"Của tin gọi một chút này làm ghi"

Lá thư của một người thầy giáo từng đứng trên bục giảng gửi học trò của mình nhân kỷ niệm 50 năm ngày ra trường của họ.

Bài đăng tuần báo VĂN NGHỆ của Hội Nhà văn Việt Nam số 46 - 17.11.2012 nhân ngày 20 tháng 11 năm 2012. Những đoạn tô màu vàng là Tòa soạn cắt bỏ!

Tương Lai  

Các em thân mến,

Mới đấy thôi mà đã một nửa thế kỷ! Bao nhiêu nước chảy qua cầu!

"Thế sự du du nại lão hà" (Việc lớn chưa xong tuổi đã già), có lẽ tất cả chúng ta hôm nay đều có thể "Cảm hoài" với "nỗi lòng" của bậc tiền nhân thế kỷ XV.

Nói vậy vì người viết thư này đã cập kề tuổi 80 và trong các bạn ngồi đây thì tất cả đã U70, vài người đã vượt cái ngưỡng xưa nay hiếm. Cũng có thể tôi chủ quan, suy bụng ta ra bụng người, vì ngồi đây cũng có người đang tiếp tục "việc lớn" và con đường hoạn lộ vẫn thênh thang thì mong bỏ quá cho tôi, vì thế mà tôi chuyển từ "các em" sang "các bạn" là nhằm ý đó.

Với riêng tôi thì quả thật "việc lớn" chưa hề xong, chưa thể xong, mà quỹ thời gian còn lại thì quá eo hẹp, có thể tính từng ngày. Tôi còn nợ với cuộc đời nhiều quá, trong đó, riêng với các bạn hôm nay kỷ niệm 50 năm ngày ra trường thì món nợ lại quá lớn. Nói vậy là vì, vào buổi ấy, tôi đã sống hết mình trong niềm say mê lý tưởng cao cả với ngọn lửa trong trái tim Đancô để rồi chân thành và đầy thiện ý trao lại cho các bạn, những người mà tôi yêu mến rất chân thành, và rồi nhiều bạn cũng với niềm say mê đó đã dấn thân vào con đường rèn luyện, phấn đấu theo mẫu Paven Coocsaghin trong "Thép đã tôi thế đấy" để đến lúc nào mới ngộ ra rằng cuộc đời thật không đơn giản như vậy. Điều này thì tôi đã từng nói với các bạn học sinh Chu Văn An Hà Nội niên khóa 1954-1955, khóa đầu tiên sau ngày "10 tháng 10 năm 1954" nhân kỷ niệm 100 năm trường Bưởi xin được nhắc lại ở đây đôi dòng.

Và rồi hôm nay mỗi chúng ta đều như sống lại những kỷ niệm của một thời trai trẻ một đi không trở lại ấy, để hối tiếc cho những nhầm nhỡ đáng tiếc nhưng cũng vì vậy mà càng thêm trân trọng những gì đã trải qua. Đây là điều nằm sâu trong trái tim tôi và tôi nhắc lại ở đây những điều tôi đã từng tâm sự với vài người trong các bạn cũng như với lớp học sinh, sinh viên khác của tôi.

Đó là sự trân trọng một thời tuổi trẻ hừng hực khí thế “trùng trùng say trong câu hát, lớp lớp đoàn quân tiến về” giải phóng Thủ đô. Chúng tôi may mắn có mặt trong “đoàn quân tiến về” ấy để rồi có dịp chia sẻ với các bạn những xúc động của tuổi trẻ Hà Nôi ngập tràn khát vọng về những cái gì rất mới lạ, rất thiêng liêng, tuy buổi ấy chúng ta chưa đủ trưởng thành về đường đời và về trí tuệ để hiểu đó là cái gì!

Trong sự “chưa trưởng thành” vừa lưu giữ những giá trị thật lớn lao sẽ đi mãi với chúng ta suốt cuộc đời, vừa tàn phai những xốc nổi cuồng tín của một thời ấu trĩ “cố tô vẽ để mà tin” để đến khi chúng ta tin mà “không cần tô vẽ nữa”, thì những giá trị ảo sẽ tan ra như bong bóng xà phòng dưới ánh sáng thật của cuộc đời.

Quả thật, cảm hứng tuôn trào của người nhạc sĩ thiên tài, tác giả của "Tiến về Hà Nội" ấy đã làm rung lên ý tưởng "Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần" thật đẹp biết bao, nó cũng là cảm hứng thăng hoa của cả lũ chúng tôi buổi ấy, miệng hát mà nước mắt giàn giụa trong niềm hy vọng trào dâng "Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa... Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay. Những xuân đời mỉm cười vui hát lên!”. Và rồi sự thật cay đắng về thân phận của chính người nhạc sĩ đã đem lại cảm hứng thăng hoa kia cho cả một thế hệ của một thời nhìn cách mạng như một mùa xuân với những sinh lực mới mà không biết rằng, chính M. Gorki, tác giả của "Bài ca chim báo bão" mà tôi sẽ nhắc lại dưới đây đã từng cảnh báo ngay từ những năm 1917-1918:Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần"! Vì thế mà văn hào Nga đã cảnh báo: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi “Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!”*

Chỉ có điều, thật khó để tách bạch rạch ròi trong hoài niệm cái gì là bong bóng, cái gì không bao giờ tàn phai nếu thiếu sự trung thực với chính mình. Lúc này đây, khi mà vận nước đang đặt ra những câu hỏi lớn cho những trái tim biết đập cùng nhịp với đất nước, những trái tim biết xót xa và trân trọng xương máu của lớp lớp người đã ngã xuống, trong đó có những bạn thân yêu của chúng ta hôm nay không có mặt, chả nhẽ lại không cần nữa những trái tim Đancô của M.Gorki từng thanh lọc tâm hồn và xáo động nếp nghĩ của chúng ta hơn nửa thế kỷ trước đây?

Liệu có phải ánh lửa từ “trái tim Đancô” ấy đã nâng chúng ta lên trên đôi cánh “Chim Ưng”, với với cảm hứng trào dâng "Vinh quang thay sự điên cuồng của những người dũng cảm! Sự điên cuồng của những người dũng cảm, đó chính là trí anh minh của cuộc đời! Ôi chim ưng dũng cảm!... những giọt máu nóng hổi của ngươi, như những tia lửa, sẽ lóe lên trong bóng đêm của cuộc sống và nhiều trái tim quả cảm sẽ cháy bùng lên vì niềm khao khát điên cuồng vươn tới tự do, vươn tới ánh sáng".** Bằng cảm hứng thăng hoa ấy mà chúng ta biết coi thường một cuộc sống bằng lặng, an phận thủ thường của lũ chim lặng và bầy vịt băng khờ khạo "rên siết trước trận bão" vì "không sao hiểu nổi niềm khoái lạc trong chiến trận của cuộc đời, kinh sợ tiếng sấm của đấu tranh". Để rồi xúc động thả hồn theo cảm hứng mãnh liệt của chim báo bão “kiêu hãnh bay lượn tựa hồ một ánh chớp đen. Khi sà xuống biển, cánh chạm ngọn sóng, khi lao vút lên mây như một mũi tên, chim cất tiếng kêu, và mây nghe thấu nỗi vui mừng trong tiếng kêu ngang tàng của chim báo bão. Trong tiếng kêu có niềm khao khát khao bão táp! Mãnh lực của phẫn nộ, lửa sáng của say mê và niềm tin ở chiến thắng”.**

Trong cảm quan và sự trải nghiệm, tôi đã tìm thấy khát vọng mãnh liệt ấy trong ánh mắt trong veo của những gương mặt tuổi trẻ hừng hực khí thế và niềm vui trên đường phố khi tôi gặp họ. Vào những phút giây ấy, tôi thấy tôi trẻ lại với khát vọng của Chim báo bão và quên hẳn là mình đã già với tâm nguyện:

Nếu tôi không cháy lên,

Nếu anh không cháy lên,

Nếu chúng ta không cháy lên

Thì làm sao

Bóng tối,

Có thể trở thành

Ánh sáng

(Thơ Nadim Hítmét, Cao Xuân Hạo dịch)

 

 

Các bạn thân mến,

Gợi lại một vài hình bóng xưa cũ không nhằm ngoan cố ngụy biện cho những dại dột cả tin của một thời ấu trĩ, mà là để biết gìn giữ và khẳng định những nét đẹp không thể phôi pha trong vang bóng một thời thanh sạch và non tơ của một thế hệ đón chào bình minh của độc lập, tự do ra đời từ máu lửa của cuộc kháng chiến. Với tôi, đó là gợi lại trong suy tư và tự nhìn lại mà tự vấn, liệu có phải từ trên bục giảng, mình đã “xui dại” một thế hệ “cả tin” để rồi họ chưng hửng, ngơ ngác trước những sự thật phũ phàng của cuộc đời đầy bụi bặm và không thiếu lừa lọc, dối trá rồi vỡ ra rằng: “cách mạng” không “cách mạng” như người ta tưởng, và tệ hơn, như người ta nói! Càng không phải là "khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần"!

May thay, lời tự vấn ấy tôi đã nhiều lần tâm sự với nhiều thế hệ các bạn học sinh, sinh viên cũ của tôi, đều nhận được cùng một câu trả lời: Đó là một thời đáng nhớ sau khi đã thanh lọc, gạt bỏ những dại dột, xốc nổi rất dễ hiểu, và trong chừng mực nào đấy cũng rất đáng yêu, của sự vụng dại chân thành.

Vì, nói cho cùng, có những giá trị nhất thời được đánh bóng mạ kền nhưng khi được phơi ra dưới ánh sáng thật của cuộc sống đã sớm nhạt nhòa, han rỉ để cho những giá trị thật không cần tô son vẽ phấn của tính nhân bản đích thực, nền tảng của sự định hình tính cách con người, sẽ tự khẳng định ý nghĩa bền vững của chúng. Đấy là điều tôi nghĩ về thời trai trẻ của chúng ta, của tôi và của các bạn, để chân thành chuyển đến các bạn những suy tư và có thể cũng là những lời nhắn gửi thô thiển thành thật này.

Dù muốn dù không chúng ta đã cùng lên một chuyến tàu lịch sử, một chuyến tàu không có vé khứ hồi. Những sân ga rồi đây chúng ta còn có sức lướt qua, những nhà ga chúng ta sẽ đáp xuống, có thể có những bóng dáng quen thuộc, nhưng tuyệt đối không là những nơi chúng ta đã từng đi. Con đường phía trước chưa có bản đồ. Thế giới đã thay đổi. Những kinh nghiệm có sẵn không còn đủ cho hành trình đi về phía trước, những lời răn dạy cũ kỹ theo kiểu kinh nhật tụng lảm nhảm đang gây khó chịu cho chúng ta, không chỉ vì tuổi già khó tính, mà là vì sức trẻ trong tư duy của mỗi chúng ta. Cho nên, hoài niệm về những giá trị, những kỷ niệm đã qua là để chúng ta còn tiếp tục đi về phía trước khi mà tất cả đã “bảy mươi xuân”!

Xin hãy cầu chúc cho mỗi chúng ta vẫn giữ được sức trẻ trong tư duy để không chịu còng lưng do gánh nặng của tuổi tác hoặc sự níu kéo của tập quán cũ đang tiếp sức cho sự áp đặt của những khuôn mẫu cũ kỹ mà mối mọt đã đục ruỗng từ bên trong. Mong các bạn nhận ở tôi, một người bạn cũ rất trân trọng những kỷ niệm mà chúng ta đã có, lời chúc tốt đẹp gửi đến buổi gặp mặt “lịch sử” kỷ niệm nửa thế kỷ của tình bạn thân quý.

Về phần tôi, trong quỹ thời gian còn lại quá eo hẹp của mình, tôi vẫn tâm nguyện sẽ sống thế nào để khi ra đi có được sự thanh thản trong lương tâm. Những gì mình đã làm và sẽ làm chỉ là những giọt nước vô cùng nhỏ nhoi rỏ vào biển cả mênh mông của cuộc đời, sẽ không là gì cả trong sự mênh mông ấy, nhưng hãy cố là giọt nước trong lành chứ không là giọt nước đục.

Và cuộc đời cũng chỉ đơn giản thế thôi! Xin hãy nhận ở đây "của tin gọi một chút nay làm ghi"!

  

TP Hồ Chí Minh ngày 22.10.2012        

T.L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Chú thích:

* Macxim Gorki. " Những ý tưởng không hợp thời" đăng trên nhật báo Novaja Žizn (Đời Mới) trong những năm 1917-1918. NXB Surkamp taschenbuch của Đức ấn hành năm 1974.

** Macxim Gorki "Tuyển tập truyện ngắn" NXB Văn học. 2010, tr.220 và tr. 489.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn