Xã hội dân sự kiểu Việt Nam

Huỳnh Thục Vy

Dịch sang tiếng Anh: Nguyen Khoa Thai Anh

Việt Nam không thực sự có các tổ chức xã hội dân sự cho riêng mình. Các hội đoàn ở Việt Nam không thực hiện đúng chức năng và mục đích tự thân của các hội đoàn dân sự như ở các quốc gia tự do dân chủ, mà chỉ là công cụ thực hiện chức năng giám sát mọi hoạt động của người dân và tuyên truyền cho Đảng Cộng sản.

Defend the Defenders

2

Xã hội dân sự không những là thành tố, mà còn là dấu hiệu đặc trưng của các nền dân chủ hiện đại. Nơi nào không có xã hội dân sự nơi đó sẽ rất gặp rất nhiều khó khăn trong cả nỗ lực xây dựng một xã hội thịnh vượng - hài hoà cũng đối mặt với những chướng ngại  khi theo đuổi lý tưởng dân chủ hoá.

Việt Nam là một quốc gia nằm dưới chế độ độc tài độc đảng với sự lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản Việt Nam. Cơ chế chính trị và pháp luật của chế độ này đã kìm hãm nếu không muốn nói là bóp nghẹt sự hình thành và phát triển của xã hội dân sự. Với kinh nghiệm hoạt động như một tổ chức chính trị, len lỏi vào đời sống quần chúng và bành trướng thế lực chính trị của mình trong quá khứ, đảng Cộng sản luôn phòng ngừa trước mọi nguy cơ thách thức và khả năng đe dọa mà xã hội dân sự có thể mang đến cho họ. Thật vậy, dưới con mắt giám sát của các hội đoàn dân sự, không một nhà nước nào có khả năng chống cự lâu dài trước áp lực dân chủ hoá.

Vậy nên, ở đất nước này, những tổ chức mang hình thức của xã hội dân sự như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Luật sư đoàn, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo… đều bị tập hợp lại trong một tổ chức lớn hơn (umbrella organization) gọi là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cơ chế hoạt động của Mặt trận này hoàn toàn giống như một cơ quan của Nhà nước, với nguồn tài chính được ban phát từ chính quyền và chế độ lương bổng cũng nằm dưới sự điều tiết và kiểm soát của chính quyền. Vì thế, cơ quan chủ quan thực sự của các hội đoàn ở Việt Nam hiện nay chính là đảng cầm quyền. Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, trong bài “Một số vấn đề cần lưu ý về xã hội dân sự” (* ) đã khẳng định “thể chế quản lý tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự phải phù hợp và đáp ứng được cơ chế vận hành của thể chế chính trị: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là một ví dụ. Tất cả các chương trình trợ giúp xã hội, lương bổng và các nguồn tài chính khác của Hội này đều được rót thẳng xuống từ ngân sách chính quyền trung ương. Và tất nhiên, đối tượng ưu tiên để được nhận sự trợ giúp này là thân nhân, bạn bè của những quan chức và cán bộ địa phương. Hội phụ nữ được chia ra thành các cấp khác nhau bao gồm: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trong mỗi cơ quan của Hội phụ nữ (ở tất cả các cấp) đều có chi bộ  của đảng Cộng sản; việc sinh hoạt đảng được xem là hoạt động chính và cần được đặc biệt quan tâm; và đường hướng, chính sách của đảng Cộng sản được thực hiện một cách nhịp nhàng, thông suốt suốt từ cấp trung ương xuống cấp nhỏ nhất của Hội Phụ nữ. Nhân sự lãnh đạo ở Hội phụ nữ các cấp là Đảng viên hoặc cảm tình viên của Đảng. Theo định kỳ, thành phần nhân sự lãnh đạo Hội Phụ nữ phải họp lại để phổ biến đường lối của Đảng; và các tài liệu chính trị của đảng Cộng sản được xem như là tài liệu để định hướng và đào tạo cho nhân sự lãnh đạo của Hội. Sinh hoạt chi bộ đảng của Hội Phụ nữ các cấp cũng diễn ra thường xuyên để kiểm tra mức độ thấm nhuần “tư tưởng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội” của các cấp lãnh đạo Hội.

Một ví dụ khác là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Chỉ cái tên thôi cũng đủ phơi bày bản chất của hội đoàn này. Ở Việt Nam, Đoàn Thanh niên này được Đảng Cộng sản công khai ca ngợi là “đội hậu bị và là cánh tay của Đảng Cộng sản”, là “niềm tự hào của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Thành phần lãnh đạo của hội đoàn này cũng là đảng viên hoặc là những cảm tình viên của Đảng Cộng sản. Cũng giống như Hội Phụ nữ, Ngân sách, đường lối và tài liệu học tập của Đoàn Thanh niên này là từ Đảng Cộng sản. Năm 2012, Đoàn Thanh niên Cộng sản được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký nghị định đặc biệt trợ cấp 200 triệu USD “để thực hiện kế hoạch phát triển”. Hoạt động chính yếu của Đoàn này là phổ biến đường lối của Đảng Cộng sản và đào tạo thế hệ mới cho Đảng Cộng sản. Những người sinh hoạt năng động nhất trong tổ chức này là những cá nhân có tham vọng trở thành thành viên Đảng Cộng sản, lãnh đạo đất nước, cũng như được ưu tiên thụ hưởng những đặc quyền từ chế độ độc tài. Các vị trí lãnh đạo của Đoàn Thanh niên là nơi con cháu các đảng viên cao cấp trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành trung ương đảng “học việc” để chuẩn bị cho vài trò lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong tương lai, thay thế cho cha chú họ.

Rõ ràng, đây không phải cách thức mà các tổ chức xã hội dân sự trong những quốc gia dân chủ hoạt động. Ở các quốc gia dân chủ, những người hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự là những người: hoặc là muốn cống hiến công sức cho hoạt động từ thiện, giúp đỡ thành phần ít cơ hội trong xã hội, như các hội từ thiện; hoặc là đưa ra những nghiên cứu kinh tế, chính trị và xã hội nhằm cung cấp tài liệu cố vấn cho các nhà làm chính sách quốc gia và góp phần điều chỉnh các chính sách còn khiếm khuyết của chính quyền, như các think tank; hoặc đại diện cho một tiếng nói, quyền lợi và giá trị của một cộng đồng nhất định trong xã hội… Đối với những người hoạt động trong các NGOs ở xã hội dân chủ, tham vọng thay đổi xã hội mới là chính yếu chứ không phải là tham vọng chính trị; bởi vì nếu có tham vọng lãnh đạo chính trị quốc gia, họ sẽ tham gia các đảng chính trị. Còn ở Việt Nam, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp chỉ là công cụ của Đảng Cộng sản và là nơi để những người nhiều tham vọng tiến thân nhằm trở thành những lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bởi vì ở đất nước này, các tổ chức xã hộichỉ là giả, chỉ có Đảng Cộng sản là thật.

Việt Nam không thực sự có các tổ chức xã hội dân sự cho riêng mình. Các hội đoàn ở Việt Nam không thực hiện đúng chức năng và mục đích tự thân của các hội đoàn dân sự như ở các quốc gia tự do dân chủ, mà chỉ là công cụ thực hiện chức năng giám sát mọi hoạt động của người dân và tuyên truyền cho Đảng Cộng sản. Bởi ngay từ đầu, nguồn tài chính cho các tổ chức này hoạt động đều được rót xuống từ chính quyền trung ương và các giới chức lãnh đạo trong Mặt trận Tổ quốc cũng như cán bộ của các tổ chức trực thuộc Mặt trận đều là thành viên của Đảng Cộng sản. Chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng, sự phụ thuộc về tài chính và nhân sự không thể tạo nên sự độc lập về ý chí và  phương cách hành động.

Trong khi đó chính quyền nhìn sự mở rộng các tổ chức xã hội dân sự nằm ngoài kiểm soát của đảng như một mối nguy cho sự cầm quyền của họ. Cũng trong bài trên, ông Thứ trưởng Trần Anh Tuấn viết: “Âm mưu của các thế lực phản động quốc tế là hòng tạo ra các lực lượng đối lập, chống đối Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trong lòng xã hội Việt Nam nên chúng tác động cho ra đời những tổ chức xã hội dân sự kiểu phương Tây để từ “phản biện” hướng đến “phản đối” và cuối cùng thành tổ chức “phản động, chống đối” Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thực chất là các thế lực phản động phương Tây đang muốn sử dụng các tổ chức xã hội dân sự như một phương thức để “Diễn biến hòa bình” tiến tới “Diễn biến không hòa bình” (cách mạng màu) lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.

Và vấn nạn cho xã hội dân sự cũng chính là chướng ngại nghiệm trọng cho công cuộc dân chủ hóa thực sự tại Việt Nam.

· Blogger Huỳnh Thục Vy (28) là một blogger trẻ có ảnh hưởng tại Việt Nam, là con gái của một nhà văn bất đồng chính kiến Huỳnh Ngọc Tuấn. Các anh chị em của blogger Vy cũng đều là những blogger chuyên tải những vấn đề khác với quan điểm của chính quyền Việt Nam. Do đó cô luôn là đối tượng bị quấy nhiễu và trừng phạt.

Nguồn: diendanxahoidansu.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn