn là điện năng và những điều tốt đẹp đã được vẽ ra khi lập dự án là kiểm soát lũ, hỗ trợ giao thông thủy...

Sông Tranh 2 cũng đừng xem thường

Nhắc về lời cảnh báo, KS Hồng liên hệ tới câu chuyện gần nhất vẫn đang dấy lòng dư luận là hiện tượng thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2. KS Hồng nói: kết luận của Hội đồng Nhà nước là chỉ bị thấm, nói chung giới chuyên môn thấy không thỏa mãn vì cho rằng hơi vội vã. Trong lúc tư liệu xem xét kiểm tra chưa được tiến hành, mới chỉ nhìn bề ngoài và biết qua mắt thường mà đã đi đến kết luận là không thể an tâm. Với đập Sông Tranh 2, cần khảo sát chắc chắn rồi mới đi đến kết luận và đưa ra giải pháp. Về nguyên tắc với những đập thấm không thể trám, bịt mặt ngoài, nước ở trong dâng cao, lực đẩy nổi của đập càng lớn, an toàn đập sẽ càng kém. Nguyên tắc là phải chặn nước ở trước, hạ nước ở sau để tránh lực đẩy nổi, nhưng hiện nay lại làm ngược lại. Cách làm thể hiện sự lúng túng của các đơn vị quản lý trực tiếp, thấy sợ quá nên làm vậy để an dân. “Chúng tôi muốn đưa thêm một lời cảnh báo, nếu không xử lý một cách bài bản, đúng chuyên môn, về lâu dài chuyện vỡ đập không ai dám khẳng định là không xảy ra”, KS Hồng lo lắng.

Chung quan điểm này, ông Michel Hồ Tá Khanh, chuyên gia cao cấp Tập đoàn Điện lực Pháp cũng cho rằng, hiện tượng thấm chưa đến mức rất nguy hiểm cho người dân ở hạ lưu, nhưng cách xử lý đang được các nhà quản lý đập tiến hành để cố gắng chặn dòng thấm trào ra mái hạ lưu là không thích hợp. Điều đó có thể gây nguy hiểm cho một đập cao (96 m) và hồ chứa lớn như vậy. Qui tắc quan trọng về an toàn của đập trọng lực, đặc biệt là đập RCC (bê tông đầm lăn) là phải chống thấm thật tốt ở mặt thượng lưu và tiêu thoát nước ở hạ lưu. Khi cố gắng chặn nước trào ra mặt hạ lưu và trám đập bằng epoxy, người ta có thể làm cho hàng loạt khe tiếp giáp nằm ngang của đập bị đẩy cao lên dẫn đến mất ổn định.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, thủy điện đến năm 2020 sẽ chiếm 23,1%; đến năm 2030 chiếm 11,8%. Theo quy hoạch này, phần lớn các đập thủy điện lớn đã được “an bài”, nghĩa là đã và đang xây dựng. Các thủy điện vừa và nhỏ cũng đã được sắp xếp hết. Nói như TS Đào Trọng Tứ, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam: “Phát triển thủy điện bền vững ở Việt Nam, liệu đã quá muộn!”.

B.N.

Nguồn: khoahoc.baodatviet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn