Bài học từ dự án bô-xít Tây Nguyên

Tô Văn Trường

Đọc tiêu đề bài viết, rất có thể có người chất vấn dự án bô-xít Tây Nguyên, người ta biết sai từ đầu nhưng cố tình vẫn làm thì sao lại gọi là bài học rút kinh nghiệm? Nếu đặt lại cái tiêu đề “Cái gốc của mọi vấn đề” thì chuẩn hơn nhưng trong thời điểm hiện nay chắc nhiều người dân mong muốn không phải là bài học để... rút kinh nghiệm mà là để Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), v.v. từng cơ quan, các Hội đồng và những người có trách nhiệm dự án và Chính phủ phải làm gì để hạn chế tác hại của một việc đã rồi.

Về chủ trương đầu tư

Đất nước ta còn nghèo, bô-xít là tài nguyên có trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới cho nên ý tưởng khai thác bô-xít phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội không có gì sai nhưng khai thác như thế nào, công nghệ ra sao và thời gian nào là thích hợp nhất lại là vấn đề lớn cần phải thảo luận cho thấu đáo trước khi đưa ra chủ trương và biện pháp tổ chức thực hiện.

Nhìn lại gần 4 năm về trước, 3 lá thư tâm huyết phân tích rất sâu sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị đại công thần khai quốc - gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước nêu rõ chủ trương khai thác chế biến bô-xít Tây Nguyên là một vấn đề hệ trọng sẽ có tác động lớn đến môi trường sinh thái, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và đến vấn đề phát triển ổn định, bền vững của đất nước nhưng nhiều vấn đề chưa được nghiên cứu đánh giá toàn diện đầy đủ và chưa có phương án giải quyết rõ ràng, còn nhiều vấn đề bất cập nên đã đề nghị dừng các dự án khai thác ở Tây Nguyên kể cả các khai thác thí điểm. Tướng Đồng Sĩ Nguyên cũng gửi thư cảnh báo, hàng ngàn trí thức, nhà khoa học giải trình, can ngăn với đầy luận cứ khoa học và thực tế nhưng đều bị phớt lờ.

Những người đại diện cho quyền lực nhà nước khi bắt tay vào một dự án kinh tế có tầm đất nước thì bao giờ cũng phải đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, bỏ qua mọi quyền lợi của phe nhóm và không chịu bất kỳ sức ép nào từ bất kỳ thế lực nào. Khi chọn đội ngũ chuyên gia để xem xét tính khả thi của dự án cũng như bắt tay thực hiện dự án thì người cầm quyền phải chọn đúng đội ngũ chuyên gia đích thực, được đào tạo đến nơi đến chốn, cả trí tuệ và đạo đức. Cần thận trọng hết mức có thể khi phê duyệt chủ trương phát triển dự án khai thác khoáng sản nói riêng, khai thác tài nguyên không tái tạo nói chung. Tài nguyên của đất nước không phải chỉ dành cho thế hệ hiện tại mà còn là “của để dành” cho cả thế hệ tương lai.

Khâu tổ chức thực hiện

Khi tiến hành triển khai thực hiện chủ trương khai thác bô-xít Tây nguyên, trên bàn người có trách nhiệm xem xét dự án đầu tư, có mấy dự án để có thể lựa chọn dự án có hiệu quả nhất? Cán bộ tham mưu tư vấn như thế nào cho thủ trưởng trong việc lựa chọn dự án và thủ trưởng đã căn cứ vào lý do nào để chọn phương án được coi là có hiệu quả nhất?

Trước khâu đó, khi xây dựng các phương án đầu tư để khai thác bô-xít có vấn đề cần làm rõ người lập phương án có tính đến các nội dung chủ yếu như nhu cầu đầu tư vào các ngành có liên quan để đảm bảo cho việc khai thác được triển khai có hiệu quả không? Qua việc dừng dự án đầu tư xây dựng cảng Kê gà, thấy rõ người lập phương án cố tình bỏ qua nhiệm vụ tính đến nhu cầu đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông phục vụ cho khai thác bô-xít để hạ thấp nhu cầu vốn đầu tư, “lách” nhiều việc, trong đó có thể lách cả việc phải được Quốc hội phê chuẩn. Có tính đến việc cần lựa chọn công nghệ nào không? Công nghệ khô hay công nghệ ướt? Lý giải việc chọn công nghệ ướt như thế nào, có phù hợp với nhiệm vụ hiện đại hóa nền kinh tế nước nhà hay đi vào con đường đã được thế giới cảnh báo là Việt Nam có thể trở thành bãi rác chứa công nghệ lạc hậu bị các nước đào thải. Có tính đến tỷ suất đầu tư cho 1 đơn vị công suất của dự án và so với tỷ suất bình quân của thế giới đối với đầu tư cùng loại không? Nếu cao hơn thì vì lý do gì và lý do đó được chấp nhận cũng vì lý do nào?

Khâu tiếp theo khâu quyết định lựa chọn phương án đầu tư là khâu đấu thầu. Trong khâu này, chúng ta đã từng phê phán việc có nhiều biểu hiện tiêu cực như thông thầu, lựa chọn nhà thầu không căn cứ vào tiềm lực toàn diện mà chọn người bỏ thầu với giá thấp nhất để rồi đi đến những hậu quả xấu kèm theo như đòi hỏi phải bổ sung vốn đầu tư, kéo dài thời gian thicông, v.v.

Thay đổi cách tính về hiệu quả kinh tế

Các con số về kinh tế của TKV đưa ra công luận rất tù mù, sau thời gian dài ngụy biện nay đã thừa nhận lỗ nhưng lại vẫn “cố đấm ăn xôi” bằng cách xin nhà nước xem xét lại về mức thuế xuất khẩu alumina (nhôm oxit), có cơ chế ưu đãi miễn thuế nhập khẩu đối với các vật tư nguyên liệu đầu vào cho nhà máy, đưa dự án sản xuất alumin vào hộ tiêu dùng điện đặc biệt, bảo lãnh vay vốn ưu đãi cho dự án, giảm thuế phí môi trường, thuế tài nguyên, v.v. chưa kể vấn đề nan giải của  bài toán giao thông vận chuyển nguyên vật liệu cả 2 chiều (mới hủy bỏ cảng Kê Gà) và các tác động xấu đến môi trường sinh thái và văn hóa xã hội Tây Nguyên!

Đền bù hoa màu cho nhân dân 3 năm mới nghe có vẻ hợp lý nhưng đây là khai thác công nghiệp, người ta cần giải phóng cả trăm ha, thay đổi cả địa hình, có thể tác động lớn đến nước ngầm và chất đất canh tác. Dân vẫn phải di đi chỗ khác. Sau khi hoàn thổ phải nhiều năm sau mới có thể canh tác bình thường. Nếu TKV tin tưởng vào khả năng hoàn thổ của mình thì họ vẫn nên mua vĩnh viễn đất của người dân rồi sau khi hoàn thổ sẽ bán lại cho dân với giá thị trường tùy theo khả năng canh tác lúc đó. Đấy là cách giải quyết sòng phẳng nhất.

Nếu chấp nhận tính toán hiệu quả kinh tế theo kiểu đổ hết bất lợi cho dân thì thua rồi! Hiệu quả gì ở đây? Theo đạo lý thì phải tính hiệu quả kinh tế xã hội chứ không thể chỉ tính hiệu quả kinh tế. Dân chịu đền bù thấp, môi trường xung quanh chịu ô nhiễm vì không có kinh phí xử lý thì đấy là thiệt hại về mặt xã hội. Đây là dự án tác hại lớn nhất về môi trường, cho nên Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể tùy tiện đồng ý cho giảm phí môi trường mà phải yêu cầu chủ dự án tuân thủ đúng mức phí môi trường theo  Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ.

TKV phải tính lại bài toán kinh tế theo phương pháp luận của quốc tế giá FOB tại cảng như sau: (i) Giá thành (giá sản xuất); (ii) Rent paid on non-newable resources (phí tài nguyên trả cho xã hội) và (iii) Giá chuyên chở ra cảng.

FOB là từ chữ “Free On Board” để so sánh khác biệt với CIF. Theo nguyên tắc thống kê quốc tế mọi hàng hóa xuất nhập khẩu phải tính theo giá FOB tức là loại trừ thuế nhập đánh tại cảng và các chi phí liên quan đến vận chuyển. Có như vậy mới so sánh giá trị hàng hóa được. Thí dụ nếu tôi làm cái chip ở Việt Nam mất 10 đồng, sau khi vận chuyển và trả thuế ở cảng Việt Nam thì giá là 12 đồng. Nếu mà giá FOB ở cảng Mỹ là 13 đồng thì như vậy hàng tôi rẻ hơn. Nếu mà hàng Việt Nam chuyển tới cảng Mỹ tốn 2 đồng, thì giá hàng VN theo CIF là 14 đồng. Nguyên tắc như vậy, thì khi nói FOB có nghĩa là người mua phải tự lo chuyên chở từ nơi nước sản xuất ra nước khác.

Phí tài nguyên xã hội, không phải là thuế và không nên gọi là thuế tài nguyên, là điều bắt buộc, vì lấy tài nguyên của xã hội đem bán cho nước ngoài ở giá zero là điều vô lý không chấp nhận được. Đây là chưa kể tới chi phí ngầm về hoàn nguyên môi trường chưa được tính tới. Tạo việc làm hay đóng thuế sản xuất (taxes on production)  là nằm ở giá thành. Chỉ có cách tính như trên, có giá FOB tại cảng để có thể so sánh với giá trên thế giới thì biết ngay hiệu quả thực tế của dự án lãi hay lỗ.

Giải pháp

Những người trong cuộc và đã từng ủng hộ dự án kể cả ở Trung ương và địa phương trước "đã lỡ", nay sau 3 năm thấy rõ rồi thì phải dũng cảm sửa triệt để chứ không thể lại sai đâu sửa đấy không có lối ra. Không thể lấy cái sai, rút ngân sách ra, bớt thuế đi, thất thu phí môi trường, bắt dân chịu thiệt để sửa cái sai của TKV.  Lúc này, VUSTA phải lên tiếng vì đây là tổ chức chính danh rộng rãi nhất của các nhà khoa học. Quốc hội chắc sẽ phải bàn để trong tương lai dự án như cảng Lạch Huyện không đi vào “vết xe đổ”.

Cần thành lập Hội đồng đánh giá độc lập toàn diện về dự án bô-xít Tây Nguyên để “danh chính ngôn thuận” khuyến cáo Nhà nước dừng lại dự án chia rẽ lớn nhất trong lòng dân tộc và làm mất lòng dân.

Thay cho lời kết

Tài nguyên, tiền bạc từ bất cứ nguồn nào đều của dân. Của đau con dân phải xót. Tác động cuối cùng đều là vào dân cả, tác động tích cực thì mơ hồ, chưa thấy đâu, tác động tiêu cực thì nhãn tiền, về lâu dài chưa lường hết.

Về trị quốc, một quyết định mà có nguy cơ chia rẽ trong xã hội là nghiêm trọng, lòng dân ly tán, nội bộ bất hòa. Dự án bô-xít Tây Nguyên chẳng những trong hiện tại gây phân liệt mà trong tương lai có thể di căn mầm mống chia rẽ và bất kính của lớp hậu sinh đối với thế hệ cha anh của nó, một khi nó "khát nước" sẽ gào lên... sẽ ảnh hưởng đến đạo lý truyền thống dân tộc "Con cậy cha, già cậy trẻ"!

T.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn