Rối rắm cách tính giá xăng dầu

Tô Văn Trường

Kinh tế nước ta còn vô vàn chuyện đau đầu và bấn loạn, nổi cộm là các vấn đề về ngân hàng, bất động sản, thị trường chứng khoán, vàng, lạm phát thực, nợ công, bài toán tái cơ cấu nền kinh tế, v.v. Có nhà báo mới gửi tin nhắn cho tôi nguyên văn như sau: “Ông Bộ trưởng “Xăng dầu" đã khốn khổ, ông Bộ trưởng “Vàng" nhặng củ tỏi thêm bấn loạn, nay ông Bộ trưởng “Đường" về cảng Lạch Huyện, thật khốn nạn cho dân mình!”.

Cả tuần qua, người dân bị sốc vì sau hơn 20 ngày trên thị trường giá xăng dầu của các nước liên tục giảm thì chỉ riêng Việt Nam lại tăng đột biến “không giống ai” lên đến mức kỷ lục 24.500 đồng/lít. Các lý giải quỹ bình ổn đã cạn, hay nhằm ngăn chặn buôn lậu xăng dầu sang các nước láng giềng thật khó thuyết phục được người dân!

Theo tìm hiểu của chị Lê Thị Phi Vân (thông tin riêng), không thể lý giải nổi tại sao ở Indonesia hiện nay giá xăng dầu đang ở mức rẻ không ngờ: Xăng thường dùng (ở bên Indonesia gọi là Premium) có giá bán lẻ tại các cây xăng là 4500 rupi/lít, tương đương với 9000 VNĐ. Giá dầu diezel cũng có giá 4500 rupi/lít. Đây là hai loại xăng dầu thông dụng của người dân Indo nên chính phủ Indo có trợ giá. Hai loại xăng còn lại là xăng A92 và A95 không được trợ giá nên giá bán lẻ ở các cây xăng là 10.400 rupi (20.800 VNĐ) đối với xăng A92 và 10.900 rupi (21.800VNĐ) đối với xăng A95. Như vậy ngay cả khi không được trợ giá thì người dân Indo cũng phải trả một mức giá rẻ hơn ở Việt Nam rất nhiều. Một câu hỏi được đặt ra vì sao GDP đầu người của Indo cao gấp 2,5 lần Việt Nam nhưng người dân chỉ phải trả 40% giá mà người dân Việt Nam phải trả cho xăng dầu?

Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, về mặt bằng giá nói chung, Chính phủ có thể vận hành bằng chính sách vĩ mô (qua chính sách tiền tệ và tài khóa) để ảnh hưởng mức giá nói chung, tức là không để lạm phát ở mức cao nhằm bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế. Chính phủ cần kiểm soát giá sản phẩm mang tính độc quyền bằng các chính sách vi mô mang tính hành chính. Đây là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, không cho phép doanh nghiệp phù phép làm giàu, đồng thời không cản trở sự vận hành hữu hiệu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Gọi là chính sách vì nó đặt ra khung pháp lý để các việc điều chỉnh giá tự vận hành mà không cần đến sự chỉ đạo hay can thiệp trực tiếp, tùy tiện của Nhà nước. Để việc điều chỉnh giá không bị can thiệp chính trị, các nước đều phải dựa vào một ủy ban chuyên gia họp định kỳ, quyết định giá, bằng việc áp dụng công thức dựa trên cơ sở kỹ thuật.

Theo tôi hiểu nếu có nhiều công ty thật sự cạnh tranh thì cần tôn trọng quy luật của thị trường tự do. Tuy nhiên vì giá xăng lên xuống rất dữ tùy theo thị trường thế giới nên có thể vẫn cần quĩ bình ổn như hiện nay. Quĩ này phải do công ty xăng dầu đóng vào quĩ. Nếu khi giá bị kiểm soát mà họ lỗ thì dùng quĩ, nhưng tất nhiên nếu quĩ hết thì phải tăng giá. Quĩ chỉ quan tâm việc tăng giá chứ không mang tính trợ giá. Cách hiểu về quỹ bình ổn đơn giản thí dụ giá hiện tại là 100, nếu giá thế giới xuống, giá chỉ còn 80; và nếu ủy ban định giá chỉ cho phép điều chỉnh giá mỗi kỳ là 10% thì giá sẽ là 90. Các công ty có lời thêm 10 nếu không có quĩ bình ổn. 10 này sẽ đưa vào quĩ bình ổn. Khi giá thế giới lên trên 10% chẳng hạn, thì quĩ bình ổn sẽ trả ra để giá không vượt 10%. Quĩ bình ổn chỉ có thể làm thế. Và nếu giá vượt quá mức mà quĩ bình ổn hết tiền thì quĩ bình ổn không còn giá trị nữa. Thí dụ như hiện nay, bảo quĩ bình ổn đã hết tiền. Nếu cứ muốn giữ giá thấp thì phải lấy tiền từ ngân sách.Tốt nhất là để thị trường tự do, chẳng cần quĩ bình ổn. Nhưng có thể vẫn cần có một ủy ban độc lập chống độc quyền theo dõi giá cả các hàng hóa có ảnh hưởng lớn đến đời sống và có quyền hành xử nếu cần.

Nếu Việt Nam đã khẳng định mình có nền kinh tế thị trường không thể phát triển trên cơ sở bù lỗ. Công ty nhập xăng dầu không phải là công ty sản xuất xăng dầu. Khi bù lỗ thì phải lấy từ ngân sách. Ngân sách có thể từ nguồn thu từ phần thu nhập được chia (thường là liên doanh) của công ty sản xuất dầu hoặc từ thuế.

Nói chung, ngân sách như cái bánh, khi bị chi vào mặt này thì phải cắt xén mặt khác. Đấy là bài toán đánh đổi, nếu muốn phải chọn lựa thì phải hiểu bù lỗ đại trà/bù lỗ có chọn lựa. Không bù lỗ và dùng tiền thu được làm chuyện khác, thí dụ bù lỗ đi xe bus trong thành phố, v.v. Điều đó có nghĩa là phải tính toán rõ, bù lỗ hiện nay là bao nhiêu? Và bù lỗ thì ai có lợi? Dân đi xe gắn máy, dân đi xe hơi, chạy nhà máy điện – ai hưởng? Nói chung có số liệu thì có thể tính toán được. Không một nhà nước nào cái gì cũng phải bù lỗ. Không chỉ xăng, điện hiện nay cũng bù lỗ. Thử hỏi có ai được bù lỗ điện thoại không khi mà gần như mọi người đều cần điện thoại nhất là người làm ăn? Xin nói rõ thêm là giá cả bên viễn thông chấp nhận được đối với tất cả mọi người do có sự cạnh tranh tương đối giữa các nhà mạng, chứ đâu có ở trên trời như giá xăng dầu hay các mặt hàng thiết yếu khác?

Cách tính giá xăng dầu của Việt Nam rất rối rắm, khó hiểu. Sau khi cộng 17% thuế nhập khẩu, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế VAT, phí xăng dầu 1.000 đồng/lít, v.v. thì tại sao phải tính chi phí giá kinh doanh làm gì trong khi xăng là hàng nhập gần như 100% (ngoại trừ nhà máy lọc dầu Dung Quất)? Chỉ cần lấy giá nhập + % mark-up (phí thương mại + chuyên chở TTM/giá bán) tối đa cho phép là xong. Không ai được bán giá quá mức tối đa. Tăng số các công ty cho phép nhập trong mỗi thị trường địa phương để họ canh tranh nhau. Cạnh tranh ở phần trăm mark-up nhưng không được quá mức tối đa cho phép mà phần trăm mark-up thì qua kinh nghiệm nhiều năm chính quyền đã biết. Vì địa hình Việt Nam trải dài, nên mỗi vùng (ví dụ 7 vùng sinh thái) không thể để chỉ có một hay hai công ty nhập và bán xăng. Phải có nhiều công ty để tạo cạnh tranh. Tất nhiên như thế giá xăng có thể sẽ khác nhau giữa các vùng vì chuyên chở. Có thể hoặc giảm phần trăm thuế bán lẻ ở vùng không có cảng nhập xăng.

Có lẽ cách tính hợp lý hơn là kết hợp hai cơ chế (i) Cơ chế thị trường tự do bao gồm nhiều nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu, như vậy là bỏ độc quyền nhà nước giúp giảm giá như trong lĩnh vực viễn thông đã làm; và (ii) Sự điều hành Nhà nước bằng thuế và quỹ bình ổn, v.v. Khi đó sẽ tự nhiên hình thành giá xăng dầu hợp lý.

Trên công luận đã có một số bài viết về những bất hợp lý trong chính sách và trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Điều quan trọng và bức bách hàng đầu trong việc tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước là xóa bỏ độc quyền (trừ trường hợp độc quyền tự nhiên không bỏ được thì phải có cơ chế kiểm soát hữu hiệu). Thành công trong việc xóa độc quyền của VNPT (chủ trương của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) là kinh nghiệm tốt. Ngành điện cũng có phương án xóa độc quyền ở những khâu có thể xóa được, tuy còn chậm và thực hiện thiếu kiên quyết. Kinh doanh xăng dầu vẫn nặng tính độc quyền nhưng chưa thấy có chủ trương gì hữu hiệu để thay đổi.

Để người dân không phải ca thán chúng ta đang sống trong thời kỳ chính sự thì "Quân nhược thần cường", về dân sự thì là "Thần suy quỷ lộng", tôi nghĩ cần phải căn cứ theo nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, Khóa XI là rà soát chính sách vĩ mô, chiến lược ngành hàng và xuất nhập khẩu, công tác bình ổn giá, xem có tác động của "nhóm lợi ích", lợi ích cục bộ, chủ quan duy ý chí, ... trong quá trình xem xét, xử lý giá xăng dầu ở mức độ nào, từ đó, mới có khả năng “giải mã” được tận gốc của các vấn đề đang bất cập hiện nay của đất nước.

T. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn