Tại "Cái nước Việt mình nó thế"

Kỳ Duyên

clip_image001-Giữa lý thuyết và thực tiễn, nhiều khi sai số rất ghê. Và ông Bộ trưởng Nội vụ bỗng nhiên phải làm nhiệm vụ… "hái hoa tình yêu": 30%... 1%... 30%... 1%..?

I- Cái câu nói hóm hỉnh của Gs Hoàng Ngọc Hiến khi còn sống, hóa ra, giờ đây, nó linh nghiệm đủ trong các lĩnh vực, khi mà người Việt phải bó tay trước tất cả tai họa xảy ra, ập đến, đổ xuống…

Sự xảy ra, ập đến, đổ xuống đó, là câu chuyện lũ dữ suốt từ trung tuần tháng 11 cho đến giờ, vẫn còn nóng hổi trong tâm trí kinh hoàng của người dân các tỉnh miền Trung, nóng hổi phím bàn giới truyền thông, và nóng hổi những câu chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường những ngày này. Ai là thủ phạm?

Rất nhanh, đã có “vật tế thần” – đó là con đập thủy điện! Đồng loạt xả tràn, lưu lượng lớn, từ trên 650 m3/ giây tới 2500 m3/ giây ở tất cả các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum…, hàng chục con đập lớn nhỏ đã khiến hàng vạn hộ dân chạy không kịp. Nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò đều “chết trương” vì lũ. Thủy, hỏa, đạo, tặc – bốn loại giặc được cha ông từ ngàn xưa tổng kết, trong đó, thủy luôn xếp bậc… khôi nguyên, đủ hiểu sức tàn phá, và hung hãn của nó thế nào.

clip_image002

Hình ảnh hồ Định Bình xả lũ điều tiết – Ảnh: Trọng Nguyễn.

Con số thống kê mới nhất của Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho thấy, có tới 31 người bị chết, 09 người mất tích, 225 căn nhà bị cuốn trôi, 07 tàu thuyền tại Phú Yên, Quảng Ngãi bị chìm, và hơn 430 ha lúa, hoa màu của 03 tỉnh Bình Định, Gia Lai, Phú Yên bị ngập úng.

Từ trước tới nay, một quy định thành nguyên tắc điều hành, các đập thủy điện phải có thông báo xả lũ trước cho dân để dân kịp sơ tán, tránh thủy thần. Tuy nhiên, cái nguyên tắc cố hữu đó đã bị chính những con lũ dữ tràn qua. Điều trớ trêu, đập thủy điện được xây nên để phát điện và cắt lũ khi cần, giờ hoàn toàn không có tác dụng, ngược lại, cũng cuống cuồng xả lũ gấp, tránh vỡ.

Rút cục, con lũ không ngăn được, giờ đây con người cãi nhau!

Ông xã đổ cho ông thủy điện. Ông thủy điện im lặng đáng sợ. Ở nghị trường, ông đại biểu QH chất vấn ông Bộ Công thương. Điệp khúc chất vấn nếu nghe kỹ, thật buồn. Bởi ít nhất việc lo di dân, tái định cư ở các công trình thủy điện đã được hai lần đưa ra – ở các kỳ họp 03, 04 của QH, được Bộ Công thương ghi nhận.

Nhưng đến tận giờ, dân vẫn… di chân tại chỗ, và họ chỉ cuống cuồng tự do “di tản” khi lũ cuồn cuộn đổ về hoặc bất ngờ dâng đầy. Trong khi đó, trên sân nghị trường, ông Bộ Công thương “sút” quả trách nhiệm to đùng, về “lưới” ông Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – vào rồi….. Khiến ĐB Dương Trung Quốc đóng vai trò người xem bất đắc dĩ, phải lưu ý khéo – cách ứng xử này xảy ra trước mặt dân chúng thì họ cho là sự lảng tránh.

Dân thì hồi hộp, theo dõi pha “sút” trách nhiệm căng thẳng. Cuối cùng, hai bộ cũng đã đồng tình… lập đề án chính sách, tháng 12 tới sẽ trình Chính phủ về công tác di dân, tái định cư và quy hoạch tổng thể về công tác này. Trong mọi thành ngữ, người Việt có vẻ chuộng nhất câu mất bò mới lo làm chuồng.

Có điều, nằm trên giàn thiêu chờ phút phán xét, “vật tế thần” mang tên đập thủy điện đâu có hãi sợ. Bởi nó tự cho mình chỉ là nạn nhân của một cái còn… đáng sợ hơn. Đó là tư duy và cung cách quản lý.

Không phải không có lý khi các quan chức tỉnh Quảng Nam thẳng thắn và đau xót, chúng ta đã đi một bước sai lầm khi phát triển thủy điện tràn lan, giờ sửa sai nhưng không sửa nổi. 

clip_image003

Nói cho công bằng, đó cũng là bi kịch một đất nước đang phát triển. Nếu biết rằng, bức tranh năng lượng từ nay đến năm 2010 khá nhiều gam xám. Việt Nam không thể trông vào điện than vì cạn kiệt. Điện gió thì không phải vùng đất nào cũng phù hợp, trong khi điện hạt nhân còn quá bỡ ngỡ, và dư luận xã hội thì quá lo ngại hệ lụy của loại điện này. Chỉ còn thủy điện dựa vào sức nước, được tiếng giá rẻ.

Nhưng lợi thì có lợi mà … tài nguyên không còn. Bức tranh điện năng của nước Việt cứ luẩn quẩn chưa biết lối thoát hiểm nào đắc dụng.

Cho dù Bộ Công thương đã loại bỏ ra khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện. Dù vậy hàng trăm dự án thủy điện lớn nhỏ đã kịp phá tan hơn 50000 héc ta rừng, hàng ngàn héc ta đất ở, đất trồng trọt, khiến dân cũng nháo nhác như chim, tìm đất lành để đậu. Nhưng đâu là đất lành, nếu cứ mỗi mùa, lại chỉ thấy lũ dữ? Rừng bị phá sạch để làm thủy điện, thì lũ càng lớn. Dân chới với chạy lũ, còn đồng tiền nhắm mắt chạy vào túi những ai ai? Hay chỉ chạy vào túi “nhóm lợi ích”?

Cái giá điện hóa ra không chỉ “đắt”, mà còn rất đắng nữa, với người dân miền Trung, và với xã hội đang cần phát triển, đang cần rất nhiều tài nguyên rừng.

“Đắng” bởi cung cách quản lý tùy tiện, tiểu nông, chỉ biết lợi ích cục bộ mình của các ông chủ doanh nghiệp đầu tư thủy điện, bất cần đoái hoài đến sống chết của dân.

“Đắng” bởi cách tư duy ở tầm vĩ mô. Không phải không có lý khi ông Doãn Mạnh Dũng, chuyên gia độc lập về biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch Hội KHKT và Kinh tế biển t/p HCM, cho rằng, có ba nguyên nhân chính khiến lũ lụt miền Trung ngày càng gay gắt.

Đó là chiến lược phát triển về hướng Tây của các tỉnh miền Trung, khai thác rừng phát triển SX trên đất rừng. Trong khi lẽ ra phải tiến ra biển, phát triển kinh tế biển như đã được xác định. Thiếu các giải pháp kỹ thuật đồng bộ khi làm con đường HCM, giống như con đê dài ngăn nước từ trên cao đổ xuống. Quản trị xả lũ kém – mạnh “ông” nào “ông” nấy xả cùng thời điểm khiến cho lượng nước đổ về hạ nguồn ồ ạt (Tuần Việt Nam, ngày 19/11)

Cái sự “làm ngược” không phải đặc điểm riêng miền Trung? Nếu biết rằng, theo Ts Nguyễn Quang Tân, Điều phối viên Chương trình Quốc gia Chương trình VN của tổ chức RECOFTC (Regional Community Forestry Training Centre), hiện nay, Châu Âu cũng như Mỹ đã phá bỏ rất nhiều đập thuỷ điện: Kinh nghiệm của họ hàng trăm năm nay cho thấy lợi ích của những đập đó không bù được những tác hại mà chúng gây ra, cả tác hại tới kinh tế cộng đồng và môi trường sinh thái.

Cái sự “làm ngược” còn ăn vào cả cung cách quản lý tiểu nông – buông lỏng ở tất cả những quy trình, quy định cần chặt chẽ, nghiêm cẩn. Quy hoạch các con đập, theo thiết kế đều tính đến các lợi ích cắt lũ, giảm lũ, tuy nhiên, nhiều thủy điện đã không tuân thủ quy hoạch dung tích phòng lũ ban đầu.

Xin hãy đọc: Dung tích phòng lũ của thủy điện Sông Bung 2 theo quy hoạch là 83 triệu m3, khi thiết kế chỉ còn 7,19 triệu m3. Thủy điện Sông Bung 4 quy hoạch 188 triệu m3, thiết kế chỉ còn 47,28 triệu m3. Thủy điện A Vương 1 quy hoạch 110 triệu m3, còn 14,25 triệu m3. Đặc biệt, thủy điện Đăk Mi 4 có dung tích quy hoạch 149 triệu m3, thiết kế chỉ có 2,2 triệu m3. Còn Sông Tranh 2 có dung tích quy hoạch 233 triệu m3, thiết kế chỉ có 75,52 triệu m3. (Vn. Money, ngày 19/11). Vì sao?

Chỉ có đồng tiền đầu tư, đồng tiền lờ lãi hẳn vẫn được những ai đó nắm rất chặt.

Trên giàn tế thần, chìa ra những con số khốn khổ, “vật tế” nhoẻn miệng cười vô tư lự: Tại nhà em hay tại các bác?

II- Dĩ nhiên là tại các bác, tại con người, tại đội ngũ quan chức, cán bộ, công chức.

Nếu không thì làm sao những ngày này, bàn phím cứ nóng rực lên, trước những “đối thoại thường niên” của QH, xoay quanh phiên chất vấn ông Bộ trưởng Nội vụ ngày mới đây, 20/11.

Chất vấn, trả lời chất vấn tại nghị trường là một thử thách lớn với các thành viên Chính phủ. Đâu phải chỉ có 400-500 ĐBQH “cùng hội cùng thuyền” lắng nghe, mà hàng triệu lượt khán thính giả trong cả nước đều theo dõi phiên họp truyền hình trực tiếp.

clip_image004

ĐBQH Đỗ Văn Đương liên tục chất vấn về thủy điện. Ảnh: Minh Thăng

Những câu trả lời của họ luôn phản chiếu trí tuệ, năng lực quản lý của họ có bám sát thực tiễn, bám sát đời sống lĩnh vực mình phụ trách hay quan liêu, xa rời? Tư duy trẻ, linh hoạt hay già cỗi, thủ cựu bởi chất liệu cuộc sống nuôi dưỡng, hay nhất cử nhất động phải bám “phao” – những văn bản nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã ban hành. Chẳng hóa ra, ĐBQH đến nghị trường để được đối thoại với… văn bản!

Thừa nhận một thực tế, công tác tổ chức, cán bộ là một công việc cực kỳ khó khăn. Ở đó, không chỉ cần sự giỏi giang, tinh tường để chọn mặt gửi vàng chứ không phải gửi  thau. Ở đó, tuyển dụng, đề bạt cán bộ, tích cực hay tiêu cực, đánh giá CBCC cảm tính hay chuẩn xác, đều phải căn cứ vào tiêu chí đánh giá. Nhưng đó là về lý thuyết. Mà giữa lý thuyết và thực tiễn, nhiều khi sai số rất… ghê. Nếu không tại sao một kẻ nhiều sai phạm như Dương Chí Dũng, cuối cùng vẫn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty  Hàng hải VN (Vinalines)?

Nếu không thì tại sao cho đến tận phiên chất vấn, con số tỷ lệ 30% công chức, hay chỉ có 1% công chức không làm được việc vẫn còn bỏ ngỏ, thậm chí tranh luận? Và ông Bộ trưởng Nội vụ bỗng nhiên phải làm nhiệm vụ… hái hoa tình yêu: 30%... 1%... 30%... 1%..? Cuối cùng, ông phải dẫn lời của Phó Thủ tướng có ý kiến cho là như vậy chứ không phải lời của Phó TT nói, để bảo đảm tỷ lệ 1% … thi đỗ. Dù vậy, Chủ tịch QH cũng vẫn hoài nghi – con số 1% mới coi là “đỗ vớt”, còn chờ Bộ trưởng Nội vụ kiểm tra và báo cáo.

Sự “sai số” có khi còn nghiễm nhiên ngự trị, được cơm bưng nước rót hẳn hoi. Nếu không, tại sao, sau 03 năm thực hiện tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, ngành nội vụ có kết quả lớn đến bất ngờ: Giảm được 04 bộ, nhưng lại tăng số tổng cục từ 82 lên 110.  Tương tự, ngành tinh giản 28 ngàn người, nhưng lại tuyển dụng, tới 69 ngàn người, chung cuộc, tỷ lệ tăng 148%. Cứ đà này, ngành cần hoán vị ngữ nghĩa khái niệm, giảm thành tăng, tăng thành giảm, may ra mới thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế, bộ máy.

“Đỗ vớt” về năng lực hoạt động nghiệp vụ, không chỉ thuộc tỷ lệ 1% công chức, mà còn thuộc chính Bộ Nội vụ, khi ĐBQH Y Mửi (Kon Tum) chất vấn vụ việc thi nâng ngạch, tổ chức được hơn 01 năm nay, vẫn chưa có kết quả chính thức, chưa có quyết định bổ nhiệm vào ngạch với người trúng tuyển.

Câu trả lời, là để rút kinh nghiệm hoàn thiện thể chế. Thế nhưng xin đừng quên, sự cẩn trọng và sự trì trệ trong cung cách làm việc, có khi chỉ cách nhau gang tấc, và đôi khi đó lại chính là ngụy biện, nhất là trong bối cảnh, Nhà nước chủ trương triển khai cải cách hành chính.

Sự tuyển chọn, lựa chọn cán bộ cũng không chỉ cần sự tinh tường, những tiêu chí chuẩn xác, mà còn cần cả sự liêm chính. Bởi đây cũng là nơi “giao dịch” giữa Nhà nước có nhu cầu tuyển chọn người tài, người làm việc, với mọi công dân đủ tiêu chuẩn lao động. Thực chất, dù muốn hay không, nó trở thành nơi “giao dịch” giữa cá nhân có thẩm quyền với cá nhân.

Và trong con lũ tham nhũng hung hãn cuốn phăng tất cả nhân tâm, lòng tự trọng, sự liêm sỉ, thì nơi nắm quyền sinh quyền sát – tuyển chọn cán bộ, công chức, hiển nhiên là nơi có thể thành đất lành tham nhũng đậu.

clip_image005

Ảnh minh họa

Xã hội chưa hề quên câu chuyện chạy công chức 100 triệu của Hà Nội, đến giờ vẫn mờ mờ tỏ tỏ mà chưa rõ đường đi lối về. Xã hội giờ gần như đã quen thuộc với những xì xào to nhỏ về mua quan bán tước, chạy chức chạy quyền. Thế nên không phải ngẫu nhiên khi nhiều ý kiến chất vấn tập trung vào chủ đề này.

Tiếc thay, một lần nữa, các ĐBQH được đối thoại với những… văn kiện của Đảng, với Báo cáo chính trị tại ĐH Đảng XI đánh giá cán bộ là khâu yếu. Dù ông Bộ trưởng Nội vụ thành thật luôn coi đây là tài liệu gối đầu để nghiên cứu suốt 2/3 nhiệm kỳ. Có lẽ, do vấn đề quá tế nhị, nhạy cảm, như ông nói, mà rút cục câu chất vấn của các ĐBQH một lần nữa không được đi đến nơi, về đến chốn.

Một lần nữa, Chủ tịch QH phải thẳng thắn nhận xét: Tuy Bộ trưởng không khẳng định có tiêu cực, nhưng việc Bộ trưởng dẫn nghị quyết ra đọc, tức là thừa nhận có tiêu cực, có tham nhũng trong bộ máy CBCC.

Một cuộc chất vấn, đối thoại để hiểu được những việc làm của các thành viên CP được người dân tín nhiệm bỏ phiếu bầu, cho thấy người dân Việt còn rất nghèo, nhưng vẫn luôn là những chủ nợ lớn của… lòng tin.

Còn đâu đó, nơi xa vắng, linh hồn Gs Hoàng Ngọc Hiến đang an ủi những linh hồn người dân miền Trung lương thiện còn đang ngơ ngác không hiểu nổi vì sao mình phải chết bởi lũ dữ: Tại cái nước Việt mình nó thế, bà con ạ!

K. D.

Nguồn: vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn