Ô nhiễm dầu ở vịnh Hạ Long: thực trạng và nguyên nhân

Hà Thế Tiến

Hiện trạng ô nhiễm dầu ở vịnh Hạ Long

Theo các kết quả quan trắc và đánh giá mức độ ô nhiễm nói chung và ô nhiễm dầu-mỡ khoáng nói riêng của Báo cáo hiện trạng ô nhiễm vùng ven biển Việt Nam, vùng nước mặt và trầm tích ven bờ vịnh Hạ Long được đánh giá là nơi có mức độ ô nhiễm dầu-mỡ khoáng rất cao. Đặc biệt, vùng nước cảng Cái Lân có thời điểm hàm lượng dầu trong nước biển đạt tới 1,75mg/l, gấp 18 lần TCVN (Tiêu chuẩn nước mặt ven biển của Việt Nam là 0,1mg/l), có đến 1/3 diện tích mặt Vịnh thường xuyên có hàm lượng dầu trong nước biển từ 1 đến 1,73mg/l. Hàm lượng dầu trong trầm tích ở ven bờ hai bên Cửa Lục đạt mức độ cao nhất: 752,85mg/l.

Bằng mắt thường, có thể thấy: Hàng ngày, tại các vùng nước ở Cảng tàu Du Lịch Bãi Cháy, Âu tàu Tuần Châu, tại các khu neo đậu tàu du lịch ở các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và các khu neo đậu tàu: Vụng Đâng, Lán Bè, Bến Đoan, cảng Xăng Dầu B12, cảng Cái Lân, khu công nghiệp đóng tàu Giếng Đáy, v.v. đều thường xuyên có váng dầu thải loang rộng trên mặt biển.

Đáng chú ý là tình trạng ô nhiễm do dầu thải đã kéo dài nhiều năm, đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng và ngày càng phức tạp hơn, do các nguồn phát thải trên bờ cũng như trên biển không được kiểm soát, số lượng tàu thuyền gắn máy nhỏ dùng động cơ cũ, lạc hậu tăng nhanh một cách chóng mặt, dẫn đến khả năng thải dầu-mỡ khoáng vào môi trường biển ngày một nhiều hơn.

Các kết quả nghiên cứu khoa học đều cho thấy: Ô nhiễm do dầu-mỡ khoáng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với Hệ sinh thái biển. Chỉ với hàm lượng dầu 0,1mg/l trong nước biển, đã làm chết các phù du làm thức ăn cho cá, tôm và làm thối hỏng trứng cá, tôm. Do tạo màng trên bề mặt, làm giảm lượng ô xy trong nước, các loài thủy sinh sẽ bị hủy diệt. Khả năng tích lũy dầu-mỡ khoáng trong lớp trầm tích ven bờ và đáy biển (là một hợp phần quan trọng của môi trường biển), là nơi trú ngụ, sinh sống của nhiều loài sinh vật đáy đặc sản, sẽ làm suy giảm và biến mất các loài sinh vật đáy này!

Quá trình tác động của ô nhiễm dầu đối với Hệ sinh thái biển (HST) sẽ diễn ra như sau:

Suy thoái HST ­– Tổn thương HST – Mất HST

Hiện trạng ô nhiễm do dầu thải trong nước biển và trầm tích ven bờ ở vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đã diễn ra trong nhiều năm qua mà chưa được các cơ quan chức năng quan tâm để kiểm soát, phòng ngừa và khắc phục. Kết quả khảo sát khoa học gần đây về sự biến đổi Hệ sinh thái, cũng như chất lượng nước mặt và trầm tích ven bờ vịnh Hạ Long của Viện Nghiên cứu Tài nguyên & Môi trường Biển và Viện Nghiên cứu Thủy sản, đều cho thấy sự biến mất hoàn toàn của quần thể san hô ở đáy Vịnh và sự suy giảm đáng kể của nhiều loài cá, tôm, cũng như nhiều loài sinh vật đáy đặc sản ở vùng biển và ven bờ vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Điều đó cho thấy Hệ sinh thái biển vùng vịnh Hạ Long và Bái Tử Long đã bị suy thoái và tổn thương nghiêm trọng. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, nhằm ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm hiện nay, chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất hệ sinh thái biển vùng vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long trong tương lai gần.

Các nguồn phát thải chính gây ô nhiễm dầu ở vịnh Hạ Long

Các nguồn phát thải thường xuyên: Nước thải lẫn dầu-mỡ khoáng là một trong những chất thải nguy hại theo luật Bảo vệ môi trường. Chất thải nguy hại này thường xuyên được thải ra trong quá trình hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, cảng biển và dịch vụ dọc theo bờ Vịnh và cũng là chất thải hàng ngày của tất cả các loại phương tiện vận tải thủy, thường xuyên hoạt động, ra vào và neo đậu trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tốc độ phát triển rất nhanh của nghành du lịch và vận tải biển trong thời gian qua, dẫn đến việc gia tăng một cách chóng mặt các loại phương tiện thủy nội địa thường xuyên hoạt động và neo đậu trên vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, tất cả các loại tàu này đều không được trang bị thiết bị xử lý nước thải lẫn dầu-mỡ khoáng đạt tiêu chuẩn Việt Nam, mà đều xả trực tiếp nước thải lẫn dầu xuống biển. Ngay cả các tàu của các cơ quan chức năng nhà nước, thường xuyên hoạt đông trên Vịnh như: Công an, Bộ đội biên phòng, Cảng vụ, Hải quan, v.v. cũng đều xả trực tiếp chất thải nguy hại này xuống Vịnh. Đây là một trong những nguyên nhân chính đã và đang gây ô nhiễm dầu cho vịnh Hạ Long.

Theo số liệu thống kê khoa học, tại các vùng vịnh kín tương tự như vịnh Hạ Long, các tàu nhỏ chạy bằng xăng dầu, thải ra lượng dầu chiếm 70% lượng dầu thải xuống biển hàng năm. Hiện nay, với số lượng trên 1000 tàu thuyền các loại, thường xuyên, hàng ngày hoạt động và neo đậu trên vịnh Hạ Long, cùng với hàng vạn lượt phương tiện các loại ra vào Vịnh hàng năm, thì lượng dầu thải đổ xuống Vịnh hàng năm là rất lớn.

Các nguồn phát thải lẫn dầu-mỡ khoáng không được kiểm soát của các cơ sở sản xuất công nghiệp, cảng biển và dịch vụ, dọc theo hai bờ Vịnh cũng làm gia tăng đáng kể lượng dầu thải xuống Vịnh. Theo Báo cáo quốc gia về ô nhiễm biển từ đất liền Việt Nam năm 2004 của Bộ TN&MT, thì lượng dầu- mỡ khoáng thải xuống vịnh Hạ Long của các cơ sở công nghiệp thuộc thành phố Hạ Long là 844T/năm. Với tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp bình quân 15%/năm, từ năm 2004 đến nay (2012), thì lượng dầu-mỡ khoáng thải xuống biển hàng năm của các cơ sở công nghiệp ở thành phố Hạ Long không dừng ở con số trên.

Các nguồn phát thải không thường xuyên: Là các vụ tràn dầu do tai nạn, xúc rửa tàu dầu, rò rỉ do cấp dầu trên biển và các tai nạn hàng hải khác, theo thống kê, những nguồn phát thải này chiếm từ 2% đến 4% tổng lượng dầu thải ra Vịnh.

Là một một kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản tự nhiên thế giới, vịnh Hạ Long đang đứng trước thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị ngoại hạng của mình. Với tình trạng ô nhiễm như hiện nay, vùng biển vịnh Hạ Long có nguy cơ trở thành vùng biển chết trong tương lai không xa!

H. T. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Phụ lục

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

Hạ Long, ngày 01 tháng 02 năm 2012

ĐƠN KIẾN NGHỊ

V/v Phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long do tàu, thuyền gây ra

Kính gửi: UBTV Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam

Tôi tên là Hà Thế Tiến, địa chỉ thường trú tại Tổ 5- Khu7- P. Bãi Cháy - TP. Hạ Long, là cử tri đồng thời là công dân đã sinh sống nhiều năm tại thành phố Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh. Tôi nhận thấy mức độ ô nhiễm nước biển vịnh Hạ Long ngày càng tăng trong thời gian gần đây do tốc độ phát triển nhanh của kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong đó, mức độ ô nhiễm dầu-mỡ khoáng trong nước biển và trong trầm tích ven bờ vịnh Hạ Long là nghiêm trọng và ngày càng gia tăng do chúng ta chưa có các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả, làm cho Hệ sinh thái Biển vùng Vịnh này đang bị suy thoái và tổn thương nặng.

Qua tìm hiểu, tôi thấy rằng, một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ô nhiễm dầu trong nước biển của vịnh Hạ Long là do nước thải lẫn dầu-mỡ khoáng không được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường của các loại tàu thuyền đang hoạt động và neo dậu trên Vịnh hàng ngày xả ra. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả các loại tầu thuyền này đều được cơ quan chức năng của ngành GTVT kiểm tra, đăng kiểm và cấp: Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, để được đăng ký và cấp phép hoạt động. Qua nghiên cứu Luật bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản pháp quy dưới luật của các cơ quan trung ương và địa phương trong việc bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long là vùng cần được bảo vệ đặc biệt. Tôi nhận thấy, việc cấp chứng nhận phòng ngừa ô nhiễm cho các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên vịnh Hạ Long của ngành GTVT, trong khi tất cả các phương tiện này đều không được trang bị thiết bị xử lý chất thải nguy hại, hoặc có trang bị nhưng không đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam, là không đúng với các quy định của Luật BVMT và các văn bản pháp quy dưới luật về bảo vệ môi trường, với các căn cứ sau:

1. Theo Luật BVMT 2005: - Tại khoản 5, điều 7, về: Những hành vi bị nghiêm cấm:

Thải các chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn MT, các chất độc, chất phóng xạ và các chất nguy hại khác vào vùng đất, vùng nước.

- Tại điểm a, khoản 1, điều 37: Bảo vệ môi trường tại các cơ sở SX-KD dịch vụ: Các cơ sở SXKD Dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ MT sau: Phải có hệ thống kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn MT.

2. Theo NĐ số 21/2008/NĐ-CP Ngày 28/02/2008. Về việc sửa đôi bổ xung một số điều của NĐ số 80/2006/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo vệ MT 2005: Bổ xung điều 21a- Quy định về đổ chất thải xuống biển: - Nghiêm cấm việc đổ chất thải nguy hại xuống vùng biển nước CHXHCN VN

- Cẩm đổ các loại chất thải xuống vùng biển thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên, Di sản tự nhiên, vùng có hệ sinh thái tự nhiên mới, khu vực sinh sản thường xuyên hoặc theo mùa của các loài thủy - hải sản.

3. Theo Thông tư số 2891/1996/TT-KCM của bộ KHCN &MT ngày 10/12/1996 về Hướng dẫn bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long, sau khi vịnh Hạ long được tổ chức UNESCO công nhận là di sản tự nhiên của thế giới:

Tại phần II. Những quy định cụ thể- Mục A: Khu bảo vệ tuyệt đối- Điểm 8: Khách du lịch và các chủ tàu thuyền không được thải chất thải, nước thải xuống khu di sản thiên nhiên thế giới. Các chất thải, nước thải phải được thu gom để xử lý.

Điểm 10: Các phương tiện giao thông trên biển và trên không qua lại khu bảo vệ tuyệt đối phải có các thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm... Đảm bảo có các thiết bị, phương tiện khắc phục sự cố môi trường, không được xả chất thải, nước thải xuống khu vực cần bảo vệ môi trường.

Tại mục B- Vùng đệm và vùng phụ cận- Điểm 13: Đối với nước thải từ các tàu thuyền chỉ được thải xuống vùng đệm và phụ cận khi đã được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam.

4. Theo Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa (22TCN 264-06) ban hành theo QĐ số 50 ngày 28/12/2006 của Bộ trưởng Bộ GTVT:

Tại phần I : Quy định chung - Chương 3: Những quy định xả nước ra ngoài mạn tàu

Mục 3.2.1: Việc xả nước đã qua xử lý ra ngoài mạn tàu ở các vùng nước được bảo vệ đặc biệt phải tuân thủ theo các quy định có liên quan của nhà nước và được nêu ở Phụ lục II- Phần 9 của quy phạm này.

Tại phần 9 : Phụ lục - Chương 2: Các phụ lục.

Mục 2.1: Phụ lục I - Các vùng nước bảo vệ đặc biệt : Vùng nước thuộc vịnh Hạ Long trong thông tư số 2891/TT-KCM ngày 19/12/1996 của Bộ KHCN&MT về Hướng dẫn bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long, bao gồm: Khu bảo vệ tuyệt đối, vùng đệm và vùng phụ cận.

Mục 2.2 : Phụ lục II - Những quy định thải xuống vùng nước bảo vệ đặc biệt

2.2.1(1) Cấm thải bất kỳ chất thải có hại nào từ trên các tàu thuyền xuống vùng nước khu bảo vệ tuyệt đối của vịnh Hạ Long.

5. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XI, kỳ họp lần thứ 22 về: Những chủ trương- giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn mới.

Tại phần III: Nhiệm vụ trọng tâm – Mục 1: Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm

...Có biện pháp bắt buộc các cơ sở kinh doanh ăn uống, cơ sở nuôi trồng thủy sản, các tàu vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long phải lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, nhằm chấm dứt tình trạng xả nước thải sinh hoạt, nước thải lẫn dầu không qua xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường xuống vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

6. Theo Quy định về việc quản lý hoạt động tàu vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú khách du lịch trên vịnh Hạ Long (Ban hành kèm theo quyết định số 716/2011/QĐ-UBND ngày 15/03/2011 của UBND tỉnh Quảng Ninh).

Tại mục 7, điều 3, chương I: Quy định chung- Những hành vi không được thực hiện: Các hoạt động đổ chất thải xuống vùng nước vịnh Hạ Long.

Tại mục 5, điều 4, chương II: Điều kiện đối với tàu du lịch- Đ/kiện an toàn kỹ thuật: Thiết bị bảo vệ môi trường trên tàu: a) Thiết bị ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm như: Thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do dầu, do chất thải bẩn từ nhà vệ sinh, nhà bếp. Thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do rác, thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm do chất lỏng độc hại.

Tại mục 1 điều 35 chương VII: Một số quy định khác - Bảo vệ môi trường: Chủ tàu du lịch phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường như sau: 1.6 Không được thải khói, nước dằn tàu, nước làm mát máy có nồng độ dầu vượt quá tiêu chuẩn về môi trường.

7. Theo công văn số 4882/UBND-MT ngày 16/12/2010 của UBND tỉnh Quảng Ninh về: Tăng cường công tác quản lý môi trường vịnh Hạ Long

Tại mục 2: ... Yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên vịnh Hạ Long phải có hệ thống kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn quốc gia về môi trường. Các trường hợp xả nước thải không đảm bảo quy chuẩn môi trường Việt Nam xuống vịnh Hạ Long sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Với các căn cứ về luật và các quy định trong các văn bản pháp quy đã nêu ở trên, có thể thấy: Chúng ta đã có một hệ thống đầy đủ về luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện việc đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm dầu nói riêng ở vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Tuy nhiên, thực tế cho thấy: Tất cả các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động, neo đậu tại hai vùng Vịnh trên đều vô tư, hàng ngày xả chất thải độc hại không qua xử lý xuống biển mà không bị kiểm soát, gây ô nhiễm nước biển, làm suy giảm Hệ sinh thái biển, vì một nguyên nhân hết sức vô lý là: Đã được ngành GTVT cấp phép!

Hiện trạng, với hàng nghìn con tàu hàng ngày, thường xuyên hoạt động, neo đậu trên Vịnh cùng hàng vạn lượt tàu ra vào Vịnh hàng năm, có thể thấy, lượng chất thải nguy hại đổ vào vùng biển của vịnh Hạ Long rất lớn và môi trường biển đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Với trách nhiệm công dân, là một cử tri, tôi xin được gửi đến UBTV Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và tỉnh Quảng Ninh một số kiến nghị sau:

1. Đề nghị ông Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời chất vấn và giải trình về trách nhiệm của ngành GTVT trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động cho các loại phương tiện vận tải thủy hoạt động trên vùng vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long đang hàng ngày xả chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường, tại kỳ họp thứ 6 UBTV Quốc hội khóa XIII, tháng 3/2012.

2. Đế nghị UBTV Quốc hội có kế hoạch giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên hai Vịnh này.

3. Căn cứ vào các quy định của Luật BVMT 2005 và các văn bản hướng dẫn bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, đề nghị Bộ GTVT và Bộ TN&MT cùng với UBND tỉnh Quảng Ninh cần có ngay quy định nghiêm cấm việc xả nước thải lẫn dầu chưa qua xử lý hoặc đã qua xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN 24:2009/BTNMT) xuống vùng nước của hai Vịnh này, bắt buộc tất cả các tàu hoạt động ở hai Vịnh trên phải có thiết bị xử lý nước thải lẫn dầu-mỡ khoáng đạt Quy chuẩn Việt Nam, vì hiện nay, ngoài các tàu không được trang bị thiết bị xử lý chất thải nguy hại, còn có những tàu đã được trang bị (kể cả các tàu biển quốc tế) nhưng chỉ được phép xả thải ở vùng biển ngoài lãnh hải Việt Nam, do các thiết bị xử lý chất thải của các tàu này được trang bị theo công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm biển MARPOL 73/78 có tiêu chuẩn hàm lượng dầu-mỡ khoáng trong nước thải chỉ cần đạt < 15ppm (15 mg/l). Trong khi, theo quy chuẩn nước thải trong vùng thủy nội địa Việt Nam là < 5ppm (5mg/l).

4. Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long là vùng cần được bảo vệ đặc biệt về môi trường và cảnh quan, vì vậy cần có một cơ chế, chính sách riêng, đặc thù mà tất cả các hoạt động kinh tế- xã hội trên đó phải tuân theo. Về lĩnh vực môi trường, để tập trung quản lý theo chức năng và năng cao trách nhiệm, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh thống nhất với Bộ GTVT và Bộ TN&MT giao việc kiểm tra, cấp chứng nhận phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho các phương tiện vận tải thủy hoạt động trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, cho sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, cụ thể là Chi cục BVMT và coi đây là điều kiện bắt buộc để được phép hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên hai vịnh này. Sở GTVT với chức năng của mình, chỉ cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật cho các phương tiện này.

Rất mong những kiến nghị của tôi được quan tâm xem xét

Xin chân thành cảm ơn!

NGƯỜI VIẾT ĐƠN KIẾN NGHỊ

Hà Thế Tiến

Nơi nhận:

- Như mục kính gửi

- CT Quốc hội

- Các chủ nhiệm UB Quốc hội

- Phó TT Hoàng Trung Hải

- Các bộ GTVT, TN&MT, CA

- UBTƯMT Tổ quốc Việt Nam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn