Trị căn hơn trị chứng

Bùi Văn Nam Sơn

Bạo động không phải là của hiếm trong xã hội Việt Nam ngày nay. Cướp ruộng đất của nông dân. Giết người trong đồn Công an. Trấn áp quần chúng yêu nước bằng lực lượng “còn Đảng còn mình” chính danh hay “quần chúng tự phát”. Vân vân. Nhưng nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn còn thấy bạo động với nghĩa rộng hơn: “Bất công xã hội, tự nó, là bạo động. Đặc quyền, đặc lợi là bạo động. Độc thoại trên diễn đàn thông tin đại chúng là bạo động. Ngôn ngữ mạ lỵ, thiếu tương kính là bạo động. Giáo dục nhồi nhét, thi cử nhiêu khê cũng là bạo động. Thậm chí, giao thông xô bồ, căng thẳng, mất dần những không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, tâm tình cũng là môi trường nuôi dưỡng và kích thích bạo động.” Hiểu như thế, thì bạo động còn kinh khủng hơn nhiều so với những gì người ta thông thường vẫn nghĩ. Và như thế, phải chăng sự thống trị của bạo động là sự thống trị của kẻ mạnh? Không, nhà nghiên cứu triết học dẫn câu sau đây của J. J. Rousseau: “Đứa trẻ chỉ tai ác vì nó yếu đuối”.

Bạo động là sự thể hiện căn tính của kẻ yếu. Càng yếu càng nghiêng về giải pháp bạo động.

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Ông Bùi Văn Nam Sơn - Ảnh: Gia Tiến

Trước những hiện tượng suy hoại về đạo đức đang gây bất an cho xã hội và làm đau lòng nhức óc những ai có lương tri, ta không khỏi nhớ đến câu nổi tiếng của Nguyễn Trãi: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” (Họa phúc có đầu mối, không phải một ngày). Cụ Nguyễn cô đọng ý tưởng đã có từ rất xa xưa: “Tôi giết vua, con giết cha không phải chuyện đột biến trong sớm chiều, mà có nguyên do được tích tụ dần dần” (Thần thí kỳ quân, tử sát kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai dã tiệm hĩ).

Tuy giản đơn nhưng đó là một nhận định đúng đắn, bởi ai cũng đồng ý rằng những tệ trạng xã hội cần phải “trị căn” hơn là “trị chứng”, nếu không muốn bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực bất tận, gây thêm bao đổ vỡ, khổ đau.

Ta thử hỏi tại sao người dân các nước Bắc Âu ngày nay nổi tiếng văn minh, hiền hòa, “dễ thương”, trong khi tổ tiên họ vốn là những “hải tặc Viking” khét tiếng hung dữ? Tại sao nước Đức, nước Nhật từng gây bao tội ác chiến tranh, nay nhìn chung là những nước quy củ, cởi mở, có cuộc sống thịnh vượng, an bình? Ai cũng biết đó là nhờ họ đã sáng suốt tự vấn, dày công theo đuổi nền giáo dục hòa bình, phi bạo lực suốt hơn hai thế hệ và thiết lập được thể chế, định chế chính trị, xã hội tương ứng.

Bất công xã hội, tự nó, là bạo động. Đặc quyền, đặc lợi là bạo động. Độc thoại trên diễn đàn thông tin đại chúng là bạo động. Ngôn ngữ mạ lỵ, thiếu tương kính là bạo động. Giáo dục nhồi nhét, thi cử nhiêu khê cũng là bạo động. Thậm chí, giao thông xô bồ, căng thẳng, mất dần những không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, tâm tình cũng là môi trường nuôi dưỡng và kích thích bạo động. Không đợi đến “cướp, giết, hiếp”, muôn mặt tinh vi và hiểm ác của bạo lực hằng ngày hằng giờ đang chung tay làm suy nhược thần kinh, giảm thiểu năng lực tự phòng vệ của con người, vì chúng xâm hấn vào vùng tinh anh nhất và cũng dễ tổn thương nhất.

Vậy, phải chăng bạo lực và thói quen bạo lực là toàn năng, vô phương cứu chữa? Thưa không! Tâm lý học xã hội và tâm lý học giáo dục ngày nay rất thấm thía nhận định tinh tường và quý giá sau đây của J. J. Rousseau: “Khi Hobbes gọi kẻ tai ác là một đứa trẻ cường tráng, thì ông đã nói một điều mâu thuẫn tuyệt đối. Bất kỳ kẻ tai ác nào cũng từ sự yếu đuối mà ra. Đứa trẻ chỉ tai ác vì nó yếu đuối; hãy làm cho nó mạnh, nó sẽ tốt; người nào có thể thực hiện được mọi điều sẽ không bao giờ làm điều ác” (Emile hay Về giáo dục). “Mạnh” là thấy mình không bị kiềm tỏa trong vòng sợ hãi và cấm đoán. “Có thể thực hiện được mọi điều” là biết rằng với năng lực tự thân, ta có quyền và có thể thực hiện mọi nguyện vọng chính đáng trong môi trường công bằng và tự do, do đó không cần và không buộc phải xâm phạm đến quyền hạn và lợi ích của người khác.

Giáo dục phi bạo lực và xã hội phi bạo lực làm con người “mạnh” lên trong tự do, chứ đâu phải làm yếu hèn, nhu nhược, càng không đồng nghĩa với việc thủ tiêu óc tự cường, chí bất khuất và sức mạnh đề kháng trước cường quyền ngoại xâm.

Bốn mươi năm sống ở nước Đức thua trận và từng bị chia cắt, tôi thấy họ học rất giỏi bài học này của Rousseau!

B. V. N. S.

Nguồn: tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn