Cảng Kê Gà ‘khó hình thành’

Cảng nước sâu được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt năm 2007 như một phần của dự án bauxite do Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam làm chủ nay rơi vào bế tắc và “khó hình thành”, theo các ý kiến ở địa phương.

clip_image001

Vùng biển gần mũi Kê Gà nổi tiếng đẹp và nhiều đá

Trang Thanh Niên hôm 17/9 có bài cho rằng sau 5 năm chuẩn bị, giờ đây dự án cảng Kê Gà ở tỉnh Bình Thuận vẫn rơi vào bế tắc.

Bài báo được đưa ra vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ cần xem xét lại dự án này trong tháng 9 năm nay.

Chủ đầu tư, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) muốn dùng đây là điểm tập kết để vận chuyển bauxite từ vùng Tây Nguyên trong một dự án khai khoáng đã gây nhiều điều tiếng.

Báo Thanh Niên viết rằng “theo thông tin từ cuộc làm việc giữa lãnh đạo Vinacomin với Chủ tịch tỉnh Bình Thuận thì vấn đề mấu chốt hiện nay là Vinacomin đang gặp khó khăn về nguồn vốn, và công tác bồi thường lấy mặt bằng cũng chưa được bao nhiêu.

Cùng lúc các chủ dự án du lịch hỏi “Có xây cảng hay không phải trả lời dứt khoát" để doanh nghiệp biết mà lo liệu.

'Phiêu lưu và nguy hiểm'

Bài báo trích lời chủ dự án Thạnh Đạt, ông Nguyễn Thịnh Phát, bình luận rằng “cảng Kê Gà khó mà hình thành nổi trong bối cảnh hiện nay”.

Đây không phải là lần đầu tiên dự án cảng Kê Gà bị phê phán.

clip_image002

Dự án bauxite Tân Rai đã gây ra nhiều tranh cãi ở Việt Nam về tính khả thi và tính kinh tế

Hôm đầu tháng 8 năm nay, báo Lao Động đã đăng loạt bài phản ánh việc chính quyền tỉnh Bình Thuận thu hồi đất của các nhà đầu tư khu du lịch nhằm giao đất cho Vinacomin xây dựng cảng biển.

Chừng 1000 tỷ đồng tiềnViệt Nam đã bị bỏ phí vì sau khi bồi thường và thu hồi đất, công trình chính là cảng biển cũng không được tiến hành theo kế hoạch.

Về kế hoạch này, báo Lao Đông trích lời một chuyên gia về cảng biển cho rằng về bản chất, vị trí xây cảng Kê Gà ‘là hạ sách’.

Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng phân tích vị trí địa lý, luồng lạch và hướng gió để cho rằng:

"Rõ ràng, việc xây dựng cảng Kê Gà là một cuộc phiêu lưu lớn"

Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng trên báo Lao Động

“Ở miền Trung, các vịnh sâu và kín sóng gió phải có cửa vịnh quay về hướng nam và không có dòng sông lớn đổ vào vịnh. Tại mũi Kê Gà hoàn toàn không có những yếu tố trên, nên buộc phải làm các đê chắn cát và sóng nhân tạo”.

Theo ông, điều này khiến chi phí lên cao, chưa kể dòng biển tại Kê Gà (hay Khe Gà) có vận tốc khá lớn (có khi tới 31 hải lý/giờ) nên là "vùng nguy hiểm cho tàu thuyền".

'Vô phương cứu vãn'

Chuyên gia này cũng nói nếu "cương quyết xây dựng cảng Kê Gà thì buộc phải xây dựng đê chắn sóng để chống dòng ngầm bắc nam, gió đông bắc và cả gió tây nam", đưa chi phí lên cao, chưa kể vùng đáy biển định làm cảng "mà có nhiều đá thì vô phương cứu vãn".

Bài trên báo Lao Động trích lời ông Doãn Mạnh Dũng đánh giá công trình xây cảng này là 'phiêu lưu'.

clip_image003

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (trái) đã cho đánh giá các phương án xây cảng để vận chuyển bauxite

Hồi tháng 8/2011 trả lời phỏng vấn BBC, Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà vận động xã hội đã cùng nhiều chuyên gia tổ chức một chuyến đi thực địa điều tra vụ bauxite Tây Nguyên cũng nêu ý kiến phản đối.

Sau chuyến đi mà điểm xuất phát là cảng Kê Gà, đến Tân Rai thuộc Lâm Đồng, Bảo Lâm bằng quốc lộ 28, ông Nguyên Ngọc cho hay "không thể vận chuyển bauxite bằng tuyến đường này được, ngay cả khi có được nâng cấp, do địa hình hiểm trở".

Hồi tháng 6 năm nay, trang web của Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam đăng thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình triển khai đầu tư cảng Kê Gà.

Văn bản này cho hay ông Hải đã yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khẩn trương rà soát lại quy hoạch cảng Kê Gà và báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2012.

Giới chức cũng muốn so sánh phương án này với phương án vận chuyển qua cảng Vĩnh Tân ở Bình Thuận hay Gò Dầu ở Đồng Nai "để lựa chọn phương án hợp lý nhất".

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn