Sống với Trung Quốc

(tiếp theo và hết)

Tạ Duy Anh

PHẦN III:

DỰ ĐOÁN HÀNH ĐỘNG CỦA TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG LỰA CHỌN CỦA VIỆT NAM

Tuy nhiên, việc Trung Quốc nuôi ý đồ quyết chiếm đoạt Biển Đông là điều không còn gì phải nghi ngờ. Đừng ai ảo tưởng tin vào thiện chí của Trung Quốc, được quảng bá bằng đủ thứ lời lẽ ngoại giao hoa mỹ. Vấn đề cần quan tâm là họ có khả năng làm được điều đó hay không và phương pháp mà họ sẽ tiến hành.

Từ những phân tích ở trên, có thể đưa ra phỏng đoán, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ “doạ” là chính, tìm cách gây áp lực, mua chuộc, ve vãn, chèn ép… để các nước có liên quan đến Biển Đông lâm vào khó khăn phải tìm cách thoả thuận với Trung Quốc theo những điều kiện Trung Quốc đặt ra. Cách Trung Quốc làm vẫn sẽ là tạo ra những sự cố ồn ào rồi nhân đấy áp đặt quan điểm của họ hoặc nếu có thể thì gặm một miếng – như miếng Gạc-ma năm 1988 và miếng Vành khăn năm 1995, 1998. Khi các quốc gia kịp phản ứng thì việc đã ở vào chuyện đã rồi. Nói rõ ra thì Trung Quốc sẽ vẫn chỉ áp dụng biện pháp tằm ăn dâu, gặm từ từ, đánh lấn, quấy nhiễu, chủ động làm phức tạp hoá tình hình để can dự và gây áp lực. Cách làm này của Trung Quốc có lợi thế tuyệt đối với họ.

Thứ nhất họ chỉ có thắng mà không thua, chỉ được mà không mất, vì đối phương vốn ở thế yếu, sẽ phải kiềm chế, không dễ có hành động tương ứng đáp trả ngay tức khắc.

Thứ hai là họ phân hoá được đối tượng làm áp lực với họ. Vì lợi ích quốc gia, nhiều nước sẽ dĩ hoà vi quý để hưởng lợi. Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng, không ít quyết định của chính quyền địa phương, của quân đội Trung Quốc liên quan đến Biển Đông là tự ý, chính quyền trung ương không biết. Nhận định này căn cứ trên lời bao biện của một số nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Nó có thể do quá ngây thơ, hoặc do thói quen sống trong môi trường thượng tôn luật pháp, mọi thứ đều minh bạch kiểu dân chủ phương Tây. Thực ra đó là thứ kế sách kiểu Trung Hoa. Họ dùng biện pháp đó để dò đường. Nếu mọi chuyện êm xuôi, thì coi như là chính sách của nhà nước. Còn nếu không thuận lợi, thì họ dễ bề chối bỏ trách nhiệm ở tầm quốc gia. Tương tự như vậy họ đã dùng tờ Hoàn Cầu thời báo để tung ra những quan điểm mang tính thám hiểm phản ứng của đối phương. Nó dễ dàng biến thành quan điểm của nhà nước Trung Quốc nếu điều kiện cho phép. Đó cũng là cách mà Trung Quốc dùng để “bắn tin dữ” với thiên hạ. Một nền chính trị như ở Trung Quốc hiện nay, nhất cử nhất động đều bị kiểm soát, không cấp dưới nào dám mạo hiểm làm như vậy nếu như đó không phải cũng là quan điểm của chính quyền trung ương.

Thứ ba là chỉ dừng lại ở những phi vụ “vặt vãnh” như vậy, chưa đủ là cái cớ để đối phương hoặc những quốc gia liên quan coi là chiến tranh.

Cái lợi thứ tư là Trung Quốc cho thấy họ liên tục đòi hỏi chủ quyền một cách quyết liệt ở những vùng mà nước khác cũng đòi hỏi. Đây là cách pháp lý hoá những việc bất hợp pháp sau này theo kiểu Trung Hoa. Bước chuẩn bị mà họ vừa làm là thành lập tỉnh Tam Sa. Chúng ta không nên coi thường động thái này. Đầu tiên chỉ là cái tỉnh trên giấy, bị Việt Nam, Philippines… coi là vô giá trị. Nhưng sau đó, họ sẽ ấn cái tỉnh đó vào đầu hàng tỉ người Trung Quốc, tạo ra những giao tiếp thương mại, ngoại giao với các nước láng giềng không bị ảnh hưởng quyền lợi bởi hành động của họ, thông qua Tam Sa. Chẳng hạn hành động mời thầu thăm dò dầu khí vừa rồi. Hay những phi vụ buôn bán thương mại với lợi nhuận hấp dẫn, gắn với cái địa danh Tam Sa? Những hội nghị, triển lãm, thi đấu thể thao nhỏ… do Trung Quốc đăng cai được tổ chức ở Tam Sa! Dần dần cái tên Tam Sa sẽ thành một địa danh quen thuộc với thế giới. Nó sẽ đi vào các văn bản giấy tờ mang tính quốc tế. Nó cứ từ từ là một đơn vị hành chính hiện thực của Trung Quốc. Khi đó những hoạt động trên Biển Đông của chúng ta, được mặc nhiên coi là hoạt động ở tỉnh Tam Sa của Trung Quốc! Thế giới không bị buộc phải nhớ Tam Sa thực chất là cái gì, gây tổn hại cho ai, mà họ chỉ cần biết Tam Sa mang lại cho họ cái gì. Giống như thói quen thế giới gọi biển phía Nam Trung Quốc là biển Hoa Nam, tết Âm lịch là tết Trung Quốc, đến lúc nào đó, họ chỉ còn biết Tam Sa là một tỉnh của Trung Quốc! Về phần mình, Trung Quốc sẽ dựa vào đó để coi hành động tuyên chiến của họ là quyền tự vệ, cụ thể ở đây là bảo vệ Tam Sa!

Đây là một mưu đồ rất thâm hiểm và nguy hiểm cho Việt Nam.

Chúng ta đang ở vào thế khó khi phải đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với Trung Quốc. Đó là thực tế hiện nay đặt ra trước cả dân tộc chứ không chỉ đối với Đảng Cộng sản. Những người cộng sản đương nhiên là rất bí bởi họ tự nguyện quàng thêm vào cổ cái ách ý thức hệ để tự trói tay mình. Trong khi ý thức hệ là cái bẫy chiến thuật của người Trung Quốc, thì với nhiều lãnh đạo cộng sản Việt Nam nó lại được coi là giải pháp mang tính chiến lược.

Kết luận rằng những người cộng sản Việt Nam không làm gì, hoặc không quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải là nói lấy được, cốt cho bõ tức hơn là đưa ra một nhận định nghiêm túc. Chỉ có thể nghi ngờ hiệu quả của biện pháp mà họ đang áp dụng. Trong thời gian qua, biện pháp ấy của họ là phỏng theo sự khôn ngoan kiểu con sóc: Dùng tài leo dây để thoát hiểm. Đó là một mưu mẹo không hề thiếu sự khôn ngoan. Nhưng chiến thuật này sẽ chỉ có tác dụng nhất thời, trong điều kiện hiện tại của Trung Quốc. Khi họ đã là cường quốc thì mọi xảo thuật lập tức bị vô hiệu hoá. Nói thẳng ra thì giải quyết tranh chấp với Trung Quốc vào thời điểm này, mặc dù cực kỳ khó khăn nhưng vẫn thuận lợi hơn phải làm điều đó với họ sau vài chục năm nữa. Vì vậy không cẩn thận chính người Việt đang tạo thuận lợi cho việc câu giờ của Trung Quốc. Chúng ta cứ hay quên rằng chính Trung Quốc mới là phía cần sự yên tĩnh xung quanh hơn chúng ta để thực hiện chiến lược trỗi dậy và ổn định nội tình. Chúng ta, do quá tự ti về tầm vóc, mà không dám tận dụng vị trí lợi hại của mình để chủ động áp đặt điều kiện ngược lại với Trung Quốc. Nói khác đi trong tay người Việt không thiếu “con bài” mà Trung Quốc phải dè chừng. Nếu không tỉnh táo, tự bịt mắt nhau, tự làm nhụt chí nhau, người Việt Nam sẽ mắc vào chính cái lưới do mình giăng ra với mục đích kìm chân đối phương. Cái lưới đó là viện vào ý thức hệ; cái lưới đó là không làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm; cái lưới đó còn là tự bưng bít thông tin vì sợ làm xấu mối quan hệ hai đảng anh em, sau đó là làm suy yếu tư tưởng cộng sản chủ nghĩa.

Quan điểm của chúng tôi là mọi biện pháp bảo vệ được chủ quyền, lợi ích đất nước, bảo vệ được công dân Việt Nam (đặc biệt là những ngư dân) đều tốt nếu nó thực sự cho thấy sự khôn ngoan và hữu hiệu. Hãy thử thật bình tĩnh, khách quan và lý trí phân tích xem chúng ta có thể dựa vào đâu để đạt mục tiêu đó.

Dựa vào ý thức hệ

Có vẻ như thực tế của những cuộc đối đầu giữa Việt Nam với Trung Quốc và giữa Philippines với Trung Quốc có sự khác biệt bởi có yếu tố ý thức hệ: Trung Quốc đối đầu với Philippines là đối đầu với một địch thủ, còn với Việt Nam là cuộc tranh giành của thừa kế giữa hai anh em? Vì thế, cho dù Việt Nam mới là vật cản chính trên con đường Nam tiến của Trung Quốc, thì những tranh chấp lại có vẻ đỡ khốc liệt hơn?

Nếu chỉ nhìn vào những biểu hiện thì quả là có thấy dấu hiệu này.

Nhưng đây là chỗ bất lợi nhất do chính Việt Nam tạo ra cho mình trong việc đề ra sách lược bảo vệ đất nước. Trung Quốc đã thổi phồng lợi ích của mối tương đồng hình thức về thể chế để lừa lại những nhà lãnh đạo của Việt Nam. Về lý thuyết thì khi chủ nghĩa cộng sản toàn thắng, mọi biên giới quốc gia, mọi nhà nước cũng sẽ biến mất. Không lý gì hai quốc gia đang nỗ lực hết mình cho mục tiêu ấy của nhân loại lại không hiểu tương lai nào mới là quan trọng với họ. Một số nhà lãnh đạo Việt Nam do cả tin và do tình cảm ý thức hệ chi phối, đã nhất nhất phụng sự mục tiêu đó bằng cách đẩy lợi ích dân tộc xuống hàng thứ yếu. Điều đó phản ánh sinh động và cô đọng nhất trong câu nói nổi tiếng của một trong những lãnh tụ cộng sản hàng đầu Việt Nam: “Trung Quốc có thể xấu, tham lam nhưng họ bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Chính nhà lãnh đạo này đã cấm tiệt báo chí trong suốt hàng chục năm, từ 1991 – sau Hội nghị Thành Đô – không được nhắc đến địa danh Hoàng Sa vì sợ điều đó làm phật lòng Trung Quốc, có thể khiến hỏng đại cục (lời thổ lộ của một cựu lãnh đạo báo Nhân Dân trong buổi nói chuyện tại Trường viết văn Nguyễn Du năm 1994 với mục đích ca ngợi “tầm nhìn” của nhà lãnh đạo kia). Đại cục ở đây là phong trào cộng sản quốc tế do Trung Quốc đi đầu. Một số còn lại thì thấy bám vào chỗ dựa ý thức hệ là cách tốt nhất để đẩy quả bóng chủ quyền cho thế hệ tương lai. Đối với những người này thì quyền lực của họ – núp dưới quyền lực đảng – cao hơn, quan trọng hơn quyền lợi dân tộc.

Không có gì phải bàn nếu Trung Quốc cũng nghĩ và hành động như vậy. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Trung Quốc tung ra chiêu hoả mù ý thức hệ như một chiến thuật vô hiệu hoá Việt Nam ít tốn kém nhất. Trong khi trói Việt Nam vào sợi dây vô hình đó khiến cho Việt Nam không dám tự ý hành động vì lợi ích quốc gia trong vấn đề Biển Đông và hàng loạt vấn đề khác, thì họ tranh thủ từng phút để lập hồ sơ giả về Biển Đông, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc Đại Hán cho mục tiêu chiếm Biển Đông khi có điều kiện. Những thoả thuận mập mờ “giữa lãnh đạo hai nước” là đòn hiểm mà Trung Quốc đạt được quá dễ dàng trước các nhà lãnh đạo Việt Nam. Những thoả thuận không minh bạch nội dung như vậy có tác dụng chia rẽ nội bộ dân tộc, chia rẽ và gây nghi ngờ giữa các nhà lãnh đạo, giữa người dân với người cầm quyền… cực kỳ hữu hiệu. Nhưng nguy hiểm hơn, nó khiến cho những người ủng hộ Việt Nam mệt mỏi, chán ngán, thiếu tin tưởng và cứ thế phân tán dần sự quan tâm. Khi Philippines muốn biết Việt Nam thoả thuận gì với Trung Quốc, thì Trung Quốc đã coi như đạt mục đích, có thể ôm bụng mà cười đắc chí. Philippines có thể không quá quan trọng. Nhưng Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, thậm chí cả Nga cũng cùng có câu hỏi ấy, nghĩa là chúng ta sắp bị bỏ rơi cho con mãnh thú.

Vậy là có thể kết luận: Lá chắn ý thức hệ chỉ tạo ra ảo giác về lợi ích trước mắt, ngắn hạn, có lợi cho Trung Quốc nhiều hơn. Nhưng cái lá chắn giống như những sợi chỉ căng ngang ấy, một mặt không thể giúp ngăn được chút tham vọng nào của người Hán, mặt khác trên thực tế nó đang trói tay chúng ta trong những hành động vì lợi ích lâu dài của dân tộc và cách ly Việt Nam khỏi thế giới, điều có lẽ Trung Quốc không mong gì hơn.

Dựa vào khối ASEAN

Một trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất mà những người cộng sản Việt Nam đạt được trong vòng 20 năm qua chính là đã đưa nước ta gia nhập khối ASEAN (chỉ cần nhớ lại thái độ bực tức, bất lực của Trung Quốc khi ấy cũng thấy). Có thể nói đó là dấu mốc của một sự chuyển hướng quan trọng trong tư duy chính trị Việt Nam. Là thành viên của khối ASEAN, Việt Nam đã mở được cửa chính thông ra với thế giới để từ đó đi những bước tiếp theo với vị thế của một nước lớn (hay ít ra cũng là nước quan trọng) trong tiểu khu vực. Không ở đâu chúng ta có được sự đánh giá này. Không ở đâu chúng ta có tiếng nói mà người khác buộc phải chăm chú lắng nghe, như trong Hiệp hội ASEAN. Cũng từ vị thế thành viên Hiệp hội, từ đây chúng ta có thêm nhiều thuận lợi trong việc thoát khỏi cái bóng khổng lồ Trung Quốc, đặt Trung Quốc vào thế phải tính toán thận trọng hơn khi đưa ra những đòi hỏi lợi ích liên quan đến toàn khu vực. Điều quan trọng hơn, chúng ta có thêm kênh để quan hệ với Hoa Kỳ và những nước quan trọng khác thường nhìn vào thái độ của Hoa Kỳ để đưa ra quyết định. Thế giới này đã, đang và sẽ còn sự phụ thuộc như vậy. Bỏ qua thực tế ấy là thiếu khôn ngoan, thiển cận về chính trị.

Nhưng trong vấn đề chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông, ASEAN chỉ có tác dụng như một tiếng nói, có thể là tiếng nói quan trọng, về mặt dư luận và thể hiện thái độ. Trung Quốc không thể phớt lờ tiếng nói này, bởi quyền lợi của họ với cả khối là khá lớn. Vả lại, phía sau một mình Việt Nam là những lực lượng khác xa với phía sau ASEAN trong đó có Việt Nam. Trung Quốc biết rõ điều này, rằng luôn có một Hoa Kỳ lởn vởn lúc xa, lúc gần, là đối tác của cả khối, có quyền lợi quốc gia về thương mại, chính trị, ngoại giao, nơi họ có khá nhiều đồng minh truyền thống, trong đó quan trọng bậc nhất là Indonesia và nếu thời cuộc thuận lợi, Việt Nam sẽ là danh sách tiếp theo. Ngoài ra là Nhật Bản, Ấn Độ, Liên hiệp châu Âu và từ những sức ép lợi ích khiến cả Nga cũng nhập cuộc, trở thành những đối tác có sự can dự thường xuyên, biến ASEAN thành trung tâm quốc tế về an ninh, hàng hải, trao đổi các ý tưởng. Sự can dự này vô tình khiến Trung Quốc phải ở vào thế bị lép vế. Chúng ta cần phải triệt để khai thác vị thế thành viên của ASEAN, nơi những tranh chấp đơn phương nào cũng có nguy cơ thành tranh chấp đa phương – điều mà Trung Quốc ngán nhất. Không phải họ ngán lực lượng yếu ớt và không bao giờ thống nhất của ASEAN, mà họ biết rằng, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ bỏ mất cơ hội để can dự vào nội tình khu vực, mà thực chất của can dự đó là tìm bằng chứng ngăn cản Trung Quốc. Họ biết rõ, bất kỳ thỏa thuận nào giữa ASEAN và Trung Quốc cũng có bàn tay của Hoa Kỳ, khác rất xa những thoả thuận chỉ có Việt Nam và Trung Quốc.

Kết luận lại, chúng ta không thể dựa vào ASEAN như một lực lượng có thể răn đe hoặc để giành chiến thắng khi phải đối đầu quân sự trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền. Nhưng ASEAN là một tiếng nói có sức mạnh chính trị, nơi có khả năng khiến Trung Quốc không thể tự ý đưa ra quyết định độc đoán. Vì vậy, với Hiệp hội ASEAN, Việt Nam cần gắn kết chặt hơn nữa, thúc đẩy quá trình ràng buộc các bên nhiều hơn nữa, chứng tỏ sự chân thành hơn nữa, thậm chí phải hy sinh chút ít lợi ích nhỏ để kéo cả khối can dự sâu hơn nữa vào Biển Đông bằng nhiều cách thức, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề an ninh và tự do hàng hải. Biển Đông là vấn đề của cả Hiệp hội ASEAN, tức là của quốc tế – Việt Nam cần nhất quán lập trường này, ở bất cứ diễn đàn nào, bất cứ cuộc đối thoại nào, vô hiệu hoá mọi mưu đồ xé nhỏ ASEAN của Trung Quốc như họ đang làm và có vẻ thành công bước đầu trong trường hợp với chính phủ Campuchia.

Dựa vào các bạn bè truyền thống

Trong số này hiển nhiên quan trọng nhất là Liên bang Nga. Việt Nam cần phải duy trì mối quan hệ với người bạn quan trọng này, bất chấp mọi thời tiết chính trị của nước Nga cũng như của thế giới. Cho đến nay Nga vẫn là đối tác đáng nhờ cậy nhất về mặt quân sự. Nhưng nước Nga không phải là Liên Xô trước đây có thể dễ dàng đưa ra những quyết định cảm tính dựa trên tinh thần quốc tế, tức là phải hy sinh một phần lợi ích dân tộc. Nước Nga ngày nay có đường lối đối ngoại thực dụng, dân tộc lạnh lùng và khó đoán. Nga là quốc gia duy trì nhiều mối quan hệ phức tạp nhất trên thế giới và nó luôn được đảm bảo bằng công cụ dễ tráo trở là tiền. Nga không còn ở thế có thể can dự trực tiếp vào những vấn đề bên ngoài lãnh thổ của họ và các chính khách của Nga ngày nay sẽ không làm điều đó. Xét về mối quan hệ thương mại cũng như những lợi ích mà Nga đang có từ Trung Quốc, xét về vị trí địa lý và hàng loạt mối ràng buộc khác, có thể thấy Trung Quốc quan trọng với Nga gấp nhiều lần Việt Nam. Hy sinh lợi ích với Trung Quốc là một tính toán thiển cận và nước Nga giờ đây không cho phép bất cứ nhà lãnh đạo nào của họ tự ý làm điều đó. Vì thế, có thể thấy Nga không bao giờ mong muốn một Trung Quốc hùng mạnh, có thể nuốt chửng vùng Viễn Đông của họ trong tương lai, có thể áp chế họ như những gì nước Mỹ đang làm, nhưng Nga sẽ quyết tâm không bị lôi kéo vào cuộc đụng độ ở Biển Đông. Tuy vậy, Nga có sĩ diện dân tộc rất lớn, không dễ bỏ mất vị thế cường quốc của họ. Vả lại Nga cũng cần Việt Nam trong chiến lược trở lại Đông Nam Á. Đó là lý do Nga sẽ làm hết sức để Trung Quốc không ngang nhiên dàn quân uy hiếp Việt Nam, đẩy Nga vào thế khó. Trong tay họ có một vài quân bài như: năng lượng, công nghệ quân sự, lợi ích ngoại giao với vị thế là Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tạm thời những quân bài đó còn đủ mạnh để họ có thể chi phối phần nào những quyết định của Trung Quốc. Nhưng phép màu của những quân bài đó đang mất dần. Điều chúng ta có thể và cần tranh thủ Nga lúc này là mua những loại vũ khí hiện đại, có độ chính xác cao, tiếp cận công nghệ của họ tiến tới có thể sản xuất chúng ngay trên lãnh thổ Việt Nam như Nga đã và đang làm với Ấn Độ. Tạo mọi điều kiện để Nga can dự trở lại Đông Nam Á, phân tán mối quan tâm của Trung Quốc.

Khác với Nga, Nhật Bản và Ấn Độ ít ràng buộc lợi ích chiến lược với Trung Quốc hơn. Đường lối ngoại giao của họ cũng rõ ràng hơn. Đây là hai cường quốc khu vực cực kỳ quan trọng với Việt Nam. Nếu xét cả về lợi ích và vị thế cũng như tầm vóc, Ấn Độ dễ chấp nhận dấn thân hơn. Chúng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Lịch sử quan hệ và tranh chấp lãnh thổ khiến nước lớn này là địch thủ công khai và lâu dài của Trung Quốc. Rất khó để hai nước tìm được sự hữu hảo thực sự, khi mà Trung Quốc còn công khai khai tuyên bố chủ quyền với vùng đất chiến lược của Ấn Độ. Ấn Độ không bao giờ chấp nhận sự lãnh đạo của Trung Quốc ở châu Á. Lòng tự trọng dân tộc, quy mô diện tích, dân số và vai trò nước lớn trong khu vực không cho Ấn Độ thoả hiệp với tư tưởng hạ mình ấy. Can dự vào những vấn đề an ninh khu vực được Ấn Độ coi là quyền lợi và sứ mệnh của họ. Mối quan hệ mật thiết của Trung Quốc với Pakistsan khiến Ấn Độ tìm thấy thêm lý do phải cân bằng lực lượng ở Biển Đông ngoài lý do bảo vệ lợi ích và đó là thuận lợi cho chúng ta. Nếu xảy ra đụng độ lớn tại Biển Đông, Ấn Độ sẽ là những quốc gia đứng về phía Việt Nam mạnh mẽ nhất, có thể công khai cung cấp vũ khí hiện đại cho Việt Nam, thậm chí sẵn sàng gây áp lực quân sự với Trung Quốc ở giới hạn nào đó. Ấn Độ ở vào vị thế tương đối độc lập khi đưa ra những quyết định như vậy. Nhưng Ấn Độ cũng sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc chiến.

Trong khi đó Nhật Bản rất khó làm điều tương tự như Ấn Độ vì luật pháp hoà bình của nước này và vì mối ràng buộc với Hoa Kỳ. Cũng như Ấn Độ, Nhật Bản có lợi ích sống còn về hàng hải ở Biển Đông và chung lợi ích chiến lược, chia sẻ những giá trị lịch sử với Việt Nam trong vấn đề kìm chế Trung Quốc. Mà kìm chế tốt nhất là không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Họ sẽ làm mọi cách có thể cùng với Việt Nam để thực hiện điều đó nhưng vai trò chi phối quân sự của Nhật là có giới hạn. Cũng như Úc, châu Âu, họ chỉ có thể ngầm giúp chúng ta, chỉ có thể đóng vai trò người can ngăn, có thể gián tiếp tạo ra một sự ủng hộ từ Hoa Kỳ với chúng ta.

Dựa vào Hoa Kỳ

Phải khẳng định là, nếu không có Hoa kỳ thì Trung Quốc không chỉ nuốt sống Biển Đông, biển Hoa Đông, mà đã tìm cách thống trị thế giới từ lâu rồi. Đó hoàn toàn không chỉ là một cách nói. Chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, định nghĩa theo một cách dễ hiểu hơn, là không có giới hạn nào về địa lý thoả mãn được nó. Nếu không bị cả thế giới tìm cách ngăn chặn, sẽ đến lúc mục tiêu của nó là lãnh thổ Hoa Kỳ, trước khi nó hướng tới mặt trăng. Trung Quốc hiện tại, cho dù đang thức tỉnh, đang thay đổi thì vẫn cứ là một thực thể quá nặng nề để có thể mở cuộc đua bứt phá với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ chưa cần làm gì, Trung Quốc đã phải dè chừng. Nhưng vẫn có những biến số trong một thế giới đang thay đổi chóng mặt. Không ai tiên đoán nổi, chỉ trong vòng vài chục năm, cuộc đổi vai trò cường quốc giữa Liên Xô (sau đó là Nga) với Trung Quốc lại đơn giản thế. Đơn giản còn hơn cả việc thực thi một hiệp ước có ký kết. Chính sự thay đổi đó mà thế giới ngày nay thậm chí còn nguy hiểm hơn với những nước nhỏ, so với thời chiến tranh lạnh. Nguy hiểm nhất là không thể biết con sư tử Trung Hoa còn đói mồi đến bao lâu và có ai hy sinh lợi ích để ngăn chặn nó. Hàng trăm năm qua đã có tới cả ngàn lời khuyên quý giá của các triết gia, các nhà chính trị lớn, về cách mà thế giới sẽ phải làm để có thể sống với Trung Quốc. Nhưng chỉ có Hoa Kỳ quan tâm và hiểu những lời khuyên đó. Những cố gắng to lớn của Hoa Kỳ trong việc đưa Trung Quốc vào khuôn khổ, yêu cầu họ phải nhận lấy một phần trách nhiệm nước lớn, đã giúp thế giới có được sự yên ổn tương đối và những phát triển ngoạn mục khi Trung Quốc tư bản hoá nền kinh tế và nới rộng hơn chiếc cùm chính trị đối với hơn một tỷ người.

Nhưng Hoa Kỳ đang sắp phải trả giá cho hành động của mình. Trung Quốc đã đánh lừa cả thế giới bằng những thông điệp đơn giản nhưng dễ lọt tai. Giờ đây họ sắp sửa cười vào ngay chính những thông điệp đó. Đòi hỏi gần hết chủ quyền Biển Đông bằng cách vẽ trên giấy một đường ranh giới lãnh hải hình cái lưỡi bò, rồi bắt mọi người phải tôn trọng, không có chuyện tranh cãi, là hành động mang tính biểu tượng cao xác quyết quyền lực Trung Hoa, không chỉ nhằm vào lợi ích trực tiếp của Việt Nam và vài nước Đông Nam Á, mà hướng sự thách thức vào Hoa Kỳ và những nước lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, thậm chí cả Nga. Đây là thông điệp mang tinh thần Trung Hoa hiện đại: Tự tin đến ngạo mạn gửi tới toàn thế giới. Sắp tới, theo lý luận Trung Hoa, toàn bộ châu Phi là vùng họ cai quản, toàn bộ châu Á thuộc về sự bảo hộ của họ. Phía bên kia, nước Mỹ là kẻ thù cuối cùng…

Với Trung Quốc mọi điều đều có thể.

Trước mắt giả thuyết đó còn cần một điều kiện: Nếu Hoa Kỳ khoanh tay đứng nhìn, làm ngơ hay bất lực.

May thay nước Mỹ đã kịp thức tỉnh khi nó còn là cường quốc số một. Bằng quyết định quay lại châu Á, ngài Barack Obama có lẽ là tổng thống thông minh nhất của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ trong vòng 20 năm trở lại đây. Bởi vì Trung Quốc trước sau cũng trở thành mối đe doạ toàn cầu, trước hết về mặt văn hoá, sản phẩm chính trị bẩn, sau mới đến hàng hoá giá rẻ có chứa chất độc và cuối cùng là sức mạnh quân sự. Những gì mà người Trung Quốc đang reo giắc ở châu Phi, Nam Á… là bằng chứng hiển nhiên nhất. Nó đương nhiên cũng là mối đe doạ cho riêng nước Mỹ.

Nhưng trên phương diện lợi ích dân tộc, chúng ta chờ đợi điều gì từ sự quay lại châu Á của Hoa Kỳ? Có thể nói ngay: Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, dù ghét bỏ Hoa Kỳ đến đâu đi nữa, thì cũng sẽ không thể thiếu được họ, nếu muốn cuộc sinh tồn này còn có công lý tương đối. Bất chấp thực tế này là thiếu công bằng và thiển cận. Chỉ có điều, sẽ còn thiển cận hơn với bất cứ người Việt Nam nào coi Hoa Kỳ là chỗ dựa tuyệt đối tin cậy, phó thác tất cả cho họ. Bởi vì ngay cả khi, giả dụ những người cộng sản Việt Nam đã được giải phóng khỏi cái ách ý thức hệ, Việt Nam trở thành nước dân chủ cùng chung hệ giá trị với các nước văn minh, thì ý tưởng trở thành đồng minh của Hoa Kỳ, được nằm trong cái ô hạt nhân của họ, như nhiều người đề xuất, chỉ đáng coi là một mong ước, rất thức thời, thể hiện nỗi âu lo chân thành cho vận mệnh đất nước nhưng không khả thi. Thậm chí trong một thời gian dài nữa đó vẫn còn là ý tưởng hão huyền. Nhiều người lấy nước Nhật ra làm bài học cho Việt Nam trong việc trở thành đồng minh của Mỹ. Có vẻ như họ tìm thấy rất nhiều tương đồng lý thú. Nhưng chưa kể đến sự khác biệt về thể chế, vị trí địa lý, sự lựa chọn con đường phát triển giữa Nhật Bản và Việt Nam, chưa kể đến sự khác biệt trong lịch sử bang giao Nhật-Mỹ so với Việt-Mỹ, thì hoàn cảnh lịch sử thế giới khi Nhật trở thành đồng minh của Mỹ sẽ không tái hiện thêm một lần nữa với Việt Nam. Thế giới của nửa thế kỷ trước là thế giới của những mối liên kết quân sự, phụ thuộc chính trị hơn là liên kết kinh tế, vì cuộc đối đầu ý thức hệ rạch một giới tuyến rõ ràng, bên này lùi thì bên kia tiến. Nó cần sự gắn kết chặt chẽ về mặt nhà nước giữa các quốc gia cùng hệ ý thức. Nhật Bản và sau này cả Hàn Quốc, Đài Loan… có giá trị với Mỹ như những căn cứ quân sự tiền đồn ở châu Á, những trạm trung chuyển hậu cần nếu chiến tranh ý thức hệ xảy ra, hơn là những đối tác thương mại. Còn giờ đây, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, sau khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, nhu cầu hình thành vòng cung bao vây do Hoa Kỳ cầm đầu không còn cấp thiết nữa. Mối quan hệ Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn, Mỹ-Đài Loan… trở thành di sản cuối cùng của chiến tranh lạnh và thực tế là nó cũng đang lỏng dần ra vì những liên kết song phương khác do các bên tiến hành. Người ta từng chứng kiến Hiệp ước Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn nhiều phen gặp sóng gió do vấn đề lợi ích kinh tế – vấn đề mà trước đây bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Còn với Đài Loan, số phận của hòn đảo này từng có lúc được Mỹ đặt lên bàn cân với Trung Quốc đại lục (sau khi Mỹ hi sinh Việt Nam Cộng hoà trong vấn đề Hoàng Sa năm 1974, hy sinh tiếp tính mạng của gần hai triệu người dân Campuchia cũng đều vì lợi ích với Trung Quốc). Thực tế đó cho thấy hai điều: Thứ nhất, những mối quan hệ đồng minh toàn diện giữa hai quốc gia không còn hợp thời và thứ hai, chính Hoa Kỳ cũng có lúc không đáng tin! (Có thể giờ đây họ đang nỗ lực để sửa chữa sai lầm mang tính đạo đức này?).

Nhưng chúng ta tạm thời chỉ quan tâm đến vấn đề thứ nhất, là vấn đề khách quan quyết định những mối liên kết. Giờ đây thế giới đã bước vào thời kỳ của sự phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích và an ninh. Internet và chủ nghĩa khủng bố quyết định điều này. Internet khiến thế giới nhỏ lại, không còn ranh giới về địa lý, quốc tịch, ngôn ngữ, văn hoá... Chủ nghĩa khủng bố, với tư cách là kẻ thù của toàn cầu, đã tạo ra nỗi hoảng sợ khổng lồ, xuyên quốc gia và một bóng đen hiểm hoạ vô tận. Chưa bao giờ thế giới phẳng như hiện nay. Nhưng mặt khác, chưa bao giờ thế giới nhiều vách ngăn như hiện nay. Trong khi Internet chủ trương tạo ra kiểu công dân toàn cầu, tin tưởng lẫn nhau, phụ thuộc nhau về lợi ích, thì chưa bao giờ con người lại bị đẩy ra xa nhau, với đầy những nghi kị, những tính toán ích kỷ như hiện nay. Chủ nghĩa khủng bố tước đi của các cường quốc vị thế nước lớn trong nhiều vấn đề. Bởi vì không quốc gia nào đủ tự tin để không phải dựa vào quốc gia khác khi giải quyết nỗi sợ hãi do chủ nghĩa khủng bố tạo ra. Thay vì dựa lưng vào nhau, dựa vào một nhóm nước, giờ đây mỗi quốc gia là một tập hợp của các mối quan hệ chằng chéo. Nó tất yếu không thể bền chắc, cố định được mà phải lỏng lẻo, mang tính chiến thuật để dễ thay đổi. Nói như cách lý luận phương Đông: Trong kẻ thù có yếu tố bạn bè, đối tác và ngược lại! Vì thế việc hình thành nên những đồng minh giữa hai quốc gia vấp phải vật cản bất khả vượt qua dựng lên từ chính những tính toán lợi ích của các quốc gia đó. Những tính toán như vậy của Hoa Kỳ lớn hơn Việt Nam rất nhiều nếu đem đặt lên bàn cân. Nhưng giả sử cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều tìm thấy lợi ích sống còn khi là đồng minh quân sự với nhau, thì vấn đề lớn nhất mà cả hai bên khó lòng vượt qua là niềm tin.

Hãy gạt bỏ khỏi đầu mong ước trở thành đồng minh toàn diện của Hoa Kỳ để tính đến những liên kết khả thi và thực tế hơn. Chúng ta cần nắm lấy thời cơ là chưa bao giờ Việt Nam quan trọng với Hoa Kỳ như khi họ quyết định trở lại châu Á. Họ biết rõ chúng ta là ai, có thể làm gì giúp cho mục tiêu của họ. Cái mục tiêu ấy là không cho Trung Quốc vượt qua giới hạn đỏ về quyền lực bằng những bành trướng nhanh chóng lực lượng hải quân do đó phải thôn tính Biển Đông làm bàn đạp. May thay đấy cũng là mục tiêu của chúng ta, trùng khít với lợi ích của chúng ta ở khía cạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sự trùng hợp lợi ích này chính là cơ sở bền chắc và đáng tin nhất cho một mối quan hệ thân cận, phụ thuộc nhau về mục tiêu chiến lược, lợi ích lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thời cơ cho mối quan hệ này đang chín muồi và Việt Nam, vì lợi ích lâu dài của dân tộc, sẽ phải chủ động dọn dẹp, dũng cảm gạt sang một bên những vật cản mà lịch sử quăng lại để tiến về phía Hoa Kỳ, hơn là đòi hỏi điều ngược lại.

Dựa vào sức mình

Nếu xảy ra đụng độ với Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải chiến đấu một mình, đó là điều có thể thấy trước. Vì vậy trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, Việt Nam chỉ có một chỗ dựa chắc chắn, đáng tin duy nhất là sức mạnh toàn dân tộc. Theo hướng đó, chúng tôi thấy hiện tại Việt Nam có sáu lợi thế quan trọng và đi kèm với nó là sáu bất lợi cơ bản sau:

Lợi thế và là điểm mạnh tuyệt đối của Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông chính là ở vị trí địa lý và tâm lý dân tộc: Có bờ biển dài và không ai trong số 90 triệu dân sợ và chấp nhận quyền lực Trung Quốc. Dọc hơn 3000 km con đường hàng hải huyết mạch của Trung Quốc để qua eo biển Malacca, đều có thể nằm trong tầm khống chế của các lực lượng quân sự Việt Nam. Trong khi đó lượng vận tải của Trung Quốc rất lớn, chủ yếu phải đi qua khu vực này. Trung Quốc chỉ có thể an toàn trong hai trường hợp: Hoặc chiếm giữ toàn bộ Biển Đông, đủ sức kiểm soát nó bằng quân sự và được quốc tế thừa nhận; hoặc chấp nhận hiện trạng đó là vùng biển quốc tế, thừa nhận chủ quyền của các nước khác. Trường hợp thứ nhất là điều Trung Quốc mong muốn nhưng không bao giờ thành hiện thực. Vì vậy, trên thực tế, chỉ Việt Nam mới có thể đảm bảo an toàn hàng hải cho Trung Quốc.

Lợi thế thứ hai là chúng ta ở về phía phòng thủ, có thể bị động về thời gian xảy ra chiến sự nhưng lại hoàn toàn chủ động trong việc chi phối chiến cuộc, tránh được tổn thất vì vậy có thể duy trì chiến tranh trong thời gian đủ dài để lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc mất hết nhuệ khí. Điều Trung Quốc lo sợ nhất là không thể thắng chớp nhoáng, phải đánh nhau dằng dai thì lại đúng vào sở trường của phía Việt Nam: Lấy ít đánh lại nhiều và đánh trường kỳ, không cho kẻ thù kết thúc có lợi.

Lợi thế thứ ba là hầu hết các cường quốc còn lại và Liên hiệp châu Âu đều công khai hoặc ngấm ngầm đứng về phía Việt Nam vì họ không chấp nhận Trung Quốc quản lý Biển Đông.

Lợi thế thứ tư chính lại ở cái yếu thế của Việt Nam: Nước nhỏ hơn trong cuộc đối đầu, là nước bị bắt nạt, là phía chính nghĩa cả về pháp lý và tình cảm, sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân các nước. Trung Quốc không thể coi thường những cuộc biểu tình phản đối với hàng chục triệu người xuống đường trên khắp thế giới.

Lợi thế thứ năm là chúng ta có kinh nghiệm chiến tranh, với một quân đội thiện chiến, được khích lệ bởi những chiến thắng trong lịch sử, có giá trị như một điểm tựa tinh thần chắc chắn.

Lợi thế thứ sáu đó là khả năng chịu đựng tốt của kết cấu xã hội trong tình trạng thời chiến nhờ đã được tôi luyện. Ngoài ra do chúng ta nhỏ hơn nên khả năng chuyển đổi để thích nghi nhanh hơn.

Còn đây là sáu bất lợi:

Bất lợi thứ nhất là tiềm lực kinh tế của chúng ta quá nhỏ bé, ít tích luỹ, hậu quả là tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là hải quân và không quân thua xa đối phương cả về số lượng và công nghệ. Trong khi đó chúng ta vẫn đang tiếp tục lãng phí những nguồn lực quan trọng nhất của đất nước khiến hạn chế khả năng huy động tổng lực cho chiến tranh – nếu nó xảy ra. (****)

Bất lợi thứ hai là người dân bị bưng bít thông tin, kém hiểu biết về tình hình đất nước, tình hình lãnh thổ, lãnh hải, nếu chiến tranh xảy ra dễ ở vào thế hoang mang, bị động.

Bất lợi thứ ba là mâu thuẫn dân tộc còn khá nặng nề, không phát huy được tối đa sức mạnh trong và ngoài nước.

Bất lợi thứ tư là hạt nhân tập hợp lực lượng không còn đủ sức hút cần thiết, hạn chế khả năng lãnh đạo, động viên mọi tầng lớp xã hội trong tình trạng đất nước nguy cấp.

Bất lợi thứ năm là tiếng nói của Việt Nam ít gây chú ý với cộng đồng quốc tế do bị Trung Quốc thao túng dư luận, xuyên tạc sự thật quá lâu.

Bất lợi thứ sáu là Việt Nam không có đồng minh quân sự.

Những điểm yếu mà chúng tôi nêu ra đều có nguyên nhân chủ quan và đều thuộc về nội tình đất nước. Vì vậy vấn đề hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm khắc phục của tất cả những con dân Việt. Với niềm tin rằng, không kẻ thù nào chiến thắng nổi một dân tộc có tới ngót 100 triệu quyết tâm, có nhiều hơn thế lòng tự tôn và có vô số khả năng nằm ngoài mọi phán đoán của những kẻ ngoại bang, chúng tôi đưa ra kiến nghị khẩn thiết sau:

Thực hiện triệt để hoà giải dân tộc thể hiện bằng một đạo luật, trong đó nghiêm cấm tất cả những hành vi phân biệt đối xử giữa các công dân Việt Nam qua các thời kỳ và các thể chế khác nhau và hiện sinh sống trên những quốc gia khác nhau, nghiêm cấm trả thù, nghiêm cấm hành vi tuyên truyền, kích động thù hận, hành vi gợi lại nỗi đau của dân tộc. Ngày 30-4 hàng năm trở thành ngày Hoà giải và tha thứ.

Làm được điều đó, chúng ta có thứ vũ khí mà kẻ xâm lược nào cũng không còn đáng sợ.

Kết luận:

Vấn đề làm thế nào để có thể tiếp tục sống yên ổn, nguyên vẹn bờ cõi bên cạnh Trung Quốc là chuyện của thời khắc này, nhưng cũng là chuyện của lâu dài, của muôn đời con cháu. Không thể đưa đẩy trốn tránh trách nhiệm nhưng cũng không được nóng vội, hấp tấp, thiếu chín chắn bởi dù thích hay không, người Việt không thể lựa chọn một láng giềng khác ở phía Bắc. Bất cứ sai lầm nào cũng đều không có cơ hội sửa chữa hoặc phải trả giá đắt kéo dài suốt nhiều đời. Đó là điều khác biệt cơ bản so với tất cả những vấn đề quốc gia đại sự còn lại. Nó luôn ở thì chưa hoàn thành, không có kết thúc. Những gì cha ông để lại cho chúng ta là một cương vực rõ ràng, một nền hoà bình tương đối và một kho báu kinh nghiệm để trường tồn. Chúng ta không thể để lại cho tương lai một di sản kém hơn.

Để làm được điều đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là đất nước phải hùng mạnh và trở thành một thành tố trong chuỗi giá trị toàn cầu, càng nhanh càng tốt. Vấn đề còn lại chỉ là người Việt sẽ đi đến mục tiêu đó bằng cách nào. Từ cuộc vươn dậy nhọc nhằn, đau thương của dân tộc và thực tế thế giới suốt một thế kỷ qua, đã đủ bằng chứng để rút ra kết luận: không có lựa chọn nào khác tốt hơn con đường xây dựng một xã hội dân chủ thực sự. Đó có thể là con đường chông gai nhất, đau đớn nhất, nhiều phân vân nhất của người Việt trong thế kỷ này. Nhưng chỉ riêng việc phải lựa chọn giữa sống hay là chết dưới tay Trung Quốc, chúng ta đã không còn thời gian để cân nhắc.

Hà Nội tháng 5 -2012 đến tháng 12-2012

(Rút từ cuốn Nghĩ mãi không ra)

T. D. A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

_________________________________________________________

(****) Chúng ta đang lãng phí một cách không thể chấp nhận được, gồm: 1-Lãng phí của cải và nguồn lực đất nước (chỉ riêng thiệt hại do một mình tập đoàn Vinashin gây ra tương đương với giá của gần 4000 quả tên lửa diệt hạm tối tân, tương đương với 12 chiếc tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga, tương đương với hàng chục chiếc tàu khu trục hiện đại có khả năng tàng hình của Ấn Độ. Bất cứ quốc gia biển nào chỉ cần sở hữu một trong những số lượng vũ khí kể trên cũng được coi là một quốc gia có lực lượng hải quân đáng gờm); 2-Lãng phí nhân tài; 3-Lãng phí thời gian và cơ hội; 4-Lãng phí ý tưởng; 5-Lãng phí cảm hứng; 6-Lãng phí lòng yêu nước và cuối cùng là 7-Lãng phí sự chân thành và các giá trị đạo đức. Những lãng phí này khiến nội lực dân tộc bị suy nhựơc kinh niên.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn