Xayaburi một năm sau: Don Sahong con đập dòng chính thứ hai của Lào

Gửi Nhóm bạn Cửu Long

Ngô Thế Vinh

Sản xuất lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long bị đe dọa hơn nữa do xây con đập thứ hai Don Sahong ở Nam Lào. Con đập chắn ngang dòng chính Mekong ngay trước khi đổ vào vùng thác Khone, sẽ làm giảm dòng chảy, gây nguy hại cho khu bảo tồn Ramsar Siphadone, cho mùa màng và ngư nghiệp dưới nguồn. Chúng tôi đã chứng kiến những cánh đồng lúa lan rộng trong mùa khô trên khắp các vùng Đông Bắc Thái, Nam Lào và Campuchia, đã rút đi một lượng nước sông rất đáng kể trong vùng. Nhiều năm qua, nguồn nước cung cấp cho các vụ lúa mùa khô nơi ĐBSCL đã bị sút giảm nghiêm trọng, hậu quả là nạn nhiễm mặn tiến sâu vào đất liền xa tới 80 km và gây tổn hại cho mùa màng. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Lào và các nhà đầu tư Mã Lai hãy tự tiết chế không gây tác hại thêm cho dòng chính sông Mekong nhằm bảo vệ môi sinh và cư dân nơi hạ nguồn. [26-10-2013]Gs. Võ Tòng Xuân, Nguyên Viện trưởng Đại Học An Giang.

DON SAHONG CON DOMINO THỨ HAI

Chỉ mới 13 tháng sau, không lâu sau lễ động thổ con đập Xayaburi 1,260 MW ngày 07/ 11/ 2012, [3] Lào đã tiến xa thêm một bước nữa, nhanh hơn dự kiến khi quyết định xây con đập Don Sahong 260 MW gây rất nhiều tranh cãi. Ngày 3 tháng 10, 2013, chính phủ Lào thông báo cho MRC về quyết định xây con đập dòng chính thứ hai: Don Sahong, là một con đập-dòng-chảy (run-of-river dam) nằm trong vùng thác Khone / Siphadone thuộc tỉnh Champasak, Nam Lào chỉ cách biên giới Campuchia 2 km. Lào chưa công khai đưa ra một đồ án chính thức (project’s final design) và chi tiết về con đập Don Sahong. Nhưng sơ khởi chỉ được biết con đập cao 30m, có chiều ngang rộng 100m, trụ trên suốt chiều dài 5km của hẻm nước (water channel) Hou Sahong. [5]

Và cũng chưa cần biết có đạt được sự chuẩn thuận của các quốc gia Mekong trên quy mô vùng hay không, chính phủ Lào đã xác định công trình xây dựng đập Don Sahong sẽ được khởi công trong tháng tới (11/ 2013), dự trù hoàn tất và hoạt động phát điện vào tháng 05/ 2018. Toàn lượng điện sẽ được bán cho công ty điện lực nhà nước Lào (EDL/ Electricité du Laos).[5]

Milton Osborne, tác giả cuốn sách The Mekong – Turbulent Past, Uncertain Future, nhận ra điều khá bất thường là Lào chỉ thông báo cho Thái Lan và Việt Nam nhưng lại không thông báo cho Campuchia là một quốc gia ngay kế cận, về ý định xây con đập Don Sahong; cũng như với Xayaburi, sự thông báo dĩ nhiên bao giờ cũng kèm theo kèm theo một trấn an rất chung chung là “con đập không ảnh hưởng gì tới khúc sông hạ nguồn.

Đây phải được coi là một hành xử rất thiếu sót của chính phủ Lào vì theo quy định của MRC 1995, trước khi đi tới một quyết định như thế, Lào cần phải tham khảo với từng quốc gia thành viên MRC trước khi có một hành động có thể gây phương hại tới quyền lợi của nước láng giềng. [6]

Dự án đập Don Sahong không chỉ thiếu giai đoạn Tham-vấn-trước (Prior Consultation), mà nghiêm trọng hơn nữa là thiếu cả một nghiên cứu độc lập khoa học và khả tín về ảnh hưởng tác động môi trường của con đập.

clip_image002

HÌNH I: Vị trí đập thủy điện Don Sahong 260 MW trên thác Khone. Nguồn: MRC 2013

Quyết định của Lào đã gây nên một làn sóng chống đối và phẫn nộ trong quần chúng các quốc gia láng giềng, các nhóm xã hội dân sự (civil society groups) và các tổ chức bảo vệ môi sinh uy tín trên thế giới như: IRN/ International Rivers Network, WWF/ Worldwide Fund for Nature…

Thế còn với dân chúng Lào thì sao? Họ đang phải sống dưới một chính quyền nhà nước độc đảng – như mô hình Đảng Cộng Sản Việt Nam, hoàn toàn kiểm soát truyền thông báo chí, chỉ để loan truyền những thông tin thiếu trung thực và tô hồng thành quả phát triển do lợi nhuận từ các con đập. Vụ bắt cóc và có thể là thủ tiêu nhà hoạt động xã hội và bảo vệ môi sinh Lào rất nổi tiếng Sombath Somphone – từng được trao giải thưởng Magsaysay 2005, như thứ một giải Nobel Hòa Bình Á châu, đã bao trùm không khí khủng bố sợ hãi trên các nhóm xã hội dân sự còn rất non trẻ trên đất Lào. [2]

Còn với ngót 20 triệu cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, như từ bao giờ, họ không chỉ thiếu thông tin mà cũng không ai cho họ có cơ hội để được lên tiếng, cho dù họ đang sống trên một khúc sông cuối nguồn, phải lãnh đủ mọi hậu quả tiêu cực tích lũy không phải chỉ có từ những con đập thủy điện Trung Quốc mà còn ngay từ các quốc gia hạ nguồn Mekong.

Về phía chính quyền các quốc gia Mekong, ngay sau khi MRC được Lào thông báo quyết định xây con đập Don Sahong, thì Mok Mareth, từ Campouchia nguyên là Bộ trưởng Môi sinh và hiện là Chủ tịch Ủy hội Môi sinh và Tài nguyên Nước của Quốc hội, đã lên tiếng chỉ trích sự “thiếu trong sáng (lack of transparency) trong hành xử của Lào đối với hai con đập Don Sahong và Xayaburi. Cho dù đã gửi điện thư tới chính phủ Lào yêu cầu cung cấp tài liệu về con đập Don Sahong nhưng đã không được đáp ứng, “Bộ Môi Sinh Campuchia chưa bao giờ nhận được những tường trình như vậy, điều ấy khiến chúng tôi hết sức quan tâm”. [8]

Quan trọng hơn là Don Sahong sẽ gây tác hại trực tiếp tới một khu bảo tồn bất khả xâm phạm của Campuchia. Chính phủ Campuchia công bố và đã được Liên Hiệp Quốc nhìn nhận vùng wetland ở miền bắc Strung Teng gần thác Khone là vùng được bảo vệ theo công ước quốc tế Ramsar. Việc Lào không tham vấn Campuchia không những có thể là một vi phạm nặng nề vào Hiệp định Mekong 1995 mà cả với công ước Ramsar của Liên Hiệp Quốc.

Về phía Việt Nam, phát ngôn viên của Tòa Đại sứ Trần Văn Thông phát biểu rằng Lào cần phải cung cấp các tài liệu lượng giá ảnh hưởng trước khi thông báo tiến hành xây đập và đồng thời cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết triệu tập một hội nghị khẩn cấp các thành viên MRC. Ông Thông nói tiếp: “Điều khẩn trương nhất là cần một cuộc thảo luận giữa tất cả các thành viên MRC để tiến tới một đồng thuận trước khi động thổ xây đập.” [8]

Theo quan điểm người viết, nếu ý thức được tầm quan trọng sinh tử của con đập Don Sahong là có thể gây đổ vỡ toàn hệ sinh thái trong lành của con sông Mekong và ảnh hưởng tai hại đến Đồng bằng sông Cửu Long, thì hội nghị khẩn cấp phải ở cấp nguyên thủ, hoặc ít nhất cũng phải ở cấp bộ trưởng của các quốc gia Mekong đã ký tên vào hiệp định MRC.

Gạt bỏ hẳn giải pháp quân sự – cho dù người ta có nói tới khả năng những cuộc “chiến tranh vì nước” trong thế kỷ 21 – nhưng đây cũng chính là thời điểm quan trọng mà các quốc gia láng giềng Mekong trong đó có Việt Nam, cần vận dùng toàn sức mạnh đối trọng về chính trị ngoại giao và kinh tế đối với chính phủ Lào để tái lập một trật tự phát triển bền vững trong toàn vùng Hạ lưu Mekong.

TIẾN TRÌNH PNPCA VÀ DON SAHONG

Khi Ủy ban sông Mekong 1957 (Mekong River Committee 1957) chuyển thể sang Ủy hội sông Mekong 1995 (Mekong River Commission 1995) vẫn chỉ gồm 4 nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam nhưng có một một thay đổi quan trọng là theo nội quy mới của MRC 1995 thì không một quốc gia thành viên nào còn có quyền phủ quyết (veto power). (Từ đây trong suốt bài viết, MRC là chữ tắt để chỉ Ủy Hội Sông Mekong 1995).

Tuy không còn quyền phủ quyết nhưng theo Hiệp định MRC 1995, thì mỗi dự án sông Mekong vẫn phải thông qua ba giai đoạn PNPCA như: (1) Thủ tục Thông báo (Procedures for Notification), (2) Tham vấn trước (Prior Consultation), (3) Chuẩn thuận (Agreement) trên quy mô vùng (A Regional Decision-Making Process).

Theo tinh thần ấy, khi có một dự án sông Mekong, thì quốc gia thành viên liên hệ sẽ phải đệ nạp dự án và thông báo cho MRC để khởi đầu tiến trình PNPCA theo như quy định. Qua kinh nghiệm Xayaburi, con đập dòng chính Mekong đầu tiên trên đất Lào, thì tiến trình PNPCA đã thực sự bị thử thách và Xayaburi đã là con domino đầu tiên ngã đổ và đã trở thành một “tiền lệ nguy hiểm (dangerous precedent) cho tương lai phát triển bền vững của toàn vùng hạ lưu sông Mekong.

DON SAHONG PHÁT SÚNG THI ÂN

Tuy công suất đập thủy điện Don Sahong tương đối rất nhỏ so với 11 dự án đập dòng chính hạ lưu khác (còn nhỏ hơn cả mấy con đập phụ lưu của Lào như Nam Theun-2: 1,070 MW), nhưng đó lại là trọng điểm vô cùng thiết yếu cho sự sống còn của nguồn cá từ con sông Mekong. Bởi vì có hơn 80% các loài cá sông Mekong thuộc loại di ngư (migratory fishes) và tuỳ theo chủng loại, luân phiên quanh năm di chuyển lên thượng nguồn, lên xa tới Vientiane và cả các khúc sông Mekong phía Đông Bắc Thái Lan.

Các loại cá từ Biển Hồ Campuchia và ĐBSCL Việt Nam, đã phải dùng các hẻm nước nơi thác Khone để lên thượng nguồn theo chu kỳ sinh sản và tăng trưởng.

Đã có những công trình nghiên cứu khoa học thuyết phục từ World Fish Centre 2007 và mới đây của Ian Baird thuộc Đại học Wisconsin, đã cho phổ biến một tài liệu chuyên đề giá trị trong Critical Asian Studies 2011: The Don Sahong; Potential Impacts on Regional Fish Migrations, Livelihoods, and Human Health với rất nhiều chi tiết về nguồn cá sông Mekong. [7]

Tom Fawthrop ký giả người Anh hiện sống ở Thái Lan cũng là nhà đạo diễn phim tài liệu Where Have All the Fish Gone? Killing the Mekong Dam by Dam, đã minh họa về “trận chiến trên sông Mekong” do khai thác thủy điện đang hủy diệt nguồn cá và ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của dân cư trong lưu vực. [9]

Tầm vóc đập Don Sahong tuy nhỏ nhưng lại chắn ngay hẻm nước Hou Sahong được coi là quan trọng nhất đối với các đoàn di ngư đặc biệt là trong mùa khô. Con đập “Nút Chặn” Don Sahong này sẽ làm đảo lộn sinh cảnh, gây rối loạn môi trường nước đưa tới nguy cơ tuyệt chủng của nhiều giống cá và hậu quả là sự sút giảm nghiêm trọng nguồn cá (sản lượng lên tới 3 triệu tấn/ năm, nguồn: MRC 2008), vốn được coi là phong phú nhất không phải chỉ của Đông Nam Á mà của cả thế giới chỉ đứng sau con sông Amazon Nam Mỹ. Mà cá từ bấy lâu vẫn là nguồn chất đạm chính của bao nhiêu triệu cư dân sông Mekong nhất là hai quốc gia Campuchia và Lào. [3]

clip_image004

HÌNH II: Lúa Gia Rai tỉnh Bạc Liêu bị chết khô vì nước mặn xâm nhập. Nguồn: ảnh Gs. Võ Tòng Xuân

Cho dù Lào có gửi thư thông báo trước, nhưng Lào đã né tránh trình nộp dự án Don Sahong tới MRC với phần lượng giá “khoa học, khách quan, và độc lập” về ảnh hưởng môi sinh EIA (Environmental Impact Assessment) theo đúng tiến trình Tham Vấn Trước để MRC và các quốc gia thành viên Mekong khác có thể đi tới một quyết định trên quy mô vùng.

Ame Tandem, một nhà hoạt động môi sinh bền bỉ có tiếng nói mạnh mẽ thuộc tổ chức International Rivers Network có trụ sở tại Berkeley, California, đã liên lục lên án tính thụ động trong vai trò điều hợp của MRC trong suốt diễn tiến từ con đập dòng chính đầu tiên Xayaburi và nay tới con đập Don Sahong: “Nếu MRC thất bại trong việc kiềm chế chánh phủ Lào, tổ chức này sẽ mất hết tính cách chính danh. MRC không thể để Lào né tránh trách nhiệm, và dự án Don Sahong phải qua giai đoạn Tham Vấn Trước đúng như tinh thần của Hiệp Định MRC đã ký kết 1995.” Ame Trandem phát biểu tiếp: “Cần ngưng ngay mọi công trình xây đập trên dòng chính Mekong, để MRC có thể nghiên cứu ảnh hưởng của các dự án đập – đúng như thỏa thuận giữa chánh phủ Lào và các quốc gia Mekong năm 2011.” [1, 4]

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây về Hội nghị Siem Reap (The 18th Meeting of the Mekong River Commission Council; Siem Reap, 12/ 08/ 2011), với thỏa thuận đình hoãn dự án xây đập Xayaburi trong vòng một thập niên 2010 – 2020 theo yêu cầu của toán đặc nhiệm Lượng Giá Môi Sinh Chiến Lược SEA (Strategic Environmental Assesment). [4]

Cho dù đã có rất nhiều phát biểu phản ánh sự lạc quan sau Hội nghị Siem Reap lúc đó, điển hình là phát biểu của Lean Kean Nor Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Campuchia: “Kết quả hôm nay chứng tỏ các quốc gia thành viên tiếp tục cam kết hợp tác làm việc trong tinh thần Hiệp định sông Mekong nhằm tiến tới phát triển kinh tế nhưng không coi nhẹ cuộc sống bền vững của các cộng đồng cư dân và cả môi trường.”, nhưng cũng theo phân tích của người viết ngay sau Hội nghị Siem Reap 2011, thì thực tế đã không có nhiều nét lạc quan đến như vậy vàcho rằng“Hội nghị Siem Reap chỉ đạt tới một thỏa hiệp rất mong manh”. [4]

Và các sự việc “rất không bình thường” diễn ra sau đó là công trình xây dựng con đập Xayaburi vẫn cứ liên tục tiến hành, từ âm thầm kín đáo, tới các bước công khai như hiện nay. Sự hiện hữu của con đập Xayaburi nay đã trở thành một hiện thực và bước hoàn tất là trong một tương lai rất gần. [4]

Trước sự kiện Lào thông báo cho MRC quyết định tiến hành xây con đập Don Sahong, Chhith Sam Ath, Giám đốc điều hành Diễn Đàn Campuchia (Forum on Cambodia) đã đưa ra nhận định: “Đập Don Sahong sẽ đẩy hai quốc gia Campuchia và Việt Nam tới khủng hoảng lương thực. Do con đập sát cạnh biên giới Campuchia, chính phủ Lào thì quên rằng cá là mạch sống và cũng là xương sống (backbone) của nền kinh tế Campuchia. Cá là phần cơ bản dinh dưỡng và cũng là nguồn protein chính của chúng tôi.” Chhith Sam Ath phát biểu tiếp: “Thật là vô trách nhiệm khi cứ tiến hành dự án đập Don Sahong mà không có tham khảo gì với các cộng đồng cư dân hạ nguồn và cả không thực hiện một cuộc nghiên cứu khả tín về lượng giá ảnh hưởng xuyên biên giới (transboundary impact assessment). Hiển nhiên cá là một nguồn tài nguyên quá quý giá để mà có thể lãng phí.” [1]

Teerapong Pomun, thành viện hoạt động của Hiệp hội Sông ngòi Thái Lan / Living Rivers Siam Association đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích: “Thêm một lần nữa, Lào tìm cách lẩn tránh trách nhiệm, trong khi đó lại cưỡng ép các cộng đồng cư dân trong vùng phải trả giá cho những tổn hại nghiêm trọng do con đập Don Sahong gây ra. Chính phủ Lào cần huỷ bỏ ngay dự án đập này, cùng với những con đập dòng chính khác trước khi quá trễ.” [1]

Từ phía Việt Nam, Nguỵ Thi Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Sáng kiến xanh (Green Innovation and Development Centre, Vietnam) cũng đưa ra nhận định: “Năng lượng có thể được sản xuất qua các nguồn bền vững hơn, trong khi huỷ diệt nguồn cá và lương thực thì không thể đảo ngược. Các chánh phủ Mekong cần tìm ra một ngõ thoát cho tình trạng lưỡng nan này trước khi sự căng thẳng trong vùng gia tăng. Chúng ta không thể để cho chính trị và những quyết định đơn phương gây nguy hại cho các dòng sông, tương lai nguồn nước và an toàn lương thực. Bây giờ hơn lúc nào hết, chúng ta cần tổ chức MRC và các quốc gia thành viên cùng đứng ra bảo vệ những nguồn tài nguyên thiết yếu từ con sông Mekong cung ứng cho nhiều triệu cư dân.”

THAY LỜI KẾT

Chưa một dự án đập thủy điện nào đã liên tục gây tranh cãi và chống đối trong những năm qua như dự án đập Don Sahong. Với mối lợi quá nhỏ và ngắn hạn, chỉ thêm được 260 MW điện, chính phủ Lào đã “mũ ni che tai”, bất chấp những lời can gián của các chuyên gia, vẫn cứ liều lĩnh “bật đèn xanh” cho tiến hành dự án Don Sahong, với cái giá rất đắt phải trả là sự hủy hoại vĩnh viễn cả một hệ sinh thái phong phú được coi là duy nhất còn lại của toàn lưu vực sông Mekong. Với con đập Don Sahong, thác Khone / Siphandone không còn là một kỳ quan thiên nhiên, mất hết sự hấp dẫn của một khu du lịch sinh thái (ecotourism), bấy lâu vẫn đem về một nguồn ngoại tệ rất đáng kể cho nền kinh tế Lào; không kể trước mắt là khủng hoảng lương thực do mất nguồn cá, mất nguồn chất đạm chính của đa số người dân Lào còn suy dinh dưỡng.

Tinh thần của Điều 7 trong Hiệp ước Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mekong 1995: “Các quốc gia thành viên ký kết cùng đồng ý là bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường… do phát triển và xử dụng Lưu vực Sông Mekong.” Điều ấy vẫn phải được chính phủ Lào và các quốc gia Mekong cùng tôn trọng.

Ngô Thế Vinh

26 – 10 – 2013

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

THAM KHẢO:

1/ Fish Plunder at Stake, Laos Announces Plans to Build Don Sahong Dam. IRN, October 2, 2013 http://www.internationalrivers.org/resources/pr-fish-plunder-at-stake-laos-announces-plans-to-build-don-sahong-dam-8102

2/ Laos' Mekong dam moves stir up public discontent. Jim Pollard. The Nation, October 10, 2013

http://www.nationmultimedia.com/opinion/Laos-Mekong-dam-moves-stir-up-public-discontent-30216687.html

3/ Laos PDR Breaks Ground for Xayaburi Dam, A Tragic Day for the Mekong River and Mekong Delta. Ngô Thế Vinh.

http://www.vietecology.org/Article.aspx/Article/94

4/ The Siem Reap Meeting A Fragile Agreement [12-08-2011] for the Free Flowing of the Mekong’s Mainstream–Ngô Thế Vinh. 1/3/2012http://www.vietecology.org/Article.aspx/Article/78

5/ Lao PDR submits notification on Don Sahong Hydropower Project. Vientiane, Lao PDR, 3rd Oct 2013

http://www.mrcmekong.org/news-and-events/news/lao-pdr-submits-notification-on-don-sahong-hydropower-project/

6/ Controversial Don Sahong Dam Closer to Construction.

Milton Osborne, Lowy Institute for International Policy. The Interpreter 4 October 2013http://www.lowyinterpreter.org/author/Milton%Osborne.aspx

7/ The Don Sahong; Potential Impacts on Regional Fish Migrations, Livelihoods, and Human Health.Ian G. Baird. Critical Asian Studies Volume 43, Issue 2, 2011http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/14672715.2011.570567#.Umni5yhYmgF

8/ Officials Criticize Laos Over Don Sahong Dam. Kuch Naren and Dene-Hern Chen – The Cambodian Daily, October 26, 2013http://www.cambodiadaily.com/news/officials-criticize-laos-over-don-sahong-dam-44888/

9/ Where Have All the Fish Gone? Killing the Mekong Dam by Dam. Tom Fawthrop. Video-DVD 2013

http://the-diplomat.com/2010/10/22/the-battle-over-the-mekong/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn