Đợt tấn công thứ 2: từ 30.3 đến 1.5.1954 *

Lê Phú Khải

TRẬN ĐỊA CHIẾN HÀO XIẾT VÒNG VÂY LỬA

Sau Him Lam, cụm cứ điểm (trung tâm đề kháng) đồi Độc Lập và Bản Kéo nhanh chóng bị tiêu diệt. Vậy là chỉ sau 5 ngày chiến đấu cánh cửa phía Bắc của tập đoàn cứ điểm đã mở toang.

Trận Him Lam chói sáng tinh thần chiến đấu dũng cảm và quyết tâm chiến thắng của chiến sĩ ta. Đại đội chủ công của Tiểu đoàn 248, Trung đoàn 141 (312) khi đánh vào cứ điểm số 2, vừa mở xong hàng rào cuối cùng thì vấp phải một luồng đạn từ lô cốt tiền duyên tuôn ra, hỏa lực bắn thẳng của đại đội cũng không dập được ngay hỏa điểm. Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót trườn lên với tiểu liên và lựu đạn, khi hết đạn và lựu đạn anh đã lao mình vào lỗ châu mai làm ngừng tiếng súng trong giây lát, tạo thời cơ cho xung kích lao lên… Hành động anh hùng của Giót cổ vũ toàn đồng đội.

Các chiến sĩ ta đã lao lên dùng lựu đạn lưỡi lê đánh giáp lá cà nhanh chóng tiêu diệt cứ điểm. Nguyễn Trí Việt, chính trị viên đại đội 245 đã nhắc trên, trong trận Him Lam này anh chỉ huy đại đội xung kích của mình vượt qua sông Nậm Rốm ở phía Tây để đánh một quả đồi của trung tâm đề kháng Him Lam, sau này có kể lại với người viết (LPK) như sau: Dũng cảm nhất trong một cuộc xung kích vẫn là các chiến sĩ bộc phá. Các anh phải đi trước bóc rào kẽm gai, chướng ngại vật cho xung kích lao lên. Trung đội bộc phá của chúng tôi cũng lần lượt hy sinh đến chiến sĩ cuối cùng. Trí Việt giải thích: sau này mới biết, do trời tối quá, khói mù mịt, pháo địch ở Mường Thanh lúc này đã hoàn hồn nên yểm trợ, bắn tập trung liên tiếp, có nhiều anh em ôm bộc phá lên, chưa kịp cho bộc phá nổ đã hy sinh. Có anh em chệch hướng, tưởng hàng rào chưa bị phá, phá tiếp hàng rào kẽm gai đã bị phá rồi. Chúng tôi phải tổ chức rút kinh nghiệm… Sáng hôm sau, từ đỉnh đồi nhìn xuống, thấy dày đặt sắt thép, rào gai… ai cũng rùng mình, không thể tưởng tượng nổi đêm qua làm sao mà ta có thể lao lên được trước những rào cản dày đặc thế kia… nhờ các đồng chí bộc phá mở đường quyết tử… mới có chiến thắng…

Nghe Trí Việt kể chuyện 50 năm xưa trong một quán cà phê ở Sài Gòn… tôi bỗng hình dung ra nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ mà cách đó vài ngày tôi đã đến thắp nhang… chỉ có 4 liệt sĩ có tên: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can, Tô Vĩnh Diện, còn tất cả là vô danh… Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khóc khi viếng những nghĩa trang ở Điện Biên Phủ như thế. Ông nói: Có những đơn vị phải ráp ngay lại trong một trận đánh, chưa kịp biết tên đồng đội thì đồng đội đã hy sinh…

Sau trận mở màn, con nhím Điện Biên Phủ vẫn còn quá mạnh. Ta phải làm cho nó suy yếu trước khi bắt đầu trận quyết định. Đảng ủy mặt trận đã đề ra 3 nhiệm vụ cụ thể cho đợt tiến công thứ 2:

§ Một là, bao vây địch bằng các trận địa tấn công ở tất cả các hướng, đưa trận địa tấn công vào cực ly có hiệu quả của tất cả các loại súng lớn, súng nhỏ… của ta. Chia cất phân khu Hồng Cúm với trung tâm.

§ Hai là, “bóc” thêm một số cứ điểm ở “vỏ” ngoài của tập đoàn cứ điểm.

§ Ba là, khống chế sân bay và chuẩn bị đánh địch phản kích.

Trong các nhiệm vụ trên thì nhiệm vụ xây dựng trận địa tấn công là quan trọng nhất. Thời gian cho chuẩn bị là 10 ngày nhưng tuyến chiến hào vạch ra trên bản đồ ước tính 100 km! Hào giao thông chiến đấu phải có: đường trục cho việc cơ động pháo, chuyển thương binh, hào tiếp cận của bộ binh; đường hào trục bao quanh toàn bộ trận địa địch ở khu trung tâm, hào bộ binh chạy từ những vị trí trú quân trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang hào trục, tiến vào các vị trí mà ta định tiêu diệt. Hào phải sâu 1,70 m, đường hào bộ binh rộng 0,5 m, đáy hào trục 1,2 m. Dọc đường hào bộ binh phải có đáy phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với địch tiến công. Hào phải đào vào ban đêm, làm tới đâu ngụy trang tới đó, triển khai cùng một lúc để phân tán sự chống phá của địch. Thời gian biểu của bộ đội là sáng ngủ, chiều lên rừng đốn gỗ xây trận địa, suốt đêm là thời gian đào trận địa. Bộ đội phải lao động cật lực 14 đến 18 tiếng một ngày. Khi hào đã ra đến cánh đồng trống thì không còn cách nào ngụy trang nữa, mỗi tấc đất chiến hào đều phải trả bằng máu.

Cả Điện Biên Phủ lúc này là một công trường lao động vĩ đại tạo ra một vòng lửa thiêu đốt con nhím khổng lồ tập đoàn cứ điểm!

Sau này các nhà nghiên cứu lịch sử và quân đội bình luận rằng, tất cả các cuộc chiến chiến hào từ xưa đến nay đều diễn ra khi hai bên không bên nào thôn tính được bên nào, chán đánh nhau đều phải đào hào trú ẩn chờ thời cơ… Thậm chí có nơi quân lính hai bên quên cả hận thù còn nói chuyện với nhau, lên mặt hào hút thuốc… Nhưng trận địa chiến hào ở Điện Biên Phủ là trận địa tiến công. Thông thường bên mạnh tấn công, bên yếu phòng ngự. Nhưng ở đây Pháp mạnh lại chọn thế phòng ngự, ta yếu là tấn công! Và trận này chấp nhận mặt đối mặt với kẻ mạnh. Hào của ta xiết chặt vòng vây lửa mỗi ngày, địch gồng mình lên để giãy giụa. Chỉ một bóng người nhô lên là cả hai đều nhả đạn. Bắn tỉa trở thành nỗi kinh hoàng của giặc Pháp khi bị chiến hào xiết chặt. Cuộc chiến kéo dài nên cuộc sống dưới hào của bộ đội phải được cải thiện. Các hàm ếch dọc chiến hào phải đủ rộng để bộ đội có thể thay phiên nhau duỗi chân mà nằm ngủ! Phải được luân phiên nhau về tuyến sau tắm rửa giặt giũ, tìm rau xanh ăn… Sinh hoạt của bộ đội phải được bình thường để đủ sức chiến đấu lâu dài. Đó là chỉ đạo của Đại tướng. Nhưng lại có quan điểm, đã là chiến tranh là bất thường. Nhưng Đại tướng cho rằng bộ đội chiến đấu liên tục 5 tháng liền, cái bất bình thường đã thành bình thường, nên phải bình thường hóa sinh hoạt của bộ đội. Vì thế lính ta được ăn cơm nóng, có báo đọc, có tú lơ khơ chơi, ca hát ngay dưới chiến hào để có sức mà đánh chắc tiến chắc tiêu diệt địch. Khi một người chỉ huy có tri thức thì dù cuộc chiến có khốc liệt mấy vẫn có chất nhân văn là thế!

clip_image002

Tác giả trên hầm De Castries 4/1994

Địch đã dùng sức mạnh tối đa của bom đạn trên trận địa bằng phẳng ở Mường Thanh và các cuộc phản kích của chúng có xe tăng yểm trợ để phá công việc xây dựng trận địa của ta. Có trận pháo ở Mường Thanh yểm trợ, rồi xe tăng mở đường phản kích. Lính dù bám theo xe tăng tràn lên trận địa ta, chia cắt đội hình ta, nhảy xuống chiến hào… Nhưng ta quyết không rời trận địa, chụm lại ở một ngã ba chiến hào dùng trung liên, tiểu liên thành một vòng tròn, mặc xe tăng, nhắm kẻ thù mà bắn… Có trận lính phòng không của ta chỉ được trang bị trọng liên bắn máy bay, khi xe tăng và bộ binh địch tràn tới, chỉ huy đã hạ lệnh hạ nòng pháo cao xạ xuống bắn xe tăng… nòng súng đỏ rực. Khi xe tăng chà lên chiến hào và ụ súng, lính ta giật lựu đạn, chờ xì khói rồi mới ném vào địch, cuối cùng lựu đạn cũng hết, ta dùng búa đanh, kìm, lắc lê, chân súng gãy lăn xả vào địch đánh xáp lá cà. Cuộc chiến không cân sức kéo dài đến 2 tiếng đồng hồ… Trận phản kích này của giặc được quân viễn chinh coi là chiến thắng duy nhất của chúng ở Điện Biên Phủ (!).

Mục tiêu của đợt tấn công thứ hai sau khi đã xây dựng trận địa là đánh chiếm các cao điểm phòng ngự phía đông của khu trung tâm, khống chế đi đến đánh chiếm sân bay, triệt đường tiếp tế của địch. Thu hẹp phạm vi chiếm đóng và vùng trời của tập đoàn cứ điểm. Để hỗ trợ các đơn vị đánh cao điểm, ta có một mũi thọc sâu vào khu đông, đánh trận địa pháo…

Các Đại đoàn 312, 308, 316, 351 vào trận đánh này.

18 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1954, tức sau 15 ngày của đợt tiến công đầu, đợt tấn công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm bắt đầu.

Các cao điểm phía đông, các vị trí bảo vệ sân bay và khu vực quân cơ động của địch chìm trong khói lửa.

Khói lửa ở đây là khói lửa của pháo ta đánh phủ đầu. Nhưng không phải đạn ta dư thừa như của địch. Khi Đại tướng hỏi trước trận đánh, có ai đề nghị gì không? Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An nói:

- A1 là vị trí rất cứng mà chi viện có 100 viên đạn pháo 105, như vậy là quá ít.

Đại tướng đã nói vui: Được, cho cậu thêm 5 viên nữa! Mọi người cười ồ!

Tuy đạn pháo ta hạn chế, nhưng cũng như đợt tấn công thứ nhất, suốt nửa giờ đầu, pháo binh địch không thể lên tiếng! (Ở đợt đầu, sau khi hoàn hồn, Piroth đã dội 6000 viên đại bác xuống xung quanh Him Lam)!

Những giờ đầu, cuộc chiến đấu diễn ra khá thuận lợi. Pháo ta bắn chính xác. Ở đồi C1 lần đầu ta mở rào bằng đạn phòng bọc lôi. Khi pháo chuyển làn, các chiến sĩ bộc phá chỉ còn mở nốt những hàng rào còn sót lại. Chỉ sau 45 phút xung kích, ta với lưỡi lê, lựu đạn đã đánh tan 3 đợt phản kích của địch, toàn bộ 1 đại đội 149 tên thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn 4 Maroc địch bị tiêu diệt và bắt sống. Tại cao điểm E1, sau 1 giờ xung phong, ta đã chiếm cứ điểm. Tại cao điểm D1, đại úy Garandeau chỉ huy tiểu đoàn 3 Algiéri bị pháo ta vùi chết trong hầm chỉ huy. Sau 2 giờ chiến đấu ta chiếm toàn bộ đồi D1, ngọn đồi cao nhất thung lũng Điện Biên. (Tổng thống Mitterrand Pháp sau này lên thăm Điện Biên Phủ đã lên đây đứng trầm ngâm quan sát quan sát toàn lòng chảo Mường Thanh). Những tên lính Bắc Phi và ngụy Thái sống sót tháo chạy về phía Nậm Rốm… Thừa thắng ta đánh xuống D2. Riêng A1 và các mũi thọc sâu, các đơn vị ta gặp khó khăn. Tới nửa đêm, cuộc chiến tại A1 diễn ra giằng co, ta và địch mỗi bên chiếm một nửa quả đồi. Ở đồi C2, quả đồi khá rộng nối với C1 bằng một yên ngựa, rất tiện cho quân cơ động địch phản kích, ta xung phong bị hỏa lực địch rất mạnh chặn lại, tiểu đoàn 215 của ta quyết định phải rút lui về C1 chuẩn bị tiến công C2 vào ban ngày. Ở D2, ta vấp phải hỏa lực bắn thẳng từ trận địa pháo trên cứ điểm 210 và hai cổ đại liên 4 nòng từ bên kia sông Nậm Rốm, phải ngừng lại để củng cố.

Mất các cao điểm phía đông là mất hết, vì các cao điểm này kiểm soát khu trung tâm. Nếu ta chiếm được các cao điểm phía đông thì hỏa lực sẽ bắn thẳng vào trung tâm, vì thế địch quyết giữ bằng mọi giá. Qua đêm 30 đến sáng ngày 31.3, máy bay, pháo và xe tăng của địch phản kích. Các cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Ở C1 ta chiếm được đỉnh đồi nhưng máy bay địch quyết biến đỉnh đồi C1 thành “miệng núi lửa”! Ta quyết bám đỉnh đồi ở thế “ngồi trên đầu thù”!!! Ở A1, sau 4 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã mỏi mệt mà chưa chiếm được cả đồi. Trước tình hình đó, ngày 6 tháng 4, Đại tướng đã triệu tập hội nghị sơ kết đợt 2 chiến dịch để triệu tập cán bộ về sở chỉ huy bàn cách đánh mới…

Cuộc chiến đấu ở đợt 2 dài đến cuối tháng Tư vô cùng khốc liệt với những diễn biến phức tạp đầy kịch tính. Có thể nói, không sách vở nào ghi hết những gương chiến đấu không tiếc máu xương của chiến sĩ ta để giành cho được chiến thắng cuối cùng. Hãy lấy cuộc chiến trên đồi A1 làm điển hình cho đợt tiến công thứ hai này…

clip_image004

Tượng đài trên đồi D1 (4/2013)

Khi các cao điểm khác đã được công phá thì riêng A1 lực lượng ta bị tổn thất nhiều. Tại đây lính Maroc và lê dương với ba tuyến phòng ngự, có nhiều tuyến chiến hào và giao thông hào liên hoàn, các lô cốt và hầm trú ẩn đều có nắp đậy và chịu được đạn pháo… đã chống cự quyết liệt. Ta và địch đã giành nhau từng ụ súng, từng ngách chiến hào. Địch lùi dần và tới đỉnh đồi, chúng biến đi sau một ụ đất cao (!). Sau đó đại bác 105 ly tại Hồng Cúm và súng cối từ Mường Thanh dồn dập trút xuống đỉnh đồi… Tới nửa đêm ta và địch mỗi bên chiếm nửa đồi… Cứ như thế suốt 36 ngày đêm sau đó cuộc chiến trên đồi A1 đã diễn ra cực kỳ ác liệt. Địch từ hầm ngầm giữa đồi, có quân tăng viện và xe tăng yểm trợ luôn mở những đợt phản kích hòng đánh bật ta ra khỏi cao điểm được xem là “chiếc chìa khóa” của tập đoàn cứ điểm. Chỉ có tiêu diệt được A1 ta mới chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Vì thế ta quyết đánh, địch quyết giữ bằng mọi giá. Cả pháo ta và pháo địch cùng tập trung bắn vào đồi để yểm trợ cho mỗi bên; các ụ súng, chiến hào đều bị đạn bom nghiền nát. Bom đạn đã làm biến dạng quả đồi, duy chỉ có ụ đất đỏ vẫn sừng sững trên đỉnh đồi. Thế trận giằng co cho đến khi quân ta phải đào một đường hầm sâu 47 mét vào một phía đồi ta chiếm được, cách đỉnh đồi 10 mét để đưa một khối thuốc nổ 954 kg vào cho nổ, mong đánh sập hầm cố thủ “bí mật” trên đỉnh đồi. Sau này ta mới biết, hầm ngầm này chỉ là một hầm rượu được gia cố, nhưng có hào sâu dẫn ra phía sau, quân tiếp viện có thể theo hào tiến lên hầm. Thời gian đào mất 18 ngày đêm. Trong khi đó, quân ta không tiếc xương máu, quyết đánh giữ cho được sườn đồi mà ta đã làm chủ để bảo vệ hầm đang đào. Có thể nói, mỗi bước chiến hào của ta được đo bằng thân xác các chiến sĩ xung kích. A1 làm nhức nhối toàn chiến dịch. Cho đến 20 giờ 30 phút ngày 6 tháng 5, khối thuốc nổ 954 kg được châm ngòi. Đất đá từng mảng tung lên hơn 10 m, một lô cốt lớn và mấy ụ súng ở sườn phía tây A1 sụp đổ, chôn vùi hơn 2 trung đội địch ở đó. Nhưng khối thuốc nổ vẫn cách hầm ngầm hơn 30 m. Địch còn lại trong hầm ngầm vẫn không buông súng. Cho đến tận 4 giờ 30 phút sáng ngày 7 tháng 5, Đại úy Jean Pouget chỉ huy tiểu đoàn dù cố thủ A1, thoát chết nhờ ẩn náu trong hầm ngầm giữa đỉnh đồi, chỉ thấy quả đồi “rung rinh” sau tiếng nổ “trầm” của khối thuốc 954 kg… vẫn dùng bộ đàm yêu cầu Mường Thanh tăng viện… Sau khi bị Mường Thanh từ chối và Tham mưu trưởng Vadot ra lệnh: “Là lính dù nên phải chiến đấu cho tới chết…”, Pouget tuân lệnh cấp trên, hủy điện đài, tiếp tục chỉ huy 34 lính dù còn lại, đánh trả bằng tiểu liên và lựu đạn trước lưỡi lê của xung kích cho tới lúc bị thương và bị bắt. (Pouget vốn là sĩ quan tùy tùng của tướng Navarre).

Trên đỉnh đồi A1 bây giờ còn xác chiếc xe tăng lên phản kích chiếm lại đồi bị quân ta dùng ba-dô-ca bắn hạ lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày 1.4.1954. Suốt 36 ngày đêm quyết chiến, địch đã 30 lần phản kích như thế. Để chiến thắng, gần 1.000 chiến sĩ của ta đã nằm lại nơi đây.

clip_image006

Bác Dư Văn Tư (phải) và tác giả. Bác Tư là khẩu đội trưởng một khẩu pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. (Ảnh 1994)

L.P.K.

Tác giả gửi BVN

* Bài trích từ cuốn “Tại sao Điện Biên Phủ” xuất bản lần đầu năm 2004, tái bản năm 2014.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn