Một lực cản từ phía hoàng gia Campuchia đã biến mất

Richard S. Ehrlich, Asia Times, 17 tháng Mười 2012

Trần Ngọc Cư dịch

BANGKOK - Cái chết của cựu hoàng Campuchia Norodom Sihanouk tại Bắc Kinh vào hôm thứ Hai cho thấy cách Trung Quốc che chở nhà vua trong một tư dinh, với sự giúp đỡ từ y tế cá nhân đến hỗ trợ ngoại giao và tài chính trong gần suốt triều đại chịu nhiều tang tóc của ông.

clip_image002

Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni và Hoàng thái hậu Norodom Monineath Sihanouk cầu nguyện trước của thi hài của cựu quốc vương Norodom Sihanouk tại Bệnh viện Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 17/10/2012. Ảnh: AP

Bắc Kinh đã thủ lợi rất nhiều, đặc biệt trong những thập niên 1970 và 1980, từ mối quan hệ có tính cách hậu thuẫn dành cho Sihanouk. Nhưng cái chết của ông ở tuổi 89 chắc chắn sẽ không giảm bớt đà ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc hiện đang gia tăng nhanh chóng tại Campuchia.

Đồng thời, Thủ tướng Hun Sen sẽ không còn phải bận tâm đối phó với một quan hệ phức tạp và tế nhị từ một ông vua thường thay đổi tính khí và lập trường, và nhờ thế có thể tăng cường quyền lực độc tài vốn đã vững mạnh của mình trên đất nước Campuchia.

Hun Sen đã cai trị Campuchia 27 năm liền, là nhà lãnh đạo lâu bền nhất châu Á, và có khả năng khai thác lợi thế chính trị qua các hình thức vinh danh cựu hoàng Sihanouk vừa quá cố trong lễ tang sắp tới và cả về sau này, đồng thời cố giữ im lặng về những chi tiết liên quan tới quá khứ đầy tráo trở của Sihanouk.

“Trung Quốc đã nhận được một mức độ tri ân nào đó từ nhiều người Campuchia suốt thời gian gắn bó lâu dài của Bắc Kinh với Sihanouk”, đây là phát biểu của Rich Garella, một nhà làm phim và tư vấn chính trị tại Philadelphia và cũng là cựu biên tập viên điều hành [phó Tổng biên tập] nhật báo The Cambodia Daily, trong một cuộc phỏng vấn bằng email vài giờ sau khi Sihanouk qua đời.

“Mặc dù ảnh hưởng của Sihanouk đã suy giảm nhiều trong 10 năm qua, nhưng sự ra đi của ông sẽ là một mất mát đối với các đảng đối lập vốn dựa vào ông như một thế lực có thể làm hòa hoãn những chính sách đàn áp của Hun Sen”, Garella nói. “Hun Sen đã đi theo bước chân của Sihanouk trong việc âm thầm nhìn nhận vai trò bá quyền của Trung Quốc ở trong khu vực và phát triển một quan hệ thân thiết với Bắc Kinh”.

Năm 2010, Trung Quốc hứa hẹn trợ giúp Campuchia 1,2 tỉ Mỹ kim sau khi Phnom Penh đồng ý trục xuất về lại Trung Quốc 20 người “khủng bố” Duy Ngô Nhĩ đang xin tị nạn chính trị.

“Hiện nay Hun Sen có vẻ sẽ tự do một mình đàm phán với Trung Quốc, và sẽ được coi như hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình hữu nghị này”, Garella nhận xét. “Thỉnh thoảng Hun Sen có thể cần phải làm bộ chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc một cách nhẹ nhàng. Người ta tin chắc Bắc Kinh sẽ sẵn lòng tham gia với Hun Sen trong màn chống đối này”.

Campuchia là “một địa bàn tiền phương chắc nịch đối với Trung Quốc tại Đông Nam Á”, nơi mà Bắc Kinh có thể ảnh hưởng chính sách của một nước yếu kém, cùng biên giới với Việt Nam, Lào và Thái Lan, đồng thời có thể sử dụng bờ biển phía nam Campuchia nằm trên Vịnh Thái Lan. Đó là ý kiến của Nate Thayer, một ký giả được giải thưởng với nhiều bài tường trình về Campuchia, kể cả các cuộc phỏng vấn đặc biệt với Pol Pot ngay trước khi nhà lãnh đạo Khmer Đỏ chết trong rừng sâu năm 1997.

“Mức độ ảnh hưởng và sự kiểm soát chính trị và kinh tế mà họ [Trung Quốc] đã đạt được trong những năm gần đây tại Campuchia là phi thường, khiến Mỹ phải lo ngại”, Thayer, hiện làm việc tại Washington, đã nói trong một email vài giờ sau khi Sihanouk từ trần. “Những đặc nhượng về đất đai, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên mà họ [Trung Quốc] đã nắm được tại Campuchia đang gây sửng sốt”.

Các nhóm bảo vệ môi trường quốc tế đã kêu gọi thế giới chú ý tới sự kiện Trung Quốc đổ vốn vào xứ Chùa Tháp, giữa những cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với các công dân Campuchia đang phản đối tình trạng xuống cấp môi sinh tại đất nước họ. Các công ty Trung Quốc cũng đồng lõa trong đợt cướp đất của dân gần đây do Nhà nước hỗ trợ.

“Chỉ một mình Sihanouk có thể phê phán những hành vi sai trái này tại Campuchia mà không sợ bị trả thù, nhưng vai trò này đã trở nên lu mờ trong những năm gần đây”, Thayer nói. Không có Sihanouk, Campuchia “sẽ trở nên một bãi phế thải cho những tác nhân tài chính tồi tệ, bọn mafia quốc tế, và bọn tội phạm vặt”, những kẻ có thể “hoạt động không bị ai cấm cản”, ông nói.

Họ có thể hùn vốn hay cạnh tranh với các lợi ích tài chính to lớn của Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng của Campuchia và các dự án phát triển đồ sộ khác - những dự án này gần đây cũng đã thu hút các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khác. Tin tức cho biết, năm ngoái Trung Quốc đã đầu tư hơn 2 tỉ Mỹ kim tại Campuchia.

Những hợp đồng thu mua và xây dựng gần đây của Trung Quốc không dựa vào Sihanouk; giá trị đích thực của mối quan hệ với ông đã đạt điểm đỉnh vào những năm cuối của thập niên 1970 và những năm đầu của thập niên 1980. Vua đương kim Sihamoni của Campuchia, con trai đầu của Sihanouk, lên ngôi năm 2004, không được coi là có ảnh hưởng to lớn hay sức thu hút mạnh mẽ như vua cha.

“Tôi không nghĩ Trung Quốc phải chịu một thiệt thòi nào do cái chết của Sihanouk”, đây là ý kiến của Bradley Cox, hiện làm việc tại Bangkok và từng thực hiện hai phim tư liệu điều tra tại Campuchia. “Trên cơ bản, Trung Quốc và Campuchia đang hợp tác làm ăn với nhau. Trung Quốc tạo ảnh hưởng và bỏ vốn đầu tư, còn giới lãnh đạo chóp bu của Campuchia thì đang được Trung Quốc mua chuộc”.

“Lực cản và đối trọng ‘không chính thức’ duy nhất trước thế lực của Hun Sen là Sihanouk. Sihanouk được người dân yêu quý, vì thế ông có thể tạo trở ngại cho viên thủ tướng nếu ông muốn. Do đó, Hun Sen thường tìm sự đồng thuận của Sihanouk và có hành vi thận trọng chung quanh vị cựu hoàng”, Cox nói. “Một khi Sihanouk không còn nữa, chẳng còn ai đủ tư thế để kềm hãm Hun Sen”.

Sihanouk được phong vương tại Phnom Penh, thủ đô Campuchia năm 1941, bởi chính quyền thực dân Pháp Vichy do Đức Quốc xã bảo trợ. Trong hồi ký nhan đề Sihanouk Reminisces (Sihanouk nhớ lại), ông đã mô tả việc ông “ra lệnh” cho quân đội của mình “chuyên chở vũ khí Trung Quốc và Xô viết” từ hải cảng của Campuchia đến quân du kích Việt Nam đang chống Mỹ tại “các khu an toàn ở vùng biên giới Campuchia - Nam Việt Nam”.

Năm 1970, Washington đã hậu thuẫn một cuộc đảo chính lật đổ Hoàng tử Sihanouk, lúc bấy giờ là quốc trưởng. Sau đó Sihanouk quay qua ủng hộ lực lượng Khmer Đỏ chống Mỹ và góp phần dọn đường cho chế độ “những cánh đồng giết người” do Pol Pot lãnh đạo từ 1975 đến 1979 – một chế độ đã tàn sát khoảng 1,7 triệu người Campuchia. Sihanouk lại hậu thuẫn nhóm Mao-ít cực đoan này thêm một lần nữa vào những năm 1980 trong một liên minh lỏng lẻo chống lại sự chiếm đóng Campuchia của Việt Nam.

Sihanouk thường xuyên dùng Trung Quốc làm nơi an toàn và cơ sở quyền lực, việc này đã tạo cho giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc một đường dây liên hệ thiết yếu với nhóm cộng sản Pol Pot và kéo dài khả năng tiếp cận đặc biệt của Trung Quốc vào nội tình Campuchia.

R.S.E.

Richard S. Ehrlich là một ký giả từ San Francisco, California, hiện làm việc tại Bangkok, tường trình tin tức từ châu Á kể từ năm 1978 và từng nhận Giải Thông tín viên nước ngoài của Đại học Columbia. Hai websites của ông là http://www.asia-correspondent.110mb.comhttp://www.flickr.com/photos/animists/sets.

Nguồn: http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/NJ17Ae01.html

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

* * *

Norodom Sihanouk, vị quốc vương ngả nghiêng cùng thăng trầm lịch sử

Lưu Tường Quang / Tú Anh

Ngày 17/10/2012, thi hài của cựu hoàng Norodom Sihanouk đã từ Trung Quốc trở về xứ Chùa Tháp. Buổi lễ tiễn đưa giản dị tại Bắc Kinh đánh dấu đoạn kết một trong những giai đoạn lịch sử bi thảm từ chính trị, ngoại giao đến quân sự kéo dài hơn nửa thế kỷ tại Á châu mà Cam Bốt phải trả giá rất cao bằng xương máu và đổ vỡ.

clip_image003

Thi hài cựu hoàng Sihanouk tại Phnom Penh. REUTERS/Samrang Pring

Phát ngôn viên chính phủ Phnom Penh khẳng định có hơn 100 ngàn dân Cam Bốt đã ra tận phi trường đón tiếp thi hài «vua cha của dân tộc» trong chiếc quan tài phủ lá cờ vương quốc. Tuy hai lần liên kết với Khmer Đỏ nhưng Norodom Sihanouk vẫn được phần đông dân chúng xem là biểu tượng «thời huy hoàng của Cam Bốt độc lập» trước và sau ác mộng diệt chủng của chế độ Pol Pot, đàn em của Bắc Kinh.

Mang biệt danh là «thái tử đỏ», ông hoàng bí ẩn Sihanouk đã có một thời truy đánh phe cộng sản Khmer nổi dậy trong thập niên 1960. Đến khi bị lật đổ vào năm 1970 trong một vụ đảo chính tướng do tướng Lon Nol cầm đầu với đèn xanh của Washington, hoàng thân Sihanouk ngã theo Trung Quốc và chọn Bắc Kinh làm nơi trú ẩn. Tuy Mao Trạch Đông không yêu mến gì thành phần vương giả nhưng đã cưu mang ông hoàng Cam Bốt một cách rộng rãi và tặng cho một ngôi nhà sang trọng: sứ quán cũ của Pháp, «mẫu quốc» cũ của vương quốc Cao Miên.

Thái độ nồng hậu của Trung Quốc có một cái giá rất đắt. Chính miệng quốc vương Sihanouk sau này phải nhìn nhận, là đã «liên kết với với ác quỷ» Khmer đỏ. Cộng sản Campuchia là lá bài của Bắc Kinh trong chiến tranh Đông dương khi Maxtcơva đã nắm được Hà Nội và Vientiane.

Ngày 17/04/1975, quân Pol Pot chiếm Phnom Penh. Vào thời điểm này, có lẽ không một ai từ Sihanouk đến lãnh đạo Trung Quốc có thể dự đoán là một chính sách diệt chủng đang được chuẩn bị tại xứ Chùa Tháp.

Sau năm năm lưu vong tại Bắc Kinh, ông hoàng Sihanouk trở về Phnom Penh, không phải để lấy lại ngai vàng, mà là để bảo vệ chiếc ghế thành viên Liên Hiệp Quốc của Cam Bốt. Nửa năm sau, Khmer đỏ hiện nguyên hình, chiếc bẩy sập xuống, hoàng thân Sihanouk biến thành “tù nhân của Khmer đỏ” như ông ghi lại trong tập hồi ký cùng tên.

Theo báo chí Trung Quốc thì nhờ Chu Ân Lai đích thân can thiệp nên Pol Pot mới tha mạng cho cựu hoàng. Sự thực không phải là như vậy. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã qua đời vào năm 1976. Theo lời kể của chính Norodom Sihanouk, thì vào năm 1978, phu nhân của cố thủ tướng Chu Ân Lai là bà Đặng Dĩnh Siêu đến viếng Phnom Penh và đòi gặp thượng khách của chồng mình. Khmer Đỏ miễn cưỡng chấp thuận, cho Sihanouk ngồi trong một chiếc xe hơi cũ, chạy ngang cửa sổ nhà khách để phu nhân cố thủ tướng Trung Quốc nhìn thấy từ xa.

Pol Pot hiểu thông điệp của Bắc Kinh là không được giết vua. Đổi lại, cựu hoàng biết mình sẽ phải trả món “nợ sinh tử” với Trung Quốc. Pol Pot trả thù bằng cách hạ sát 5 người con trong số 14 người con của Sihanouk.

Ngày 07/01/1979, chế độ Khmer đỏ sắp bị sụp đổ. Bắc kinh đưa một chiếc máy bay sang Pnom Penh, khẩn cấp “bốc” Sihanouk sang Bắc Kinh vào lúc bộ đội Hà Nội đã tiến đến ngoại thành thủ đô Cam Bốt.

Trong bối cảnh chiến tranh lạnh đi vào giai đoạn gai góc nhất trước khi chung cuộc, hoàng thân Sihanouk một lần nữa liên kết với Khmer đỏ chống lại đoàn quân chiếm đóng của Việt Nam.

Năm 1991, hiệp định hòa bình Paris được ký kết. Sihanouk chiếm lại ngai vàng cùng với Hun Sen, một chính trị gia thế lực, xuất thân từ hàng ngũ Khmer đỏ ly khai, đồng minh của Việt Nam, làm thủ tướng.

Nhưng tại một bệnh viện Trung Quốc, cựu vương đã trút hơi thở sau cùng vào ngày 15/10/2012 vừa qua vài tuần trước ngày sinh nhật 90 tuổi .

Cố quốc vương Cam Bốt tự cho mình là con người “tâm cơ khó đoán”? Đây cũng là nhận xét của giới phóng viên quốc tế và ngoại giao. Người dân Cam Bốt tha thứ cho ông đã liên minh với Khmer Đỏ. Nhưng liệu Cam Bốt có bị nạn diệt chủng và về chiến lược địa lý chính trị, liệu ngày nayTrung Quốc có “thọc sâu” bàn tay vào Đông Nam Á nếu trong quá khứ ông Sihanouk trung lập thực sự?

RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney.

“Cựu hoàng Sihanouk là một nhân vật quan trọng của Cao Miên và của Đông Dương trong thê kỷ 20 nhưng di sản của ông để lại có nhiều tranh cãi. Ông là một nhà vua, một nhà chính trị hay thay đổi nhưng nhìn một cách tổng quát thì ông có hai điểm nổi bật: thứ nhất, Sihanouk là người thân Trung Quốc trước sau như một và được Trung Quốc giúp đỡ rất nhiều. Thứ hai là mặc dù phạm nhiều lỗi lầm nhưng ông được dân chúng mến mộ. Có lẽ nhờ sự mến mộ này mà ông tồn tại.

Cuộc đời ông trải qua nhiều giai đoạn nhưng trong giai đoạn ông làm quốc trưởng cho tới năm 1953 thì giới phân tích phương tây đánh giá tương đối cao khả năng của ông Sihanouk tranh đấu cho Cao Miên độc lập. Điều mỉa mai là không hiểu tại sao giới phân tích tây phương xem đây là một thành công quan trọng của ông Sihanouk mà không coi là quan trọng sự thành công của cựu hoàng Bảo Đại. Cựu hoàng Bảo Đại, hoàng thân Sihanouk và các hoàng thân Lào đều tranh đấu cho Việt Nam, Cam Miên và Ai Lao được độc lập năm 1949. Ba nước được quốc tế nhất là Hoa Kỳ, Anh công nhận vào tháng 02/1950. Úc cũng công nhận độc lập của Việt Nam, Lào và Cao Miên ngày 08/02/1950.

Vào năm 1965, vào lúc chiến sự Việt Nam sôi nổi thì ông Sihanouk ký mật ước với Bắc Kinh và Hà Nội cho phép bộ đội cộng sản và trung ương cục đóng tại miền đông Cam Bốt. Và cho phép Trung Quốc viện trợ vũ khí, đạn dược cho bộ đội Bắc Việt qua các hải cảng Cam Bốt đặc biệt là qua hải cảng Sihanoukville. Sihanouk đã theo Trung Quốc chứ không thực sự trung lập. Năm 1985, trả lời phỏng vấn báo Washington Post, ông Sihanouk nói là ông có một cơn ác mộng là Hà Nội “Việt Nam hóa Cam Bốt”, biến Cao Miên thành “miền nam Việt Nam thứ hai”. Nếu vậy thì tại sao hai mươi năm trước ông cho phép Hà Nội có hậu cần tại Cam Bốt để đánh phá miền nam Việt Nam? Vì nếu Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản thì sẽ mạnh hơn, sẽ uy hiếp Cao Miên dễ dàng hơn….” .

L.T.Q. - T.A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn