Thảo luận sửa đổi Hiến pháp

Không nên hiến định những điều mù mờ trong Hiến pháp

Thái Bình

Hiến pháp là luật gốc, luật mẹ, vì thế những nội dung của luật phải cụ thể, rõ ràng, phù hợp với hoàn cảnh dân tộc và xu thế của nhân loại tiến bộ văn minh, đồng thời Hiến pháp phải có tính khả thi, không nên đưa vào Hiến pháp những điều nghe có vẻ rất kêu theo kiểu hô khẩu hiệu nhưng chỉ là hình thức, không có giá trị thực tiễn. Hiến pháp phải ổn định lâu dài để phát triển đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời Tổ quốc, tránh tình trạng chỉ một thời gian ngắn đã cảm thấy phải sửa đổi về cơ bản. Hiến pháp sửa nhiều chứng tỏ chất lượng kém, chắp vá, không có tầm nhìn xa.

1/Điều 54 Hiến pháp 1992 sửa đổi: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Ta đã biết học thuyết của Mác về chủ nghĩa xã hội ra đời từ đầu thế kỷ XIX, học thuyết này đã không thành hiện thực qua mấy chục năm thử nghiệm trong thế kỷ XX. Từ Đông sang Tây những nước theo nền kinh tế XHCN đều nghèo nàn lạc hậu, người dân đói khổ, các nước đông Âu đã từ bỏ kinh tế XHCN vào những năm cuối thế kỷ XX, nền kinh tế Việt Nam cũng đã phải chuyển sang kinh tế thị trường hơn hai mươi năm qua. Nay ta có thể khẳng định nền kinh tế XHCN là xa vời, chưa có trong thực tế, rất tù mù, không ai chỉ ra được; thế mà chúng ta cứ cố tình hiến định nền kinh tế thị trường định hướng vào cái thiếu thực tế, rất tù mù, không ai chỉ ra được trong Hiến pháp thì liệu có nên?

2/Điều 70 Hiến pháp 1992 sửa đổi: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân”.

Lực lượng vũ trang nhân dân trước hết phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân và chỉ viết như thế là đủ vì trong khái niệm Tổ quốc và nhân dân đã chứa đựng tất cả. Vì thế, nên giữ nguyên Điều 45 Hiến pháp 1992: “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc và nhân dân...”

3/Không nên hiến định đất đai là sở hữu toàn dân (Điều 57 Hiến pháp 1992 sửa dổi).

Các hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản... và các nông trường quốc doanh thực tế không còn tồn tại (các nông trường đã giao đất). Tức là không còn coi đất là tư liệu sản xuất để góp vào hợp tác xã để cùng nhau sản xuất công nữa.

Hiến định đất đai là sở hữu toàn dân trở nên vô nghĩa và mơ hồ, cản trở đầu tư sản xuất kinh doanh lâu dài. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả sản xuất nông nghiệp nước ta phân tán manh mún sản xuất nhỏ, không ai muốn bỏ vốn đầu tư lâu dài vì đất của mình đang do nhà nước quyết định trong tương lai; chính sách đất đai hiện hành không tích tụ được ruộng đất đồng nghĩa với việc không cơ giới hóa được nông nghiệp, không đầu tư thâm canh khoa học kỹ thuật và giống cây trồng vật nuôi tiên tiến; kết quả năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của ta kém xa các nước có nền nông nghiệp phát triển, ngay trong khu vực thì chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của ta cũng kém xa so với Thái Lan; mặt khác do canh tác thủ công giá thành sản phẩm cao rất khó cạnh tranh.

Về thực chất trong mấy chục năm qua việc sở hữu toàn dân về đất đai được quản lý quá yếu kém (trừ một vài trường hợp như nông trường bà Ba Sương thì chính các quan sở tại cũng đã tìm mọi cách xóa bỏ nó), Khi đất đai không còn nhu cầu làm ăn tập thể (sở hữu toàn dân), thì đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt không phát huy được hiệu quả, lãng phí và loại đất không chủ (sở hữu toàn dân) đã bị lấn chiếm rất nhiều. Đất đai trở thành tài sản lãng phí nhất hiện nay: Toàn quốc có hàng trăm sân gôn, rất nhiều khu công nghiệp chưa được lấp đầy thậm chí có khu công nghiệp chưa lấp đầy 30%; rất nhiều dự án nhà ở xây dựng giở hoặc xây xong chưa có người ở trên hầu hết các tỉnh thành phố.

Sở hữu đất đai toàn dân gây biết bao bất công trong những năm qua; rất nhiều vụ kiện liên quan đến đất đai là hậu quả của chính sách thu hồi đất đai đẻ ra từ các dự án kinh tế mà đặc biệt là dự án nhà ở, thực chất là trắng trợn tước đoạt (đền bù rất thấp) đất đai của nông dân vốn rất nghèo để giao cho các ông chủ vốn đã rất giàu giúp cho họ giàu thêm. Rất vô lý là ở chỗ, đầu vào các dự án (giá đền bù) do nhà nước quy định, nhưng đầu ra thì chủ đầu tư lại toàn quyền quyết định, đây là kẽ hở để nhóm lợi ích trong đó chủ yếu là quan tham và chân rết gia đình và hầu cận làm giàu bất chính. Lợi dụng sở hữu đất đai toàn dân, cả nước đã xảy ra rất nhiều trường hợp thu hồi đất sai trái, bức xúc dư luận, như vụ Tiên Lãng Hải Phòng. Trong khi chưa có dự án đầu tư mới mà chính quyền huyện Tiên Lãng Hải Phòng đã tiến hành thu hồi, nói trắng ra là ăn cướp ngày –trường hợp này ta có thể hiểu có nhóm lợi ích câu kết với chính quyền huyện Tiên Lãng Hải Phòng và hậu quả đưa lại tai hại nặng nề cho người bị thu hồi và cả chính quyền nhà nước trong khi cá nhân thì thu lợi.

Chúng ta đã thừa nhận nền kinh tế thị trường thì phải thừa nhận sở hữu cá nhân về tất cả các tài sản, trong đó có tài sản đặc biệt: đất đai.Tại sao ta thừa nhận tất cả các tài sản (trừ đất) đều có thể sở hữu tư nhân kể că những tài sản có giá trị lớn như nhà cửa, xe cộ các loại, thậm chí cả công xưởng nhà máy hàng ngàn tỷ đồng, trong khi ta không thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai? Tại sao nhà trên đất là sở hữu tư nhân còn đất dưới nhà lại sở hữu toàn dân? Đây thực sự là “đầu Ngô mình Sở” trong nền kinh tế thị trường mà có lẽ chỉ có ở CHXHCNVN.

Không nên có khái niệm thu hồi đất (trừ tình trạng khẩn cấp trong chiến tranh), tất cả các trường hợp còn lại phải trưng mua theo giá thị trường. Bởi vì suy cho cùng bất kể dự án nào của nhà nước kể cả dự án an ninh quốc phòng cũng không thể bắt một số người (nằm trong dự án phải thu hồi) hy sinh quyền lợi cho tất cả mọi người mà phải ngược lại, vì ngược lại thì mỗi người chỉ chịu thiệt thòi rất nhỏ, còn để một số người nhỏ gánh chịu cái gánh ấy sẽ rất lớn; mặt khác khi công trình công cộng đưa vào sử dụng cả xã hội sẽ được hưởng lợi lâu dài. Từ quan điểm này tôi tin, nếu bỏ việc thu hồi đất theo kiểu cưỡng chế mà nhà nước làm bấy lâu nay người dân sẽ rất ủng hộ, bởi quyền lợi của họ được đảm bảo. Hiện nay tình hình giải phóng mặt bằng các dự án rất chậm, gồm các dự án vì lợi ích công cộng trong đó có các công trình giao thông, bởi chúng ta đang làm theo quy trình ngược bắt một số người hy sinh cho tất cả mọi người. Chỉ cần chúng ta có quan điểm ngược lại mọi việc trở nên đơn giản, dễ làm, tránh được bức xúc và khiếu kiện.

Những tồn tại, mẫu thuẫn như đã phân tích ở trên về vấn đề sở hữu đất đau mấy chục năm qua đặt ra một yêu cầu căn bản cho việc hiến định trong Hiến pháp: không nên hiến định đất đai là sở hữu toàn dân mà phải hiến định đất đai là đa sở hữu, trong đó có sở hữu nhà nước, tổ chức, cá nhân. Hiến định như vậy mới khắc phục được những rối động xã hội và an dân.

Hà Nội ngày 13/04/2013

T.B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn