Tạ ơn và vĩnh biệt Linh mục Chân Tín

Ngô Thị Hồng Lâm

Sài Gòn, ngày 6/12/2012

Thưa giáo sư Huệ Chi,

Tôi là Ngô Thị Hồng Lâm, là người có nhiều năm làm công việc nghiên cứu lịch sử đảng và thấy rằng không thể không lên tiếng để viết về công ơn của Linh mục Chân Tín đối với những người tù chính trị bị ngược đãi đã được Cha Chân Tín bênh vực và cứu vớt mạng sống của họ.

Trong những ngày này, sự ra đi của Linh mục Chân Tín vẫn đang tiếp tục làm nao lòng những người từng sống chết với cuộc chiến đấu ở miền Nam.

Xin gửi đến giáo sư Huệ Chi bài viết của tôi nhằm tôn vinh và biết ơn Cha Chân Tín, đó là trách nhiệm của tất cả trí thức lẫn quần chúng Việt Nam, nói lên sự chia sẻ của người dân với bà con giáo dân trước việc Cha Chân Tín đã về nhà Chúa.

Ngô Thị Hồng Lâm

Một tin buồn đau xót đến với bà con giáo dân công giáo và thân nhân linh mục Chân Tín, đặc biệt là đối với những người tù Côn Đảo năm xưa đã được ơn linh mục Chân Tín.

Linh mục Chân Tín đã về nhà Chúa!

Nhắc đến Linh mục Chân Tín thì không thể không nhớ tới điểm son trong hành trạng của Cha với công lao đấu tranh trực diện với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.

Lúc ấy cao trào đấu tranh phản chiến của học sinh, sinh viên miền Nam lên cao.

Hòng dập tắt phong trào này, chính quyền VNCH đã bắt bớ hàng loạt nhân sĩ, học sinh, sinh viên và giam nhốt họ ở khắp các thành thị hay tỉnh lẻ như Sài Gòn, Thủ Đức, Đồng Nai, Thừa Thiên – Huế, Cần Thơ, Pleiku, Ban Mê Thuộc, hoặc lưu đày họ đến tận Côn Sơn.

Chế độ lao tù khắc nghiệt nhất là ở Côn Đảo với những khu biệt giam Chuồng Cọp, Chuồng Bò, Hầm Đá, nghe đến tên đã thấy rùng rợn. Ở đó, trong cuộc sống của người tù, con người và con thú là ranh giới mong manh.

Đã thế, sau khi hoàn tất việc trao trả tù binh quân sự cho phía đối phương theo đúng tinh thần Hiệp định Paris, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mạnh dạn tuyên bố “Ở miền Nam Việt Nam không có tù chính trị”.

Sự thật không phải là như vậy.

Khắp miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ số tù nhân chính trị lên đến hàng trăm ngàn, chứ không phải hàng chục ngàn hay hàng ngàn.

Như vậy, khi Cha Chân Tín đứng ra thành lập ỦY BAN VẬN ĐỘNG CẢI THIỆN CHẾ ĐỘ LAO TÙ MIỀN NAM VIỆT NAM vào tháng 10 năm 1970, tập hợp nhân sĩ, trí thức, thân nhân tù, sinh viên đại học, chính là vì tình trạng đột biến về mọi mặt của một trong những vấn đề trọng tâm của cuộc chiến: vấn đề tù nhân!

Thử hỏi, là người dân am tường sống ở miền Nam trong cuộc chiến vừa qua, có mấy ai nói mình dám đứng về phía của những người bị phạm vào tội chính trị để binh vực họ?

Sợ sự liên lụy, đó là tâm trạng phổ biến nhất của mọi người lúc bấy giờ!

Thế nhưng có một người Công giáo tràn đầy tuệ khí và lòng nhân đã đứng về phía những người mà tiếng nói của họ không thoát ra được khỏi vòng rào kẽm gai hay song sắt.

Người Công giáo vĩ đại ấy chính là Cha Chân Tín thuộc dòng Chúa Cứu thế. Người Tiến sĩ Thần học và Sử học ấy đã “Cứu” những con người đau khổ nhất trên cái trần “Thế” VN đầy bất trắc ấy bằng tất cả phương cách và tổ chức của mình. 

Ủy ban Vận động cải thiện chế độ lao tù miền Nam VN ra đời, hoạt động mạnh mẽ, có tổ chức chặt chẽ khắp các tỉnh thành ở miền Nam, là một điểm tựa tinh thần vật chất lớn lao của thân nhân tù và của chính người tù.

Cha Chân Tín đã chuyển bằng con đường giao dịch với Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế được hình thành theo Hiệp định Paris hàng loạt những bản danh sách tù chính trị với đầy đủ tên họ, ngày sinh tháng đẻ, bí danh, số đính bài, tên cha mẹ, ngày và nơi bị bắt, ngày ra tòa, kết quả án tiết, nơi đang bị giam giữ…

Những bản danh sách đó đã đến trên bàn Hội nghị Paris, cứu được sinh mạng của hàng chục ngàn tù chính trị. Những người tù chính trị đó đã về đời an toàn tính mạng mà không tiếp tục bị dấu ém hay thủ tiêu. Trong đó có chồng tôi. Một người tù từng bị giam giữ qua 2 lần hiệp định đình chiến!

Vẫn còn đây là những bút tích kêu cứu khi sự trả thù của đối phương nhắm vào những em bé vô tội được gửi đến Cha Chân Tín, đã được Cha kịp thời lên tiếng tố cáo trên thế giới.

Kèm theo đây là bức hình của em bé con của một cán bộ Mặt trận Giải phòng Miền Nam tên là Tư Minh – “Tư lệnh biệt đội đặc công Sài Gòn, Chợ Lớn” – có người nói rằng Tư Minh chính là Tư Chu, một chỉ huy nổi tiếng của biệt động Sài Gòn. Căn nhà số 107/22 Trần Quốc Toản Sài Gòn, nơi 2 đứa con trai của vị cán bộ này bị bắt cùng với người chủ nhà nuôi cơm tháng. Nay căn nhà đó có còn hay không? Ai có thể tìm ra tông tích của 2 em bé đó ngày ấy? (Xin kèm theo đây là những tư liệu gốc).

clip_image002

clip_image004

Đối diện với bộ máy khổng lồ của cuộc chiến, dáng đứng của Cha Chân Tín như một tượng đài sừng sững bao la, chở che cho bao thân phận.

Sự ra đi của Cha Chân Tín để lại cho giáo dân và những người tù năm xưa lòng nao nao buồn thương, vương vấn khôn cùng.

clip_image006

Nước mắt hai hàng, xin được tạ ơn Cha, tiễn đưa Cha về cõi vĩnh hằng trong hào quang Thiên Chúa.

Sàigòn, ngày để tang  Cha Chân Tín.

N.T.H.L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn