Đổi mới căn bản về tài chính cho giáo dục đại học (gdđh) Việt Nam

GS. Phạm Phụ

· Tại sao phải đổi mới căn bản về tài chính?

Năm 1994, Ngân hàng thế giới (WB) tuyên bố: “GDĐH đã lâm vào tình trạng khủng hoảng trên toàn thế giới”. Chính vì vậy, cải cách GDĐH cũng đã trở thành một hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước trong suốt gần 20 năm qua. Và đặc biệt là, cũng theo WB, các cuộc cải cách này đều có một “Chương trình nghị sự” (Agenda) cơ bản khá giống nhau, như có “mẫu số chung” ở hầu hết các nước là tập trung vào hai mảng về Tài chínhQuản trị, cho dù các nước có sự khác nhau khá lớn về hệ thống chính trị kinh tế, về trình độ phát triển kinh tế cũng như GDĐH. Thậm chí có nước như Mexico đã lấy cải cách tài chính làm khâu đột phá cho cải cách GDĐH.

Nguyên nhân của tình hình nói trên có rất nhiều, nhưng về mặt tài chính chủ yếu và phổ biến là do: (1) Xu thế phát triển nhanh quy mô nền GDĐH làm cho GDĐH trở thành “đại trà” mà không một ngân sách Nhà nước (NSNN) nào gánh chịu nổi, kể cả các Nhà nước Châu Âu phúc lợi; (2) Chi tiêu bình quân cho một sinh viên (SV) trong một năm, gọi là “Chi phí đơn vị” (Unit cost) đều đã tăng lên rất nhanh, nhanh hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế ([1]) nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền GDĐH; và (3) Qua nghiên cứu kinh tế GDĐH, đặc biệt là các đặc trưng của hàng hóa dịch vụ GDĐH, người ta cho rằng, “không có đủ cơ sở triết lý và kinh tế để buộc phải cung cấp tài chính cho GDĐH bằng NSNN” và xu thế chung là chuyển một phần, thậm chí toàn bột chi phí của GDĐH cho chính người học, dựa trên nguyên tắc, gọi là “User pay principle”. Đây là những thay đổi có tính nguyên lý, do đó phải có cải cách hay đổi mới cơ bản về tài chính cho GDĐH.

Với Việt Nam, Việt Nam nay đã tham gia vào WTO, đã định hướng theo cơ chế thị trường, Việt Nam không thể là một ngoại lệ đối với những biến đổi nói trên.

· CPĐV hợp lý

Trong tài chính cho GDĐH, câu hỏi đầu tiên là CPĐV bao nhiêu thì được xem là hợp lý để nền GDĐH có điều kiện tài chính tối thiểu nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh trong tổ chức đào tạo, thu hút thầy cô giáo giỏi cũng như cạnh tranh về chất lượng của nguồn nhân lực được đào tạo.

Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, chi phí từ NSNN bình quân cho một SV ở ĐH công lập năm 2009 là 7,14 triệu Đ/ năm. Mức học phí bình quân khoảng 3 triệu Đ/ năm. Vậy CPĐV gần đúng là vào khoảng 10 triệu Đ/ năm, tương đương 550 USD/ năm. Còn qua khảo sát thực tế năm 2010, ở nhiều trường ĐH, kể cả ĐH vùng Đà Nẵng hay ĐH Cần Thơ và các ĐH ngoài công lập, CPĐV chỉ khoảng trên dưới 6 triệu Đ/ năm, tương đương khoảng 350 USD/ năm.

Trong khi đó, từ năm 2004 – 2005, mức CPĐV bình quân ở Mỹ đã là 22.000 USD/ năm, ở các nước OECD: 12.000USD/ năm, ở Đài Loan: 7.000 USD/ năm. Tất nhiên, không thể so sánh theo con số USD tuyệt đối vì còn phải tính đến trình độ phát triển và phải theo sức mua của đồng USD.

Nếu so sánh theo kiểu “GD so sánh” và suy luận theo cách ước tính của một số chuyên gia ở WB ta thấy, với các nước phát triển cao, tỷ lệ CPĐV/ GDP- đn thường ở mức 50 – 60%, với các nước phát triển trung bình, tỷ lệ này thường ở mức 80 – 100%, còn với các nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam, tỷ lệ này lại cần đến mức khoảng 120 – 150% (Xem hình 1).

CPĐV/

GDP/đn (%)

clip_image002

(1000 USD)

Hình 1. Mối quan hệ CPĐV/GDP-đn = f(GDP-đn) có dạng như trên.

Với GDP – đn ở Việt Nam năm 2011 khoảng 1.200 USD thì CPĐV hợp lý phải vào khoảng 1.400 USD/ năm, nếu lấy tỷ lệ nói trên khoảng 120%. Vì vậy với mức CPĐV thực tế năm 2010 khoảng 550 USD/ năm, có thể nói rằng CPĐV ở Việt Nam hiện nay còn quá thấp. Chính WB (2004) cũng đã có nhận xét “Chi tiêu bình quân trên đầu SV công lập (ở VN) đạt từ 53 – 57% của GDP/đn, con số này thấp hơn nhiều so với bình quân của 117 quốc gia trên thế giới có số liệu, khoảng 93% GDP/ đn.

Khi CPĐV quá thấp, nền GDĐH sẽ không đủ khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngày nay không thể nói, chất lượng sản phẩm của tôi tương đương như của anh nhưng giá thành chỉ khoảng 1/5 hay 1/3 so với của anh. Hệ quả của tình hình này còn là, xuất hiện một phong trào du học tự túc ở những ĐH cấp thấp mà báo chí thường gọi là “tỵ nạn du học”. Hiện nay đã có khoảng 70 – 80.000 SV đi du học tự túc, chi phí xã hội hàng năm lên đến khoảng 1 tỷ USD so với chi phí từ NSNN dành cho trên 1,5 triệu SV công lập đang học trong nước, khoảng 500 triệu USD. Rõ ràng đây là những con số chi phí không hợp lý.

Tóm lại, CPĐV trung bình hợp lý hiện nay nên vào khoảng 1.400USD/ năm cho 1 SV.

· Cơ sở Khoa học của việc gánh chịu chi phí ở GDĐH

Câu hỏi tiếp theo là việc phải lấy từ những nguồn nào để có thể có CPĐV là 1.400 USD/ năm? Điều này liên quan đến bài toán “Chia sẻ chi phí” (Cost sharing) trong tài chính cho GDĐH, nghĩa là CPĐV sẽ được chia sẻ như thế nào giữa 3 nguồn: (a) Phần được cung cấp từ NSNN, (b) phần người học phải chi trả hay học phí, và (c) phần đóng góp của cộng đồng, kể cả đóng góp của chính cơ sở GDĐH qua các hoạt động khoa học – công nghệ và các dịch vụ có thu của cơ sở.

Để giải quyết bài toán này, trước hết ta xét cơ sở khoa học của việc chia sẻ đó hay việc gánh chịu các chi phí đó của 3 nguồn cung cấp tài chính nói trên.

Theo WB, dịch vụ GDĐH là “Hàng hóa (HH) cá nhân”, có lẽ họ đã gọi theo ý nghĩa kinh tế học của nó. Trong kinh tế học, người ta phân nhóm các loại HH theo 2 đặc trưng. Đặc trưng thứ nhất là tính “loại trừ” (excludability) nghĩa là có thể ngăn cản được việc sử dụng hay không? Đặc trưng thứ hai là tính “ganh đua” (rivalry), nghĩa là khi có người sử dụng HH đó thì có làm giảm đi giá trị đối với người sử dụng khác hay không? Từ đó có thể nhóm thành 4 loại HH như ở Hình 2, bao gồm “HH cá nhân”, “Độc quyền tự nhiên”, “Tài nguyên chung” và “HH công cộng”. ([2]) HH dịch vụ GDĐH vừa có tính chất “loại trừ” vừa có tính “ganh đua” (một em dành được một chỗ học trong trường ĐH đương nhiên loại trừ và ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ của các em khác). Vì vậy, nó là “HH cá nhân”.

h Hình 2. Bốn loại hàng hóa

Hơn nữa, đầu tư cho GDĐH cũng là một loại đầu tư rất có hiệu quả. Vào những thập niên cuối của thế kỷ trước, người ta đã ước tính được suất thu lợi bình quân ở đây là vào khoảng 15 – 20% về mặt cá nhân và khoảng 10 -15% về mặt xã hội. Nói riêng, suất thu lợi về mặt cá nhân ở các nước mới phát triển là rất cao. Ví dụ, ở Hồng Kong: 25,7% (1976), ở Malaysia: 34,5% (1978), ở Singapore: 25,4% (1966), ở Brazil: 28,2% (1989) v.v. Sự diễn biến về thu thập của nam giới khi có tốt nghiệp ĐH và không có tốt nghiệp ĐH ở Anh theo giá 2006 – 2007 có thể biểu thị như ở Hình 3 dưới đây.

Như vậy, dịch vụ GDĐH là một loại “HH cá nhân” và là một loại đầu tư cá nhân có hiệu quả cao nên người sử dụng dịch vụ cơ bản phải gánh chịu chi phí.

Nhưng mặt khác, UNESCO lại gọi dịch vụ GDĐH là “HH công cộng”. Có lẽ vì rằng, dịch vụ GDĐH đồng thời thỏa mãn 2 tiêu chí cơ bản của một “HH công cộng” [Cohen & Henry, 2001]. Tiêu chí một là “tính thiết yếu” của dịch vụ, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội và còn để tạo nên mối liên kết xã hội. Tiêu chí hai là nó bị rơi vào vùng “cơ chế thị trường bị thất bại” (market failure) mà biểu hiện rõ nhất của nó là “tác động ngoại biên” (externalities) cũng như “tác động lan tỏa” (spill-over) dương đối với xã hội. ([3])

clip_image004

Hình 3. Chênh lệch thu nhập ở Anh giữa nam giới có tốt nghiệp ĐH và nam giới không tốt nghiệp ĐH

“Tác động ngoại biên” thể hiện ở nhiều mặt, từ việc làm cho năng suất lao động xã hội cao hơn, tỷ lệ có việc làm cao hơn, tuổi thọ cao hơn, con cái mạnh khỏe hơn, ít phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước hơn…cho đến tội phạm và tù tội ít hơn, đóng góp cho từ thiện nhiều hơn v.v., nếu có trình độ GD cao hơn. Riêng về tác động đến tỷ lệ có việc làm cao hơn có thể minh họa qua thống kê ở Bảng (1) dưới đây [Michael & Kvetovics, 2004]. Như vậy, phụ nữ ở Ý, tỷ lệ có việc làm đã tăng từ 34% lên 81%, nếu được GD thêm từ trình độ dưới trung học phổ thông lên đến ĐH và sau ĐH. Các con số tương ứng của phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ là 22% và 71%.

Các “tác động ngoại biên” này không được thể hiện qua các giao dịch thị trường. Chính vì vậy, theo sự “sòng phẳng” của cơ chế thị trường, Nhà nước và cộng đồng như luôn có tài trợ cho dịch vụ GDĐH ở hầu hết các nước trên thế giới.

Nước

Trung bình

Dưới THPT

Trên THPT

Đại học

và SĐH

Pháp

85/70

76/57

88/76

92/84

Ý

80/50

74/34

86/67

91/81

Hàn Quốc

88/57

84/61

89/53

91/56

Nhật

95/63

87/56

95/63

97/68

Úc

86/66

79/55

89/68

92/83

Mexico

94/43

94/37

96/56

94/70

Tây Ban Nha

86/54

83/41

90/66

91/83

Thổ Nhĩ Kỳ

84/27

82/22

87/32

87/71

Mỹ

87/73

75/52

86/73

92/81

Bảng 1. Tỷ lệ (%) tham gia lực lượng lao động (2001) của

những người từ 25 đến 64 tuổi (Nam/Nữ)

· “Chia sẻ chi phí” trên thế giới

Chính vì vậy, phổ biến trên thế giới là CPĐV được chia sẻ cho cả 3 nguồn: (a) NSNN, (b) Học phí và (c) Đóng góp của cộng đồng. Tuy nhiên, do truyền thống, do đặc điểm lựa chọn chính sách của từng nước, tỷ lệ chia sẻ cho từng nguồn lại khá khác nhau giữa các nước. Ở Bảng 2 dưới đây là tổng chi phí cho GDĐH so với GDP/ đn và tỷ lệ từ (a) NSNN trong tổng chi phí của một số nước trên thế giới. Qua đó ta có một số nhận xét:

(1) Nếu tính đến tỷ lệ SV trong độ tuổi rất khác nhau giữa các nước thì tỷ lệ CPĐV so với GDP/ đn thường vẫn ở con số trên dưới 100%;

(2) Ở các nhà nước Châu Âu phúc lợi, tỷ lệ phần NSNN trong tổng chi phí chiếm khá cao, OECD đến 72,8%, Pháp 83,7%, v.v. Lý do là vì, ở đây phần Chi tiêu của Chính phủ (từ thuế doanh nghiệp và dân chúng) chiếm một tỷ lệ rất cao trong GDP, ví dụ Thụy Điển: 56,7%, Pháp 53,7%, Đức 47% ([4]) (Xem Bảng 3).

(3) Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan v.v. có tỷ lệ từ NSNN chỉ chiếm khoảng 25 – 40%. Ở đây, tổng chi tiêu của Chính Phủ so với GDP rất thấp (Năm 2004, Đài Loan: 15,3%, Malaysia: 20,5%, Hàn Quốc: 28,1%...). Vì vậy Nhà nước chỉ đủ sức ưu tiên cho GD phổ thông, với GDĐH chủ yếu người học phải gánh chịu, gọi là mô hình J-Model [Theo Phillip G. Altbach & Tora Umakoski].

(4) Việt Nam cũng có tỷ lệ chi tiêu của Chính phủ so với GDP khá thấp (26,7%). Vì vậy Việt Nam có lẽ cũng phải theo J-Model mà không thể theo chính sách của các nhà nước Châu Âu phúc lợi.

(5) Mỹ là một trường hợp rất đặc biệt, tỷ lệ chi phí cho GDĐH trong GDP lên đến 2,9%, trong đó tỷ lệ từ phần NSNN trong tổng chi phí lại chỉ ở mức trung bình 42,8%. Có được tỷ lệ này là do Mỹ có truyền thống cho tặng đối với GDĐH, gọi là vốn Endowment, và do vậy họ cũng có nhiều ĐH tư thục độc lập, nổi tiếng và không vì lợi nhuận. (Xem hình 4)

Nước

% GDP

Trong đó,

% từ NSNN

Nhận xét

OECD

Mỹ 2003

Canada 2003

Pháp 2003

H.Quốc 2003

Đài Loan 2003

Nhật 2003

TQ 2003

Indonesia

VN 2002

1,6 – 1,7

2,9

2,4

1,4

2,6

2,0

1,3

0,8

0,7

# 0,8

78,2

42,8

56,6

83,7

23,9

39,7

39,7

55,6

42,9

# 50,0

(1) Nếu tính đến tỷ lệ SV trong độ tuổi (13 - 60%) thì tỷ lệ chi phí từ GDP chênh nhau không lớn, trừ Mỹ

(2) OECD, Pháp: NN phúc lợi

(3) Nhật,Đ.Loan, H.Quốc... theo J-model

Bảng 2. Chi phí cho GDĐH so với GDP

Nước

GDP/đn USD,PPP

"Gov. Spending"/

GDP(%)

Nước

GDP/đn

USD,PPP

"Gov. Spending"/

GDP(%)

Cuba

3.500

59,7*

Nhật

29.300

37,3

Thuỵ Điển

29.500

56,7

Hàn Quốc

20.500

28,1

Pháp

29.300

53,7

Việt Nam

2.700

26,7

Đức

28.300

47,0

Malaysia

10.300

26,5

Canada

31.300

39,9

Trung Quốc

5.900

20,8

Mỹ

39.700

36,4

Thái Lan

8.100

17,0

B.quân TG

 

31,0

Đài Loan

27.600

15,3

Bảng 3. Chi tiêu của Chính phủ so với GDP (2004)

(1) Tư Thục

(2) Công Lập

clip_image005

NSBang và Tài trợ LB

Tài trợ tư nhân và Endowment

Hình 4. Chia sẻ chi phí trong GDĐH ở Mỹ (2000)

· Kiến nghị về “Chia sẻ chi phí” cho GDĐH Việt Nam

Theo con số thống kê có được năm 2002 (Xem hình 5). “Chia sẻ chi phí” cho 3 nguồn thu nói trên tương ứng là (a) 55%, (b) 42% và (c) 3%. Những năm gần đây, do tăng nhanh số lượng SV và tăng học phí nên tỷ lệ phần (a) có giảm xuống, có lẽ dưới 50% và phần (b) có tăng lên, có lẽ đã đến gần 50%, nhưng nhìn chung phần (c) không có thay đổi mấy.

Nếu giữ nguyên các tỷ lệ này, khi CPĐV tăng lên gần 3 lần, đến con số 1.400USD, thì NSNN cho GDĐH cũng phải tăng lên đến trên 2 lần. Rõ ràng đây là một tính toán không thực tế. Vì vậy cần vận dụng mô hình J-model như đã nói ở trên.

clip_image006

Hình 5. Nguồn tài chính của GDĐH Việt Nam (2002)

Khi đó, với thành phần (a) NSNN, nếu Việt Nam có tỷ lệ SV ở ĐH tư thục là 30-40% vào năm 2020 như dự kiến, dồn thêm NSNN cho 60 – 70%. SV ở các ĐH công lập thì tỷ lệ phần NSNN có thể chiếm khoảng 25 – 30% như ở nhiều nước Châu Á theo mô hình J-model và giữ nguyên tỷ lệ chi cho GDĐH trong tổng NSNN dành cho GD khoảng trên 10% như hiện nay. Với thành phần (c) đóng góp của cộng động, phấn đấu đạt mức 15% như Nghị quyết14 của Chính Phủ năm 2005 về đổi mới cơ bản toàn diện GDĐH giai đoạn 2006 – 2010. Để có con số này có lẽ nhà nước, bên cạnh chính sách miễn thuế cho tặng đối với GDĐH, cần có chính sách xây dựng vốn cho tặng (Endowment) ở các cơ sở GDĐH. Tất nhiên cũng cần tăng tỷ lệ đóng góp của chính các cơ sở ĐH qua các hoạt động khoa học công nghệ và các dịch vụ có thu.

Khi đó, tỷ lệ của thành phần (b) – đóng góp của SV và gia đình SV (học phí) sẽ vào khoảng 55-60% ([5]).Điều này có nghĩa, học phí ở ĐH công lập bình quân phải tăng lên khoảng 3,5 lần so với hiện nay, khoảng 750 – 800 USD/ năm.

Tất nhiên, cấu trúc “chia sẻ chi phí”: (a) 25-30%, (b) 55-60% và (c) 15% đề xuất nói trên là nói trung bình cho cả hệ thống. Thực tế thế giới cho thấy, cấu trúc sẽ rất khác nhau đối với loại trường và ngành nghề đào tạo khác nhau. Ở Mỹ tỷ lệ học phí trên CPĐV ở các lớp trường khác nhau thay đổi từ 20,1% cho đến 77,4%. (Xem bảng 4)

Lớp trường

Cost “E&G&K”

HP

Price/Cost (%)

Tất cả ĐH

Công lập

Tư thục

Lớp 1

Lớp 3

Lớp 6

Lớp 10

12.000

9.900

14.200

28.500

12.300

9.400

7.900

3.800

1.200

6.500

5.700

3.000

2.900

6.100

31,5

12,4

45,9

20,1

24,4

30,8

77,4

Bảng 4. Tỷ lệ học phí (“Giá bán”) trên CPĐV (“Giá thành”) ở các lớp

trường ĐH khác nhau của Mỹ (1995)

Có thể cho rằng, bản chất của sự khác nhau này là tùy thuộc vào đặc trưng “sản phẩm” của các trường ĐH đó về mức độ “tác động ngoại biên” cũng như mức độ “công cộng”. Ví dụ, một ĐH nghiên cứu mà sản phẩm chủ yếu của nó là các kiến thức khoa học cơ bản, như toán học chẳng hạn (là HH công cộng) thì tỷ trọng học phí trong CPĐV phải rất thấp. Thế giới gọi đây là “chính sách học phí biến đổi”.

Để có được CPĐV cũng như cấu trúc “chia sẻ chi phí” nói trên, tất nhiên cần phải có lộ trình, ví dụ từ nay đến năm 2010 chẳng hạn.

· Công bằng xã hội (CBXH) trong GDĐH

Khi đề xuất mức học phí khoảng 750 - 800 USD/ năm, một câu hỏi gây cấn xuất hiện ngay là vấn đề mất CBXH trong GDĐH. Để giải quyết vấn đề này, trước hết xin lưu ý, chính sách học phí thấp trong điều kiện như Việt Nam vừa qua, thực ra lại làm cho mất CBXH nhiều hơn. Ví dụ, CPĐV là 10 triệu Đ, học phí là 3 triệu Đ thì NSNN phải cấp là 7 triệu Đ. Nhưng ở GDĐH của Việt Nam, tỷ lệ SV thuộc tầng lớp trên lại chiếm phần lớn nên tiền trợ cấp đó lại chảy vào các lớp dân cư giàu có nhiều hơn. Năm 2007, UNDP Việt Nam cũng đã có một nghiên cứu về “an sinh xã hội”, kết quả cho thấy: Có đến 35% NSNN trợ cấp cho GD đã chảy vào con em của lớp 20% dân cư giàu nhất, nhưng chỉ có 15% chảy vào con em của lớp 20% dân cư nghèo nhất.

Giáo sư D. Bruce Jonstone – một chuyên gia lớn về GD cũng đã từng nói: trong những điều kiện nhất định (tương tự như Viet Nam trong những năm trước đây), chính sách học phí thấp là cách “lấy thuế của dân chúng để cấp thêm cho người giàu”.

Tuy nhiên, do mấy năm qua số lượng SV tăng lên rất nhanh, nền GDĐH Việt Nam đã trở thành “đại trà”, tình hình đã biến đổi, hiện tượng có vẻ nghịch lý nói trên có lẽ không còn tồn tại nữa. Nay nếu học phí tăng lên, đương nhiên mất CBXH trong GDĐH sẽ càng trầm trọng hơn.

Mất CBXH trong GDĐH có một nội dung rất rộng, liên quan đến các chỉ số mất CBXH về giới tính, vùng miền, sắc tộc, trạng thái kinh tế - xã hội…và cả mối quan hệ của nó đến chất lượng hiệu quả của nền GDĐH cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận GDĐH. Đáng tiếc ở Việt Nam gần như chưa có một nghiên cứu nghiêm túc nào về vấn đề này. Tuy nhiên, qua một vài tài liệu thứ cấp có được, chúng ta có thể nói, tình hình mất CBXH trong GDĐH đã khá trầm trọng. Ví dụ, tính theo số lượng SV trên 1 vạn dân chẳng hạn, năm 2004, bình quân của cả nước là 161, trong đó Đồng bằng sông Hồng là 323 nhưng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 40 (chênh nhau 8 lần), Thừa Thiên - Huế là 751 nhưng Trà Vinh chỉ có 23 (chênh nhau 32 lần). Chênh lệch về tỷ lệ SV trong thanh niên ở độ tuổi của con em 20% nhóm dân cư giàu nhất so với 20% nhóm dân cư nghèo nhất cũng khá lớn, có con số không chính thức lên đến 20 lần, cao hơn nhiều chênh lệch về thu nhập kinh tế của 2 nhóm dân cư này, khoảng 7-8 lần, nghĩa là mất CBXH về GDĐH còn trầm trọng hơn nhiều so với mất CBXH về kinh tế.

· Quỹ cho SV vay vốn.

Vậy vấn đề đặt ra là: Nhà nước phải có những chính sách điều tiết nào để vừa có thể tăng CPĐV, vừa có thể làm cho CBXH trong GDĐH, ít nhất là không xấu hơn so với khi chưa tăng học phí? Kinh nghiệm của thế giới cho thấy,cách điều tiết tốt nhất là xây dựng các loại “chương trình cho SV vay vốn”, cùng với chính sách “Học phí cao - Tài trợ nhiều” (High Tuition Fees - High Aids)

“Chương trình cho SV vay vốn” trên thế giới đã có ở hơn 50 nước và xét về mặt mục tiêu, có thể phân thành 5 nhóm. Thứ nhất là nhằm tạo nguồn thu nhập cho các ĐH công lập thông qua việc tăng học phí để có thể đảm bảo CPĐV cần thiết; Thứ hai là nhằm tạo điều kiện mở rộng quy mô nền GDĐH; Thứ ba là nhằm tăng cơ hội tiếp cận GDĐH cho người nghèo; giảm bớt mất CBXH; Thứ tư là đáp ứng nhu cầu nhân lực nằm trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia; và Thứ năm là giảm bớt gánh nặng tài chính cho tất cả các nhóm SV và tăng cường trách nhiệm cho chính người SV (chứ không phải là gia đình họ).

Ở Việt Nam, qua Chỉ thị Số 21/2007/CT-TTg và Quyết định số 157/2007/QG-TTg, có thể nói, chương trình cho SV vay vốn hiện nay có mục tiêu chủ yếu là mục tiêu (3), tăng cơ hội tiếp cận GDĐH cho người nghèo và có mức “trợ cấp ẩn” rất lớn vì lãi suất thấp.([6])

Trước đây các chương trình cho SV vay vốn đều có mức trả nợ cố định. Nhưng trong khoảng vài mươi năm trở lại đây, ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Thụy Điển, Nam Mỹ, Úc, Thái Lan…đã nghiên cứu và đã thiết kế một loại chương trình cho SV vay vốn mới với mức trả nợ không cố định mà biến đổi tùy thuộc vào thu nhập của người vay (Income Contingent Loans), vay chẳng những để trả học phí mà còn cả chi phí ăn ở ([7]). (2) Phần lớn SV được vay vốn với mức lãi suất tương đối thấp. Sau khi ra trường, nếu người đó chưa xin được việc làm hoặc lương còn thấp hơn một ngưỡng nào đó thì chưa phải trả. Khi lương cao hơn ngưỡng đó thì trích một phần, ví dụ 10-20% của phần cao hơn, để trả dần, có thể kéo dài đến 10-20 năm. Nếu sau thời gian đó mà chưa trả xong hoặc bị tai nạn không làm việc được nữa thì được xóa nợ. Như vậy, bản chất của chính sách này là chuyển sự chi trả của SV từ hiện tại sang tương lai và được Nhà Nước gánh chịu toàn bộ rủi ro cho họ. Tuy vậy, SV chỉ được trợ cấp một phần nhỏ qua lãi suất tương đối thấp và do vậy chỉ ảnh hưởng rất ít đến NSNN.

Ví dụ ở Hình 6 dưới đây là sơ đồ biểu thị nguồn tài chính của một SV ở Anh khi có chương trình cho SV vay vốn (2008), phụ thuộc vào mức thu nhập của gia đình. Với tổng chi phí cho học phí và chi phí ăn ở của một SV trong một năm là 9.800£, SV của gia đình nghèo thu nhập dưới 15.000£ sẽ được vay 3.000£ để trả học phí, được vay 3.300£, được học bổng 300£ và được tài trợ 2.700£ để có thêm tổng số 6.300£ lo cho chi phí ăn ở, phần còn thiếu chỉ khoảng 500£, gia đình phải trả. Với SV các gia đình khá giả, phần còn thiếu mà gia đình và SV phải chi trả là 4000£.

clip_image008

Hình 6: Nguồn thu nhập tài chính của SV ở Anh (2003)

Thực tế thế giới cũng đã cho thấy, khi tăng học phí mà có chương trình cho SV vay vốn tốt thì gần như không ảnh hưởng mấy đên vấn đề CBXH. (Xem hình 7).

Ở Hồng Kông, đã có lúc học phí tăng lên đến 2,65 lần nhưng nhờ có chương trình cho SV vay vốn khá thành công nên đã đảm bảo được mục tiêu đề ra là: “Không một em học sinh nào đủ trình độ mà không được học ĐH vì lý do tài chính”.

clip_image009

Hình 7: Tỷ lệ SV được tiếp cận GDĐH thuộc các nhóm dân cư khác nhau

ở Úc không bị ảnh hưởng khi tăng học phí, nếu có chương trình

cho SV vay vốn.

· Vay vốn quốc tế để làm nguồn vốn cho các chương trình cho SV vay vốn.

Khi có nhiều chương trình cho SV vay vốn và vay dài hạn, nguồn vốn cho vay có thể lên đến nhiều tỷ USD. Vì vậy có thể vay vốn quốc tế để xây dựng các Chương trình này. Theo GS Schultz, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, đồng thời cũng là một GS chuyên về “kinh tế học GD”: Đầu tư của một quốc gia là tối ưu khi hiệu quả đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau là bằng nhau. Với lĩnh vực GDĐH, theoWB (2008), suất thu lợi RR là khá cao đối với các nước có thu nhập trung bình và thấp. (Xem bảng 5)

Nhóm thu nhập/đn

Thu nhập

b.quân/đn (USD)

RR (%)

xã hội

RR (%)

cá nhân

Cao (≥ 9.266 USD)

T.Bình (> 755-9625 USD)

Thấp (≤ 755 USD)

22.530

2.996

363

9,5

11,3

11,2

12,4

19,3

26,0

Bảng 5- Suất thu lợi RR của đầu tư trong GDĐH

Vậy vấn đề đặt ra là, chúng ta có thể đi vay quốc tế nhiều chục tỷ USD để đầu tư cho các cơ sở hạ tầng cũng như công nghiệp với suất thu lợi thường khó đạt trên 10%, tại sao lại không đi vay chỉ vài ba tỷ USD để đầu tư cho các chương trình cho SV vay vốn ở GDĐH để có được nguồn nhân lực trình độ cao với chất lượng cao. Mà theo ông Lý Quang Diệu (khi thăm Việt Nam năm 2007): “Nguồn nhân lực trình độ cao đang là “nút thắt cổ chai” trong sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”. Vả lại, “tổn thất” ở đây chỉ là phần “trợ cấp ẩn”, chi phí cho rủi ro và chi phí vận hành Quỹ, chiếm một phần không lớn trong tổng số Quỹ cho vay, do đó khá dễ dàng trong việc hoàn trả nợ vay.

· Đổi mới phương thức cung cấp tài chính cho GDĐH

Hiện nay NSNN tài trợ cho SV được cung cấp thông qua các cơ sở cho GDĐH (công lập), căn cứ mức tài chính của năm trước và có điều chỉnh. Phương thức này không tạo được sự cạnh tranh của các trường ĐH, dễ có bất công giữa các trường và dễ sinh ra tiêu cực. Vì vậy cần sớm có nghiên cứu để áp dụng hình thức trợ cấp trực tiếp cho SV thông qua “phiếu trợ cấp GD” (Voucher). SV có thể chọn trường và học ở đâu thì nộp voucher vào đấy và các trường ĐH (kể cả ĐH ngoài công lập) , nộp voucher cho Nhà nước để lấy tiền từ NSNN. Có thể hình dung sự phân bổ NSNN khi có các chương trình cho SV vay vốn như ở Sơ đồ ở Hình 8 dưới đây. Tất nhiên, điều hết sức quan trọng là phải minh bạch. Và nói riêng, với các cơ sở ĐH, cần phải quản lý tài chính một cách có hiệu quả theo kiểu cách của một doanh nghiệp.

clip_image011

Hình 8- Phân bổ ngân sách Nhà nước cho GDĐH

· Tóm lại:

(1) Cần chọn tài chính cho GDĐH làm một nội dung chính, nếu không nói là nội dung đột phá, trong đổi mới căn bản GDĐH;

(2) Cần tăng CPĐV lên đến khoảng 1.400USD/năm, tăng 2,5 ÷ 3,0 lần so với hiện nay để đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền GDĐH;

(3) Áp dụng nguyên tắc “người học phải chi trả” trong GDĐH. Khi đó, học phí phải tăng lên đến mức khoảng 750 -800 USD/năm. Tất nhiên phải có lộ trình.

(4) Cần xây dựng các “Chương trình cho SV vay vốn”, vay để trả học phí và cả chi phí ăn ở, để đảm bảo được CBXH trong GDĐH.

(5) Đổi mới căn bản phương thức cung cấp tài chính từ NSNN để tạo ra sự minh bạch và có cạnh tranh giữa các cơ sở ĐH, các cơ sở ĐH phải quản lý tài chính như là một doanh nghiệp.

P. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Almanac Issue (2006-07). The Cloronicle of Higher Education, Volume LIII

2. Arthur Levine (2009). Privitization in Higher Education

3. Bộ GD&ĐT (2008). “Chiến lược Giáo dục Việt Nam 2009 – 2020 (Dự thảo (14)

4. Bộ GD&ĐT (2008). “Đổi mới hoạt động và cơ chế tài chính của GD&ĐT Việt Nam giai đoạn 2008 – 2020.

5. Bộ GD&ĐT (2008). Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với GDĐH, tài liệu Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hà Nội.

6. Bruce Johnstone (2008). Tám đặc điểm của GDĐH Hoa Kỳ, Hoàng Ngọc Vinh dịch.

7. Cohen, E. & Henry, C. (2000). Dịch vụ công cộng và Khu vực quốc doanh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

8. Devesh Kapur (2007). Indian Higher Education Reform: From half – backed socialism to half-backed capitalism; Indian Policy Forum.

9. Edgar Morin (1999). Seven Complex lessons in Education for the future. Education on the Move, UNESCO.

10. Elizabeth M. King and Susana Cordeiro Guerra (2000). Education Reforms in East Asia. Policy, Process and Impact.

11. Francis Loh (2001). Khủng hoảng trong các trường ĐH công lập ở Malaysia? Phạm Thị Ly dịch.

12. Henry M. Levin (2000). The Public – Private Nexus in Education, Columbia University, Occational Paper No. 1.

13. Huang, Futao (2005). Incorportion and University Governance – A comparative perspective from China and Japan. Research Institute for Higher Education, Hiroshima University, Japan.

14. Lâm Quang Thiệp (2009). Mô tả vài phân tích hiện trạng (Bản nháp) Hệ thống GDĐH Việt Nam, Dự án GDĐH 2, Hà Nội.

15. Marek Kwiek et al. (2003). The State, the Market, and Higher Education Challenges for the New Centuary; The University, Globalization, Central Europe, Frankfurt & New York: Peter Lang.

16. Michael, O. S. and Kretovics, A. M. (2005). Financing Higher Education in a Global Market. Algora Publishing, New York

17. Neal Koblitz (2009). Ý kiến khác của một người Mỹ về vấn đề Cải cách GD bậc cao ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT, CV số 43602.

18. Nguyễn Thiện Nhân (2007). Nhiệm vụ và giải pháp phát triển GD&ĐT năm 2007 và kế hoạch đến năm 2010, Báo cáo gởi Thủ tướng của Bộ GD&ĐT.

19. Nhiều tác giả (2007). Những vấn đề GD hiện nay. Quan điểm và Giải pháp, NXB Tri thức.

20. NQ 05/2005/NQ-CP (2005). Về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động GD, Y tế, Văn hóa và Thể dục Thể thao. Vietlaw.gov.vn

21. NQ 14/2005/NQ-CP (2005). Về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020, Bộ GD&ĐT.

22. N.V. Varghese (2009). Higher Education Reforms. Institutional Restructuring in Asia, UNESCO.

23. Phạm Duy Hiển (2008). Khoa học và ĐH Việt Nam qua những công bố quốc tế gần đây, Tia sáng, Bộ KH&CN.

24. Phạm Phụ (2005). Về khuôn mặt mới của GDĐH Việt Nam, NXB ĐHQG Tp. HCM

25. Phạm Phụ (2010). Đầu tư vào GDĐH, Doanh nhân, Số cuối tuần.

26. Philip G. Albatch & Toru Umakoshi, 2004. Asian Universities. The Johns Hopkins University Press, USA.

27. Richard Levin (2008). Sự trỗi dậy của các trường ĐH Châu Á, Phạm Thị Ly dịch.

28. Roger, A. L. (2007). Charity, Philanthropy, Public Service, or Enterprise: What Are the Big Questions of Nonprofit Management Today? Public Administration Review, May 2007/ June 2007.

29. Steve O. Michael and Mark A. Kretovics, 2005. Financing Higher Education in a Global Market. Algora Publishing, New York.

30. The Economist, (2005). Kinh doanh chất xám. Khảo sát GD Đại học.

31. Tim Mazzarol et al., 2003. The third wave: Future trends in international education, The international Journal of Educational Management.

32. UNDP Việt Nam (2002). Support to Formulation and Implementation of Vietnam’s National Agenda 21, August 21, Project VIE/01/021

33. UNDP (2007). An sinh xã hội ở Việt Nam. Lũy tiến đến mức nào? UNDP Hà Nội.

34. Văn phòng Hội đồng giáo dục, Bộ Giáo Dục Thái Lan (2009). Chiến lược và lộ trình Cải cách GDĐH Thái Lan, Hoàng Ngọc Vinh dịch.

35. Vietnam Higher Education and Skills for Growth, (2007) Draf, HDD East Asia and Pacific Region, The WB.

36. Yeager, J. L. et al. (2001). Financing in Higher Education. ASHE, Reader Series, Pearson Custom Publishing, Boston, USA.

(1) Đây cũng là lý do mà năm 1997, Quốc hội Mỹ đã phải lập một Ủy ban đặc biệt để xem xét việc này. Ở Mỹ, sau 25 năm (1982 – 2007), chỉ số tiêu dùng tăng 100%, thu nhập gia đình trung bình tăng 140%, nhưng chi phí y tế tăng 250%, còn học phí tăng đến 440%.

[2] ) Một con đường đông người và có thu phí được gọi là “HH cá nhân”, nhưng nếu không đông người mà có thu phí lại gọi là “Độc quyền tự nhiên”, nếu đông người và không có thu phí lại gọi là “Tài nguyên chung”, nếu không đông người và không thu phí lại được gọi là “HH công cộng”. Vì vậy có lẽ không cần quan tâm lắm đến ngôn từ “cá nhân” hay “công cộng”.

1) Nó còn có tính chất “thông tin bất đối xứng”. Chính vì vậy, thị trường dịch vụ GDĐH được gọi là “thị trường của niềm tin” (trust market) và chỉ là “gần như thị trường” (psuedo-market). Ngoài ra, ở đây người mua còn có thể đưa “những nguyên liệu đầu vào” của mình vào quá trình sản xuất ra dịch vụ đó (Customer – Input Technology).

[4]) Ở Cuba, tỷ lệ này là 59,7%, vì vậy Cuba có thể miễn học phí cho cả GDĐH.

[5]) Hàn Quốc áp dụng J-model, có tỷ lệ SV ở ĐH tư thục lên đến 75% nhưng học phí ở ĐH công lập cũng chiếm đến 54% của CPĐV.

[6]) Mức “trợ cấp ẩn” lên đến 25-40%, do đó tỷ lệ hoàn vốn chỉ khoảng 45-50%.

[7]) Hàn Quốc có đến 6 chương trình cho SV vay vốn khác nhau. Và, chi phí cho ăn ở thường lớn hơn nhiều so với học phí.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn