Vụ Luận văn về Mở Miệng: còn cơ hội nào cho ngành KHXH&NV?

TS Nguyễn Thị Từ Huy

Vẫn biết rằng những gì nói ra ở đây có thể chẳng ai nghe, có thể chẳng nhận được sự hồi đáp nào, mà có khi lại tự gây nguy hiểm cho bản thân, chuốc lấy sự thù ghét của đồng nghiệp. Nhưng đã cầm bút thì không làm khác được.

Mặt tích cực của vụ đàn áp luận văn về Mở Miệng là gì? Là người ta đã tìm thấy cái gì đó để đàn áp. Nghĩa là Đỗ Thị Thoan và Khoa Ngữ Văn ĐHSPHN đã làm ra và thông qua một sản phẩm khoa học khiến cho phái thủ cựu phải nổi giận. Hãy hình dung nếu cả một nền nghiên cứu mà chỉ có các sản phẩm làm hài lòng phái thủ cựu thì khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam sẽ bi đát đến mức nào.

Khoa Ngữ Văn ĐHSPHN, trong cả truyền thống của mình, là nơi đã nuôi dưỡng tinh thần tự do nghiên cứu, là nơi, dưới ảnh hưởng của những trí thức tây học, nho học và Nga học trực tiếp làm việc ở Khoa, trong một bối cảnh đầy khó khăn, vẫn lặng lẽ thực hiện một lề lối làm việc dân chủ, lặng lẽ giới thiệu các trường phái mới, các tư tưởng mới trên thế giới, lặng lẽ tìm lại các giá trị của văn học miền Nam trước 75, tìm đến với thành tựu của văn học Việt Nam hải ngoại, lặng lẽ đổi mới các hướng nghiên cứu và ủng hộ những khuynh hướng cách tân của các nghệ sĩ đương đại. Cần nói rằng, tuy không phải là tất cả nhưng nhiều giảng viên ở đó đã tạo ra những mạch ngầm cho nghiên cứu, âm thầm tưới tắm, truyền nhựa sống, tạo điều kiện cho những tiếng nói độc lập trong nghiên cứu văn học có thể hình thành. Nhã Thuyên là một trong số những tiếng nói đó.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu truyền thống đó có chấm dứt cùng với vụ việc của thạc sĩ Đỗ Thị Thoan? Liệu những người đang điều hành và đang làm việc tại Khoa Ngữ Văn hiện nay có giữ được truyền thống của các thế hệ đi trước họ ? Vụ đàn áp luận văn về Mở Miệng có thành công không ?

Trước hết, đến thời điểm chúng tôi viết bài này, có thể thấy là chiến dịch đàn áp đã đạt được những mục tiêu nhất định: tác giả luận văn bị cho thôi việc. Người hướng dẫn khoa học bị cách chức (thông tin này cho đến nay vẫn chưa được cải chính). Kết quả này chứng tỏ hai điều: phái bảo thủ vẫn đang rất mạnh; những người có xu hướng đổi mới (trong trường hợp cụ thể này) tuyệt đối chấp nhận hình phạt, hầu như không có phản ứng tự vệ, và rất ít người trong giới nghiên cứu và giảng dạy văn học ở đại học Việt Nam lên tiếng về vụ việc. Điều này phải chăng chứng tỏ rằng phái cấp tiến hiện đang rất yếu, cả về bản lĩnh xã hội lẫn về bản lĩnh khoa học? Sau vụ này, theo logic thuận chiều, giới đại học sẽ càng dè dặt hơn nữa, những người trẻ càng «thận trọng» hơn, có nghĩa là càng phục tùng hơn và càng đánh mất bản lĩnh hơn, càng dễ chấp nhận dừng lại ở những gì đảm bảo sự an toàn, càng tránh xa những gì bị coi là «nhạy cảm» (và như thế thì cái bị hủy diệt sẽ là khoa học). May ra thì mọi thứ diễn ra theo một logic ngược: đàn áp sẽ thúc đẩy phản kháng, nhưng cho đến nay, trong giới đại học chưa thấy có các dấu hiệu khả dĩ của logic ngược này.

Dù những người đứng sau vụ này là ai, dù động cơ, mục đích của họ là gì thì họ cũng đã tạo cơ sở để kéo lùi cả nền KHXH&NV chính thống ở Việt Nam tụt hậu hơn nữa trong cả một thời gian rất dài, chưa biết tới bao lâu, nếu như những người nghiên cứu trong lĩnh vực này không đủ sức đề kháng và không đủ nội lực, tức là không đủ vững vàng về chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp. Nếu nguyên nhân của vụ Luận văn về Mở Miệng không phải xuất phát từ những hiềm khích cá nhân mà xuất phát từ một chủ trương thì có nghĩa KHXH&NV ở Việt Nam khó mà có thể sống sót. Bởi điều này giờ đây đã trở thành chân lý: không có tự do học thuật thì khoa học không thể phát triển được. Không rõ phái phê bình dao búa có hiểu điều này: vụ án mà họ đang dựng lên không phải chỉ dành cho một mình Đỗ Thị Thoan hay nhóm Mở Miệng, mà tinh thần khoa học và chính bản thân nền khoa học đang bị kết án. Nền KHXH&NV có thể chết dưới những nhát dao mù quáng của họ.

Mặt khác, phản ứng của giới đại học (thuộc lĩnh vực KHXH&NV) về vụ việc của Đỗ Thị Thoan, tại thời điểm này, và nếu tiếp tục như thế trong thời gian tới, có thể là dấu hiệu cho một sự suy tàn khó tránh khỏi của nền KHXH&NV. Phản ứng đối với vụ việc và sự «xử lý» (không rõ là tự nguyện hay bị ép buộc) dành cho Đỗ Thị Thoan (xét trên các phương diện: bản lĩnh khoa học, quy cách làm việc và quan hệ đồng nghiệp) chưa cho thấy cái gì khác hơn ngoài một khối băng giá đang ngự trị trong cả giới, đặc biệt là ở cơ quan nơi Đỗ Thị Thoan làm việc. Nếu làm một tổng kết ngắn sẽ thấy: phản ứng đến sớm nhất và nhiều nhất là từ các trí thức hải ngoại, giới nhà văn, giới nhà báo và blogger. Có phản ứng của một người đang làm việc trong giới đại học là TS.Vũ Thị Phương Anh, nhưng chuyên môn không thuộc lĩnh vực văn học – bình luận: đây là một sự can đảm hiếm thấy và đáng ghi nhận ; và sự lên tiếng của GS. Trần Đình Sử, thuộc giới đại học nhưng đã về hưu. Giới nghiên cứu có Phạm Xuân Nguyên, Lại Nguyên Ân, Cao Việt Dũng phát biểu chính thức. Khoa Ngữ Văn, trường ĐHSPHN, nơi Đỗ Thị Thoan từng làm việc và đã bị xử lý, chưa có ai trực tiếp lên tiếng về vụ việc, cho đến thời điểm này. Bản thân tác giả luận văn cũng chưa lên tiếng với tư cách là một người làm nghiên cứu, mặc dù đã tỏ thái độ trên blog riêng của mình bằng một văn bản mang tính văn học, chứ không phải là một văn bản khoa học. Theo nhìn nhận của tôi, tác giả luận văn, dù rằng không có cách nào để đối phó với sự xử lý của cơ quan (ai ở hoàn cảnh đó mà bị xử lý như vậy thì cũng phải chịu, chỉ trừ phi được cơ quan bảo vệ), nhưng hoàn toàn có đủ khả năng để tự bảo vệ thành quả nghiên cứu của mình chống lại những công kích vốn chẳng có mấy đảm bảo về phương diện khoa học của phái phê bình dao búa.

Đằng sau sự im lặng của giới đại học (xin nhắc lại: giới hạn ở lĩnh vực KHXH&NV, và tính cho đến thời điểm này, đã hơn hai tháng kể từ «phát súng» đầu tiên trên Văn nghệ Tp HCM) có thể đọc thấy điều gì? Nỗi sợ hãi? Sự hạn chế về năng lực chuyên môn? Sự tê liệt khả năng phản ứng? Sự thờ ơ vô cảm (coi đấy không phải là việc của mình)? Sự chuẩn bị tâm lý cho một quá trình chịu đựng vô điều kiện những áp đặt từ trên xuống, bất kể những áp đặt đó phi lý như thế nào, một quá trình chịu đựng lâu dài chưa biết bao giờ mới kết thúc? Chắc hẳn không ít người ngụy biện với lập luận: «Đôi khi im lặng cũng là cần thiết» mà không thấy rằng sự im lặng đã là lựa chọn triền miên của cả giới. Im lặng không còn là «đôi khi» nữa mà đã là một trạng thái thường trực rồi, thế nhưng khi cần thì nó vẫn có thể trở thành lý lẽ của ngụy biện.

Điều gây tuyệt vọng không phải chỉ là sự tái bùng nổ đáng ngạc nhiên của những cây bút phê bình dao búa (tuy nhiên cần thừa nhận rằng chưa có cách nào kiểm chứng được việc số lượng lớn các bút danh được sử dụng là của một vài người hay thực sự là của nhiều người khác nhau) với sự hỗ trợ của một bộ phận thuộc báo chí chính thống, mà còn là (và có lẽ chủ yếu là) biểu hiện của thái độ chấp nhận đầu hàng ở giới đại học. Chính sự chấp nhận này rất có thể sẽ đẩy KHXH&NV vào tử lộ.

Trong khi đáng lẽ nhân cơ hội này cả giới phải đoàn kết với nhau để đòi một sinh lộ cho khoa học xã hội và nhân văn, đòi quyền tồn tại cho ngành khoa học này. Hy vọng sẽ có một bộ phận báo chí chính thống ủng hộ họ nếu họ đưa ra được các lập luận khoa học. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của giới truyền thông vì công lý và tiến bộ hiện đang rất phát triển, họ có thể dùng lý luận (là thứ mà các cây búa phê bình không có, người cao thủ nhất về lý luận trong số họ là ông Nguyễn Văn Dân thì đã bị ông Lại Nguyên Ân phản bác) để, một mặt, thừa nhận rằng phái phê bình dao búa có quyền có cách nhìn nhận riêng, mặt khác chỉ ra rằng các nhà nghiên cứu cũng phải có quyền đi tới chỗ chỉ ra sự thật của đối tượng nghiên cứu, bởi mục đích của khoa học là khám phá ra các sự thật. Nếu đối tượng nghiên cứu (trong trường hợp này là tác phẩm văn học) thể hiện tinh thần phản kháng thì phải chỉ ra tinh thần phản kháng đó. Nếu đối tượng nghiên cứu có màu sắc chính trị hoặc cổ vũ cho một khuynh hướng chính trị nào đó, hoặc chống đối một khuynh hướng chính trị nào đó, thì người nghiên cứu có nghĩa vụ phải chỉ ra tất cả những điều đó. Nếu đối tượng nghiên cứu thể hiện cái tục, cái xấu và cái ác thì trách nhiệm khoa học của người nghiên cứu là phải nêu ra được điều đó. Khi một công trình khảo cứu như cuốn «Thế mà là nghệ thuật ư ?» đã được dịch ra tiếng Việt thì nghệ thuật về cái xấu và cái ác đâu còn xa lạ với công chúng Việt Nam nữa? Tại sao các nhà nghiên cứu không được phép đề cập đến nó?

Người nghiên cứu cũng có quyền nhìn đối tượng theo cách của mình, có quyền đưa ra một quan điểm nghiên cứu và chứng minh quan điểm đó bằng các lý lẽ lập luận được thể hiện trong công trình của mình. Quan điểm đó đúng hay sai, có thuyết phục người khác hay không, đó là chuyện cần phải tranh luận, nhưng người nghiên cứu không thể bị vùi dập vì quan điểm của mình.

Để đi tới nhận thức về tự do học thuật, tự do tư duy, nhân loại đã phải trải qua bao nhiêu kinh nghiệm xương máu, từ cái chết của những người vĩ đại như Socrate, Bruno, những người chỉ vì đưa ra một cách nhìn nhận khác với các đồng loại đương thời mà phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Bruno bị thiêu chết vì chỉ ra rằng không phải trái đất, mà mặt trời mới là trung tâm của vũ trụ. Giờ đây còn ai không thừa nhận điều đó?

Giới đại học có thể thừa nhận quyền tồn tại của quan điểm được đại diện bởi các cây bút phê bình dao búa (cần phân biệt giữa quan điểm về văn chương của phái phê bình dao búa, là thứ họ có thể giữ, với việc đòi xử phạt hành chính như sa thải, cách chức, là những thứ không thể chấp nhận được trong thời đại ngày nay), nhưng cần phải đòi cho khoa học xã hội nhân văn cũng được quyền tồn tại với các quan điểm khác nhau, với các phương pháp nghiên cứu khác nhau, phải đòi quyền được chỉ ra sự thật của đối tượng nghiên cứu. Nếu không có những điều đó, sẽ không có KHXH&NV.

Phái phê bình dao búa có thể quyết tử bảo vệ quan điểm và cách nhìn nhận của mình. Tôi nghĩ rằng họ có quyền đó, và chẳng ai tước đoạt quyền đó của họ cả. Nhưng họ cũng phải chấp nhận rằng những người có quan điểm khác cũng có quyền được trình bày, được bảo vệ, được chứng minh các quan điểm đó. Nếu cứ để cho phái phê bình dao búa toàn quyền chém loạn xạ vườn (đại học) hoang như hiện nay thì sao? Thì giới đại học vẫn sống nhưng KHXH&NV sẽ chết. Cái bị những người phê bình dao búa giết chết không phải là giới đại học, không phải là những giảng viên hay nghiên cứu viên, những người này thì vẫn sống thôi, vẫn lên lớp dạy sinh viên thôi, vẫn tiếp tục làm các đề tài nghiên cứu thôi, nhiều người trong số họ còn rất giàu có và quyền lực nữa. Cái bị phê bình dao búa giết chết chính là tinh thần khoa học và bản thân nền khoa học. Và báo chí chính thống Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm vì đã hỗ trợ cho công cuộc tàn sát ngành KHXH&NV, nếu họ không chịu đăng những bài trao đổi lại của những người thuộc giới bị đánh.

Dẫn chứng dưới đây có thể xem là một triệu chứng (symptôme) của căn bệnh nan y mà nền KHXH&NV ở Việt Nam mắc phải, khi mà giới nghiên cứu và giảng dạy đại học ngành này tự đặt câu hỏi về mục đích nghề nghiệp như thế này: «Những người làm nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học cần phải làm gì để góp phần vào sự phát triển đúng hướng của sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học trong tương lai ?»[1].

Phát ngôn này tỏ ra đầy tham vọng. Nếu đây là một phát biểu mang tính ngẫu nhiên thì dù nó đáng bị đem ra mổ xẻ nhưng còn có thể chưa làm mất hết hy vọng. Nhưng nếu nó là một tham vọng có ý thức thì có thể thấy tương lai của ngành nghiên cứu và phê bình văn học mù mịt như thế nào.

Bởi chính «sự phát triển đúng hướng» này sẽ giết chết cả nghiên cứu lẫn sáng tác. Vì ở Việt Nam, chẳng cần nói ra, ai cũng biết cái hướng được cho là «đúng» là hướng nào.

Giới sáng tác của Việt Nam, trong nửa thế kỷ qua, nếu có thành tựu nào đều là nhờ ở các nhà văn đã «phát triển không đúng hướng». Dù sao thì, ở đâu cũng thế, các nhà văn đích thực luôn tự họ quyết định đi đâu, và hướng nào mới là đúng với họ, họ sẽ không để ai quyết định hộ công việc của họ. Đấy là chưa nói đến trường hợp nhiều người đã trở thành nhà văn vì mất định hướng, vì không thể tương hợp được với thế giới, vì muốn vượt qua sự rạn nứt hay cái vực thẳm được tạo ra giữa họ và thế giới. Đồng thời nhiều nhà văn đã trở nên xuất sắc khi biến sự mất phương hướng đó thành một cuộc kiếm tìm và hoàn thiện nhân cách cá nhân thông qua sáng tạo nghệ thuật.

Giới nghiên cứu, trong những thập kỷ qua, nếu có được một số đóng góp thì bởi nhờ một số nhà nghiên cứu dám đi chệch hướng mà giới thiệu và ứng dụng một số khuynh hướng nghiên cứu trên thế giới, để giới thiệu những nghiên cứu về cách tân trong văn học và để đa dạng hóa các phương pháp nghiên cứu: thi pháp học, phân tâm học, chủ nghĩa hình thức Nga, giải cấu trúc, hậu hiện đại… Nếu không thì bức tranh nghiên cứu đã chỉ có một hướng chủ đạo duy nhất là hướng mà phái phê bình dao búa đang bảo vệ.

Bản chất của sáng tạo là tạo ra cái mới, tạo ra một cái gì chưa tồn tại trước đó. Vì vậy sự «phát triển đúng hướng» mâu thuẫn một cách cốt tử với tinh thần sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Đã sáng tạo thì mọi sự định hướng sẽ trở nên vô nghĩa, người nghệ sĩ chỉ còn bị dẫn dắt bởi nhu cầu nội tâm, nhu cầu tinh thần, khát vọng làm ra cái đẹp và khát vọng khám phá chân lý, chân lý theo nhận thức của anh ta, chân lý do anh ta tạo ra cùng tác phẩm của mình. Nếu đã bị định hướng từ trước bởi nhận thức của người khác thì không bao giờ có sáng tạo. Tham vọng «góp phần vào sự phát triển đúng hướng của sáng tác» này trên thực tế là một tham vọng khai tử nghệ thuật.

Còn nghiên cứu, nếu nó có thể phát triển là bởi nó không biết trước hướng nào đúng và hướng nào sai, bởi nó phải tìm kiếm, phải nghiên cứu trước khi xác định cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì thậm chí không thể hay chưa thể xác định đúng sai, chứ không phải bị dẫn dắt đi thẳng tới chỗ có đặt sẵn một thứ đã xác định trước là đúng.

Chúng ta, trong quá khứ đã «phát triển đúng hướng», quá đúng hướng là đằng khác, giờ đây lại cố gắng tiếp tục «phát triển đúng hướng» cả trong tương lai, mà sao vẫn cứ phải mò mẫm trong lạc hậu và kém phát triển như thế này?

Bao nhiêu năm mở cửa, giao lưu với thế giới bên ngoài mà KHXN&NV chúng ta vẫn chẳng tiến lên được bao nhiêu. Vì chúng ta chỉ được phép đi theo một hướng được xem là đúng, chỉ được phép lựa chọn những cái gì phù hợp với cái đã được xác định là đúng. Tư duy bị cố định vào một phương duy nhất, bị đóng khung vào một giới hạn nhất định, không được phép đi tới tận sự thật về đối tượng, không được phép nhìn ra sự thật, không được phép nói ra sự thật, nếu sự thật đó bị mặc định trước là «không đúng».

Nếu như phái phê bình dao búa tạo áp lực đàn áp từ bên ngoài, thì cái mục đích «góp phần vào sự phát triển đúng hướng của sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học trong tương lai» lại là một sự tự nguyện, một định hướng từ bên trong của giới đại học và nghiên cứu, ngành KHXH&NV. Bị kẹp giữa áp lực bên ngoài đó và sự tự nguyện bên trong đó thì hỏi tương lai nào chờ đợi KHXH&NV đây?

Tham vọng «góp phần vào sự phát triển đúng hướng của […] nghiên cứu, phê bình văn học trong tương lai» là một tham vọng khai tử cho nghiên cứu văn học. Chỉ còn hy vọng khi những người làm nghiên cứu ở Việt Nam, với tư cách cá nhân, vẫn giữ được cho mình quan điểm độc lập so với quan điểm chính thống này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ phải nhìn thấy trách nhiệm của chính họ (chứ không phải đẩy trách nhiệm cho những lực lượng bên ngoài mà phái phê bình dao búa chỉ là một yếu tố) trong sự suy tàn của ngành KHXH&VN. Nếu người nghiên cứu và giảng dạy không nhìn thấy trách nhiệm của chính mình thì việc giữ được quan điểm độc lập hay không sẽ chẳng được đặt thành vấn đề đối với họ, có nghĩa là KHXH&NV phát triển hay tàn lụi sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với họ.

Thực ra nếu muốn hiểu rõ hơn về cái gọi là «đúng hướng» và về sự tàn lụi đã được mặc định sẵn cho số phận của ngành KHXH&NV ở Việt Nam, chỉ cần lên website của Viện Hàn lâm KHXHVN để đọc về sứ mệnh của Viện này. Chức năng tối cao của Viện là như sau, trích nguyên văn: «Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan khoa học thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.» (http://www.vass.gov.vn/noidung/gioithieu/Pages/gioi-thieu-tong-hop.aspx )

Cứ nhìn vào hiện trạng bi thảm của đất nước hiện nay thì sẽ hiểu được Viện Hàn lâm KHXHVN đã hoàn thành sứ mệnh của mình một cách xuất sắc như thế nào. Và với định hướng nghiên cứu sau đây của Viện thì tương lai của Việt Nam sẽ như thế nào? «Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011–2020 kế hoạch 5 năm 2011-2015 được Đại hội XI của Đảng thông qua, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phải tiếp tục nghiên cứu, luận giải những vấn đề có tầm chiến lược, căn bản mà giai đoạn trước đã đặt ra nhưng giải quyết chưa thấu đáo; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mới đặt ra trong giai đoạn 2011–2020; tham gia chuẩn bị các Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, các hướng nghiên cứu cần thể hiện được tầm nhìn dài hạn – đến năm 2050, nhằm trả lời câu hỏi: Việt Nam phải làm gì và làm thế nào để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đến giữa thế kỷ XXI trở thành một nước công nghiệp phát triển bền vững?» (http://www.vass.gov.vn/noidung/gioithieu/Pages/gioi-thieu-tong-hop.aspx)

Thử nhìn vào thực tế của đất nước để xem Viện Hàn lâm KHXH đã «góp phần thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội» ra sao.

Trước tình trạng nguy ngập về mọi mặt hiện nay của đất nước thì Viện Hàn lâm KHXHVN có phải chịu trách nhiệm gì không khi chính Viện là nơi hoạch định các đường lối chiến lược cho nhà nước?

Tôi trích ở đây một đoạn trong bài «Những biện pháp của tòa án dị giáo tân thời» của Einstein đăng trên tờ Herald Tribune, ngày 12/6/1953; đoạn trích hơi dài nhưng cần thiết cho chủ đề của bài này:

«Vấn đề đang đặt ra với giới trí thức nước nhà là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Bằng việc hù dọa về các nguy cơ bên ngoài, đám chính trị gia phản động đã thành công trong việc làm cho dân chúng nghi ngờ tất cả các nỗ lực của trí thức. Dựa vào thành công này, họ đang tiến hành đàn áp tự do học thuật và truy đuổi tất cả những ai dám kháng cự ra khỏi vị trí công việc của họ, nghĩa là để họ chết đói. Vậy thì, thiểu số trí thức cần phải làm gì để chống lại trò bỉ ổi này? Nói thật, tôi chỉ nhìn thấy duy nhất một con đường, con đường cách mạng: con đường bất hợp tác như cách Gandhi đã làm. Mỗi trí thức cần phải từ chối khai báo nếu bị thẩm vấn bởi một ủy ban nào đó; nghĩa là phải sẵn sàng chịu giam cầm và kiệt quệ về kinh tế. Nói ngắn gọn: phải hy sinh những lợi ích cá nhân cho những lợi ích văn hóa của đất nước. [] Nếu tìm đủ số người sẵn sàng đi con đường này, thành công sẽ đến với họ. Nếu không giới trí thức nước nhà sẽ chẳng đáng được hưởng cái gì khác hơn ngoài sự nô lệ mà người ta đã sắp sẵn cho họ»[2].

Cứ như thể Albert Einstein nói về tình trạng ở Việt Nam hiện nay!

Hiện tại số người sẵn sàng đi theo con đường mà Einstein đã chỉ ra gần một thế kỷ trước thì chẳng có bao nhiêu.

Khi một cộng đồng không những không bảo vệ, mà còn tẩy chay, không sử dụng, không hợp tác, sa thải, «xử lý», xa lánh những người có năng lực và có khả năng thực hiện sự đổi mới, liệu cộng đồng ấy có thể phát triển được không? Bởi sự phát triển đồng nghĩa với đổi mới, bởi sự phát triển luôn đòi hỏi cải cách. Nếu một cộng đồng như thế (nghĩa là cộng đồng không sử dụng những người có năng lực đổi mới) vẫn có thể phát triển được thì nó cần có những điều kiện nào khác?

Nhưng vụ việc còn chưa kết thúc. Không biết các đồng nghiệp trong giới, nhất là các đồng nghiệp trẻ, có thể chứng tỏ cho tất cả chúng ta thấy một vài dấu hiệu của sự hy vọng được không? Viết đến đây thì tôi đọc thấy một số bài của các bạn trẻ Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Trần Trọng Dương, Đoàn Ánh Dương, trên Tia Sáng. Những bài đó, đối với tôi, giống như những chỉ dấu hy vọng.

Sài Gòn, ngày 2/8/2013

N.T.T.H.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

[1] Trích đoạn này là một trong những nội dung chính của một Hội thảo Quốc tế ngành văn học, xem thông tin ở đường link này :

http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4195%3Ath-mi-vit-tham-lun&catid=132%3Aht-nghien-cu-vn-hc-vit-nam-va-nht-bn&Itemid=197&lang=vi

Tuy nhiên cái tinh thần được thể hiện trong nội dung được trích dẫn không phải chỉ là của riêng đơn vị cụ thể tổ chức hội thảo này, mà có lẽ được «chỉ đạo» và «quán triệt» ở mọi trường đại học, mọi viện nghiên cứu của chúng ta hiện nay.

[2] Albert Einstein, Thế giới như tôi thấy, nxb Tri Thức, 2005, tr.53. Phần in đậm do tôi nhấn mạnh.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn