Đề nghị dừng hẳn “Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa” của Bộ Giáo dục

Nguyễn Hữu Quý

Vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, ông Nguyễn Vinh Hiển, thay mặt Bộ, lần thứ hai trình dự thảo nghị quyết về “đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trước UB Thường vụ QH. Qua buổi trình dự thảo này, công luận được biết, để thực hiện đề án, thì: “Về kinh phí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết để xây dựng chương trình và sách giáo khoa, dạy thử nghiệm và đại trà... sẽ cần 34.275 tỷ đồng. "Đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường chưa đủ điều kiện trong 1-2 năm như nói ở trên".

Đó là một đoạn nội dung trong bài đăng trên báo vietnamnet.vn, hôm 14.4.2014, có tựa đề “Bộ Giáo dục xin 34 nghìn tỷ đổi mới chương trình”.(*)

Đánh giá về đề án này, báo Vietnamnet, cho biết các nhận xét của các ông trong UB thường vụ QH:

“… Các thành viên UB Thường vụ QH vẫn thấy dự thảo do Bộ Giáo dục trình thiếu cụ thể, thiếu định hướng, mới chỉ "chép lại nghị quyết Trung ương".

Chủ tịch HĐ Dân tộc Ksor Phước thấy báo cáo chưa đánh giá tác động một cách đầy đủ: "Từ lần đầu QH ra Nghị quyết về đổi mới giáo dục năm 2000, 14 năm qua ta vẫn tranh cãi, thế thì trong 10 năm tới ta sẽ thay đổi toàn diện như thế nào?"

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng không hài lòng: Đề án nhắc nhiều đến việc "tích hợp" mà không thấy đưa vào những tư duy mới trong Hiến pháp, tham khảo kinh nghiệm làm chương trình và sách giáo khoa tiến bộ của thế giới, cứ ta tự viết của ta.

"Từ năm 2000 đến giờ ta cứ loay hoay đổi mới mãi", ông Lý nói. "Để tương xứng với gần 2 tỷ USD (hơn 34 nghìn tỷ đồng) thì phải làm cẩn thận, đầy đủ hơn, lấy ý kiến giới khoa học, chuyên gia thậm chí toàn dân".

Riêng với người viết bài này, thì đề nghị dừng hẳn, không “cố đấm ăn xôi” với ngành Giáo dục đã quá nhiều bết bát, mục nát… nữa! Việc cải cách, có lẽ chỉ có thể thực hiện trong một hoàn cảnh khác sau này, nghĩa là không còn phụ thuộc kiểu "chép lại nghị quyết Trung ương".

1. Nền giáo dục XHCN là sự thảm bại, thua xa nền giáo dục của Pháp và của Việt Nam cộng hòa.

Bằng quan sát thực tế, có lẽ nhiều người đồng ý với tôi rằng, những người sinh từ năm 1945 trở về sau (sinh ở miền Bắc), được học trong một nền giáo dục gọi là, “nền giáo XHCN”, những người này, tuổi đời nay cũng sắp 70, nhìn chung, không phải là tất cả, nhưng cũng là phần lớn, họ đã thua xa thế hệ trước đó được đào tạo dưới thời thuộc Pháp. Xin lấy hai 2 trường hợp làm ví dụ:

- Nhà văn Nguyên Ngọc (ông sinh năm 1932), qua Bách khoa toàn thư mở Wikipedia nói về nhà văn, “Năm 1950, khi đang học trung học chuyên khoa (nay là trung học phổ thông), ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam”; mặc dù việc học của Nhà văn Nguyên Ngọc bị dở dang, nhưng ngoài những tác phẩm nổi tiếng để lại cho đời, thì “Ông đã dịch một số tác phẩm lý luận văn học như Độ không của lối viết (Rolland Barthes), Nghệ thuật tiểu thuyết (Milan Kundera), tác phẩm của Jean-Paul Sartre, Jacques Dournes...”.

Đoạn trích dẫn trên về nhà văn Nguyên Ngọc cho thấy, dưới chế độ Thực dân Pháp, việc đào tạo ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục thuộc địa của người Pháp đổi với người Việt là rất hiệu quả; một người đang học dở trung học phổ thông mà đã dịch những tác phẩm như vậy quả là phải được đào tạo rất bài bản, dẫu chỉ đang ở cấp “trung học phổ thông”.

- Người thứ hai là Nhạc sĩ Tô Hải, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, nói về nhạc sĩ không nhiều, ông sinh năm 1927 tại Hà Nội, ông là người được thiên phú về âm nhạc, và theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ông có 13 ca khúc và 7 hợp xướng. Nhưng mọi người nhớ đến ông với tư cách là một Blogger già nhất hiện nay và viết khỏe, sâu sắc, minh mẫn…; đặc biệt, qua các bài viết của nhạc sĩ, thì được biết, cũng như Nguyên Ngọc, Nhạc sĩ Tô Hải rất giỏi về ngoại ngữ, mặc dù không thấy nói ông học đại học ở đâu, mặc dù vậy, ông có thể nghe Radio phát bằng tiếng Pháp, tiếng Anh từ ngày ông còn trẻ, và đến bây giờ vẫn vậy. Rõ ràng, ông cũng là sản phẩm tuyệt vời của nền đào tạo Pháp.

Với nền giáo dục của Việt Nam cộng hòa (VNCH) thì sao?

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, giới thiệu, “Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa là nhân bản, dân tộc, và khai phóng”; Nền giáo dục VNCH đào tạo ra những con người có duy độc lập, không chịu nô lệ về tư tưởng.

Theo đánh giá của nhà phê bình văn học Thụy Khuê (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia): "Có thể nói, trong suốt thời gian chia đôi đất nước, mặc dù với những tệ nạn của xã hội chiến tranh, tham nhũng; miền Nam vẫn có một hệ thống giáo dục đứng đắn. Trong chương trình giáo khoa, các giai đoạn lịch sử và văn học đều được giảng dậy đầy đủ, không thiên hướng. Ở bậc trung học học sinh gặt hái những kiến thức đại cương về sử, về văn, và tới trình độ tú tài, thu thập những khái niệm đầu tiên về triết học. Lên đại học, sinh viên văn khoa có dịp học hỏi và đào sâu thêm về những trào lưu tư tưởng Đông Tây, đồng thời đọc và hiểu được văn học nước ngoài qua một nền dịch thuật đáng tin cậy, dịch được những sách cơ bản. Nguyễn Văn Trung trong hồi ký đã nhấn mạnh đến sự tự trị của đại học, nhờ sự tự trị này mà các giáo sư có quyền giảng dạy tự do, không bị áp lực chính trị của chính quyền. Chính điều kiện giáo dục này, đã cho phép miền Nam xây dựng được một tầng lớp trí thức, một tầng lớp văn nghệ sĩ và một quần chúng độc giả; giúp cho nhiều nhà văn có thể sống bằng nghề nghiệp của mình. Và cũng chính tầng lớp trí thức và sinh viên này đã là đối trọng, chống lại chính quyền, khi có những biến cố chính trị lớn như việc đàn áp Phật giáo thời ông Diệm và việc đấu tranh chống tham nhũng (như vụ báo Sóng Thần) thời ông Thiệu.".

Những điều trên cho thấy: Nền giáo dục Pháp và VNCH, tạo cho con người nền tảng cơ bản, rồi từ đó tự học suốt đời để làm phong phú kiến thức và bắt nhịp với cuộc sống.

Ngược lại, những người được đào tạo “dưới mái trường XHCN”, không có mấy ai có tư duy độc lập. Đặc biệt gần như là 100% không có ai nói được một ngoại ngữ nào, nếu không đi học đại học ở nước ngoài (đang nói thế hệ sinh từ 1945 về sau). Thậm chí, cho dù có người học ngoại ngữ (tiếng Nga, tiếng Trung) ngay từ lớp 6, sang đến cấp 3, và tiếp là 4 năm học đại học ngoại ngữ, cũng không thể nói được tiếng mà đã bỏ ra cả hơn 10 năm để học.

Với tất cả thực trạng của nền Giáo dục Việt Nam trong mấy chục năm qua, mà mọi người đã thấy, trải nghiệm…; thì không ngoa để nói rằng, nền giáo dục XHCN đã thật sự thảm bại.

Bằng cấp trong hệ thống giáo dục của Việt Nam đi ra nước ngoài không được công nhận, đó là một sự sỉ nhục đối với người Việt. Chính phủ Việt Nam có nhiều học vị tiến sĩ nhất thế giới, nhưng kinh tế và xã hội Việt Nam thì tỷ lệ nghịch với học vị của các quan chức Chính phủ.

clip_image002

Các Bộ trưởng, thành viên nội các Chính phủ Việt Nam có bằng tiến sĩ

Nguồn: http://freely.vn/freely-choice/viet-nam-dinh-cao-tri-tue-2543.html

Thực tế cũng cho thấy, có rất nhiều người học tập và thành danh ở nước ngoài, khi trở về Việt Nam, họ được bố trí ở cương vị lãnh đạo, đầu ngành…; và theo thời gian, hệ thống chính trị Việt Nam đã biến họ thành con người khác; với những thói: tha hóa, cơ hội, ganh ghét…, cuối cùng là bỏ hẳn chuyên môn và sống bon chen với đồng nghiệp, không thiếu kẻ làm hại cho đất nước ở tầm vĩ mô…

Chính vì vậy, chúng ta không thể thay đổi được nền giáo dục Việt Nam, dựa trên một cái nền giáo dục đã thảm bại như thế. Tất cả những ai đang là công chức làm trong ngành Giáo dục Việt Nam hiện nay, đều là sản phẩm như đã nói trên; vì vậy, không đủ các điều kiện cần thiết… để thực hiện một sự nghiệp cải cách giáo dục theo hướng “nhân bản, dân tộc, và khai phóng, như triết lý giáo dục của VNCH trước đây.

2. Đề nghị dừng hẳn để không tốn tiền bạc, thời gian… một cách vô ích.

Trở lại với bài viết trên báo vietnamnet.vn; xin được nhắc lại lời ông Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội: "Từ năm 2000 đến giờ ta cứ loay hoay đổi mới mãi", ông Lý nói. "Để tương xứng với gần 2 tỷ USD (hơn 34 nghìn tỷ đồng) thì phải làm cẩn thận, đầy đủ hơn, lấy ý kiến giới khoa học, chuyên gia thậm chí toàn dân".

Với một chương trình, mà 14 năm nay vẫn đang còn “Loay hoay đổi mới”, trong khi để thực hiện lại cần đến vài tỷ USD, liệu nếu tiếp tục có mang lại kết quả? Rõ ràng, ngoài các ý kiến trên từ các vị trong UB thường vụ QH đã nêu, thì những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, xét thấy dự án trên là không ổn, không khả thi, và nên loại bỏ.

Nếu ai đó có đặt lại câu hỏi: Vậy thì làm gi với nền giáo dục đang xuống cấp hiện nay? Không có lẽ lại bỏ…?

Xin thưa, 70 năm nay nó đã sai rồi, thì thôi, ráng một thời gian ngắn nữa. Và có lẽ nền giáo dục Việt Nam cũng không còn chỗ để xuống hơn được nữa, vì đã chạm đáy rồi.

Chỉ khi mà nền giáo dục không còn bị “định hướng” của bất cứ cá nhân, đảng phái nào, thì lúc ấy mới nên đưa ra bàn trước toàn dân, và chắc chắn sẽ thành công.

(*) http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/170368/bo-giao-duc-xin-34-nghin-ty-doi-moi-chuong-trinh.html

N.H.Q

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn