10 chuyện dối trá về người Mỹ nhận con nuôi Nga

Michael Bohm

Từ The Moscow Times 08 /2/ 2013

Nhất Phương dịch

Lời người dịch

Sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật Magnitsky, luật mang tên một luật gia người Nga bị bỏ tù vì đã dám tố cáo các quan chức Nga tham nhũng. Ông thiệt mạng vì bị ngược đãi và không được chăm sóc y tế trong tù. Nga “trả đũa” Luật này bằng cách ra luật cấm người Mỹ nhận trẻ con mồ côi Nga làm con nuôi. Khi Luật này được Duma Nga thông qua, hàng chục nghìn người Nga đã xuống đường phản đối và gọi Luật này của Nga là luật hãm hại trẻ con mồ côi.

Bài này của Michael Bohm, biên tập viên phụ trách mục Ý kiến của The Moscow Times, cùng với bài “Trẻ con bị ngược đãi là chuyện thường ngày ở Nga” (đăng tại http://www.boxitvn.net/bai/45698) cho thấy một trong những biện pháp cai trị của những chế độ độc tài là sử dụng chính sách ngu dân: bưng bít và xuyên tạc sự thật. Bài viết cũng cho thấy cái vai trò của quốc hội trong chế độ toàn trị ở Nga bị thao túng như thế nào để trở thành “cuốc hội”.

Biết về chế độ toàn trị Nga sẽ giúp ta hiểu thêm về các chế độ có chung mẫu gene với nó.

clip_image002

Nhục nhã!” -

khẩu hiệu của người dân Nga phản đối luật của Duma Nga

Nguồn: RIA Novosti / Maxim Blinov

Lệnh của Nga cấm người Mỹ nhận con nuôi được kèm theo một chiến dịch tuyên truyền đầy bịa đặt và xuyên tạc của hệ thống truyền thông Nga. Sau đây là 10 chuyện điêu toa nhất mà bộ phận Quyền trẻ em của ngài thanh tra Pavel Astakhov, Vyacheslav Nikonov Phó chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất (UR) và các cán bộ tuyên truyền của Kremlin lu loa. Sau mỗi xuyên tạc đó là câu chuyện của sự thật.

Xuyên tạc thứ nhất: Trẻ em mồ côi Nga gặp nguy hiểm nhiều hơn ở Mỹ so với ở các trại mồ côi Nga

Trong vòng 20 năm qua, trên 60.000 trẻ em Nga được người Mỹ nhận làm con nuôi, 19 trong số đó tử vong, tỷ lệ 0,03%. Ở Nga cùng thời gian đó có 1220 cháu tử vong trong số 170.000 trường hợp nhận làm con nuôi, tỷ lệ tử vong là 0,7%. Đó là con số của Bộ Giáo dục và Khoa học đưa ra. Nếu ta nhìn vào tổng số trường hợp tử vong trong hai loại gia đình – sinh ra và nhận nuôi – có khoảng 2000 ca mỗi năm trong 20 năm qua ở cả Nga và Mỹ. Nhưng vì dân số Mỹ hơn gấp đôi dân số Nga, tỷ lệ tử vong ở Nga cũng cao hơn gấp đôi ở Mỹ.

Xuyên tạc thứ 2: Tòa án ở Mỹ nhẹ tay với cha mẹ trong những trường hợp ngược đãi trẻ em nếu đứa trẻ đó sinh ra ở Nga

Kremlin chỉ thích tập trung vào 2 trường hợp sau. Một là cái chết của Dima Yakovlev, 21 tháng tuổi, trong đó người cha nuôi được tuyên vô tội vì ngộ sát, vì bỏ quên Dima trong xe 9 tiếng đồng hồ dưới trời nắng. Trường hợp khác là Ivan Skorobogatov, cha mẹ nuôi chỉ bị phạt 1 năm rưỡi tù khi bị kết án ngộ sát. Nhưng đa số tuyệt đối các trường hợp ngộ sát và ngược đãi trẻ em khác trong đó có cả trường hợp liên quan đến trẻ em từ Nga, các bản án đều hơn 9 năm tù.

Các vụ lạm dụng tình dục, nếu có, đều chịu những bản án rất nặng nề. Ví dụ, Mathew Mancuso bị kết án 35 năm tù năm 2007 vì đã lạm dụng tình dục con gái nuôi là Mash Allen sinh ở vùng Rostov.

Xuyên tạc thứ 3: Thẩm phán và đoàn bồi thẩm có tư tưởng chống Nga

Trong nhiều trường hợp ngược đãi trẻ em, trẻ em đó sinh ra ở đâu chỉ được đề cập một cách vắn tắt tại tòa. Vì mọi nạn nhân đều là công dân Hoa Kỳ. Trong trường hợp của Dima Yakovlev, tên đứa trẻ được nêu ra ở tòa là tên Mỹ, Chase Harrison. Vấn đề chính tại tòa là người cha có tội hay chỉ mắc tội ngộ sát khi bỏ quên con trong xe. Nơi sinh của đứa trẻ, là Nga, không có liên quan gì đến việc luận tội của tòa.

Trong trường hợp của Ivan Skorobogatov – được nhắc đến tại tòa với tên Mỹ là Nathanial Craver – bên bào chữa và người làm chứng là các nhà chuyên môn giải thích cho đoàn bồi thẩm rằng đứa trẻ này liên tục thể hiện hành vi tự hủy hoại bản thân do hậu quả của hội chứng nát rượu bẩm sinh. Cậu Nathanial chịu hậu quả hội chứng nghiện rượu từ trong thai nhi này giống như nhiều đưa trẻ sinh ra ở những quốc gia lạm dụng rượu như Moldova, Nga, Czech, Phần Lan… Trường hợp Nathanial Craver không chỉ đặc thù Nga.

Xuyên tạc thứ 4: Cha mẹ Nga nhận trẻ khuyết tật nhiều hơn cha mẹ Mỹ

Năm 2001, người Mỹ nhận 89 trẻ khuyết tật, trong khi người Nga nhận 38, theo Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Xã hội Olga Golodets. Tỷ lệ 2,5 - 1 này kéo dài trong suốt 20 năm qua.

Xuyên tạc thứ 5: Có nhiều người Nga muốn nhận con nuôi hơn số trẻ mồ côi, nhưng người Mỹ “chen bật” họ ra

Có khoảng 650.000 trẻ mồ côi ở Nga và có ít nhất 120.000 đang chờ các vị nhận làm con nuôi mỗi năm mà không sợ “thiếu”. Như vậy, người Nga không muốn nhận trẻ mồ côi làm con nuôi chẳng liên quan gì đến việc “người Mỹ độc quyền thị trường” cả; người Mỹ chỉ chiếm 2,5% “thị phần” trẻ cần có cha mẹ nuôi. Lý do chính có liên quan đến sự thật là các cơ quan xã hội chưa được phục hồi từ khi Liên Xô phá tan nhà thờ và cùng với nhà thờ là hoạt động từ thiện. Thêm vào đó là sự yếu kém về kinh tế khiến người Nga không thể nhận con nuôi, đặc biệt những trường hợp trẻ bị khuyết tật về thể xác và tâm lý.

Xuyên tạc thứ 6: Khi cha mẹ Mỹ chán những đứa con nuôi Nga, họ tống vào các trại giáo huấn cho khuất mắt

Những trại giáo huấn này, với đội ngũ chuyên gia tâm lý và các nhà chuyên môn, được xây dựng để giúp trẻ em nói chung có vấn đề nghiêm trọng về hành vi do hậu quả của ngược đãi, thiếu quan tâm ở các trại mồ côi hoặc có mẹ là những người nghiện rượu, ma túy khi mang thai chúng. Chi phí cho một đứa trẻ gửi vào trại này từ $3.500 to $7.000 một tháng. Ít cha mẹ Mỹ có đủ khả năng tài chính “tống vào trại cho khuất mắt” những đứa con nuôi Nga với chi phí mỗi năm khoảng 60.000 đô-la cho đến khi chúng 18 tuổi. Dễ hơn và đỡ tốn kém hơn là lại cho làm con nuôi người khác ở Mỹ, nhưng cha mẹ vẫn phải đóng tiền nuôi dưỡng. Rất ít trường hợp như thế.

Xuyên tạc thứ 7: Tất cả các nước văn minh cấm nhận con nuôi

Cấm cho con nuôi không làm Nga “văn minh” hơn chút nào chững nào các trại trẻ mồ côi chật ních trẻ em sống dưới mức tối thiểu. Mỹ nhận con nuôi và vẫn cho phép người nước khác nhận con nuôi. Chẳng lẽ điều này làm họ kém “văn minh”?

Có những quốc gia phương Tây cấm người nước ngoại nhận con nuôi. Họ làm được như vậy vì các trại trẻ mồ côi của họ có hệ thống xã hội, y tế và giáo dục hiện đại. Hệ thống trại mồ côi ở những nước này chăm sóc trẻ rất tốt và có nhiều cha mẹ muốn nhận trẻ làm con nuôi. Tất cả những điều tốt đẹp này hoàn toàn vắng bóng ở Nga.

Xuyên tạc thứ 8: Nga là điểm đến ưa thích của cha mẹ Mỹ vì người Mỹ thích “mua” người da trắng

Trong vòng mấy năm gần đây, Trung Quốc chứ không phải Nga là nước hàng đầu cho trẻ làm con nuôi ở Mỹ.

Xuyên tạc thứ 9: Nga không cấm người Mỹ nhận con nuôi để trả đũa Luật Magnitsky của Mỹ

Sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Luật Magnitsky ngày 6/12, Duma Nga đề xuất ngay biện pháp tương xứng: trừng phạt những thẩm phán “chống Nga” và các quan chức liên quan đến tra tấn nghi can khủng bố ở nhà tù Guantanamo. Nhưng Nga rút tất cả súng của mình ra và tìm kiếm biện pháp tả đũa: cấm người Mỹ nhận con nuôi. Dự luật được vội vã thông qua ở cả hai viện nhanh chưa từng thấy và được coi là luật chống Luật Magnitsky của Nga.

Xuyên tạc thứ 10: Nga cấm người Mỹ nhận con nuôi vì cha mẹ Mỹ và công ty họ thuê tham nhũng và buôn bán trẻ em

Việc chuyện tham nhũng xung quanh việc cho con nuôi chủ yếu là ở phía Nga. Có rất nhiều ví dụ các trại mồ côi Nga giả mạo giấy tờ, đặc biệt về tình trạng sức khỏe để “dễ bán” cho người Mỹ, những người phải bỏ ra trên 50.000 đô-la để được nhận một đứa trẻ.

Thật trớ trêu, chính trường hợp Dima Yakovlev, trường hợp được lấy làm trung tâm cho Luật chống Luật Magnitsky là một ví dụ về nạn tham nhũng ngập ngụa đến tận cổ của Nga. Khi thấy người Mỹ muốn nhận Dima làm con nuôi, trại mồ côi này từ chối ngay những người thân của gia đình Dima muốn nhận nuôi cháu. Một trong những người bà con của Dima nói trại mồ côi đã giả mạo chữ ký của bà khước từ nuôi cháu. Nguời bà khác của Dima bị trại mồ côi đe dọa nếu có ý định nhận Dima thì bà sẽ bị tước quyền nuôi chị gái của Dima bà đã nhận nuôi mấy năm trước.

Sau hết, chiến dịch tuyên truyền của Kremlin chống việc nhận con nuôi của cha mẹ Mỹ được tổ chức rầm rộ trên TV do nhà nước kiểm soát là một thắng lợi to lớn.

Nhưng thật không may cho xã hội Nga, Kremlin cho thấy rằng nếu cứ nhắc lại những điều dối trá về việc người Mỹ nhận con nuôi, thì nhiều người Nga – 76% tính đến tháng 1/2013 theo thăm dò của VTsIOm – sẽ tin đó là sự thật.

M.B.

Nguồn: The Moscow Times

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn