Tuấn kiệt như sao buổi sớm!

Tô Văn Trường

Mới đây, đại tá, nhà báo Bùi Văn Bồng gửi cho tôi bản thảo bài viết “Bộ máy biến lãnh đạo thành cái máy” để cùng trao đổi, qua đó nhờ góp ý và đưa ra công luận để nhiều người cùng chia sẻ. Bài viết hay và sắc sảo nhất là trong lúc chúng ta đang triển khai học Nghị quyết 4 của Trung ương.

Trong công việc ở mọi cấp từ Trung ương đến địa phương của hệ thống chính trị Việt Nam, những người lãnh đạo giỏi cả ba mặt “biết nói, biết làm, và biết viết” thường là của hiếm (do năng lực và sự rèn luyện của bản thân) nhưng nguyên nhân chủ yếu chính là do sự bất cập của công tác quy hoạch cán bộ đúng như người đời nhận xét “gieo gì, gặt nấy”!

Một số vị lãnh đạo hầu như cả cuộc đời phải xông pha trận mạc, ít được học hành bài bản nên đôi khi bị sai sót là điều dễ hiểu. Tôi được người có trách nhiệm kể lại có lần ông Nguyễn Thanh Bình Thường trực Ban Bí thư, khi còn đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến thăm và đọc bài phát biểu ở một trường học phổ thông, ông rút lộn bài phát biểu chuẩn bị sẵn nên đọc một lát, thấy ở dưới ồn ào, mới biết mình huấn thị sai nội dung và địa chỉ. Có lần ông Nguyễn Thanh Bình vào TP.HCM công tác, ông điện cho tôi đến trò chuyện, và nhờ báo cáo trực tiếp chuyên đề về chiến lược phát triển tài nguyên nước vùng Đông Nam bộ và TP. HCM với đồng chí Nguyễn Minh Triết, Lê Thanh Hải và một số vị lãnh đạo (tại văn phòng làm việc của ông Triết, lúc đó là Bí thư Thành ủy). Lần ấy, được trò chuyện riêng thân mật với ông Nguyễn Thanh Bình, vị lão thành cách mạng đầy nhiệt huyết, một vị tướng quân đội lăn lộn với thời cuộc, đã trải nghiệm qua nhiều cương vị (kể cả Bộ trưởng Bộ Thủy lợi) với sự kính trọng, cảm thông chia sẻ, tôi quên luôn chuyện ông đã từng đãng trí nói trên.

Trong một lần được ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) “rủ rê” hai thầy trò đi làm việc với một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, dọc đường nghỉ ở nhà khách tỉnh ủy Cần Thơ (cạnh bờ sông). Tôi nhớ hôm đó, có một số vị Bí thư tỉnh ủy, kể cả anh Đinh Thế Huynh (Ủy viên TW, Tổng Biên tập báo Nhân dân – nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) nhân đi công tác, ghé thăm chào ông Sáu. Trong lúc trò chuyện vui, mọi người khen ngợi Thủ tướng Phan Văn Khải đĩnh đạc ngồi hội đàm với Tổng thống Mỹ Bush (con)! Có lẽ do tôi là dân khoa học kỹ thuật, lại là người ở chức vụ thấp nhất (lúc đó tôi là Viện trưởng) tại cuộc đàm đạo, ngồi cạnh ông Sáu tôi “bỏ nhỏ” nhưng nhiều người vẫn nghe rõ đại ý: “Hay thì hay rồi nhưng dở nhất là Thủ tướng ngồi nói chuyện với Tổng thống thỉnh thoảng lại cầm mảnh giấy đọc (sợ không thuộc bài) thế mà truyền hình VN lại còn ngụy biện!”. Ông Sáu biết tính tôi nghĩ sao, nói vậy nên chỉ cười, không bình luận!

Ông Sáu Dân có lần tâm đắc kể cho tôi nghe về một vị Bộ trưởng “cứng” (ngôn từ của ông Sáu) trong Chính phủ, khi làm Bí thư tỉnh ủy, mới được bầu vào Trung ương đã phát biểu đầy nhiệt huyết theo chính kiến của mình nhưng tối về bị Tổng Bí thư Đỗ Mười gọi điện nhắc nhở, “hỏi thăm sức khỏe”! Gần đây, có dịp kiểm chứng lời ông Sáu, gặp được người thật, việc thật nói trên ở Hà Nội, tôi càng hiểu trong bộ máy cơ chế của ta, thật khó cho những người có tài, có tâm được thi thố tài năng, phụng sự xã hội!

Ông Sáu Dân cũng vẫn phải thường xuyên nhờ các trợ lý, và thư ký giúp việc soạn các văn bản, báo cáo là lẽ thường tình nhưng trên ý tưởng của ông hoặc đã rút ra các kết luận của chính ông sau khi thảo luận với nhóm chuyên gia giúp việc. Nhiều lần, ông Sáu trực tiếp viết tay rồi chuyển bản thảo cho thư ký đánh máy. Tôi còn nhớ nhà báo Lục Tùng (báo Lao Động) có lần về Vĩnh Long phỏng vấn trực tiếp ông Sáu Dân chuẩn bị cho bài kết luận về Diễn đàn “Đê bao và cây lúa ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long”. Chưa được ưng ý với bản dự thảo, ông Sáu tự tay viết lại hơn hai trang (chữ bút bi màu đỏ) chuyển trực tiếp cho tôi để tổng hợp lại. Sau khi đọc bài viết mới, cẩn thận ông còn gọi điện thoại sửa thêm hai từ cho hoàn chỉnh trước khi cho đăng báo Lao Động. Lần khác, tôi được ông Sáu giao cho soạn lá thư công tác gửi Thủ tướng Phan Văn Khải về việc kiến nghị xem xét thành lập các Tổng cục trong Bộ NN & PTNT, trong đó có Tổng cục Thủy lợi. Đọc kỹ bản thảo, ông cẩn thận sửa từng con chữ nói rõ ý kiến là phải thành lập Tổng cục Thủy lợi mạnh!

Có lần, tôi hỏi ông Sáu Dân vì sao Trung ương, Bộ Chính trị đã giới thiệu ông Đỗ Mười làm chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thế mà ra Quốc hội vẫn còn một số đoàn đại biểu các tỉnh giới thiệu ông Sáu Dân dẫn đến lần đầu tiên nước ta và duy nhất cho đến nay có hai ứng cử viên để bầu vào chức danh Thủ tướng? Ông bảo, chế độ ta, muốn trúng cử phải có sự giới thiệu của Trung ương. Tiếc là các ứng viên không phải trả lời chất vấn và đưa ra chương trình hành động cụ thể để các đại biểu cân nhắc, xem xét đánh giá nhưng vẫn là tín hiệu tốt để làm quen với cạnh tranh, tiến tới xã hội dân sự. Có thể nói người lãnh đạo dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như ông Saú Dân, tuy có những lúc ông bất lực trước cơ chế, nhưng thực sự là của hiếm, của quý được nhiều người dân kính trọng, kể cả khi ông đã đi về cõi vĩnh hằng.

Thực tế cuộc sống cho thấy thể chế chính trị của chúng ta thiếu môi trường rèn luyện cạnh tranh thực sự, thiếu các chính khách giỏi nhưng lại không hiếm các nhân vật kỳ tài có khả năng “chạy chức”! Nhìn sang nước khác, càng thấy rõ muốn chọn được lãnh đạo giỏi phải chấp nhận quy luật cạnh tranh là khả năng sống còn để tồn tại của chính khách. Lấy ví dụ bà Julia Gillard, Thủ tướng Úc hiện tại. Bà này bắt đầu tham gia phong trào xã hội từ năm thứ 2 đại học, vào Đảng Lao động, bắt đầu bằng tham gia phong trào chống cắt giảm ngân sách giáo dục. Sau đó, do khả năng nổi bật, bà lên làm lãnh đạo Hội Sinh viên Úc năm 1983. Năm 1996 đến 1998 bà là Chánh văn phòng của phe đối lập của bang Victoria. Bà ứng cử và trở thành nghị sỹ Liên bang năm 1998, đại diện cho một khu vực ở Melbourne. Bằng khả năng cua mình bà lên dần các chức vụ trong phe đối lập của chính phủ Úc, cao nhất là trở thành Phó Thủ lĩnh (khi mà Đảng Lao Động vẫn là phe đối lập). Khi Đảng Lao động thắng cử trở thành đảng lãnh đạo của Úc, bà trở thành Phó Thủ tướng và sau này trở thành Thủ tướng từ 2010 cho tới nay.

Ví dụ của bà Julia Gillard cho thấy giới lãnh đạo của các nước phát triển thường đi lên từ cả quá trình phấn đấu, gắn với các phong trào xã hội, có thực lực và có khả năng lãnh đạo, thuyết phục người khác. Họ là những người ưu tú nhất trong Đảng và được lựa chọn rất cạnh tranh. Nếu họ có bất cứ vấn đề gì trong quá khứ hoặc khả năng không tốt, họ sẽ không bao giờ được bầu làm lãnh đạo. Sự cạnh tranh trong chọn lựa lãnh đạo đảm bảo đất nước sẽ được quản lý bởi những con người ưu tú nhất, xứng đáng nhất.

Trở lại bài viết của đại tá, nhà báo Bùi Văn Bồng, có một vị lãnh đạo, người bạn đồng tâm của tôi nhận xét rất chí lý như sau: “Không phải bằng cấp không tới đâu... mà là bằng thật nhưng không có hiểu biết theo bằng, là vì dốt mà vào biên chế rồi qui hoạch cho đi học, "vừa học vừa chạy" là có bằng ngay. Nhiều người học, không nói được tiếng Anh mà vẫn có bằng C thế mới tài!”. Có lần ông Nguyễn Bá Thanh (bí thư thành ủy Đà Nẵng) phát biểu tại hội nghị Chính phủ: "Đội banh 11 thằng, rút ra một thằng đi học còn 10 thì làm sao mà đá???!!!". Nhưng ông Bá Thanh quên một điều, đó là đội banh, còn cơ quan ta thì có rút phân nửa, thậm chí người đứng đầu cho đi chơi cả quí, cả năm thì cơ quan cũng hoàn thành nhiệm vụ là chuyện thường. Vẫn có khen thưởng cuối năm”!?

Cán bộ mà biết nhiều, tự nói, tự viết, nói không cầm giấy đọc, tự tổ chức công việc và trực tiếp chỉ huy... thì có mấy người. Nếu có, thì bị lên án là ôm đồm công việc, không tin cấp dưới, không biết lề lối làm việc. Trận này có thể bị phê bình đấy! (Có lẽ trừ trường hợp Bác Hồ mà thôi). Họ lên án là phải, vì tổ chức sắm ra ngần ấy người để làm gì mà sếp lại tự tay làm hết mọi việc?

Liên hệ lại, vì sao nó giống thời mới lập nghiệp trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long thỉnh thoảng người ta thấy giữa đồng có cái chòi lá, ở giữa có (lư hương) bằng lon sữa bò hoặc ống tre để cắm nhang, và có khi có cả một cục đá chừng bắp chân, có cột vải đỏ (tượng trưng Ông Tà). Vậy mà ai đến ở trên vùng đất này, mà không lễ bái có khi "bị quở" bằng đau bệnh, tai nạn lao động hay bị rắn cắn gì đó. Có miếu là phải có nhang mà!

Chỉ có thể kết luận là không thấy nước nào có bộ máy ăn lương từ tiền thuế của dân đông như Việt Nam ta và vài nước gọi là XHCN còn lại. Còn hiệu quả công việc thì ngược lại với số lượng biên chế. Xin cám ơn đại tá, nhà báo Bùi Văn Bồng nêu lên một thực trạng nhiều người biết, mà ít ai dám nói thẳng vì có lẽ sợ chạm hình mình trong đó!

Muốn đất nước có nhiều người lãnh đạo giỏi về cả ba khả năng “biết nói, biết làm và biết viết” thì phải thay đổi tận gốc công tác quy hoạch cán bộ. Tuần trước, nhân lúc trò chuyện với một vị lãnh đạo, được biết câu chuyện có thật trong công tác quy hoạch cán bộ ở Việt Nam, ngay hiện nay là có người không được một phiếu nào sau đợt bỏ phiếu thăm dò trong lực lượng chủ chốt (một con số “O” tròn trĩnh) thế mà vẫn được sếp tìm cách đưa vào diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo ngành thì đủ hiểu vì sao nước ta:

“Tuấn kiệt như sao buổi sớm

Nhân tài như lá mùa thu”

T. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn