Án tù cho nghệ sĩ, có sợ không?

Tuấn Khanh

Sau khi toà xử nhạc sỹ Việt Khang 4 năm tù và đồng nghiệp của anh, nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình, 6 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” tôi đã nghe lại hai bài hát của anh: “Việt Nam tôi đâu” và “Anh là ai”. Ở thời điểm khi hai bài hát này ra đời tôi tin đó là “nỗi lòng” của Việt Khang trước việc “Trung Quốc đang hoành hành trên Biển Đông”. Theo toà thì hai anh còn tham gia một tổ chức có tên “Tuổi trẻ yêu nước”. Cho dù “tổ chức này có mục đích tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam” như các anh thừa nhận thì “cá thể hoá trách nhiệm hình sự” là một nguyên tắc bất di bất dịch của tố tụng. Người dân có thể bất tín nhiệm một đảng vì tình trạng tham nhũng nhưng chỉ có thể bỏ tù từng cá nhân bởi những hành vi tham nhũng mà các cơ quan tố tụng có thể chứng minh. Cũng như sinh viên Nguyễn Phương Uyên, cho dù có ai đứng sau thì em cũng chỉ phải chịu trách nhiệm về những tờ truyền đơn chống Trung Quốc (nếu đó là của em). Các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải nhớ, nay anh có thể nấp sau một tổ chức để bất chấp luật pháp nhưng ngày mai thì lịch sử sẽ buộc các anh phải chịu trách nhiệm cá nhân về những phán quyết của ngày hôm nay.

Osin HuyDuc

Một ngày sau phiên xử án hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ở Saigon, tôi gọi điện cho một anh bạn nhà văn và hỏi đùa “Nghe án tù cho nghệ sĩ chưa? Sợ không?”. Tôi nghe bên kia đầu dây bật lên một tiếng cười sảng khoái, một giọng cười miền Nam an nhiên.

Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có lẽ cũng đã an nhiên nhận những mức án rất nhiều năm cho các bài hát của họ - những bài hát hoàn toàn phản ánh hiện thực đời Việt Nam hơn là thù địch, chống phá gì đó như lời của những vị quan tòa không rõ mặt đã nêu trong buổi sáng ngày 30-10-2012. Những bài hát đã vụt nổi tiếng bất ngờ ngay sau tiếng búa tòa, vượt quá tầm kiểm soát của những người căm ghét nó, hoặc đang giả vờ căm ghét nó.

Đây không phải là lần đầu tiên giới nghệ sĩ Việt Nam chứng kiến những án tù cho đồng nghiệp của mình. Từ những năm xa xôi của thế kỷ 20, người ta đã chứng kiến án tù cho Hoàng Hưng, Phan Đan, Đặng Đình Hưng… những lưu đầy của Phùng Quán, Văn Cao… Sau năm 1975, đã lần lượt có các án tù cho Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu… nhưng rất lâu rồi, chuyện bắt tội một nghệ sĩ với quyền tự do sáng tác của họ trở thành chuyện xa xưa, tưởng chừng như đã chỉ còn trong những ngày tháng mông muội nào đó.

Nói như vậy, để hiểu rằng trong lịch sử riêng của giới văn nghệ sĩ Việt Nam, án lệ và lao tù không phải là chuyện lạ. Nhưng dường như bất chấp những nguy nan đó, bản năng sáng tạo và phản ánh hiện thực của giới nghệ sĩ qua cách viết, cách hát, vẫn xuất hiện một cách rất an nhiên.

Việc bắt giữ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã tạo nên một làn sóng phản ứng khó lường. Thậm chí với cộng đồng người Việt đã xa quê hương và xa những con người Việt thế hệ mới trong nước, họ cũng đã bày tỏ sự sửng sốt của mình, khi nghe có những con người đang đối diện với lao tù chỉ vì ca hát, bằng cách xuống đường và chia sẻ những chữ ký hết sức ấn tượng.

Nhưng đâu chỉ là chuyện người Việt với nhau, tuy xa cách địa lý, nhưng dường như sợi dây vô hình của nền văn minh loài người đều tạo ra những phản ứng nối kết tương đồng, như cái cách thế giới đã phản ứng trước việc cô bé Malala Yousafzai bị Taliban bắn vào đầu hay việc Putin cho giam giữ nhóm nhạc Pussy Riot.

Đôi khi những phán quyết đưa ra, nó không chỉ làm hủy hoại đời của một con người, mà ngược lại còn có thể tạo ra một lực phản hồi, phá hủy mọi danh tiếng và sự bền vững của hệ thống đưa ra bản án đó.  Chưa bao giờ viên đạn của phe Taliban đã bắn vào đầu của cô bé Yousafai, 14 tuổi, trở thành viên đạn bắn thẳng vào lương tâm thế giới như lúc này. Chưa bao giờ người ta nhìn ra sự tồi tệ của chính quyền công an trị Putin ở nước Nga như lúc này, qua song sắt của cả 3 cô gái nhóm Pussy Riot. Và ở Việt Nam, chưa bao giờ những kẻ bị kết án là Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại được quan tâm, chia sẻ như bây giờ.

Đôi khi, tôi tự hỏi không biết những người soạn bản án cho Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có thật sự lắng nghe những bài hát của họ hay không? Vì nếu chỉ dựa trên những con chữ để định đoạt số phận, tôi nghĩ công bằng nhất là nên mở một loạt phiên tòa nghiên cứu tái xét xử tất cả các nghệ sĩ, hay dễ dàng hơn là với các nhạc sĩ Việt Nam, từ Trịnh Công Sơn đến Phạm Duy và nhiều người khác nữa. Dĩ nhiên, trong đó có cả tôi.

Có lẽ trong phiên toà, những người xét xử cũng ngại ngùng và cố gắng tránh đi công việc ấu trĩ đó, nên đã không dành thời gian bàn sâu về các bài hát, mặc dù án vẫn định. Lẽ ra những bài hát đó phải được mở lên ngay tại toà, hoặc photo đầy đủ cho tất cả mọi người xem - nghe, như một chứng cứ cụ thể.

Nói tới lắng nghe, tôi chợt nhớ đến nhiều tình huống khó quên. Trong Schindler’s list  của đạo diễn Steven Spielberg, khi những tên lính phát xít Đức đang rầm rộ tiến vào các ngôi nhà của người Do Thái, đã đứng sững và lặng yên nghe đến lúc dứt khúc nhạc dương cầm của một người đánh đàn tuyệt vọng. Hoặc trong phim the Pianist của đạo diễn Roman Polanski, viên sĩ quan Đức Quốc Xã đã lột bỏ toàn bộ trạng thái thù địch để lắng nghe một nghệ sĩ Do Thái đàn những khúc nhạc được sáng tác [từ] các quốc gia đang đối đầu như Nga hay Ba Lan. Kẻ thù vẫn biết lắng nghe nhau, chẳng lẽ những người chung dòng máu và khát vọng dân tộc lại câm điếc với nhau?

Trong các tuyên bố chính trị ở Việt Nam lúc này, người ta hay đọc thấy cụm từ “nhóm lợi ích”. Rõ ràng là phải có những nhóm lợi ích kinh tế bí mật nào đó đang đục khoét quốc gia và đang bị đánh động. Nhưng liệu có hay không những nhóm lợi ích bí mật về chính trị nào đó, đang cảm thấy bị bối rối và tức giận trước những cảnh báo về hiện thực tổ quốc từ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, nên đã vội vàng khép tội họ? Nếu không, tôi hoang mang tự hỏi, họ đã phạm tội gì khi hát bằng tình yêu tổ quốc mình?

Những con người đó không làm chính trị. Họ chỉ phản ánh hiện thực xã hội theo cảm nhận nghệ sĩ của mình. Quyền phản ánh hiện thực – không phản bội lại nhân cách của mình, là một giá trị tuyệt đối của người nghệ sĩ. Quyền đó được nhìn nhận bằng lương tâm và giá trị văn minh của con người, bất chấp một thể chế chính trị nào phủ nhận nó. Chà đạp và từ chối quyền đó, cũng đồng nghĩa vinh danh giá trị của người nghệ sĩ và khẳng định thêm về sự trì trệ và lạc hậu của chính hệ thống đương trị.

31-10-2012

T.K.

Nguồn: Facebook nhạc sĩ Tuấn Khanh

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn