Giáo dục, Y tế: Hai ngành cuối cùng...*

Nguyễn Ngọc Lanh

Nguyên GS Đại học Y Hà Nội

Giáo dục, Y tế sinh ra để đáp ứng nguồn vốn quý nhất

Có thời chế độ ta coi Giáo dục và Y tế là những ngành “phi sản xuất”; do vậy, có thang lương thấp nhất, thấp không kém các ngành sáng tạo (nghiên cứu khoa học và sáng tác văn nghệ). Thực ra, đây là hai ngành sản xuất tri thức và sức khỏe - vốn quý của mỗi người. Cũng có thời, nước ta bị xếp hạng rất thấp về kinh tế, nhưng khi xếp hạng theo mức phát triển xã hội thì Việt Nam tăng vài chục bậc. Đó là nhờ thành tích Giáo dục, Y tế. Lương thấp, nhưng giúp đất nước cải thiện bộ mặt, chẳng lẽ không đáng nói?

Cứ tưởng 4 ngành trên (Giáo dục, Y tế, Văn nghệ và Nghiên cứu khoa học) bị đối xử như vậy, chỉ trí thức mới khốn đốn. Nhưng trí thức khốn đốn, toàn xã hội cũng khốn đốn… "Phi trí bất hưng" là vậy.

Sinh ra, chưa ai có ngay tri thức; lại còn bị đủ thứ bệnh tật rình mò. Bồi bổ sức khỏe và trau dồi tri thức là những nhu cầu rất sớm, rất thiết yếu, để mỗi cá nhân trong xã hội có điều kiện tự kiếm sống và tự mưu cầu hạnh phúc. Được như vậy, đó là một xã hội lương thiện. Giáo dục và Y tế, vì thế, phải sớm ra đời.

Giáo dục, Y Tế tự tạo tấm áo giáp bảo vệ đạo đức ngành nghề

Do có mặt lâu đời, được xã hội trọng vọng (gọi người hành nghề là "thầy"), bản thân hai ngành này cũng dần dần tự hình thành tấm áo giáp bảo vệ các giá trị đạo đức của mình.

Ai làm hai nghề này nếu bị chê cười về đạo đức sẽ hết sức xấu hổ, đau đớn - không những cho mình, mà còn cho cả tập thể. Người bán hàng lừa đảo khách hàng: ắt mang tiếng xấu. Nhưng chưa thể xấu xa bằng thầy giáo và thầy thuốc không giữ được đạo đức trước các đối tượng mà mình có bổn phận phục vụ: học sinh, bệnh nhân. Chọn các nghề này, không ai nghĩ mình sẽ giàu “nứt đố, đổ vách” nhờ “khai thác” các đối tượng trên. Nhưng từ xa xưa, xã hội đã đủ thông minh để đảm bảo cho người làm hai nghề này có cuộc sống xứng đáng. Công lao “thặng dư” của các thầy sẽ được xã hội bù đắp bằng sự quý trọng, tôn vinh. Nhờ vậy, họ đủ sức đề kháng với những cám dỗ vật chất.

Nhờ vậy, những suy thoái đạo đức xã hội không dễ dàng thẩm thấu vào hai ngành trên. Suy ra, khi hai ngành này suy giảm đạo đức ắt là sự ô nhiễm toàn xã hội đã gớm lắm!

Dư luận đã từ lâu phê phán Giáo dục

- Giáo dục bị phê phán đủ sớm, đủ liều lượng và đủ kiên nhẫn

Nhờ vậy, kết quả đưa lại rất tương xứng, chỉ tội tốn quá nhiều thời gian, công sức. Đã phải chấp nhận đổi mới "căn bản và toàn diện". Cách nói dài để tránh hai từ "cải cách".

- Tuy không phải mọi phê phán đều nhằm vào cái gốc của khuyết điểm...

Dễ thấy, lẽ ra phải phê phán cái gốc (để sửa bền vững), nhưng vẫn khó tránh một số phê phán nhằm vào ngọn. Bởi lẽ, nhiều khi cái ngọn mọc ra quá vướng, quá chướng, khiến người ta không thể bình tâm, nhẫn nhịn. Ví dụ, nạn “dạy thêm” cứ loang như cỏ dại. Cái gốc là lương cứ thấp, chương trình cứ nặng... khiến cả thầy, cả trò, cứ có nhu cầu dạy thêm, học thêm. Họ là nạn nhân, chứ có làm gì nên tội? Ấy vậy, lại cứ sửa bằng cách... ban ra các chỉ thị “cấm dạy thêm”. Đó là chữa triệu chứng, bỏ mặc nguyên nhân. Nguyên nhân trực tiếp là lương thấp và chương trình nặng nề. Nhưng "nguyên nhân của nguyên nhân" lại nằm ngoài Giáo dục. Đó là thực trạng Kinh tế-Xã hội và thứ triết lý mang nặng tính ý thức hệ. Dẫu có đặt một ông thánh làm tư lệnh ngành Giáo dục thì cũng vậy thôi. Cả xã hội không sửa nổi nạn "dạy thêm" nhưng chỉ cần vài người sửa lương, sửa triết lý GD... là xong.

- ...nhưng hầu hết sự phê phán là “trúng”

Nhờ vậy, kết quả thu được rất bõ: Giáo dục nước ta đã phải chấp nhận Đổi mới CĂN BẢN và TOÀN DIỆN. Xin khỏi cần nói: Cái căn bản cần đổi mới hiện nay là triết lý. Mọi thành tố, mọi khâu, từ mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa, cách dạy, cách quản lý... đều nhất nhất bị một thứ triết lý rất lạc hậu cầm cương. Không khó lắm để nhận ra nó.

Dư luận chuyển sang phê phán mạnh mẽ Y tế

- Nhiều tiêu cực đã bộc lộ đủ nặng nề và trên diện rộng

Vừa phát hiện một việc xấu, phê phán chưa đủ, chưa thỏa... đã phát hiện những việc... xấu hơn. Ai cũng muốn bày tỏ sự bức xúc và đòi hỏi sửa ngay. Do vậy, khó tránh những phê “quá lời”, hoặc chưa phê vào cái gốc. Chữa triệu chứng cũng cần, vì vô số lần nó đã gây bức bối tới mức chính bệnh nhân chịu đựng không xuể. Nhưng để chữa tận gốc thì phải nhằm vào nguyên nhân. Chỉ rõ nguyên nhân, cũng là vấn đề. Chẳng cần tìm đâu xa, nguyên nhân suy thoái và khủng hoảng của y tế và của giáo dục chỉ là một.

- Tư lệnh ngành phải chịu trách nhiệm

Điều này rất đúng. Bất tất nói dài. Ngoài ra, tư lệnh còn gánh cả trách nhiệm từ người tiền nhiệm để lại. Và cả từ cấp trên. Thậm chí, từ thể chế, hệ thống. Điều này cần nhìn nhận cho rõ ràng, sòng phẳng. Cách chức một cá nhân, không khó. Nhưng "hệ thống" vẫn y nguyên thì cách chức liền-tù-tì dăm ba nhiệm kỳ bộ trưởng, liệu có ăn thua gì? Ngược lại, cứ giữ bộ máy y tế như hiện nay, nhưng thay đổi thể chế, hệ thống; mọi chuyện sẽ khác ngay.

- Cỡ chỉ là bộ trưởng, mà TS Nguyễn Quốc Triệu dám hứa “sẽ khắc phục một giường bệnh phải gánh hai bệnh nhân”... là vì ông tin tưởng vào nguồn tiền được hứa hẹn từ cỡ cao hơn. Toàn dân biết rằng y tế hoạt động trông vào ngân sách. Rốt cuộc, ngân sách thất thu, ông vẫn phải chịu trách nhiệm về lời hứa. Điều này không sai, chỉ cần có quy định rõ ràng, sòng phẳng: ông chịu trách nhiệm mức nào thì phê ông ở đúng mức ấy.

- Đương kim bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến được nhà báo hỏi “sao không xây thêm bệnh viên”? (cỡ bộ trưởng có nghĩ nổi cái “mưu vặt” này?). Câu trả lời “phải hỏi Nhà nước” rất đúng, nhưng cũng liều (với cấp trên) và... dại (với dư luận) - vì người hỏi không phải là sinh viên y khoa (để mà giảng giải) mà là nhà báo - có trong tay cái loa công suất cực đại.

- Không phải mọi phê phán đều nhằm vào cái gốc của khuyết điểm

Câu trả lời của Bộ trưởng Y tế bị phê nặng nề: Bộ Y tế không là Nhà nước thì là gì? Sinh viên mới học y khoa thường chưa hiểu ngay rằng: Cái chân là một bộ phận của cơ thể, chứ riêng nó chưa phải là… cơ thể. Quan hệ giữa Bộ Y tế với Nhà nước cũng vậy thôi. Bộ trưởng (kiêm thầy giáo) sẽ giảng để học trò hiểu rằng... bệnh viêm khớp (dạng thấp) ở đầu gối - tuy biểu hiện tại chỗ - nhưng là bệnh có cơ chế “toàn cơ thể”. Hệ miễn dịch (của toàn cơ thể) lẽ ra phải chống thù trong, giặc ngoài, thì... nay (đổ đốn) quay sang chống khớp gối. Cũng vậy, nhiều khiếm khuyết y tế (thiếu tiền xây bệnh viện) có thể do nguyên nhân "toàn thân".

Y tế cũng cần Đổi Mới CĂN BẢN và TOÀN DIỆN

- Không thể “rách đâu, vá đấy” - kiểu sửa chữa vặt - mà được.

Những sai sót cụ thể, cần được phê phán kịp thời, đủ liều. Báo chí đã làm quá đủ.

Điều quan trọng: Cần nhìn vấn đề rộng và thấu đáo hơn, để đạt kết quả bền vững hơn.

Đó là, Y tế cũng cần Đổi Mới CĂN BẢN và TOÀN DIỆN - như Giáo dục. Vì cả hai cùng một gốc bệnh, cái khác nhau chỉ là triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài.

- Khó khăn kinh tế khiến bệnh đã nặng, càng thêm nặng

Giáo dục, Y tế là những ngành phúc lợi, hoạt động đa phần nhờ ngân sách.

Chẳng cần tài giỏi gì nhiều, cũng thấy rằng nếu đủ tiền, tuyến dưới của y tế sẽ được trang bị thêm thiết bị chẩn đoán, lập tức bệnh nhân tuyến trên sẽ giảm hẳn. Nếu tỷ lệ giường bệnh (trên dân số) được giữ vững như "ngày xưa", tình hình sẽ khác ngay. Do vậy, nếu kinh tế thất bại, cộng thêm lãng phí, tham nhũng, phân hóa giàu-nghèo... sẽ ảnh hưởng xấu và đe dọa đe dọa tới cả sự tồn vong của Nhà nước, chế độ - như đã được chính thức thừa nhận - chứ đâu phải chỉ riêng y tế, giáo dục?

Giáo dục, Y tế là hai ngành ô nhiễm cuối cùng

Ô nhiễm ở hai ngành này không thể nói là nhẹ! Bảo "còn nhẹ", làm sao sửa nổi?

Chỉ có thể nói, và phải nói: Đây là những ngành bị ô nhiễm cuối cùng; và do vậy, bệnh ở đó còn tương đối nhẹ so với nơi khác.

Suy thoái trong Giáo dục, Y tế bao giờ cũng là thứ phát; do vậy theo nguyên tắc chữa bệnh, phải chữa chạy nơi nguyên phát trước hết.

N.N.L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

* Nguyên bản bài đã được đăng trên Sức khỏe và Đời sống

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn