Niềm tin chiến lược

Tô Văn Trường

Nhà báo Vũ Lương – Nguyễn Trung Thành và nhiều người nhắn tín, gọi điện cho tôi đề nghị bình luận bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Shangri-la vừa qua. Lướt nhanh trên mạng và qua trao đổi với một số bạn hữu, tôi nhận thấy có các luồng ý kiến sau đây.

Luồng ý kiến thứ nhất

Cần thấy một điều cơ bản là bài phát biểu của Thủ tướng thể hiện một sự hoàn thiện, chuẩn xác hơn về tư duy chiến lược nói chung, đối với vấn đề Biển Đông và ASEAN nói riêng. Ngoài ba điểm mà Thủ tướng đã trình bày, cần lưu ý thêm đến phần cuối nói về Việt Nam. Trong phần này, cần đặc biệt quan tâm đến câu đầu tiên: “Trong lịch sử mấy ngàn năm, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra.”. Đây là câu nói chủ yếu đối với Trung Quốc, Thủ tướng phát ngôn đúng với quan điểm chiến lược của Đảng. Cũng cần thấy rõ hơn mối quan hệ giữa bài phát biểu này với các hoạt động kỷ niệm cuộc chiến tại đảo Gạc Ma thì mới nhận thức được sâu sắc hơn sự chuyển biến và phát triển tư duy chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương nói chung, của Bộ Chính trị nói riêng, về các lĩnh vực này.

Luồng ý kiến thứ hai

Lòng tin chiến lược cần thể hiện trên hành động. Trung Quốc chỉ "nghĩ ra" việc đòi chủ quyền theo đường lưỡi bò xâm phạm chủ quyền của nhiều nước khác khi Trung Quốc đã trở nên hùng mạnh. Vậy theo logic đó, thì Trung Quốc sẽ đòi chủ quyền ở nhiều nơi khác nữa trên thế giới khi Trung Quốc mạnh hơn nhiều lần hiện nay?! Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không tiện trả lời câu hỏi của vị đại biểu người Trung Quốc rằng hiện nay ai là người đã đang thể hiện sức mạnh áp đặt và đe doạ. Nhưng thực tế ai mà chẳng biết hiện nay ai là người đang cậy sức mạnh mới trỗi dậy để "đòi" cái này, "đòi" cái kia về bản chất không phải là của mình! Muốn để người ta tin, thì hành động của bản thân không được bằng hành động chống đối lại lòng tin đó. Vậy điều kiện để có được lòng tin chiến lược là hành động chiến lược phải vì cộng đồng thế giới: Tôn trọng và gìn giữ hoà bình, tôn trọng quyền sở hữu và quyền lợi của các nước khác, nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp quốc tế và luật chơi chung. Trên thực tế người ta không thấy nước Mỹ dùng sức mạnh để chiếm đất đai, vùng biển của các nước xung quanh. Mong rằng Trung Quốc cũng làm như Mỹ và nhiều nước lớn khác để có được lòng tin chiến lược trước con mắt cộng đồng thế giới!

Luồng ý kiến thứ ba

Lâu lắm rồi mới đọc được một văn bản súc tích, thông minh và giàu tính chiến đấu như thế. Điều này cho thấy, trên lĩnh vực đối ngoại, chúng ta có những cán bộ xứng tầm. Sở dĩ họ chưa thể hiện được tầm mức họ có là do bị trói buộc vào sự lú lẫn của một chiến lược, đẩy tới nhiều sách lược sai lầm, làm cho Việt Nam bị cô lập với trào lưu dân chủ và tiến bộ của thế giới. Lạc điệu với thế giới vì bị kiềm tỏa bởi chủ nghĩa bành trướng Đại Hán được một bộ phận chủ chốt và hiếu chiến trong giới cầm quyền Bắc Kinh một mặt hù dọa về sức mạnh của một siêu cường đang lên, mặt khác lừa mị bởi chiêu bài cùng chung ý thức hệ và 16 chữ bịp bợm. Vì thế, trong từng lúc, từng lĩnh vực, lúc đậm, lúc nhạt bị sự giảo hoạt và nham hiểm ấy bắt làm con tin, đi ngược lại ý chí và nguyện vọng của dân. Trong bối cảnh ấy, người, những người, soạn thảo văn bản này cần được trân trọng và tôn vinh. Mong sao những tầm vóc tư duy này được tạo điều kiện để phát huy mạnh mẽ. Đương nhiên, điều này rất khó trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, sự vận động tự thân của cuộc sống, trong đó có sự vận động và phát triển của mỗi cá nhân không phải là "tuần tự nhi tiến", người đi sau giẫm lên dấu chân của người đi trước theo tuyến tính, mà là phi tuyến tính với những bước hợp trội đẩy tới những đột phá không sao tiên đoán hết được. Cuộc sống, vì vậy, sẽ phá bỏ mọi rào cản, mở đường đi tới.

Luồng ý kiến thứ tư

Lòng tin phải được chứng minh qua hành động cụ thể, không thể bằng lý sự loanh quanh, tránh né vì quá sợ hãi! Người dân Việt có thể tin người bạn Trung Quốc hiếu chiến, đang lởn vởn ngoài biển khơi, trên thềm lục địa của Việt Nam? Lòng tin chỉ hình thành khi nhà cầm quyền Bắc Kinh từ bỏ chính sách bành trướng, âm mưu ăn cướp biển đảo hòng độc chiếm Biển Đông! Không dám đặt thẳng thắn vấn đề chủ quyền với kẻ hiếu chiến là "thông điệp" gì đây? Tại sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không đòi hỏi phía Trung Quốc phải chấm dứt mọi hành động gây bất ổn, trấn áp ngư dân tại diễn đàn quốc tế này? Sợ hay đã bị "khống chế" từ Bắc Kinh trước khi đặt chân đến Singapore? Tương tự, nhìn vào tình hình trong nước, niềm tin của nhân dân đối với nhà cầm quyền cũng đang bị bào mòn nghiêm trọng liệu phải phục hồi "lòng tin chiến lược" bằng cách nào đây khi lời nói không đi đôi với việc làm? "Lòng tin" không thể ăn xin van nài mà có, chớ ảo tưởng!

Quan điểm của người viết bài này

Phải công nhận, đây là sự kiện Thủ tướng gây được tiếng vang. dù có khen chê khác nhau thì vẫn phải ghi nhận. Khách quan mà nói đó là một bài phát biểu tốt (tốt hơn nhiều những thông điệp gần đây của các lãnh đạo Việt Nam khác trước Trung Quốc). Nhưng cần phân biệt một cách tinh tế: Không rõ văn bản này ai chấp bút? Và khi Thủ tướng trả lời phỏng vấn, thì giữa hai loại ngôn từ: Đọc (có người chấp bút), và trả lời trực tiếp (tư duy của Thủ tướng), có quá vênh nhau không?

Có điều cần nói, nếu đó là bài phát biểu của Thủ tướng Đông Nam Á, hay Thủ tướng Châu Á thì phù hợp hơn vì nó còn chung chung quá – phần liên hệ đến Việt Nam vẫn còn khá mờ nhạt, có ý né tránh. Những bức xúc của riêng Việt Nam và những ngạo ngược của Trung Quốc chưa được thể hiện rõ. Lẽ ra cần đưa ra một số dẫn chứng về việc Trung Quốc đang bắt nạt các nước trên Biển Đông như thế nào. Càng không thể đánh đồng các nước lớn – vì Mỹ có làm gì đe doạ Biển Đông đâu. Ở đây chỉ có một kẻ cướp gần như là duy nhất, tham lam và hung bạo nhất – đó là Trung Quốc với chủ nghĩa bành trướng. Nước mình bé nhỏ so với Trung Quốc nhưng cũng không phải là một nước quá nhỏ so với thế giới, thậm chí về quy mô dân số thì cũng thuộc loại “cường quốc” chứ không phải vừa. Ta tuy không đọ được với Trung Quốc về sức mạnh cơ bắp thì phải phát huy bản lĩnh và trí tuệ mà cha ông ta ngày xưa đã làm được. Thời nay có vẻ sau nhiều thế hệ “phú quý giật lùi” thì bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam ngày càng tụt lại so với tiền nhân xưa và so với người anh em 16 chữ vàng tham lam kia.

Một chủ đề được nêu nhiều lần trong bài là "niềm tin chiến lược". Khái niệm này được Tập Cận Bình phát biểu ở Mỹ trong chuyến thăm tháng 2-2012, gắn nó với sự tôn trọng lợi ích cốt lõi (ta đều biết trong đó có lợi ích ở Biển Đông) cùng những mối quan ngại then chốt của mỗi bên (Trung Quốc và Mỹ). Việc lặp lại khái niệm đó có thể bị đánh giá như một cách nói theo đuôi không? Trong khi Nhật, Mỹ và cả Philippines nêu thẳng những hành động xấu của Trung Quốc, cách nói của ta phải chăng là một kiểu biểu thị thái độ không tự tin, nhất là không tin vào dân, nơi cần nhất "lòng tin chiến lược"!

Người dân mong rằng các vị lãnh đạo trước hết hãy xây dựng lòng tin chiến lược trong nội bộ dân tộc Việt Nam. Làm sao có thể tin được khi mà trên mạng lại thấy cảnh công an tiếp tục ngăn chặn, bắt bớ hàng chục người trong cuộc biểu tình chống hành động xâm lược của Trung Quốc. Thủ tướng nói rất chính xác “Mất lòng tin là mất tất cả”! Bài nói chuyện của Thủ tướng tuy còn nhiều “hạt sạn” nhưng vẫn là dấu son trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều nhiễu nhương như hiện nay và áp lực, thủ đoạn ngày càng gia tăng của anh bạn bành trướng phương Bắc.

T. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn