Những trăn trở tháng Năm: Có khuynh hướng xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh

Nguyễn Khắc Mai

Gần đây theo dõi một sự kiện chính trị lớn của nước ta là Hội nghị TW 5, người ta không khỏi băn khoăn và lo lắng đặt câu hỏi: Có phải đã có khuynh hướng xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh không? Có bốn vấn đề thiết cốt, rất cơ bản, rất chiến lược của Đất nước. Nhưng hàm lượng tư tưởng Hồ Chí Minh trong cả bốn vấn đề ấy đều phải suy nghĩ, phải bàn.

1. Vấn đề số một là sửa đổi Hiến pháp

Tất cả những người có chút ít hiểu biết, được trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia quá trình nghiên cứu để sửa đồi Hiến pháp 1992 và năm 2011, đều có chung nhận định, tinh thần và triết lý của Hiến pháp 1946 rất tiến bộ, vẫn còn phù hợp với hoàn cảnh Đất nước hiện nay và đều có lời khuyên nên tiếp nhận tinh thần tiến bộ ấy.

Bước vào thế kỷ 21 khi tình hình trong nước và quốc tế đã có những đổi thay to lớn, những tương quan mới, Dân tộc mong ước và đòi hỏi có một Hiến pháp, một khế ước của Dân tộc phù hợp tình hình mới là đương nhiên và tất yếu. Sự đáp ứng này đến đâu, dè chừng, co thủ hay mạnh mẽ vươn lên đáp ứng yêu cầu mới là hòn đá thử về thái độ vì dân vì nước hay không. Hãy thử nghe lại một câu trong lời mở đầu của “Dự án Hiến - pháp - Việt - Nam” (1946): Điểm 3 “Đưa quốc dân lên đường tiến bộ và xây dựng nước nhà để theo kịp các nước văn minh trên thế giới.” Câu ấy có ba ý. Một, đưa quốc dân lên đường tiến bộ. Hai, xây dựng nước nhà. Ba, để theo các nước văn minh trên thế giới. Cả ba ý ấy đều còn nguyên giá trị “kim nhật, kim thì” đều là điều bức xúc hôm nay.

Cần phải trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh về một mô hình văn hóa - xã hội – thật sự là chắt lọc tinh hoa của Dân tộc và nhân loại. Chắc chắn là Hồ Chí Minh không hề muốn đi theo, rập khuôn theo mô hình xã hội - chính trị kiểu xô viết. Hồ Chí Minh từng khẳng định làm khác Liên Xô mới đúng và tốt. Bởi mô hình xô viết đã phá sản cả về lý thuyết, cả về thực tiễn. Mô hình này có bốn điểm bất cập, không thể tương thích với đà tiến hóa của nhân loại nên đã tự giải thể, tan vỡ. Người Nga ngày nay khẳng định phải giữ tình cảm tôn trọng lịch sử, nhưng cương quyết không trở lại “con đường đau khổ”(1) ấy.

Một là, nó không theo cơ chế thị trường.

Hai là, không có xã hội dân sự. Xã hội chỉ có những dây chuyền của chuyên chính vô sản.

Ba là, không có nền văn hóa và dân chủ đa nguyên.

Bốn là, cường độ chế độ Đảng - Nhà nước toàn trị, khiến nhân dân và xã hội mất hẳn tinh thần chủ động sáng tạo và quyền làm chủ.

Cả bốn yếu tố ấy đều không phù hợp với tiến trình lịch sử hiện đại của nhân loại, Liên Xô đã phải từ bỏ.

Hãy làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng một Hiến pháp mới thật sự là bộ Khế ước văn minh, tiến bộ, nhân văn, hợp thời đại cho Dân tộc phục hưng, phát triển vào thế kỷ 21.

Cứ ngẫm mà xem, vào thời kỳ 1960 Việt Nam và Hàn Quốc cũng có những tương đồng về lịch sử rất lớn, chung với Việt Nam một trình độ phát triển. Thế mà đến nay chỉ sau 50 năm họ đã vượt lên, bỏ xa ta về mọi mặt. Người có tư duy lành mạnh, tỉnh táo hẳn thấy rõ tư tưởng và đường lối chính trị đúng hay sai đã tác hại, tác lợi như thế nào đối với một Dân tộc trong thời hiện đại. Cứ khư khư một đường lối chính trị khiến cả nửa thế kỷ dân tộc vẫn trì trệ, ngày càng lạc hậu xa so với những dân tộc chung quanh là có tội, có lỗi với lịch sử, với dân tộc với nhân dân.

Hãy trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng một Hiến pháp nhằm:

- Tôn trọng thật sự quyền tối thượng của nhân dân (La suprématie du le peuple)mà Hồ Chí Minh nói: “quyền phải giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”!.

- Thật thà (chữ của Hồ Chí Minh) tôn trọng nhân quyền và dân quyền “đưa quốc dân lên đường tiến bộ” để làm bừng nở mọi giá trị, tài năng sáng tạo của dân tộc, của nhân dân.

- Thật thà gây dựng lại tình Đoàn kết dân tộc, hóa giải tâm thức Quốc – Cộng đã làm cản trở cơ hội phục hưng dân tộc đã mở ra.

- Đặt hệ thống chính quyền (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án) và Đảng trong vai trò nhân văn, tiến bộ và dân tộc để xứng đáng là công cụ kiến tạo nền Độc lập Tự do, nền văn hóa dân chủ mới, chứ không phải là “một đám quan liêu không bao giờ mắc sai lầm” như Engels từng dự báo.

Thật sự tư tưởng và mô hinh xô viết hoàn toàn không tương thích với tư tưởng Hồ Chí Minh. Một Hiến pháp xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh thật là không chí minh, chí trung, chí hiếu với Dân với Nước. Hiến pháp mới phải thể hiện cho bằng được tư tưởng Hồ Chí Minh: “Chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ”(2)..

2. Vấn đề chống tham nhũng

Ai cũng biết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, về lý tưởng, là không thể chấp nhận tham nhũng. Hồ Chí Minh từng dự báo đó là “nội xâm”. Nội xâm nay tràn lan đang dẫn đến nguy cơ “còn hay mất” của Đảng, của chế độ. Về vấn đề này, Hồ Chí Minh khẳng định ba điều:

- Một là nêu cao đạo đức cầm quyền: Cần kiệm liêm chính chí công vô tư. Đạo đức cầm quyền là vấn đề cổ xưa mà cũng rất hiện đại. Ngay từ đầu thế kỷ 10, Khúc Hạo nối nghiệp cha cai quản nước ta đề ra cuộc cải cách hành chính với bốn phương châm: khoan, giản, an, lạc. Nghĩa là phải làm cho dân được hưởng sự rộng rãi (khoan), giản dị (nói chữ nghĩa ngày nay là tiện ích, thuận lợi), yên ổn (an), vui vẻ (lạc). Vào năm 2012 này khi Chính phủ Hollande (Pháp) nhậm chức cũng đã tuyên bố một bản đạo đức của các thành viên chính phủ.

- Hai là, như Hồ Chí Minh từng khẳng định, “Chống tham ô, lãng phú, quan liêu là dân chủ”.(3)

- Ba là “Chống tham ô, lãng phú, quan liêu thì phải dân chủ”(4).

Cái nguyên lý, nguyên tắc lớn nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh là phải dân chủ nếu muốn chống tham ô (tham nhũng). Việc phân công chuyển Trưởng ban từ Thủ tướng về tay Tổng Bí thư và lập ra Ban Nội chính mới chỉ là giải pháp cục bộ, nó thành công hay thất bại là có dân chủ hay không, dân chủ nhiều hay ít, hình thức hay thật sự. Nếu có dân chủ thì Ban này ở Quốc hội hay Chính phủ vẫn có cơ may thành công. Nếu thiếu dân chủ dù có trao về tay Tổng Bí thư cũng sẽ thất bại.

Dân chủ mà Hồ Chí Minh nêu ra là ở bốn điểm sau đây:

- Một là Dân phải là chủ thể chống tham nhũng (các quan đàng hoàng, tử tế, càn kiệm liêm chính, chỉ là công cụ, đầy tớ giúp dân chống tham nhũng). Sự thất bại thấy rõ “từ hai hai tám chả dám đánh ai”, cho đến “bảy hai chỉ đánh từ vai đánh xuống”, v.v. vì đã thật sự không coi Dân ra gì. Hồ Chí Minh lại khẳng định “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là Dân chủ. Phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công.(5)

- Hai là phải cải cách luật pháp trong đó có nâng cấp hệ thống Tòa án. Luật pháp còn chồng chéo, đá nhau, thiếu xác tín, bộ máy tư pháp yếu kém (cũng tham nhũng mà thiếu cơ chế kiểm soát, giám sát, không độc lập về tư pháp, không khống chế tham nhũng thành công).

- Ba là nâng cấp ngành công an. Chỉ khi nào Công an thật sự trở thành chàng hiệp sĩ bênh vực dân chủ, dân quyền, bênh vực người thân cô thế cô trong xã hội thì đó mới là nội dung đích thực để bảo vệ chế độ, an ninh quốc gia. Những dấu hiệu yếu kém của ngành ngày càng trầm trọng thật sự là mối lo từ thời kỳ ngành này có hình thức quân ủy công an.

- Bốn là tự do báo chí. Báo chí phải được là “tai, mắt, tinh thần, ý chí của nhân dân”. Nó phải “dũng cảm”, “cái gì cũng biết”, “nơi nào cũng có mặt”... như K. Marx quan niệm. Cái nghịch lý của chế độ là tuyên bố theo Chủ nghĩa Mác, nhưng không đếm xỉa gì đến những tư tưởng mácxít đích thực.

Khi tôi viết bài “Ba công cụ lớn để chống tham nhũng” đăng trên tờ Thông tin Lý luận của Viện Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào năm 1998, một vị lãnh đạo hỏi tôi tại sao anh không nói thêm phong trào nhân dân. Tôi thưa là anh nhầm vì không thể coi dân là công cụ. Mà vấn đề là mài giũa ba công cụ này cho đàng hoàng, tử tế, sắc bén để cho dân dùng làm công cụ phòng chống tham nhũng.

Vấn đề của ông Tổng Bí thư không phải là việc tranh lấy chức Trưởng ban. Ông phải đề xuất được với Ban Chấp hành một chiến lược chống tham nhũng.

Nếu Dân chẳng có chút quyền hành sự thực sự, lại đang thờ ơ, thụ động với tham nhũng thì trời cũng không cứu được, huống nữa chỉ là một Tổng Bí thư và một Ban Nội chính mới.

3. Vấn đề đất đại

Trong hai Hiến pháp 1946 và 1959, khi mà Hồ Chí Minh còn sống và trực tiếp chỉ đạo, quyền của Dân về đất đai được xác định rõ.

Hiến pháp 1946, điều 12 ghi rõ: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”. Chúng ta hiểu quyền tư hữu tài sản bấy giờ bao gồm cả đất đai.

Đến Hiến pháp 1959, Điều 14 cũng ghi rõ: “nhà nước chiếu theo luật pháp bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân”.

Năm 1957 tại cuộc chỉnh huấn giáo viên toàn miền Bắc, Hồ Chí Minh tuyên bố: làm cho nông dân có tư hữu ruộng đất mới là cộng sản”.

Chỉ từ Hiến pháp 1980 và 1992 rồi sửa đổi năm 2011 tư tưởng và mô hình Nhà nước kiểu xô viết thống trị thì từng bước những quyền dân sự của nhân dân, đặc biệt là về ruộng đất bị tước đoạt, méo mó dần. Sự méo mó này tất yếu đã dẫn đến những biến dạng tiêu cực trong xã hội. Chỉ khi dân là chủ sở hữu đích thực của ruộng đất bằng pháp luật xác tín, chỉ khi xã hội dân sự có quyền và có cơ chế đủ để giám sát những hành vi lợi dụng sự méo mó của pháp luật xâm hại quyền lợi của người Dân,... thì xã hội mới bình yên, có thể may mắn đạt tới mơ ước của Nguyễn Trãi: “trong thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận oán sầu”. Nếu có một cuộc trưng cầu ý dan về vấn đè này, chắc chắn nhân dân (kể cả mấy vị trong Bộ Chính trị vừa được phân đất ở khu vực vàng) sẽ ủng hộ tư tưởng Hồ Chí Minh: làm cho nhân dân có quyền tư hữu đất đai mới là cộng sản!

4. Vấn đề an sinh xã hội

Đúng, vấn đề an sinh xã hội ở nước ta, một nước nghèo, bị chiến tranh tàn khốc, thương tổn nặng nề, đang cố vươn lên công nghiệp hóa, hội nhập toàn cầu... chắc chắn phải là một vấn đề rất quan trọng, rất cơ bản. Điều càng làm cho trở nên cấp thiết là do những chính sách đầu tư và quản lý yếu kém dẫn đến phung phì nhiều nguồn lực, khiến cho chiến lược an sinh xã hội trở nên vá víu, kéo dài tình trạng không chăm lo tốt cho nội lực xã hội để có thể đạt được tăng trưởng và tiến bộ xã hội đáng có. Những rối loạn xã họi còn trầm trọng hơn khi “đã nghèo lại không công bằng”.

Người xưa nói “phi nông bất ổn”. Cái tình trạng “phi nông” hiện nay là chính sách ruộng đất có lầm lỗi, khiến lòng người không yên. Đầu tư cho nông nghiệp có nhiều thiếu sót. Có lần ở Sài Gòn, tôi trò chuyện với anh Nguyễn Văn Linh, anh hỏi tôi về nông thôn. Tôi gài anh một cái bẫy. Tôi thưa bây giờ chính phủ lấy ruộng đất của nông dân, đền bù cho họ. Nhưng chỉ 6 tháng sau, họ buộc phải chặt một cây tre. Anh thật thà hỏi “Này, thế họ chặt tre để làm gì?”. Tôi thưa họ ăn hết khoản đền bù, không còn ruộng đất, không có nghề nghiệp mới thì chống gậy ăn mày thôi. Cả Anh và tôi ngồi lặng đi hồi lâu rồi mới tiếp tục chuyện trò được!

Hai tầng lớp công nhân và trí thức – những người làm thuê ăn lương – thì lương không đủ sống, chỉ một nhóm nhỏ may mắn có thu nhập ngoài lương là có được cải thiện.

Để kéo dài tình trạng chính sách an sinh xã hội cò con, không đạt tầm chiến lược, khiến nội lực của dân tộc không được nâng cao, rối loạn đạo đức, trì trệ kéo dài, đó là lỗi lầm lớn ở tầm lịch sử!

Hồ Chí Minh từng để lại tư tưởng: “Phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”(6). Cả hai tiêu chí nâng cao đời sống và thực hiện dân chủ thực sự chúng ta đều làm kém.

Nay muốn giải đáp chính sách an sinh xã hội phải đặt những đề án cụ thể về lương, về bảo hiểm xã hội... trong tổng thể của tư tưởng chiến lược, gây dựng nội lực của Dân tộc, đề chấn hưng, để phát triển. Cứ ngẫm cái hiện tượng Hàn Quốc, chỉ trong vòng 50 năm họ đã làm được việc “sánh vai với cường quốc năm châu”, một vấn đề mà Hồ Chí Minh nêu ra từ 1945. Nay ta, bén gót kịp họ còn xa, nói gì tới sánh vai.

Hồ Chí Minh nói: “Công việc kháng chiến kiến quốc là trách nhiệm của Dân”. Không lo được cho nội lực của dân tộc phát triển lành mạnh, thì nói gì đến “trung với Nước, hiếu với dân”.

Chớ rời xa tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hãy rời xa tư tưởng và mô hình chủ nghĩa xã hội xô viết đã phá sản.

Nhất định dân tộc sẽ có một Hiến pháp đàng hoàng, cuộc chiến chống “nội xâm” chắc chắn thắng lợi, đất đai phải tạo ra thế ổn định lâu dài, an sinh xã hội tạo ra nội lực, ra vốn xã hội cho Việt Nam thăng hoa vào thế kỷ 21./.

N. K. M.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

(1) Tên một tác phẩm văn học Nga.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật, 1984, T.6, tr. 121.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật, 1986, T.6, tr.241.

(4) Sách đã dẫn, tr.285.

(5) Sách đã dẫn, tr.271.

(6) Hồ Chí Minh toàn tâp, NXB Sự thật, 1980, T.10, tr. 4

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn