Myanmar

Quá trình hòa giải hòa hợp dân tộc

Phạm Hải Hồ

Hai năm qua, từ khi Ông Thein Sein nhậm chức Tổng thống đứng đầu chính quyền dân sự, Myanmar đã có những bước cải cách nhiều mặt khiến thế giới kinh ngạc.

Điều đó chắc hẳn được thúc đẩy bởi một quá trình hòa giải hòa hợp dân tộc, một quá trình hết sức khó khăn, phức tạp, nhất là do hậu quả của chế độ quân phiệt kéo dài gần nửa thế kỷ để lại.

clip_image001

Hình trên: Bà Aung San Suu Kyi và ông Thein Sein trong cuộc gặp gỡ ngày 19 tháng 8 năm 2011 tại dinh Tổng thống (chụp trước ảnh Aung San, anh hùng dân tộc Myanmar và cha của bà Suu Kyi).

“Lộ trình dân chủ” và hiến pháp Myanmar 2008

Cuộc đảo chính năm 1962 của quân đội Myanmar mở đầu một thời kỳ dài đen tối ở đất nước Chùa Vàng. Chính quyền quân phiệt đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ 8888 (ngày 8 tháng 8 năm 1988), hủy bỏ kết quả bầu cử Quốc hội năm 1990 mà Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã giành được 392 trong số 485 ghế, quản thúc lãnh đạo đảng ấy là bà Aung San Suu Kyi, xâm phạm nhân quyền, dân quyền và quyền dân tộc tự trị. Vì thế, Myanmar bị các nước phương Tây cấm vận và Tổ chức ASEAN mà quốc gia Đông Nam Á này là thành viên từ năm 1997 phê phán nặng nề. Duy chỉ có Trung Quốc là hậu thuẫn lớn nhất, chắc hẳn vì tài nguyên phong phú và vị trí chiến lược của nước láng giềng bên bờ Ấn Độ Dương.

Có lẽ là một điều bất ngờ khi vào cuối tháng tám 2003, thủ tướng Myanmar lúc bấy giờ là tướng Khin Nyunt công bố một lộ trình dân chủ gồm bảy giai đoạn [1]:

1. Triệu tập lại Hội đồng Lập hiến Quốc gia vốn đã ngừng hoạt động từ năm 1996.

2. Sau khi tổ chức thành công Hội đồng Lập hiến Quốc gia, từng bước thực hiện các nhiệm vụ nhằm thiết lập một hệ thống dân chủ thực thụ và có kỷ luật.

3. Dự thảo một bản hiến pháp mới dựa trên các nguyên tắc căn bản và các nguyên tắc căn bản chi tiết do Hội đồng Lập hiến Quốc gia đặt ra.

4. Tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới.

5. Tổ chức bầu cử các cơ quan lập pháp theo hiến pháp mới một cách tự do và bình đẳng.

6. Triệu tập các cơ quan lập pháp gồm các đại biểu được bầu theo hiến pháp mới.

7. Xây dựng một quốc gia phát triển và dân chủ bởi các nhà lãnh đạo do Nghị viện bầu, cũng như bởi chính phủ và các cơ quan trung ương khác do Nghị viện thành lập.

Một năm sau khi công bố lộ trình dân chủ, chính quyền quân sự với tên gọi chính thức là Hội đồng Hòa bình và Phát triển Nhà nước (SPDC) đã triệu tập lại Hội nghị Lập hiến (họp lần đầu năm 1993 nhưng ngừng hoạt động ba năm sau đó), lần này với sự tham gia của 1000 nhân sĩ trí thức và đại biểu các cộng đồng dân tộc. Mãi tới đầu tháng tám 2007, hiến pháp hiện hành của Myanmar gồm 457 điều mới được hoàn thành và được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 10/5/2008. Giữa hai thời điểm ấy đã nổ ra những cuộc biểu tình của hàng ngàn nhà sư và hàng trăm ngàn người dân mà chính quyền trấn áp một cách tàn bạo [2].

Hiến pháp Myanmar 2008 vạch ra các định hướng: kinh tế thị trường, chế độ đa đảng và tam quyền phân lập. Nguyên tắc chủ đạo mà mọi thành phần dân tộc, kể cả quân đội và các cơ quan nhà nước phải tuyệt đối tuân theo là “bảo vệ sự toàn vẹn của Liên bang, tình đoàn kết gắn bó của dân tộc và sự trường tồn của chủ quyền quốc gia.

Một trong sáu mục tiêu nhất quán của Myanmar là (điều 6d): “phát triển một hệ thống dân chủ thực thụ, đa đảng và có kỷ luật.” Điều 11 qui định hành pháp, lập pháp và tư pháp “được tách rời tới mức độ có thể, giám sát lẫn nhau, kiểm tra và cân đối giữa chúng với nhau. Không ai có thể đồng thời thuộc về hai nhánh quyền lực [3]. Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp được thiết lập với chức năng xem xét tính hợp hiến của các điều luật, diễn giải và quyết định trong những vấn đề liên quan tới hiến pháp.

Mặc dù có những nhân tố pháp quyền như thế, hiến pháp Myanmar lại dành quyền hạn quá lớn cho Tổng thống, cũng như cho quân đội nói chung và Tổng tư lệnh quân đội nói riêng. Tổng thống vừa là quốc trưởng và người đứng đầu chính phủ Liên bang, vừa là chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia [4]. Điều 6f nêu một mục tiêu quan trọng khác của Liên bang là “tạo điều kiện để Quân đội có thể tham gia vào việc lãnh đạo quốc gia của nhà nước.” Sự tham gia lãnh đạo quốc gia của quân đội được cụ thể hóa trong một loạt điều khoản, trong số đó có những điều khoản qui định các nghị viện Liên bang, Vùng và Bang phải dành 25 % số ghế cho những quân nhân do Tổng tư lệnh quân đội chỉ định với sự chấp thuận của mỗi nghị viện ấy. Chúng cũng cho phép vị tư lệnh tối cao đề cử sĩ quan giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Chuyên trách các vấn đề biên giới trong chính quyền Liên Bang, Vùng, Bang, Khu tự trị. Hơn thế nữa, theo điều 40c: “Nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp […], Tổng tư lệnh quân đội có quyền giành lấy và thực thi quyền lực tối cao của nhà nước. Vì thế, nhiều nhà phê bình cho hiến pháp này là một “trò hề” nhằm củng cố quyền lực của quân đội.

Hiến pháp Myanmar không có mục nói riêng về quyền con người như trong Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 của Quốc hội Việt Nam. Với nguyên tắc “chủ quyền của Liên bang bắt nguồn từ nhân dân” (điều 4), Hội đồng Lập hiến đã tạo ra tất cả 46 điều về quyền và nghĩa vụ căn bản của công dân Myanmar. Họ có quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do lập hội, v.v. trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật cho phép (điều 354). Ngoài quyền bầu cử và ứng cử tự do, đặc biệt công dân Myanmar còn có quyền bãi miễn đại biểu không xứng đáng (điều 38 và 369). Điều 21d qui định: Cần ban hành luật lệ cần thiết để những quyền tự do, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, cũng như những hạn chế đối với công dân được thực hiện một cách hiệu quả, vững vàng và đầy đủ.

Tóm lại, ra đời dưới chế độ độc tài quân sự, hiến pháp 2008 của Myanmar dành quá nhiều quyền cho Tổng thống và Tổng tư lệnh quân đội, cũng như dành ưu thế lớn cho quân đội trong cán cân quyền lực. Dù vậy, nó cũng chứa đựng một số yếu tố của nhà nước pháp quyền và tự do dân chủ mà không phải quốc gia nào, kể cả những quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn đã đạt tới. Đó là: nó được soạn thảo bởi một Hội nghị Lập hiến, được nhân dân phúc quyết qua cuộc trưng cầu dân ý và được bảo vệ bởi Tòa án Hiến pháp; nó chủ trương chế độ phân quyền − dù chưa được cân đối − giữa ba nhánh quyền lực, giữa trung ương và địa phương, giữa nhà cầm quyền và xã hội công dân. Các yếu tố tích cực ấy có thể góp phần đáng kể vào công cuộc dân chủ hóa và đổi mới đất nước Chùa Vàng. Tuy nhiên, điều kiện thiết yếu để thực hiện công cuộc đầy khó khăn trở ngại ấy là nỗ lực hòa giải và hòa hợp dân tộc của cả nhà cầm quyền lẫn phe đối lập.

Quá trình hòa giải hòa hợp dân tộc ở Myanmar

Vừa mới được trả tự do sau cả thảy 15 năm bị quản thúc và giam giữ, bà Aung San Suu Kyi, người được trao giải Nobel hòa bình năm 1991, đã kêu gọi các phe đối lập đoàn kết lại: “Nếu hợp tác với nhau, chúng ta sẽ đạt tới mục tiêu của chúng ta.” Bà muốn lắng nghe “tiếng nói của nhân dân” rồi sẽ quyết định làm gì. Đồng thời bà cho biết mình không oán giận chính quyền quân sự và muốn đạt được sự hòa giải dân tộc bằng cách đối thoại. Về phía chính quyền, sau khi đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) thân quân đội chiếm đa số ghế trong kỳ bầu cử nghị viện, ngày 30/03/2011, cựu tướng lĩnh và Chủ tịch USDP Thein Sein tuyên thệ nhậm chức Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar. Không đầy năm tháng sau, ông có buổi làm việc lịch sử với bà Aung San Suu Kyi. Nội dung buổi họp không được công bố, nhưng cả hai người đều cho đó là một cuộc trao đổi “tốt và thẳng thắn”. Chắc hẳn họ có những thỏa thuận không dễ dàng, như chúng ta có thể mường tượng qua phát biểu của bà Suu Kyi từng nổi tiếng về tính cương quyết, không nhân nhượng trong thời gian mất tự do: “Chúng tôi đang học kỹ năng thỏa thuận với nhau.”

clip_image003

Một cuộc biểu tình ở Yangon trước một cổng chùa Shwedagon.

Cuối tháng 9 cũng trong năm 2011, khi người dân ở bang Kachin cùng với bà Suu Kyi bày tỏ nỗi lo lắng bất an về dự án xây dựng đập Myitsone, Tổng thống Thein Sein ra lệnh ngừng dự án ấy vì theo ông, “nó trái với ý chí của nhân dân”. Đó là một dự án khổng lồ trị giá 3,6 tỉ đô la do Công ty đầu tư điện lực Trung Quốc đầu tư xây dựng. Nếu nó được thực hiện, chính quyền sẽ phải di dời 60 làng, hầu hết điện sản xuất được sẽ chuyển sang Trung Quốc và như trong những công tŕnh tương tự như thế, hàng ngàn công nhân từ nước láng giềng phương Bắc sẽ đến đây làm việc, gây thêm căng thẳng với người dân bản xứ hầu như chẳng được lợi ích gì từ dự án. Vị Tổng thống đã có quyết định hợp lòng dân, mặc dù có thể làm Trung Quốc phẫn nộ vì nước này đã từng ủng hộ chính quyền Myanmar, bất chấp lệnh cấm vận của phương Tây và cung cấp 7 tỉ trong số 10 tỉ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài cho Myanmar.

Rồi cải cách nối tiếp cải cách như một chuỗi hạt trai: trả tự do cho hàng ngàn tù nhân chính trị, hợp pháp hóa việc thành lập công đoàn, thoả thuận ngừng bắn với 10 trong số 11 lực lượng ly khai, cho phép phe đối lập tham gia cuộc bầu cử bổ sung vào ngày 1/4/2012, bãi bỏ chế độ kiểm duyệt truyền thông (tháng 4-2012), tháo gỡ sắc lệnh cấm tụ tập đông người (cuối tháng 1-2013), cấp giấy phép hoạt động cho báo tư nhân (tháng 4-2013) v.v. Mặc dù những bước cải cách ấy có thể nằm trong “lộ trình dân chủ” nói trên, chúng ta không thể phủ nhận vai trò tích cực của ông Thein Sein và bà Suu Kyi. Trong lần phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc họp vào mùa thu năm vừa qua, tổng thống Myanmar đã nói về người lãnh tụ đối lập như sau: “Bà Aung San Suu Kyi đã đóng một vai trò chủ yếu trong quá trình cải cách. Bà là đại biểu quốc hội và làm việc trong nhiều dự án cải cách. Bà là một đồng sự tốt và tôi tin chắc rằng bà sẽ tiếp tục hợp tác với chúng tôi nhằm đạt tới những mục tiêu chung của chúng tôi cho đất nước.

Tuy thế, tiến trình dân chủ hóa và hòa giải hòa hợp dân tộc ở Myanmar cũng gặp phải trở ngại từ cả phe bảo thủ trong giới cầm quyền lẫn những thành phần đối lập cứng rắn, cũng như khó khăn do những nhóm quá khích cực đoan gây ra. Đến nay, phe bảo thủ chịu chấp nhận đường lối của phe chủ trương cải cách do Tổng thống Thein Sein cầm đầu và không lên tiếng phản đối cả khi ông cải tổ nội các nhằm đẩy mạnh tiến trình cải cách. Ngoài sức mạnh của phong trào dân chủ dân sinh ra, nỗi đau tụt hậu về kinh tế, tình trạng cô lập và lệ thuộc vào Trung Quốc cũng có ảnh hưởng lớn đến thái độ của phe bảo thủ Myanmar.

Khó khăn lớn nhất của Myanmar là những vấn đề kinh tế như hạ tầng cơ sở lạc hậu, tệ nạn quan liêu tham nhũng và tình trạng thiếu chuyên gia nghiêm trọng. Mặc dù các nước phương Tây đã lần lượt bãi bỏ cấm vận và sẵn sàng đầu tư vào đất nước giàu tiềm năng ấy nhưng dĩ nhiên họ còn phải đợi khung pháp lý được cải thiện. Nhưng kinh tế không phải là chủ đề của bài này. Nó chỉ được nhắc tới vì một số vấn đề kinh tế - xã hội có thể gây trở ngại lớn cho tiến trình hòa giải hòa hợp dân tộc, chẳng hạn như sự phân hóa giàu nghèo hay mâu thuẫn về đất đai giữa đa số người dân cần đất để sinh sống và những nhóm lợi ích đầy quyền lực câu kết với một số tập đoàn lắm tiền nhiều của.

Tuy nhiên, các thành quả Myanmar đạt được trong thời gian qua cùng với sự hợp tác hiệu quả giữa chính quyền và phe đối lập mà lãnh đạo là những người có tâm và có tầm như Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi cho phép chúng ta hy vọng nước bạn sẽ vượt qua mọi chông gai trở ngại, vững bước trên con đường hòa bình, độc lập, dân chủ và phồn vinh.

P. H. H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Chú thích:

[1] Trích đoạn này, tác giả dịch từ tài liệu “The Seven Step “Roadmap to Discipline-Flourishing Democracy” by Prime Minister General Gen Khin Nyunt”; các trích đoạn về hiến pháp cũng do tác giả dịch (từ: Constitution of the Republic of the Union of Myanmar, 2008).

[2] Xem tài liệu Human Rights Documentation Unit: Bullets in the Alm Bowl. Không chỉ bị “nhân tai”, Myanmar còn phải chịu thiên tai nặng nề: Trước ngày trưng cầu dân ý một tuần, cơn lốc Nargis đã tàn phá vùng châu thổ sông Irrawaddy, khiến hơn 60.000 người thiệt mạng và khoảng 1,5 triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, cần được cứu trợ khẩn cấp.

[3] Vì vậy nên khi 48 đại biểu nghị viện chuyển sang công tác bên chính phủ, một cuộc bầu cử bổ sung 45 ghế trống được tổ chức vào tháng tư 2012. Ba ghế thuộc bang Kachin phải để trống vì bang này đang ở trong tình trạng chiến tranh. Qua cuộc bầu cử bổ sung, đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã chiếm cả 44 ghế mà họ ứng cử, đảng cầm quyền SPDC chỉ được một ghế duy nhất.

[4] Hội đồng Quốc phòng và An ninh gồm các thành viên sau: Tổng thống (chủ tịch), hai Phó Tổng thống, Chủ tịch Hạ nghị viện Liên bang, Chủ tịch Thượng nghị viện, Tổng tư lệnh, Phó Tổng tư lệnh quân đội, các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Chuyên trách các vấn đề biên giới (điều 201). Với các thành viên có quyền lực cao nhất nước, hội đồng này có quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng, nhất là trong trường hợp khẩn cấp. Vì vậy, nó có thể được so sánh với Bộ Chính trị của Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

Ahmed, Akbar and Akins, Harison, 2012. “Aung San Suu Kyi, the Rohingya of Burma and the Challenge of Faith”. Brookings, October 24.

Anh Duy, 2013. “Myanmar: “Báo mới đây!” ”. Tuổi Trẻ, 10.4.

ANI, 2011. “Burmese state media threatens Suu Kyi with ‘tragic end’ over ending sanctions stance”. Thaindian News, February 15th,.

Aung Hla Tun, 2008. “New Myanmar constitution gives military leading role”. Reuters Feb 19.

Aung Zaw, 2013. “Are Myanmar’s Hopes Fading?”. The New York Times, April 24.

Ballweg, Silke, 2013. “Ein Land im Umbruch. Myanmar auf Öffnungskurs”. Deutschlandfunk, 24.3.

2008. Constitution of the Republic of the Union of Myanmar.

Gärtner, Uta (Interviewt durch Rüdiger Göbe), 2007. “Das Militär wird nicht in die Knie gehen”. Aus: junge Welt, 27. September.

Germund, Willi: Mit fein aufeinander abgestimmten Farben. Frankfurter Rundschau 19.9.2012.

Human Rights 2008. Human Rights Documentation Unit: Bullets in the Alm Bowl. An Analysis of the Brutal SPDC Suppression of the September 2007 Saffron Revolution. March.

Leckie, Scott, 2013. “Myanmar's ‘worrying’ transition”. DW, 15.3.

List, Andreas (Interviewt von Rainer Einzenberger), 2013. “Die politischen Reformen sind hausgemacht”. Südwind-Magazin 02.

Mackay, Graeme: Can Thein Sein and Aung San Suu Kyi Bring About a Real Union of Burma? International Bsiness Times, Dec 4, 2012.

Nguyễn Trung, 2013. “Câu chuyện Myanmar”. BVN, 28/02.

Soe Zeya Tun, 2013. “Suu Kyi draws rare rancor over Myanmar mine report”. Reuters 14.3.

Taylor, Robert H. 2012. “Myanmar: from Army Rule to Constitutional Rule?”. Asian Affairs, vol. XVIII, no. II, July.

Prime Minister General Gen Khin Nyunt 2010. “The Seven Step “Roadmap to Discipline-Flourishing Democracy”. In: Democracy and Discontent: The 2010 Elections in Myanmar. The Australian Institute of International Affairs.

Will, Gerhard (interviewt von Yuhan Zhu), 2012. “Proteste richten sich nicht nur gegen China”. DW, 10.12.

Worsnip, Patrick, 2008. “Nobel laureates urge U.N. sanctions on Myanmar”. Reuters, Feb 19.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn