Tám câu hỏi về vụ luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên

Vũ Thị Phương Anh

Qua thông tin trên mạng, tôi được biết luận văn thạc sĩ của cô Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan (từ đây sẽ gọi là Nhã Thuyên) đã được trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá lại. Và, trên cơ sở kết quả đánh giá, Nhã Thuyên đã bị tước bằng thạc sĩ.

Vụ luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên không phải là việc mới. Cách đây hơn nửa năm, vụ này đã gây xôn xao dư luận, mà khởi đầu của nó là một loạt bài phê phán nặng nề nội dung cuốn luận văn đã hoàn tất trước đó 3 năm (và đạt điểm tuyệt đối 10/10) được đăng trên báo Văn Nghệ TP HCM. Dựa vào kinh nghiệm về những gì đã xảy ra từ trước tới nay, người ta lập tức đoán ngay rằng loạt bài ấy có lẽ nhằm mục đích chuẩn bị dư luận và là tiếng chuông báo hiệu một kết cuộc không lấy gì làm tốt đẹp cho tác giả của cuốn luận văn cũng như người hướng dẫn nó.

Thật may (?), loạt bài ấy bộc lộ quá nhiều sơ hở trong lập luận nên hoàn toàn không thể thuyết phục được công chúng. Đã có những bài đáp trả lại những lập luận yếu kém của loạt bài tấn công, khiến cho công tác chuẩn bị dư luận của bài báo kia bị vô hiệu hóa. Theo những nguồn tin bên trong mà tôi được biết, ngay từ lúc ấy người ta đã có ý định thành lập lại hội đồng thẩm định lại luận văn và tước bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên rồi. Nhưng có lẽ do hoàn cảnh bên ngoài không thuận lợi, nên người ta chỉ tố chức một buổi trao đổi về nội dung luận văn và sau đó Nhã Thuyên vẫn được (tạm thời) tiếp tục giữ tấm bằng thạc sĩ mà cô đã từng bảo vệ với số điểm tuyệt đối.

Tôi là người cũng đã lên tiếng trong cuộc tranh luận lần trước, và theo dõi khá kỹ những gì đã xảy ra, dù việc của Nhã Thuyên không mấy liên quan đến tôi: Tôi không cùng ngành (văn hóa/văn học), không cùng trường (ĐH Sư phạm Hà Nội), cũng chẳng quen biết bất kỳ ai có liên quan đến luận văn này. Nhưng tôi quan tâm vì nó là một việc xảy ra trong giới đại học, và những ứng xử vô lý nếu có của giới có trách nhiệm cần phải được đem ra trao đổi và tranh luận để trước hết đem lại công bằng cho những người trong cuộc; sau nữa – và quan trọng hơn – là để tránh những trường hợp tương tự về sau. Vì vậy, tôi rất vui khi nghe tin Nhã Thuyên không bị tước bằng như những lời đồn đoán lúc ấy, và trong bụng mừng thầm vì như thế có nghĩa là những người có trách nhiệm đã cởi mở hơn, đã biết lắng nghe và tiếp thu những ý kiến hợp lý và hợp với thông lệ quốc tế.

Câu chuyện tưởng dừng lại ở đó, nhưng giờ đây – nếu những thông tin mà tôi đọc được trên mạng là đúng – thì mọi điều đồn đoán trước đây vẫn cứ xảy ra, chỉ là lùi thời gian thực hiện lại thôi. Một kiểu hoãn binh. Vì sau một thời gian chờ cho dư luận lắng đọng, thì một hội đồng mới lại được lập ra để đánh giá lại luận văn của Nhã Thuyên, và trên cơ sở kết quả đánh giá lại này, cô thạc sĩ trẻ ấy đã bị tước bằng. Người hướng dẫn Nhã Thuyên thực hiện luận văn này là PGS TS Nguyễn Thị Bình thì bị chấm dứt hợp đồng, mặc dù với chức danh PGS, lẽ ra bà có thể tiếp tục được làm việc 5 năm nữa, cho đến khi 62 tuổi.

Thực sự cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ những gì tôi đã viết ở trên – dựa vào những gì đọc được trên mạng – có chính xác hay không. Vì, không giống như lần trước khi báo chí lề phải khua chiêng gõ trống ầm ĩ về luận văn của Nhã Thuyên, lần này tuyệt nhiên không có một lời nào trên báo. Nhưng dù đúng dù không, tôi nghĩ bây giờ là lúc những người có trách nhiệm lên tiếng chính thức. Nếu những gì tôi nghe được là sai (và tôi chỉ mong là nó sai) thì chỉ cần trường Đại học Sư phạm lên tiếng đính chính trên báo chí là đủ. Còn nếu những điều tôi đã nghe là đúng, tôi xin gửi đến những người có trách nhiệm trong việc này một số thắc mắc, mong sớm nhận được câu trả lời. Đúng ra, tôi muốn gọi những thắc mắc của tôi là những lời chất vấn, vì Đại học Sư phạm Hà Nội là một trường đại học công, có sử dụng tiền thuế của người dân (trong đó có tôi), và cũng là nơi có trách nhiệm đào tạo ra những thầy cô giáo để phục vụ trong nền giáo dục quốc dân mà con cái tôi sẽ được hưởng nếu nó tốt, hoặc phải chịu nếu nó không tốt.

Những thắc mắc (đúng hơn là chất vấn) của tôi như sau:

1. Dựa trên những căn cứ nào mà trường Đại học Sư phạm Hà Nội lại thành lập hội đồng chấm lại luận văn của Nhã Thuyên? Có phải là những bài báo phê phán đầy sơ hở (vd: bài viết của “nhà nghiên cứu” Nguyễn Văn Lưu, …) mà dư luận đã chỉ ra cách đây hơn nửa năm chăng? Hay còn những căn cứ nào khác?

2. Dựa trên những căn cứ nào mà hội đồng chấm lại luận văn lại đưa ra những kết luận trái ngược lại với hai hội đồng trước đó (hội đồng chấm luận văn và hội đồng thẩm định, cả hai đều bao gồm những chuyên gia hàng đầu)? Xin nhắc lại, kết quả luận văn của Nhã Thuyên trước đây đã đạt điểm tuyệt đối.

3. Nếu cho rằng kết quả chấm lại mới chính xác và vì thế Nhã Thuyên đáng bị tước bằng, vậy có thể kết luận rằng hội đồng chấm lần trước, và cả người hướng dẫn, đã sai?

4. Những sai lầm của luận văn Nhã Thuyên là sai lầm về khoa học, hay đó là những sai lầm về tư tưởng, đường lối? Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có thể công khai thông báo tóm tắt kết luận của hội đồng cho mọi người cùng biết được không? Nếu đó là vấn đề tư tưởng, vậy những điều nào, hoặc những hiện tượng nào, là cấm kỵ không được nghiên cứu hoặc ủng hộ, liệu đã có quy định chưa? Nếu chưa có, thì Nhã Thuyên không thể sai và không thể xử lý, mà chỉ có thể rút kinh nghiệm. Nếu đã có, xin được nêu công khai rộng rãi, để những người sau không mắc phải những sai lầm tương tự.

5. Nếu luận văn của Nhã Thuyên sai (nên Nhã Thuyên đã bị tước bằng), vậy những người đã hướng dẫn và thẩm định luận văn cũng phải có trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm chính. Tại sao trường Đại học Sư phạm Hà Nội lại chỉ “xử” một mình cô học trò là Nhã Thuyên, dù sao cũng chỉ là một sản phẩm đào tạo của trường? Hay trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ có quyết định về “số phận” của những người này sau, và nếu vậy, thì bao giờ?

6. Những người đã hướng dẫn và thẩm định luận văn Nhã Thuyên trước đây là những người có học hàm, học vị, và cả chức vụ quan trọng trong hệ thống. Nếu như họ sai, và sai nghiêm trọng đến như vậy, thì những người đã đào tạo, bổ nhiệm, và sử dụng những người ấy có phải truy cứu trách nhiệm không? Và sẽ xử lý ra sao?

7. Từ những chất vấn phía trên, có thể thấy suy cho cùng, nếu luận văn Nhã Thuyên là sai, thì đó là lỗi hệ thống chứ không phải là lỗi của riêng cá nhân nào. Như thế, các sản phẩm đào tạo của hệ thống ấy hẳn đã sai hàng loạt. Vậy chúng ta có cần thành lập hội đồng để xem xét lại tất cả các luận văn, luận án trước đây của hệ thống này hay không, hay chỉ khoanh vùng một trường hợp này thôi? Tại sao?

8. Cuối cùng, trước khi bị lôi ra đả phá trên báo chí chính thống thì luận văn của Nhã Thuyên (cũng như nhiều luận văn, luận án khác) vẫn được xem là làm đúng quy trình, quy định và đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học. Thậm chí, với điểm đạt tuyệt đối, nó còn là một ví dụ mẫu mực của một luận văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thế mà chỉ vì có ai đó tình cờ đọc và đem ra phê phán thì kết quả thẩm định trước đó đã bị đảo ngược, trong khi những trường hợp tương tự có thể có nhưng không bị ai moi ra thì vẫn an toàn. Như thế, có công bằng với Nhã Thuyên hay không? Và có thể nghi ngờ rằng đây chỉ là một việc mạo danh khoa học mà tấn công cá nhân – cá nhân Nhã Thuyên, và cá nhân người hướng dẫn của Nhã Thuyên mà giờ đây đang bị đối xử bất công mà không có lý do chính thức nào – hay không?

Dù ai đúng, ai sai thì điều này cũng làm cho uy tín khoa học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội bị giảm sút nghiêm trọng, nếu không có những lý giải hợp lý về việc đã xảy ra, và quan trọng hơn, sự phân tích nguyên nhân và đề xuất các biện pháp để ngăn ngừa những trường hợp tương tự trong tương lai. Một trường đại học sư phạm lớn với bề dày truyền thống như Đại học Sư phạm Hà Nội mà để xảy ra tình trạng như vậy rõ ràng là không thể chấp nhận được.

Rất mong những thắc mắc (chất vấn?) của tôi được những người có trách nhiệm hiện nay của trường Đại học Sư phạm Hà Nội quan tâm trả lời. Vì nếu không, tôi bắt buộc phải kết luận rằng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã ứng xử tùy tiện, thiếu khoa học, thiếu trách nhiệm với các sinh viên và cán bộ, giảng viên của mình, và hơn hết, là thiếu trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn đầu tư của nhà nước mà vốn là tiền thuế của người dân, trong đó có tôi. Ngoài ra, tôi cũng mong báo chí, đặc biệt là những tờ báo đã moi ra vụ này, tiếp tục vào cuộc để làm rõ vấn đề (*), để thuyết phục người đọc rằng những gì đang diễn ra là minh bạch, công tâm, và khoa học, chứ không phải là những việc làm lén lút, ném đá giấu tay, mượn những tấm bình phong to tát như khoa học hoặc tư tưởng để trả thù cá nhân, như đang có những dư luận không tốt như vậy.

Trân trọng.

V. T. P. A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

(*) Ban Tuyên giáo Trung ương tiên liệu trường hợp này, đã ra chỉ thị bịt miệng báo chí (xem ở đây). Thế mới xứng đáng gọi là lãnh đạo, là “dân chủ tập trung”! – BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn