Suy tư nhân ngày giỗ tổ

Tương Lai

Liệu trên quả đất này có quốc gia, dân tộc nào cũng tôn vinh một ngày gọi là ngày Giỗ Tổ như ta đang Giỗ Vua Hùng? Biết được điều này sẽ là một điểm tựa thú vị để suy ngẫm về dân tộc mình. Vì rằng, lịch sử là một nhân tố, mà nếu thiếu nó, thì không một ý thức dân tộc nào có thể hình thành và phát triển được. Cho nên, Giỗ Tổ là thời điểm mà những âm vang của lịch sử sẽ là nguồn nước mát thanh lọc tâm hồn con người.

Trong những nhiễu nhương của thế sự với ngổn ngang những sự kiện, những khuôn mặt, những cuộc đời hối hả bon chen giữa dòng đời trong đục, một nén tâm hương thắp lên để nhớ về nguồn cội cũng có thể thức dậy trong sâu thẳm tâm tư con người một ánh tâm linh. Mà thật ra, cảm nhận về lịch sử cũng là cảm nhận về chính mình, về vui buồn và phẫn nộ, về hào hứng và đắng cay của thân phận con người. Con người ấy gắn với vận mệnh của đất nước, số phận của dân tộc. Biết nhìn nhận và đối chiếu sự nghiệp hôm nay, con người hôm nay với lịch sử dân tộc chính là biết trân trọng lịch sử. Cảm nhận bài học lịch sử, rốt cuộc lại là cảm nhận bài học về con người, bài học về văn hoá.

Lịch sử dựng nước, mở nước và giữ nước của ông cha ta từ đất tổ Hùng Vương, vùng rừng núi và trung du, tiến về châu thổ sông Hồng, sông Mã, rồi men theo duyên hải, tiến về vịnh Thái Lan. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Nếu không có những con người Việt Nam dũng cảm và sáng tạo trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thì cũng không thể có những trang lịch sử hào hùng đang tiếp thêm sinh lực cho chúng ta hôm nay. Và rồi, con người của hôm nay biết cần phải nhìn lại mình để hiểu phải đưa sự nghiệp của ông cha đi tới như thế nào.

Con người Việt Nam và văn hoá Việt Nam đã làm cho dòng chảy của lịch sử với những mốc son chói lọi liền mạch vớiHồ Chí MinhHồ thuở các Vua Hùng dựng nước, trải qua sức quật khởi của thời Bà Trưng, Bà Triệu, đến những đỉnh cao chiến công của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh… Chính con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam là nhân tố quyết định làm cho những gì mà qua đó, quá khứ và hiện tại vẫn còn thông với nhau. Chỉ bằng văn hoá và con người chúng ta mới thật sự hiểu được, đánh giá được những sự kiện lịch sử với tầm vóc vốn có và cần phải có. Nói con người cũng là nói văn hóa, và nói văn hóa cũng là nói con người. Bởi lẽ, văn hoá không phải là một hệ thống đóng kín những giá trị loại biệt mà là một tổng hợp đang phát triển của các thành tựu vật chất và tinh thần của một dân tộc.

Trong ý nghĩa đó, ở mỗi giai đoạn của sự phát triển, văn hoá được biểu hiện như một dạng hoạt động thực tiễn của con người. Vì thế, văn hóa là một cấu trúc có bề sâu. Cuộc sống xã hội được phản chiếu ở bề mặt, dưới bề mặt đó, văn hóa được phân chia theo những tầng khác nhau, thường tiềm ẩn và vô thức. Ở độ sâu này, có một sự sắp xếp của các quy tắc văn hóa điều chỉnh bề mặt ở bên trên. Nói đến “sức mạnh văn hoá”, “bản sắc văn hoá”, chính là nói đến sự tiềm ẩn và vô thức này nằm chìm trong đời sống của dân tộc.

Chính cái đó làm nên sức mạnh Việt Nam, sức mạnh làm cho đất nước này, dân tộc này tồn tại và phát triển, vượt qua bao sóng gió và thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được, viết nên những trang sử chói lọi bởi tính kiên cường trong hoạn nạn, khí phách hào hùng trong giữ nước và dựng nước. F. Braudel có một nhận xét đáng suy ngẫm: “Lịch sử của nền văn minh là sự gạn lọc qua hàng thế kỷ của một nhân cách tập thể, nhân cách này, cũng như mọi nhân cách cá nhân, bị kẹt giữa một số mệnh có ý thức và rõ ràng với một số mệnh tù mù và không có ý thức, số mệnh này làm cơ sở và động lực cho số mệnh kia, nhưng không phải bao giờ cũng nhận thấy điều đó”.[1] Chỉ khi chúng ta suy ngẫm và hiểu ra được về những gì đã hun đúc nên văn hoá Việt Nam, hình thành cốt cách con người Việt Nam, chúng ta mới có thể cảm nhận được sự liền mạch của dòng chảy lịch sử. Chỉ có điều, Lord Acton, nhà sử học thế kỷ XIX lại cho rằng “Các sự kiện đương thời khác lịch sử ở chỗ, chúng ta không biết những kết quả mà chúng ta sẽ tạo ra. Nhìn lại, chúng ta có thể đánh giá tầm quan trọng của các sự cố quá khứ và lần ra các hệ quả mà chúng đã mang theo trong dòng chảy của chúng. Nhưng trong khi lịch sử tiến triển, nó không phải là lịch sử đối với chúng ta. Nó dẫn chúng ta đến miền đất lạ chưa được biết”.

Dặm đường lịch sử hôm nay vừa liền mạch truyền thống Việt mà ông cha ta bao đời xây đắp từ thuở ban đầu của Hùng Vương dựng nước, vừa có những thách thức mang tính đột biến. Chính vì thế, trở lại với cội nguồn nhân ngày Giỗ Tổ là để càng hiểu rõ thêm về dân tộc, về con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam đang đi tới trong một thế giới mới. Hiểu rõ thêm để càng thấy rõ trách nhiệm nặng nề của mỗi người Việt hôm nay về vận nước khi mà các thế lực hiếu chiến của chủ nghĩa bành trướng đang phơi bày dã tâm của chúng. Hành động ngang ngược có tính toán nhằm xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải, uy hiếp chủ quyền quốc gia, mưu toan độc chiếm Biển Đông của chúng ngày càng tinh vi, trắng trợn. Mơ hồ trước dã tâm của chúng là có tội với ông cha, có tội với lịch sử.

Nói về lịch sử, Phạm Văn Đồng có một ý rất thú vị: “Lịch sử là con người nhân với thời gian. Tôi hình dung lịch sử là một ông già đã nhiều tuổi lắm, nhưng ông già lịch sử đang dần dần trẻ lại, và qua một quá trình diễn biến đầy kịch tính, sẽ từng bước trở thành một thanh niên giàu sức sống…”.[2] Đất nước của chúng ta liệu có đang trẻ lại để đủ sức gánh vác sự nghiệp của ông cha bao đời gây dựng, giữ gìn và truyền lại cho chúng ta?

Quá trình diễn biến đầy kịch tính của đất nước ta quả đã chứng minh sức sống kỳ lạ của dân tộc Việt Nam ta. Ông cha ta luôn luôn tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải. Cứ vào lúc thời cuộc như dồn thế nước vào chân tường, thì cũng chính vào lúc ấy đã bật ra những đột phá. Chuyện chống đế quốc Nguyên-Mông thế kỷ XIII là một minh chứng sống động. Giỗ Tổ năm nay cũng là dịp kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng và tỉnh Quảng Ninh vừa đón nhận quyết định công nhận Di tích Lịch sử đặc biệt, xin gợi lại một câu trong “Bài phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu: “Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng, bởi Đại Vương coi thế giặc nhàn, và rằng: “Sông Đằng một dải dài ghê/ Sóng xô cuồn cuộn trôi về Biển Đông/ Những người bất nghĩa tiêu vong/ Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh”.

Phải có bản lĩnh thế nào mới thấy được cái thế “nhàn” trước ba chục vạn quân xâm lược hùng hùng hổ hổ kéo sang quyết rửa nhục hai lần thất bại trước và cũng để quyết đánh thông con đường tràn xuống Đông Nam Á. “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ), đó là lời cảnh báo đối với kẻ thù. Trước chiến thắng của Trần Hưng Đạo, sông Bạch Đằng đã là nơi Ngô Quyền phá quân Nam Hán, Lê Hoàn diệt quân Tống.

Tần ngần trước những cọc gỗ vạc nhọn từng cắm xuống dòng sông buổi ấy mà thêm bàng hoàng trong dòng suy tưởng về sức mạnh kỳ lạ nào khiến cho chỉ trong có 20 ngày, ông cha ta đã cắm hàng ngàn cọc xuống dòng sông nước chảy xiết khi mà mới trước đó Ô Mã Nhi đã cho quân càn quét cả vùng Yên Hưng? Xin hãy dừng lại vài con số: “Nước triều lên xuống mạnh, độ chênh lệch khá lớn, lưu tốc nước là 0,26m-0,86m/giây […] hàng cọc đóng ngang qua sông theo hướng Nam-Bắc. Hầu hết các cọc đều bằng lim hoặc gỗ cứng có đường kính từ 20cm đến 30cm và dài từ 1,5 met trở lên, phổ biến là 2m, những cọc đóng ở giữa lòng sông dài đến 3m, khoảng cách giữa các cọc từ 0,9m đến 1,2m, cọc được đẽo vát nhọn với độ dài 0,80m đến 1m, phần lớn được đóng thẳng đứng, đóng sâu xuống đất đáy từ 1m đến 1,5m, giữa các cọc có các khúc gỗ nằm ngang, có lẽ là khúc gỗ cài để chặn thuyền giặc[3]. Nguyên sử, quyển 166, Phàn Tiếp truyện chép: “Kịch chiến từ giờ Mão đến giờ Dậu” (tức là từ sáng đến chiều)!

Không thấy người viết bộ sử này nói đến Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, hai chủ tướng và Tích Lệ Cơ, tên đại quý tộc được phong đến tước vương đã bị tóm cổ, 600 chiến thuyền hùng hùng hổ hổ từng theo đường Biển Đông tiến vào lúc khởi sự cuộc xâm lăng tưởng có thể làm mưa làm gió giờ đây tan tác trong trận thủy chiến và hỏa công từ “giờ Mão đến giờ Dậu” ngày 9.4.1288 ấy! Chính Ô Mã Nhi từng khoác lác đe dọa Vua Trần “Ngươi chạy lên trời, ta theo lên trời, ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước” để kết cục như chó cụp đuôi phục trước lăng vua Trần Thái Tông, người lãnh đạo cuộc kháng chiến chông Nguyên Mông lần thứ nhất, trong lễ mừng thắng trận của quân dân đời Trần!

Hai từ quân và dân bỗng trở nên sống động lạ kỳ trong suy tư về những cọc gỗ Bạch Đằng ấy! Xét đến cùng, quân thì cũng từ dân mà ra đấy thôi, “chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ” như Nguyễn Đình Chiểu viết trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” dạo nào. Tuy nhiên, ngược lại dòng chảy lịch sử cách nay 800 năm, thử tính toán đo đếm theo cách người viết sử hôm nay cố gắng làm, mới sáng rõ lên một điều, nếu không huy động được sức dân hai huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) chuyển gỗ và đóng cọc ở cửa sông Chanh, sông Kênh, sông Rút, một khúc sông dài không quá 5km mà có đến 5 dòng nước đổ về với ba nhánh sông phụ đưa nước ra vịnh Hạ Long, nơi thượng lưu sông Bạch Đằng, cách doanh trại của Thoát Hoan chỉ hơn 30km ngược dòng sông Kinh Thầy, thì không thể nào có bãi cọc mà ngày nay ta quen gọi là bãi Yên Giang được! Và cũng như vậy, nếu không tin vào sức dân, không có quyết tâm đánh địch mà “thần hồn nát thần tính” trước sự diễu võ dương oai của kẻ thù đã chỉ bàn lùi rồi đầu hàng như những kẻ đã đi vào lịch sử một cách nhơ nhuốc nọ thì còn trí tuệ đâu, bản lĩnh đâu mà bày binh bố trận để làm nên chiến thắng Bạch Đằng.

Ấy là chưa nói bọn hèn nhát và nhơ nhuốc này đều là các vương hầu cả đấy: những “Chương Hiến Hầu Trần Kiện, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn, Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng...”![4] Đã hèn nhát rồi thì chỉ có thể bàn mưu tính kế giữ cho được chiếc ghế quyền lực, cho dù là quyền lực được bố thí hay bảo kê, chứ làm sao mà có khí phách “thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm Vương đất Bắc”, “bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu tôi trước đã” và thấy được chỗ yếu của kẻ thù để hiểu ra “thế giặc nhàn”!

Bỗng nhớ lại một lời bình sắc sảo của nhà sử học đáng kính Trần Quốc Vượng khi luận về: “Cuộc đấu tranh giữa mô hình dân tộc và mô hình kiểu Tàu cho đến khi phong kiến hết thời vẫn chưa chấm dứt...[5] Cuối thế kỷ XIV, xã hội, văn hóa khủng hoảng mà không có đường lối giải quyết. Đúng lúc đó nhân vật Hồ Quý Ly xuất hiện... Ông kiên quyết chống quân Minh, muốn giải Hán hóa nền văn hóa Việt, nhưng ông chỉ mới thổi “tiếng kèn ngập ngừng”, sử dụng những biện pháp nửa vời... Ông lại xây dựng một nền độc tài cá nhân. Ông không nắm được dân “trăm vạn người trăm vạn lòng”, không cố kết được nhân tâm, hòa hợp được dân tộc, dân tâm lìa tan để mất nước vào tay giặc Minh... Chính trong bối cảnh đó, Nguyễn Trãi kế tục và phát huy truyền thống dân tộc và thân dân thời Trần, cố gắng để khôi phục và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Quả thật, “tìm về dân tộcthân dân là phương thuốc tích cực nhất để giải nọc độc vọng ngoại, giải Hán hóa... Dân là gốc nước. Đã yêu nước thì phải yêu dân. và đã gắn bó với dân thì tự nhiên nảy sinh lòng tự hào dân tộc”.[6]Nguyễn Trãi tắm mình trong bầu không khí văn hóa ở đó đang diễn tiến cuộc đấu tranh gay gắt giữa truyền thống và đổi mới, cuộc đấu tranh gay gắt giữa xu hướng Trung Quốc hóa với xu hướng giải Trung Quốc hóa trong nội bộ các thế lực cầm quyền và giới trí thức, văn hóa Đại Việt [của thời Trần]. Hai mươi năm Minh thuộc, với chủ trương và âm mưu tái Trung Quốc hóa nền văn hóa Việt của bọn giặc Minh càng làm gay gắt thêm, phức tạp thêm cuộc đấu tranh nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam, một lối sống Việt Nam. Nguyễn Trãi đã dấn thân hết mình vào các cuộc đấu tranh chính trị, văn hóa, xã hội này.[7]

Khẳng định điều đó là tuyệt đối đúng. Không chỉ đúng với thời kháng chiến chông quân Nguyên Mông và chống quân Minh, mà còn mang một ý nghĩa cập nhật rất sống động đối với cả hôm nay. “Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực thi văn hiến chi bang”, Bình Ngô Đại cáo dõng dạc tuyên bố đã quyết liệt ngay từ đầu khuynh hướng “giải Hán hóa” của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Tiếc thay, ý tưởng sáng láng này chưa nhận được sự tiếp sức và đẩy tới của các triều đại nhà Lê, kể cả thời cực thịnh. Với triều Lê Thánh Tông, về chính trị thì thì củng cố chế độ trung ương tập quyền theo hướng chuyên chế, về tư tưởng thì theo hướng độc tôn Nho giáo, bài xích Phật, Đạo và tín gưỡng dân gian, về văn hóa dần dần xa rời vốn liếng dân gian. Tinh thần kỳ thị tôn giáo, chuyên chế tư tưởng hết sức nặng nề. Nền văn hóa chính thống ngày càng rơi dần vào quỹ đạo của văn hóa phong kiến Trung Quốc. Mà đã đi vào quỹ đạo này thì làm sao mà “thân dân” được?

Trút bỏ gánh nặng lịch sử này quả thật dai dẳng cho đến tận bây giờ với những biến thái cực kỳ phức tạp đòi hỏi một sự tỉnh táo của trí tuệ dân tộc nhằm tỉnh thức những người đang chìm đắm, có thể là vô thức nhưng thường là hữu thức, vì những lợi ích rất nhày nhụa được khoác cho những tấm áo mỹ miều. Còn phức tạp hơn nữa với công cuộc “giải Hán hóa” của buổi hôm nay đang khó khăn gấp bội vì chủ nghĩa bành trướng đại Hán lại đang khoác cho mình một cái áo “mang màu sắc Trung Quốc cùng chung ý thức hệ” (?), thực chất là một “chủ nghĩa tư bản hoang dã” ngày càng phơi bày bộ mặt bẩn thỉu và đang tự mình cô lập trước thế giới do những thủ đoạn gian trá ấy.

Vì vậy, nói đến cùng, trong vị thế địa-chính trị trứng chọi đá, quá trình ông cha ta dựng nước và giữ nước cũng là quá trình “giải Trung Quốc hóa” với những lưỡng lự và những nghịch lý của lịch sử, thậm chí của từng nhân vật lịch sử. Mà lịch sử lại thường đi những bước oái oăm, “đường thế đồ gót rỗ kỳ khu” (Nguyễn Gia Thiều). Cuộc sống là “bất phương trình”, dòng đời đang chuyển động không theo cách “tuần tự nhi tiến”, người đi sau giẫm theo bước chân của người đi trước, mà luôn có những hợp trội tạo ra những bước đột phá không sao tiên liệu trước được tất cả. Cho nên những suy tư theo lối tuyến tính không còn thích hợp vớí một thế giới phi tuyến. Không có một bản đồ vạch sẵn cho con đường phía trước. Những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống không còn đủ cho hành trình của dân tộc đi về phía trước. Câu nệ và nô lệ với quá khứ, không dám tự vứt bỏ những trói buộc vô lý đang cản trở sức sống của dân tộc sẽ phải trả giá trước lịch sử. Cái giá ấy quả là quá lớn và không đáng có.

Ngày Giỗ Tổ năm nay đến với đất nước ta trong một bối cảnh nhiều khó khăn trước một bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm, nhưng không phải là không có những dấu ấn khởi sắc trên nhiều điểm sáng của thế giới, chẳng nói đâu xa, Miến Điện ngay cạnh ta là một ví dụ quá sống động, chỉ cố nhắm tịt mắt mới không thấy mà thôi! Vấn đề là chúng ta có nhìn ra những điểm sáng và rọi chiếu ánh sáng ấy vào con đường chúng ta đang đi hay không.

Cách nay đã hai mươi năm, trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 600 sinh Nguyễn Trãi tại Hà Nội năm 1982, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra thông điệp thật sáng tỏ bằng các nhắc lại lời của tác giả Bình Ngô đại cáo: “Nguyễn Trãi nói: “Thời! Thời! Thực không nên lỡ”![8]

Hai thập kỷ đã trôi qua, bao nhiêu nước chảy qua cầu, liệu cái chữ “thời” ấy đã được khai thác và vận dụng ra sao? Và rồi, với ngày Giỗ Tổ năm nay gắn liền với kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng, chúng ta cần nghĩ ra sao về chữ thời để càng hiểu ra rằng không thể bỏ lỡ thời cơ. Đừng quên rằng, bỏ lỡ thời cơ là sự bỏ lỡ đau đớn nhất mà lịch sử phải gánh chịu. Đương nhiên, thời nào cũng vậy, tính sòng phẳng của lịch sử cho thấy, vận mệnh của dân tộc “sẽ được quyết định khi một thế hệ mới sẽ lớn lên... Khi những con người như thế xuất hiện, họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm: họ sẽ tự biết cần phải làm như thế nào”.[9]

Nhân ngày Giỗ Tổ, nhắc lại ý ấy của Ph. Ăngghen tưởng cũng là một điều nên làm!

Tp Hồ Chí Minh ngày 18.4.2013

T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

[1] Fernand Braudel, Tìm hiểu các nền văn minh. Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1992,tr. 87.

[2] Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh – Quá khứ, Hiện tại và Tương lai. Hà Nội: Sự thật, 1991, tr.30

[3] Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập I. Hà Nội: Giáo Dục, 2005, tr.210.

[4] Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập I. Hà Nội: Giáo Dục, 2005, tr.229.

[5] Kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi. Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1982, tr.110.

[6] Kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi. Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1982, tr.99.

[7] Kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi. Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1982, tr. 96.

[8] Kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi. Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1982, tr.35.

[9] C. Mác & Ph. Angghen, 1995. Toàn tập, tập XXI. Hà Nội: Chính trị Quốc gia, tr.128.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn