Bàn thêm về cái gọi là “hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận”

(Nối lời nhà văn Phạm Viết Đào)

Nguyễn Huệ Chi

Nhà văn Phạm Viết Đào đã phân tích khá kỹ lưỡng và sâu sắc việc cố tình làm nổi đình đám tập thơ Thi vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận trên văn đàn gần đây khiến người đọc hiểu lầm đây là một hiện tượng độc đáo kỳ lạ mà anh gọi là “nguy hiểm” (xem ở đây). Tôi chỉ xin bàn thêm vài điều chưa được đề cập hoặc chỉ mới nói lướt qua trong bài viết tâm huyết – và cũng khí nặng khi nhà văn gọi Hoàng Quang Thuận là y, nhằm bày tỏ sự khinh thường của anh.

clip_image001

Cách lobby hữu hiệu để trở thành một “hiện tượng của công chúng”. Ảnh: Phạm Viết Đào

Trước hết, trong bài viết có tính chất tường trình về Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử”, Nguyễn Hữu Sơn, một trong những người chủ trì, có khẳng định Thi vân Yên Tử là một “hiện tượng”, và hội thảo về một hiện tượng văn học thì đấy là chuyện bình thường (xem ở đây). Hoàn toàn đúng thôi. Nhưng mấu chốt vấn đề ở đây là phải xét xem như thế nào là “một hiện tượng văn học”. Nếu một tác phẩm văn học xuất hiện, đem ra thị trường, được công chúng háo hức mua, người này truyền cho người kia rằng phải mua mà đọc cho biết, và trong quá trình đọc có người khen có người chê, thậm chí nhiều người chê hơn người khen hoặc ngược lại nhiều người khen hơn người chê, nhưng dù khen hay chê thì ai cũng có nhu cầu phải đọc bằng được cuốn sách, nó là một nhu cầu hiểu biết và thưởng thức của tự thân bạn đọc đối với tác phẩm, thì may ra mới có thể trở thành cái gọi là hiện tượng được – nói may ra vì cũng có khi mọi sự diễn ra đúng như ta vừa nói nhưng chỉ ít lâu sau tác phẩm bị loại bỏ khỏi trí nhớ của người đọc mà lịch sử văn học hiện đại cho ta không thiếu gì dẫn chứng. Nói cách khác, từ khâu in ấn, phát hành đến khâu tiêu thụ, nếu một tác phẩm theo đúng quy trình tự nhiên trong một xã hội bình thường, lành mạnh, và sau khi phát hành, nếu sách giành được một số lượng người đọc vượt trội, gây tiếng vang sâu rộng, thì cộng thêm với thử thách của thời gian, tác phẩm đó sẽ được công nhận là một hiện tượng văn học, được lưu lại trong ký ức nhiều người. Xét từ tiêu chí sơ khai ấy, Thi vân Yên Tử đã hoàn toàn không đáp ứng. Nguyễn Hữu Sơn hẳn còn nhớ vào cái Tết 2008, chúng ta cùng có mặt trong một chuyến du ngoạn Yên Tử, có cả Lại Nguyên Ân, Nguyễn Khắc Mai, Đặng Thị Hảo và hai vợ chồng con trai tôi cùng các cháu nhỏ. Khi đến Trúc Lâm Thiền viện ngủ nhờ một tối để mai sáng lên chùa Đồng sớm, các vị Thiền sư ở đây đã cùng anh chị em trong đoàn đàm đạo rất vui, sau đó một số cuốn sách Phật giáo được họ mang ra làm quà cho mỗi người một túi, trong đó Thi Vân Yên Tử là cuốn sách dày nhất, nhưng hình như số lượng rất dư dả, đến nỗi có những túi sách thừa hai cuốn, anh chị em trong đoàn đã trả bớt lại cho nhà chùa.

clip_image002

Đều là lobby cả. Ảnh: Phạm Viết Đào

Vậy là ngay từ đầu, việc in sách Thi vân Yên Tử của tác giả đã là một việc không bình thường, vì nó có phải nhắm tới nhu cầu thỏa mãn trí tuệ hay tâm linh của bạn đọc đâu. Nhu cầu ấy phải là nhu cầu có thực hàm chứa trong nội dung tác phẩm, đồng thời phải được chuyển hoá thành cảm xúc thẩm mỹ để đáp ứng khát khao thưởng thức một sản phẩm tinh thần của thời đại như là một năng lượng tự thân, thu hút người ta đến với nó, thiếu đi không được. Còn như in ra để phát không nơi nhà chùa thì lại là chuyện khác. Ai mà được biếu sách chẳng vui lòng nhận lấy một cuốn, nhận lấy rồi lướt mắt một tí và nhẹ nhàng gạt nó ra ngoài đầu óc bận bịu của mình, giống như hồi ấy chúng ta đã biểu tỏ với nhau bằng những lời buột ra ngay mà không cần giữ ý: “Toàn là “thơ thẩn” của một anh mót làm thơ thôi mà”, sau khi người nào cũng đã háo hức lật giở thật nhanh, đọc qua một ít bài thơ trong đó rồi nhanh chóng gập lại vì không thấy có ấn tượng gì đập vào tâm trí, trong cái đêm nằm trò chuyện với nhau đến gần sáng đủ mọi thứ chuyện trong phòng khách chùa Trúc Lâm – mặc dầu người đem ra tặng sách đã đặc biệt “gây dấu ấn” bằng những lời rất “sang” về tác giả: Người sáng tác là một quan chức nhà nước có lòng với Phật, một đêm bỗng hứng lên như lên đồng và viết ra được tập thơ này.

Nếu tôi không nhầm thì tất cả những lần in Thi vân Yên Tử từ năm 2008 đến nay, tuyệt không một lần nào sách ra đến thị trường mà chỉ có chất đống tại các chùa và hễ đến chùa nào ở bất kỳ đâu, ta đều có thể có ngay món quà hảo tâm Thi vân Yên Tử. Thế thì làm sao có thể gọi đây là một tác phẩm văn học đúng nghĩa được, trong thời buổi kinh tế thị trường định đoạt uy tín của sản phẩm bằng giá in nơi bìa sách kèm theo số lượng sách được bán ra, như thời buổi hôm nay? (Tất nhiên như đã nói, không loại trừ có những cuốn sách bán rất chạy nhưng rồi bị lãng quên rất nhanh vì chung quy nó chỉ đáp ứng thị hiếu tầm thường). Còn nói rằng việc Thi vân Yên Tử in đi in lại trong mười mấy năm là một “hiện tượng” thì có lẽ cũng cần nói cho đích xác đó chỉ là hiện tượng giả, để phân biệt nó với những hiện tượng thật, đích thực là hiện tượng văn học, chẳng hạn hiện tượng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, hiện tượng Chuyện kể năm 2000, v.v.

Việc một ông Viện trưởng một viện khoa học công nghệ làm thơ là điều không có gì đáng phê phán. Việc ông ấy vì mê thích cửa Phật mà một đêm viết ra hàng trăm bài thơ nói là thơ Đường nhưng không theo niêm luật thơ Đường, cũng chẳng vần vè và càng không có chất thơ, như Thi vân Yên Tử, cũng là điều không có gì lạ. Đối với người trẻ tuổi loại các ông Hữu Ước, Hữu Thỉnh, Dương Kỳ Anh... thì trước một chuyện như vậy hẳn có làm họ “choáng” đấy, nhưng những ai đã từng có một lần đi cầu tiên ngày xưa đều biết rằng ở một ngôi chùa, ngôi miếu, ngôi đền nào đấy có những người trụ trì, vốn rất ít chữ nghĩa, nhưng khi khách đến lập bàn cầu khấn cho tiên giáng bút thì họ “được tiên nhập vào” và chỉ cần đặt một cái mâm ở trên rải đầy gạo trước mặt, là những kẻ thường ngày rất tầm thường đó có thể dùng ngón tay viết nên hàng chục bài thơ Đường trong một lúc, mà là thơ Đường chữ Hán hoặc chữ Nôm hẳn hoi chứ không phải thơ quốc ngữ bất cần vần luật như những kẻ “nhập đồng” để có “yên sĩ phi lý thuần” ngày nay.

Những ngày còn mải mê đi điền dã về thơ văn Lý – Trần, một lần anh chị em Ban văn học Cổ cận đại Viện Văn học đã đi đến ngôi đền thờ Tô Hiến Thành (? – 1179) ở Hạ Mỗ, Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội), và trong các tài liệu thơ văn được lưu giữ tại đền mà người giữ đền đem ra cho chúng tôi tìm hiểu vẫn còn lưu vô số tập thơ tiên giáng bút như thế.

Có thể nói thơ tiên là một “hiện tượng” được hay không? Lùi về quá khứ cách đây khoảng trăm năm, chuyện làm thơ kiểu ấy rất thường, chẳng mấy ai chú ý, nhưng ngày nay ít có người bỏ công sức để làm, nên gọi là một hiện tượng thuộc lĩnh vực tôn giáo cũng có thể chấp nhận. Nhưng nếu nói là hiện tượng văn học (tức là hiện tượng kết cấu ngôn từ có tính nghệ thuật – belles lettres) thì hiển nhiên không phải, bởi thơ tiên ấy chưa bao giờ thoát ra khỏi phạm vi sinh hoạt tôn giáo của nó để bước vào giữa dòng chảy văn học (ngoại trừ “thơ cầu tiên giáng bút” của những tổ chức yêu nước bí mật khoảng đầu thế kỷ XX, nhưng đây đã không còn là thơ tiên thứ thiệt nữa rồi). Thử hỏi bạn Nguyễn Hữu Sơn, có một bộ văn học sử Việt Nam nào trước đến nay nhắc đến thơ tiên và có những lời thẩm xét về giá trị của nó hay không? Và một hội thảo công phu ngần ấy, ngoài đường kênh “bình tán” ra (khen hay chê nhưng cũng đều thao tác bình tán cả thôi), liệu có một ai làm công việc nghiêm túc đối chiếu thơ Hoàng Quang Thuận với thơ tiên xưa để xem giữa cổ và kim có sự tương đồng đến mức nào về giọng điệu sáo ngữ và thủ pháp vay mượn của chúng? Vì đã là thơ làm trong một lúc "nhập đồng" thì làm sao tránh khỏi sáo và vay mượn.

“Hiện tượng” thơ Hoàng Quang Thuận nếu cứ khuôn lại trong phạm vi các chùa chiền, cứ phát đều đều cho các thiện nam tín nữ đến tụng niệm và cầu Phật, thì chẳng đáng nói làm gì. Nhưng nay ông Hoàng Quang Thuận lại cố tình chuyển nó thành một hiện tượng xã hội – văn học, bắt mọi người tin là cuốn sách có nhu cầu xã hội rộng rãi, và còn đi xa hơn nhiều, ông ta đem nó dịch ra tiếng Anh, mượn tên tuổi các chính trị gia hàng đầu thế giới như cựu Tổng thống Clinton, Tổng thống Pháp đương nhiệm... để lobby cho nó, mong cầu nhờ đó mà được Ủy ban giải Nobel Thụy Điển “ghé mắt”... thì đó quả là điều không bình thường nữa, mà đã vượt sang ranh giới của những dục vọng không thể có ở người tỉnh táo. Rất tiếc, tất cả những công đoạn này đều đã làm trót lọt (trừ công đoạn cuối cùng là sách được nằm trong danh mục đề cử giải Nobel). Đáng nói hơn, một cơ quan nhà nước là Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Nhà văn lại đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo khoa học có tính chất quan phương về một tác phẩm không có đối tượng tiếp nhận đích thực và cũng chẳng có “tầm đón đợi”(horizon d’attente) nào cả ấy, trong khi còn rất nhiều chuyện nóng hổi, đang là nguy cơ của một Hà Nội văn hóa nghìn năm bị xoá sổ cần được Hội Nhà văn lên tiếng, trước mắt như việc băm nát Công viên Tuổi Trẻ, thành lập 6 bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất, nhất là Dự án điên rồ cắm cọc ở giữa Hồ Tây để xây đường sắt băng qua chiếc hồ lớn thiêng liêng bậc nhất, biểu tượng của uy linh dân tộc qua rất nhiều đời kể từ năm 43 sau công nguyên khi Mã Viện đi đánh Hai Bà Trưng bị khốn trong đám sương mù dày đặc trên hồ bủa vây, làm cho Hồ Tây không còn không gian văn hoá đẹp nổi tiếng và nguyên vẹn với bao nhiêu sự tích tích tụ xung quanh nó... thì không thấy quý Hội quan tâm chút gì, và các phương tiện truyền thông đại chúng của quý Hội không thấy nêu một kiến nghị hay một lời cảnh báo nào đối với các nhà chính khách như ông Hoàng Trung Hải vốn nhiều tai tiếng khi ngang nhiên đặt bút ký chấp thuận đóng cọc xuống giữa lòng Hồ Tây.

clip_image004

Ông Hoàng Trung Hải kính cẩn bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Ảnh: Internet

Cuộc hội thảo rầm rộ về Thi vân Yên Tử của Hội Nhà văn lại còn kéo được một số chính trị gia đã thoái hưu và kể cả chưa thoái hưu (và hình như là những người rất ít khi dự các cuộc hội thảo đúng tính chất một hội thảo khoa học về văn học) như các ông Nguyễn Dy Niên (nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyễn Thanh Sơn (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Lê Trần Trường An (Chủ tịch, Tổng giám đốc sách Kỷ lục Việt Nam), Nguyễn Hồng Vinh (Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật trung ương)... đến dự họp. Vì sao? Chỉ có một thứ bôi trơn duy nhất: tiền (tôi không nói tiền cho các vị này nhưng phải là tiền để đi đến được hội thảo hoành tráng với quan khách trang trọng kiểu này). “Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền” – Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nếu có gì đáng gọi là kỳ quặc về việc một hội như Hội Nhà văn Việt Nam mà lại mở một hội thảo về Thi vân Yên Tử thì nói cho cùng chính là ở chỗ ấy. Nó góp phần vào tình trạng bát nháo của văn đàn cũng như vô cùng bát nháo trong xã hội chúng ta trong thời buổi trắng đen lẫn lộn hiện nay.

N. H. C.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn