Mở rộng quy mô giáo dục đại học và sau đại học là điều kiện để Việt Nam đổi mới công nghệ

Trần Văn Tùng

Viện NC Châu Phi và Trung Đông

Sự khác biệt căn bản nhất trong cạnh tranh kinh tế trước đây và thời đại ngày nay ở chỗ con người đang tạo ra lợi thế cạnh tranh. Nhiều quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên lại có cơ hội tốt cho việc phát triển các ngành công nghiệp nhờ vào sức mạnh trí tuệ. Thành công tại Đông Á là một thí dụ được nhắc tới nhiều lần trong các công trình nghiên cứu của các tổ chức quốc tế. Lester Thurow, một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của Hoa Kỳ cho rằng: Vũ khí cạnh tranh quyết định trong thế kỷ XXI là giáo dục và kỹ năng của người lao động.

Đối với Việt Nam, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển giáo dục đại học có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, phát triển theo hướng nào, bằng cách nào thu được lợi ích từ việc phát triển hệ thống giáo giáo dục đại học là vấn đề cần được xem xét. ở đây tôi xin nhấn mạnh một số điểm.

1. Cần phải có định hướng giáo dục phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Chúng ta có thể thấy cơ cấu giáo dục đại học của Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng. Theo số liệu năm 2005 của Bộ Giáo dục và đào tạo thì ngành kinh tế, luật chiếm tới 43% số sinh viên, trong khi đó khoa học cơ bản và khoa học công nghệ mỗi ngành chỉ chiếm tỷ lệ 15%. Nông lâm, ngư nghiệp một ngành được coi là chủ lực của kinh tế Việt Nam chỉ chiếm 3,1% số sinh viên. Hiện tượng thừa cử nhân luật, kinh tế đang là phổ biến. Nếu cứ kéo dài tình trạng này sẽ không có lợi, bởi vì thiếu lực lượng lao động khoa học công nghệ sẽ là vật cản lớn cho quá trình tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao. Hậu quả, người Việt Nam trở thành lực lượng lao động làm thuê, bị lệ thuộc lâu dài.

Trong các thập kỷ 1970, 1980 tại sao các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, và một số vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Hồng Kông lại tập trung nhiều hơn cho giáo dục khoa học công nghệ? Bởi vì, thứ nhất khoa học công nghệ biến đổi rất nhanh. Thứ hai, khoa học công nghệ là động lực cho quá trình đổi mới các công ty, tạo ra các sản phẩm trí tuệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, xuất khẩu công nghệ và chuyển giao công nghệ trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài thu được nguồn lợi lớn. Khi lực lượng lao động có kỹ năng dồi dào, Nhật Bản, Hàn Quốc đã mau chóng tiếp thu, cải tiến công nghệ nhập khẩu từ các nước phương Tây và mau chóng leo lên nấc thang mới trong quá trình toàn cầu hoá. Trái với Nhật Bản, Hàn Quốc thì Malayxia và Thái Lan do trình độ nhân lực thấp, trong các thập kỷ 1970, 1980 dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nước này chậm chạp. Do đó các nước đó phải nhập khẩu lao động có kỹ năng, Malayxia là thí dụ điển hình, hàng năm phải nhập khẩu gần 1 triệu kỹ sư điện tử, chế tạo máy, năng lượng điện dệt may… từ Trung Quốc và Philippines để thu hút đầu tư nước ngoài.

Các nghiên cứu trước đây về kinh tế Đông Á đều cho rằng, lợi ích thu được từ hệ thống giáo dục là do đầu tư ngân sách quốc gia ở mức cao. Điều đó không hoàn toàn đúng, bởi vì theo Báo cáo phát triển con người của Liên Hợp quốc năm 2001, thì định hướng phát triển giáo dục khoa học công nghệ mang lại lợi ích không kém so với ngân sách đầu tư cho giáo dục. Nhiều quốc gia đang xem xét lại chính sách đầu tư phát triển giáo dục theo cơ cấu ngành nghề và bậc học.

2. Phải tạo ra sự công bằng trước các cơ hội giáo dục

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học được tuyển vào đại học và cao đẳng hiện tại của Việt Nam hàng năm là 15%-18%. Tỷ lệ này là quá thấp so với Hàn Quốc hiện là 60%. Ai hiểu hết nỗi đau của những thanh niên nghèo muốn đổi đời nhưng lại không thể vào được đại học? Quyền được học là một quyền cơ bản của công dân. Trước tình hình trên, Việt Nam cần phải mau chóng mở rộng quy mô giáo dục đại học. Có nhiều lý do chứng minh cho ý kiến này. Trước hết, trong bối cảnh thế giới đang chuyển từ nền kinh tế hậu công nghiệp sang nền kinh tế trí thức, thì lao động hầu hết là người có tri thức. Theo Thurow, một quốc gia nào muốn phát triển công nghệ sinh học thì quốc gia đó phải đào tạo đủ số lượng tiến sỹ sinh học, tương đương với số lượng nhân công hoạt động trong một ngành công nghiệp nào đó. Thứ hai, số lượng các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam trước đây còn ít chỉ mới tăng nhanh gần đây, một số trường rất quan liêu đã hạn chế sở thích của sinh viên muốn theo học những ngành mà họ yêu thích hoặc muốn có bằng cấp cao hơn. Thứ ba, cần phải loại bỏ quan niệm giáo dục theo đẳng cấp, cho rằng chỉ có một số người thành công trong học tập, đa số cam chịu số phận lao động chân tay nặng nhọc. Một thí dụ thực tế rất thú vị là nhiều nhà phát minh, trong số đó Thomas Edison lại là người không được hưởng giáo dục chính quy, mà phải tự học. Tuy vậy, đóng góp của ông lại cực kỳ to lớn cho khoa học công nghệ và các ngành công nghiệp. Thứ tư, ở Việt Nam sau một thời gian dài đổi mới, một số gia đình có thu nhập cao, họ đang gửi con đi học nước ngoài, hoặc có nguyện vọng cho con em mình học tại các trường dân lập có chất lượng cao trong nước. Không đáp ứng được các yêu cầu này, nhà nước mất đi một khoản thu lớn và thiếu hụt lực lượng lao động trình độ cao. Như vậy cần phải mở rộng quy mô giáo dục đại học và sau đại học, cho phép mở ra các loại trường khác nhau, trường công, trường dân lập, tư thục và trường đại học của nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều trường cùng hoạt động, mức độ cạnh tranh sẽ gay gắt và chất lượng sẽ được nâng cao hơn. Giáo dục là dịch vụ, phải chấp nhận thị trường cạnh tranh trong hoạt động giáo dục.

Nhiều nhà hoạch định chính sách giáo dục của Việt Nam ngay tại Bộ Giáo dục đào tạo, hoặc ở cấp cao hơn cứ băn khoăn lấy đâu ra tiền để xây dựng trường đại học, học để làm gì, liệu chất lượng giáo dục có bảo đảm không? Các quốc gia Đông Á đã phát triển hệ thống giáo dục đại học của họ nhờ hệ thống trường tư, nguồn vốn đầu tư cho giáo dục lấy từ gia đình, hiệp hội, công ty, các nhà đầu tư nước ngoài… Hàn Quốc là một quốc gia thành công trong việc thu hút vốn tư nhân đầu tư cho giáo dục đại học. Do đó số lượng nhân lực có kỹ năng đủ điều kiện để cho quốc gia này phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như đóng tàu, sản xuất thép, hoá chất, điện tử… Không phải bất kỳ ai sau khi tốt nghiệp đại học, sau đại học đều làm việc trong công sở của Nhà nước. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, có một số lượng lớn phụ nữ tốt nghiệp đại học, thậm chí có bằng thạc sỹ ở nhà làm các công việc nội trợ. Ai muốn thành đạt hơn thì tự học trong môi trường giáo dục đào tạo suốt đời. Phần đông sau khi tốt nghiệp đại học họ mở các công ty hoặc buôn bán nhỏ. Vốn tri thức có được trong trường học giúp cho lao động có khả năng thích nghi được với các biến động kinh tế. Biểu hiện cụ thể là tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ tội phạm ở những nước có dân trí cao là thấp, đăc biệt không có loại người rải đinh trên đường, cắt cáp viễn thông, lấy cắp nắp cống sắt, tháo bu lông tà vẹt như ở Việt Nam… Đồng thời người có trình độ cao lại tạo thêm nhiều việc làm mới cho người có trình độ thấp.

Một thực tế, không phải tất cả các trường đại học đều có chất lượng tốt. Hoa Kỳ là quốc gia có hệ thống giáo dục đại học vào loại tốt nhất thế giới. Hiện tại có khoảng 3600 trường đại học và cao đẳng, nhưng số trường đại học có tiếng tăm là rất ít, chỉ vẻn vẹn có 10 – 20 trường. Ở Châu Á, Hàn Quốc cũng là một quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt, với hàng trăm trường đại học cao đẳng, nhưng chỉ có 3 trường chất lượng cao, người ta quen gọi là SKY (Seoul National University, Korea University, Yonsei Universtity)... Trung Quốc là một nước lớn, có nhiều trường đại học nhưng cũng chỉ có hai trường đại học danh tiếng là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Một nước nghèo như Việt Nam mà lại đòi hỏi các trường đại học đều có chất lượng cao là phi lý. Tạo ra một xã hội học tập, với lực lượng lao động có trình độ giáo dục cao, chính là con đường nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hẹp khoảng cách phát triển đối với các nước khác trong khu vực.

Trong trường đại học, phát triển ngành gì là có lợi? Nhiều quốc gia đang đặc biệt chú ý tới công nghệ thông tin. Ấn Độ là một thí dụ điển hình. Sự cất cánh của công nghệ Ấn Độ là một hiện tượng thần kỳ và đang đe doạ tới nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ thông tin. Năm 2000 ấn Độ mới xuất khẩu được hơn 4 tỷ USD sản phẩm phần mềm máy tính, thì đến năm 2008, con số đó là hơn 50 tỷ USD, chiếm tới 33% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia. Hiện tại đã có gần 300 công ty xuyên quốc gia trong số 500 công ty lớn nhất trên thế giới có hợp đồng mua sản phảm phần mềm của ấn Độ. Trí tuệ Ấn Độ đang có giá, làm cho tỷ lệ kỹ sư phần mềm của Hoa Kỳ thất nghiệp tăng gấp đôi, hiện là 4,6%, kỹ sư quản trị mạng thất nghiệp lên tới 7,7%. Số lượng kỹ sư công nghệ thông tin của Ấn Độ làm việc tại Bangalore là 150.000 người, nhiều hơn cả thung lũng Silicon của Hoa Kỳ hiện là 120.000 người, ít nhất 1/3 sản lượng của ngành công nghệ thông tin của Hoa Kỳ được thực hiện tại nước ngoài mà chủ yếu từ Ấn Độ. Ấn Độ đang tiếp quản nhiều việc làm từ các quốc gia khác, bởi vì lương kỹ sư công nghệ của ấn Độ hàng năm là 10.000 USD, bằng 1/8 mức lương của đồng nghiệp Hoa Kỳ. Chính nguồn chất xám, chỉ số IQ cao, chi phí thấp, nói tiếng Anh thành thạo giúp cho Ấn Độ vượt qua Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng với Hoa Kỳ, ít nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chưa bao giờ Hoa Kỳ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt như bây giờ trước đối thủ nước ngoài. Ấn Độ đang nỗ lực đảm bảo đáp ứng nhu cầu lao động trí thức trong nước và cả nước ngoài trong tương lai. Ngoài công nghệ thông tin, phân tích tài chính cũng là thế mạnh của các chuyên gia Ấn Độ. Các công ty chứng khoán phố Wall đã chuyển giao nhiều hợp đồng phân tích tài chính cho các trung tâm thuộc miền Nam Ấn Độ.

3. Cách thức sử dụng lao động qua đào tạo

Ở Việt Nam, giáo dục từ xưa đến nay được thừa nhận là cơ chế để lựa chọn nhân tài. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã áp dụng hình thức thi cử để chọn ra các vị quan lại trong triều. Nhiều năm trôi qua, tình hình đổi khác, đáng buồn là không ít sinh viên học giỏi thực sự lại không tìm được việc làm theo đúng chuyên môn đào tạo. Đó là nguyên nhân thôi thúc dòng người có trình độ chuyên môn cao ở Việt Nam và một số quốc gia Châu Ấ tiếp tục tới Hoa Kỳ và một số quốc gia công nghiệp khác. Bởi vì lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao chỉ có thể phát huy được trong môi trường công nghệ luôn thay đổi, nói khác đi là tại các quốc gia thực hiện chính sách mở cửa thị trường. Các nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới cho rằng kinh tế Đông Á tiếp tục tăng trưởng cao trong các thập kỷ 1970 - 1980 là do đóng góp của công nghệ nhập khẩu.

Trong chính sách sử dụng nhân tài, trước hết cần phải đổi mới các quan niệm về nhân tài và phân biệt rạch ròi các loại nhân tài. Có thể chia ra ba loại nhân tài khoa học công nghệ, nhân tài hoạt động kinh doanh và nhân tài về hoạt động chính trị. Mỗi loại nhân tài đều có những đặc điểm riêng, và có môi trường hoạt động riêng, nhân tài trong hoạt động chính trị được tôn vinh hơn cả. Tuy nhiên không vì thế mà áp đặt các tiêu chuẩn nhân tài trong hoạt động chính trị cho các loại nhân tài khác. Một thực tế dễ thấy là nhiều nhà khoa học công nghệ tài năng nhưng kinh doanh rất kém hiệu quả, ngược lại không ít người trình độ văn hoá thấp lại thành đạt trong hoạt động kinh doanh và chính trị. Ở Việt Nam, do thói quen quá quan tâm tới những người hoạt động chính trị, từ đó ưu đãi cho hưởng đặc quyền đặc lợi, trong khi các nhà khoa học công nghệ kiếm sống khó khăn, cho nên không ít người sau khi có bằng cấp cao, mau chóng từ bỏ hoạt động chuyên môn để tìm kiếm vị trí xã hội. Khi đã có vị trí chính trị trong xã hội thì cũng dễ có vị trí cao trong khoa học.

Một nước thiếu vắng các tài năng khoa học công nghệ, vắng tài năng kinh doanh quản lý, thừa người hoạt động chính trị thì nước đó được coi là chậm phát triển. Tại các quốc gia công nghiệp, người hoạt động khoa học sau 20 năm thường được hưởng bậc lương cao nhất trong hệ thống bảng lương công chức nhà nước. Một số quốc gia Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, vùng lãnh thổ Đài Loan đang có chính sách thu hút nhân tài cống hiến cho đất nước. Đặc biệt tại Trung Quốc, trước đây Trung Nam Hải là nơi đón tiếp các đại biểu nông dân, công nhân có thành tích, ngày nay đó cũng là nơi đón tiếp các nhà khoa học, giới kinh doanh Trung Quốc đang có chính sách khuyến khích tài năng từ nước ngoài về làm việc. Đối với các nhà khoa học nổi tiếng được hưởng lương cao, được cấp nhà, được cấp các khoản chi phí theo định kỳ. Để hợp pháp hoá công tác phát triển đào tạo sử dụng tài năng, tháng 12/2003 Trung Quốc đã ra quyết định về quy hoạch bồi dưỡng nhân tài trên quy mô toàn quốc. Phấn đấu đến năm 2050 có 1000 nhân tài tầm cỡ quốc tế. Để khắc phục hậu quả chiến tranh, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai trường hợp thành công điển hình về đào tạo sử dụng nhân tài khoa học công nghệ. Hàn Quốc đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050 đứng trong 10 quốc gia có trình độ khoa học công nghệ hàng đầu thế giới.

Thứ hai, tài năng phát sinh ra trong hoàn cảnh nào? Nhìn lại lịch sử phát triển của thế giới ta thấy vào thế kỷ 15 Trung Quốc là cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Nhưng tại đó cơ chế chính sách và truyền thống văn hoá đã cản trở quá trình phát triển. Giống như Trung Quốc, nhiều nước châu Á sợ xáo trộn, cho nên ngăn cản cải mới, hậu quả là tri thức công nghệ mới không thể nảy sinh. Nhiều nhà nghiên cứu, điển hình là Thurow cho rằng sự sáng tạo không thể xảy ra khi nó bị thách thức bởi quyền lực chính trị. Sáng tạo chỉ xảy ra trong khoảng trống không có trật tự. Quá nhiều trật tự như Trung Quốc trước đây, và quá nhiều rối loạn như nước Nga những năm sau khi Liên Xô sụp đổ thì không thể sử dụng các thành quả sáng tạo cho phát triển kinh tế xã hội. Một quốc gia muốn thành công ở hai mặt kích thích sáng tạo và sử dụng được thành quả sáng tạo phải giữ được thế cân bằng bằng giữa trật tự và xáo trộn. Israel và Singapore là hai nước nhỏ, Israel đặt cược vào tài năng, Singapore đặt cược vào trật tự xã hội. Hai quốc gia đều thành công, nhưng Singapore thành công hơn bởi vì thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Singapore là 25.000 USD, trong khi đó của Israel là 15.000 USD. Singapore đã sử dụng nguồn tài nguyên và sao chép công nghệ, nhưng đã đến lúc họ nhận ra rằng muốn phát triển cần phải có tài năng như Israel. Do đó Singapore đang có những chương trình hợp tác với Đại học công nghệ Massachusetts (MIT) của Hoa Kỳ để có công nghệ mới. Israel có nhiều nhân tài đang bị lãng phí do yếu kém về hạ tầng cơ sở khoa học, môi trường chính trị không ổn định.

Thứ ba, cần phải có cái nhìn mới về đội ngũ tri thức và chính sách sử dụng tri thức. Lý thuyết tăng trưởng kinh tế chứng minh rằng khoa học công nghệ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, thì đội ngũ tri thức phải được coi trọng hơn. Lịch sử hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cho thấy trí thức Việt Nam rất yêu nước. Tuy nhiên chính sách sử dụng dường như đang đi trái với quy luật phát triển. Bởi vì ai muốn được bổ nhiệm chức vụ cao trong cơ quan Nhà nước thì người đó phải là đảng viên, phải qua các lớp học chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Chúng ta thiếu cán bộ có năng lực là do không bổ nhiệm những người ngoài đảng. Chế độ lương bổng, điều kiện làm việc và phân biệt đối xử đã hạn chế khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

4. Cần phải đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao các loại bằng cấp của Việt Nam chỉ có giá trị nội địa và không được các nước khác công nhận? Có thể trả lời ngay đó là do chất lượng đào tạo thấp và không theo các chuẩn mực quốc tế.

Tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam yếu hơn sinh viên các nước khác không phải hoàn toàn do phương pháp giảng dạy mà là do giáo trình được dùng để giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học lạc hậu.

Thời kỳ 1960-1970, Khoa Toán - Cơ Đại học Tổng hợp Hà Nội là khoa đào tạo có chất lượng tốt. Có thể hồi đó Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội áp dụng chương trình và giáo trình của Khoa Toán - Cơ Đại học quốc gia Maxcova mang tên Lomonoxov. Giáo trình là công cụ rất quan trọng ở các trường đại học phương Tây để giúp cho sinh viên tự nghiên cứu. Thời kỳ Việt Nam chưa mở cửa, các sinh viên khoa kinh tế của các trường đại học Việt Nam muốn hiểu sâu lý thuyết kinh tế thì không có cách nào khác là phải đào sâu học thuyết Mác. Thế nhưng trong kinh tế học lại có nhiều lý thuyết có giá trị của Adam Smith, Ricardo, Keynns và gần đây là Lucas, Romer nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, vốn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế. Kinh tế học hiện đại đang sử dụng các công cụ mô hình toán để phân tích và dự báo, dựa trên các phân tích định lượng thông qua mô hình để chứng minh cho các giả thuyết kinh tế. Do đó sự tiếp cận đồng thời nhiều lý thuyết và biết sử dụng các công cụ theo chuẩn mực quốc tế mới giúp cho sinh viên có cái nhìn khách quan về bản chất và động thái phát triển của hiện tượng kinh tế. Phương pháp giáo dục của Việt Nam vùa giáo điều lại vừa bị đóng khung trong khuôn khổ ý thức hệ chính trị, do đó đã hạn chế khả năng sáng tạo của sinh viên.

Ngoài việc giáo dục đại học trên diện rộng cần phải chú ý tới giáo dục tài năng, chuyển từ hoạt động giáo dục có tính chất tiếp thu kỹ năng tri thức sang hoạt động giáo dục khuyền khích sáng tạo. Cách đây vài thập niên, ở Hoa Kỳ đã có các chương trình, giáo dục tài năng khoa học công nghệ, kinh doanh và quản lý, đang thu hút số lượng lớn sinh viên trong nước và nước ngoài tham gia ở Đại học Harvard và MIT. Bill Gate không sở hữu tài sản hữu hình như nhà xưởng, đất đai hầm mỏ, quân đội nhưng lại cực kỳ giàu có do sở hữu tri thức và khả năng sáng tạo. Hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao, môi trường làm việc chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, tự do học thuật, truyền thống văn hoá đã tạo điều kiện cho người tài năng có địa vị và mức hưởng thụ xứng đáng. Họ toàn tâm vào mục tiêu sáng tạo mà không cần quan tâm tới diện mạo, chủng tộc, đảng phái, tôn giáo… Số lượng người tài năng sáng tạo ở Hoa Kỳ tăng nhanh. Theo đánh giá của R. Florida, tác giả cuốn sách Sự nổi lên của tầng lớp sáng tạo thì tại Hoa Kỳ có khoảng 38 triệu người thuộc tầng lớp này. Họ đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học công nghệ, kinh doanh, quản lý, văn học nghệ thuật… Chính tầng lớp này có vai trò quan trọng, giúp cho Hoa Kỳ duy trì được vị trí siêu cường thế giới về kinh tế, khoa học công nghệ và quân sự. Ở Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa hàng năm mỗi trường cũng tuyển chọn 300 sinh viên để đào tạo họ thành nguồn tài năng. Giáo dục tài năng cũng đang được mở rộng ở Hàn Quốc tại ba trường đại học danh tiếng viết tắt là SKY, ở Nhật Bản tại Đại học Waseda và Đại học Keio, các chương trình đào tạo bám sát yêu cầu thực tế, khuyến khích sáng tạo, năng lực tự giải quyết và tổ chức công việc, gắn chặt với hoạt động nghiên cứu.

Như vậy để đánh giá chất lượng và so sánh quốc tế về chất lượng giáo dục đại học cần phải có chuẩn mực quốc tế. Chuẩn mực đó là dựa vào chương trình đào tạo, giáo trình, phương pháp đào tạo đã được nhiều trường đại học trên thế giới sử dụng.

Việt Nam đang tụt hậu xa với các nước trong khu vực, thí dụ một số nhà nghiên cứu cho rằng tụt hậu so với Thái Lan khoảng 20 năm. Nguy cơ đó do đâu trong khi Việt Nam lại là quốc gia có nhiều tiềm năng? Theo tôi, có sự tụt hậu về tư duy, vẫn dựa vào lối tư duy phát triển cũ nên không huy động được tiềm năng của các nguồn lực phục vụ phát triển. Quá trình phát triển bị chi phối bởi nhiều yếu tố như tài nguyên thiên nhiên, lao động, vốn vật chất, vốn nhân lực, thể chế. Từ kinh nghiệm Đông Á và những lời góp ý chân thành của nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, trong chuyến thăm Việt Nam đầu 2007, Việt Nam muốn tạo ra bước phát triển mới cần phải mau chóng chuyển lực lượng lao động được đào tạo trở thành bộ phận ưu tú trong vốn nhân lực và phát huy vai trò của nguồn vốn đó. Hiện tại Việt Nam có khoảng 400 trường đại học, cao đẳng. Một số trường cơ sở vật chất nghèo nàn, chất lượng đào tạo thấp, nhưng không vì thế mà hạn chế việc mở rộng quy mô giáo dục, ngăn cản tiến trình xã hội hoá giáo dục. Theo tôi cần phải lập ra các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo và thường xuyên giám sát, đánh giá xếp hạng để khắc phục yếu kém. Từ đó hình thành ra hệ thống các trường đào tạo có chất lượng cao hơn, đáp ứng yêu cầu của người học.

Những năm chiến tranh, lúc đó ông Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, giáo dục Việt Nam được UNESCO đánh giá cao. Sau nhiều năm, qua bao đời bộ trưởng họ đã đưa ra các quyết định cải cách giáo dục. Có người triển khai việc thay đổi chữ viết, có người hô hào xã hội hoá giáo dục cho mở trường dân lập, có người yêu cầu tăng đầu tư, có người phát động một số phong trào, đề ra chiến lược mới trong khi chiến lược cũ chưa được thực hiện và chưa tổng kết… So với GS Tạ Quang Bửu thì các vị bộ trưởng đời sau kém xa ông về tầm nhìn và động cơ trong sáng khi đưa ra các quyết định phát triển giáo dục. Do dó,người dân tiếp tục không an tâm khi cho con em đến trường, khi mà đủ thứ gian dối không được ngăn chặn và nhận thấy chất luợng giáo dục không tương xứng với mức đầu tư.

T.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Tài liệu tham khảo

1. Trần Văn Tùng. Đào tạo bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng. NXB Thế Giới 2005

2. Trần Văn Tùng. Cạnh tranh kinh tế, lợi thế cạnh tranh quốc gia và chiến lược cạnh tranh của công ty. Nxb thế giới Hà Nội 2004.

3. Lester, Thurow. Làm giầu trong nền kinh tế tri thức, Nxb trẻ Thành Phố Hồ Chí Minh 2003.

4. UNDP. Human Development Report, 2001

5. Havard Business School (2003), http://www.hbs.edu/about/statistics-print.html.

6. Willis M. Watt (2003) "Effective leadership education: Developing a core curriculum for leadership studies", Journal of leadership education, Summer 2003, Vol 2, No. 1

7. BEST (2004), A bridge for all: Higher education design principle to broaden participation in Science, technology, engineering and mathematics, www.bestworkforce.org.

8. Kellogg Foundation (2000) Leadership in Making: Impact and Insights from leadership development programs in US colleges and Universities (executive summary)

9. John Kennedy School of Government, http://www.ksg.havard.edu/apply

10.R.Florida(2004),The rise of the creative clas Basic Books NY Press

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn