Giới nhà báo Miến Điện đấu tranh đòi có Luật bảo đảm tự do báo chí

Đức Tâm

Trong tuần, giới nhà báo Miến Điện đã thoát được gông cùm kiểm duyệt đè nặng lên đầu họ. Thế nhưng, không một nhà báo Miến Điện nào lại coi đây là một thắng lợi hoàn toàn và nhấn mạnh, quyền tự do báo chí chỉ được bảo đảm khi chính quyền cải cách luật pháp và thông qua một đạo luật về báo chí.

clip_image001

Một sạp báo tại Rangoon. Ảnh chụp ngày 03/02/2011. (Reuters)

Mặc dù Bộ Thông tin Miến Điện đã thông báo là các báo, tạp chí thuộc loại chính trị và tôn giáo, không cần phải gửi bản thảo trước để kiểm duyệt nữa, nhưng Luật đăng ký hoạt động của các nhà in và xuất bản năm 1962 vẫn có hiệu lực. Luật này ra đời trong bối cảnh giới tướng lãnh quân đội làm đảo chính và nắm quyền tại Miến Điện trong nửa thế kỷ qua.

Chính vì thế, giới nhà báo tỏ ra thận trọng. Ông Nyein Nyein Naing, phụ trách tuần báo 7Days News, hoan nghênh việc thay đổi quy định kiểm duyệt, nhưng cho rằng những thay đổi này chưa đủ để bảo đảm quyền tự do báo chí. Ông nói: «Chừng nào Luật năm 1962 chưa được sửa đổi, quyền tự do báo chí thực sự vẫn sẽ là một vấn đề».

Trong những tháng qua, Nghị viện Miến Điện xem xét và thảo luận rất nhiều dự thảo văn bản pháp quy, trong đó có Luật báo chí. Cho dù một số tòa soạn được tham khảo, nhưng nội dung dự luật vẫn được dự kín và chưa rõ lúc nào, văn bản sẽ được thông qua và công bố.

Trưởng ban biên tập tạp chí Open News, ông Thiha Saw nhấn mạnh là cần phải chú ý theo dõi xem Luật báo chí trong tương lai bảo đảm quyền tự báo chí thật sự ra sao, việc kiểm soát và các hạn chế báo chí có còn tồn tại hay không.

Thái độ hoài nghi của các nhà báo Miến Điện không gây ngạc nhiên. Tiến trình dân chủ hóa chỉ mới bắt đầu từ 18 tháng qua, sau khi chế độ độc tài quân sự tự giải thể và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự, một thời gian quá ngắn, chưa đủ để đánh giá thực tâm giới lãnh đạo muốn cải cách hay không. Bên cạnh đó, không ít nhà phân tích lo ngại là tân chính quyền Miến Điện chỉ muốn thay đổi hình ảnh, để được phương Tây bãi bỏ cấm vận, hơn là muốn cải cách sâu rộng quyền tự do báo chí.

Ông Shawn Crispin, đại diện của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo – CPJ, ở khu vực Đông Nam Á, nhận định: «Các nhà báo luôn luôn có nguy cơ bị cầm tù, sách nhiễu, hù dọa», do vậy, việc bỏ các quy định kiểm duyệt chỉ là «biện pháp nửa vời». Theo chuyên gia này, các nhà báo Miến Điện có thể đăng bài mà không cần tham khảo ban kiểm duyệt, nhưng nếu nội dung bài đăng bị chỉ trích, họ sẽ phải đối mặt với những hình thức đe dọa mới.

Hồi tháng Ba, tuần báo The Voice, trích dẫn nguồn tin từ các nghị sĩ giấu tên, cho biết là cơ quan kiểm toán quốc gia đã phát hiện những trường hợp man trá, biển thủ công quỹ ở Bộ Mỏ, Thông tin, Nông nghiệp và Công nghiệp.

Bộ Mỏ Miến Điện đã đệ đơn kiện, nhưng tòa án cho rằng tuần báo có quyền không tiết lộ tên nhà báo thực hiện cuộc điều tra. Hôm thứ Tư, 22/08, tòa án nghe phần trình bày của Bộ Mỏ. Đầu tháng Chín, các thẩm phán sẽ cho biết có xét xử vụ này hay không. Theo đại diện của tuần báo The Voice, vụ việc này sẽ cho thấy bộ ba quyền lực – lập pháp, hành pháp và tư pháp - đánh giá như thế nào về quyền lực thứ tư, tức là báo chí.

Theo AFP, giới nhà báo Miến Điện đã nộp đơn xin phép biểu tình vào ngày 28/08 để đòi quyền tự do báo chí thực sự. Hôm qua, cảnh sát đã bác đơn. Ngày hôm nay, ban tổ chức nhóm họp để thảo luận về các biện pháp đấu tranh trong những ngày tới.

Đ.T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn