Philippines tìm kiếm hậu thuẫn của Mĩ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc

Demetri Sevastopulo Roel Landingin ở Manila, Financial Times ngày 27-4-2014

Phan Văn Song dịch

clip_image001 Albert del Rosario, Ngoại trưởng Philippines, có thể cảm thấy óc ông xao động khi ông chạm vào đầu do vết thương trong thời giải phóng Manila hồi cuối chiến tranh thế giới thứ hai.

"Chúng tôi đã bị kẹt giữa hai làn đạn của Nhật Bản và lực lượng giải phóng ", ông nhớ lại. "Lúc đó tôi chỉ mới năm tuổi nhưng hình ảnh đó vẫn còn sống động... cả nhà bỏ em gái tôi và tôi ở lại vì nghĩ rằng chúng tôi đã chết."

Dù với chuyện cũ đó, del Rosario vẫn là một trong số ít các quan chức ở châu Á kêu gọi Nhật Bản tái vũ trang – để chống lại động thái của Trung Quốc gây ra quan ngại ngày càng tăng cho các nước láng giềng và Hoa Kì.

Trung Quốc sẽ là mục đứng đầu trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Barack Obama tới Philippines vào thứ Hai như một phần của chuyến đi châu Á. Trước khi hạ cánh, các quan chức Mĩ và Philippines sẽ kí một thỏa thuận cho quân đội, tàu bè và máy bay Mĩ đóng ở Philippines, một sự diễn tiến mà gần như chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh nổi giận.

Trong chuyến đi châu Á, Obama đã cân nhắc về cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với các đảo trên biển Hoa Đông (được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc ) đảm bảo với Tokyo rằng quần đảo này nằm trong phạm vi bảo vệ của hiệp ước quốc phòng Mĩ-Nhật.

Trung Quốc cũng đang bị lôi kéo vào tranh chấp lãnh thổ với Philippines và một số nước láng giềng khác ở Biển Đông. Vùng biển giàu tài nguyên vốn là một nguồn va chạm trong nhiều thập kỉ, nhưng căng thẳng đã leo thang đáng kể trong 5 năm qua khi Trung Quốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên biển của mình mạnh mẽ hơn.

Những quan ngại này chủ yếu xuất phát từ cái gọi là "đường chín đoạn" – một đường phân giới trên bản đồ Trung Quốc chạy từ phía Nam Trung Quốc qua Việt Nam, vòng quanh gần Malaysia và Indonesia, và sau đó quay trở lại chạy song song với Philippines.

Trong vùng biển đó, tàu Trung Quốc đã can dự vào nhiều sự cố làm dấy lên nhiều quan ngại. Tàu Trung Quốc đã có cuộc đối đầu với tàu Mĩ và tàu hải quân Indonesia, và đã quấy rối tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam. James Clad, một cựu quan chức Lầu Năm Góc cho biết tàu Trung Quốc cũng đã quấy rối tàu khảo sát địa chấn của Malaysia "hầu như mỗi tháng" trong năm qua.

Nhưng màn diễn kịch tính nhất liên quan đến Philippines, bao gồm một cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài cả tháng ở bãi cạn Scarborough hồi năm 2012. Gần đây, các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đã cố ngăn chặn tàu thuyền Philippines tiếp tế một con tàu rỉ sét gọi là Sierra Madre, tàu này đã được cố tình cho mắc cạn trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) năm 1999 để củng cố yêu sách của Manila đối với vùng biển này.

"Đây là chiến tranh tâm lí", một quan chức Philippines cho biết. "Đây là cuộc chiến tranh lạnh mới. Ai chớp mắt thì sẽ thua."

Trung Quốc cũng tuần tra Biển Đông ngày càng nhiều hơn với các tàu cảnh sát biển có vũ trang, thay vì tàu ngư chính. Và gần đây họ đã làm các nước láng giềng tức giận qua việc tuyên bố rằng ngư dân nước ngoài cần phải được Trung Quốc chấp thuận mới được đánh cá trong vùng biển này.

Mặc dù có quân đội yếu nhất trong những các nước ở châu Á, Philippines đã, hơn bất kì quốc gia Đông Nam Á nào khác, chống lại Trung Quốc. Trên tất cả, họ muốn để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, EEZ là một khu vực trải dài 200 hải lí từ lãnh thổ của một quốc gia mà trong khu đó nó có thể khai thác trên biển và các nguồn năng lượng dưới mặt nước biển.

Trong tháng Ba, Manila nâng cao quyết tâm bằng việc xấn tới lập hồ sơ yêu cầu Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague phán quyết rằng đường 9 đoạn là không hợp lệ.

"Nếu chúng tôi không thách thức yêu sách của Trung Quốc... chúng tôi sẽ đứng nhìn 100% EEZ của mình mất cả", del Rosario nói. "Không có quốc gia nào trên thế giới chấp nhận đường 9 đoạn là hợp lệ."

Trung Quốc đã phản ứng bằng cách cáo buộc Manila và Mĩ là thông đồng nhau. Chito Sta Romana, một nhà báo Philippines đã từng sống hai thập kỉ ở Trung Quốc cho ABC News, nói rằng Bắc Kinh và Manila đang tự thấy họ ngày càng mâu thuẫn nhau.

Ông nói "Philippines thì bảo rằng Trung Quốc là kẻ bắt nạt, còn Trung Quốc thì nói chúng tôi là những kẻ gây rối... con ngựa thànhTroie của Hoa Kì."

Mặc dù Trung Quốc là một bên kí kết UNCLOS, họ đã từ chối tham gia vụ án, lập luận rằng trước đó họ đã thông báo cho Liên Hiệp Quốc rằng họ "không chấp nhận bất kì" thủ tục giải quyết nào do UNCLOS vạch ra cho các tranh chấp ở biển Hoa Nam (Biển Đông).

Wu Shicun [Ngô Sĩ Tồn], người đứng đầu Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, cho biết Manila đã "phá vỡ một sự đồng thuận" về đạt một giải pháp thông qua đàm phán.

"Trong văn hóa Trung Quốc, khi bạn bè hoặc hàng xóm có tranh chấp, họ giải quyết thông qua đàm phán", ông Wu nói. "Nhưng trong văn hóa Philippines, họ chọn cách cùng nhau ra tòa. Điều này đã gây tổn thương cảm xúc của người dân Trung Quốc."

Zou Keyuan [Trâu Khoa Uyển], một chuyên gia Trung Quốc về luật quốc tế tại Đại học Central Lancashire ở Anh, nói rằng ngoài việc không có một "ý thức pháp luật", Trung Quốc cũng không có loại luật sư có kinh nghiệm cần thiết để tranh luận một vụ trọng tài quốc tế. Ông nói thêm rằng Trung Quốc không tin vào một hệ thống tòa án có xu hướng được điều hành bởi người phương Tây.

Trong khi Manila cho biết họ có chứng lí mạnh mẽ, tình hình trở nên phức tạp. Trước hết Tòa phải xác định xem họ có thẩm quyền phân xử hay không. Zou nói, điều đó có thể là "khó" vì một số vấn đề gắn với các câu hỏi về chủ quyền ngay cả khi Philippines đã gói ghém yêu sách của mình để tránh gợi ra điều như vậy.

UNCLOS không quy định cơ chế để phân xử chủ quyền. Jay Batongbacal, một chuyên gia UNCLOS tại Đại học Philippines, cho biết do Manila cho rằng đường chín đoạn tước đi bất hợp pháp EEZ của các nước khác.

Benigno Aquino, Tổng thống Philippines, làm Trung Quốc nổi giận hồi đầu năm nay qua việc so sánh Trung Quốc với Đức thời Hitler. Ông cần thuyết phục để thực hiện con đường pháp lí. Renato De Castro, một chuyên gia Mĩ - Philippines tại Đại học De La Salle, nói rằng Trung Quốc coi ông del Rosario là phần tử "cứng rắn" chịu trách nhiệm về sự chao đảo của ông Aquino.

Được hỏi yếu tố nào là chủ chốt trong quyết định tiến hành hành động pháp lí, del Rosario nói: "Scarborough có thể là chất xúc tác".

Hồi tháng Tư năm 2012, tàu hải giám của Trung Quốc đã can dự vào cuộc giằng co căng thẳng dài cả tháng với một tàu hải quân và các tàu tuần duyên Philippines tại bãi cạn Scarborough, một rạn san hô ở khoảng 200 km về phía tây vịnh Subic, chỗ mà Mĩ đã có một trong những căn cứ quân đội lớn nhất ở nước ngoài cho đến năm 1991.

Washington đã cố gắng để dàn dựng một cuộc rút lui chung, nhưng khi tàu Philippines rút lui, các tàu của Trung Quốc vẫn ở đó, cho Trung Quốc nắm quyền kiểm soát." Chúng tôi nghĩ chúng tôi hiểu được rằng cả hai bên sẽ cùng cho tàu của họ rút lui, nhưng chúng tôi cũng biết rằng Philippines không nắm con bài nào trên tay", một cựu quan chức Mĩ cho biết.

Kết quả đó đã có một tác động rất lớn lên Philippines, nhắc nhở mọi người về năm 1995 khi Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn (Mischief Reef) trong quần đảo Trường Sa đang tranh chấp khi tàu tuần tra Philippines ra khỏi khu vực trong một thời gian ngắn.

"Sau đá Vành Khăn chúng tôi nói 'không bao giờ xảy ra lần nữa’' và sau đó nó đã xảy ra lần nữa," Aileen Baviera, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Philippines nói.

Ông Sta Romana nói là "hết sức thất vọng" khi Hoa Kì đã không điều tàu đến Scarborough. Nhưng một cựu quan chức Mĩ cho biết một số bộ phận của chính quyền Obama lo ngại rằng Hoa Kì sẽ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột với Trung Quốc, nhưng cũng cho biết thêm rằng Hoa Kì đang "làm việc chặt chẽ hơn nhiều với Philippines hiện giờ".

Sự cải thiện đó sẽ được kết chặt vào thứ Hai khi ông Aquino tiếp ông Obama và hai nước kí kết thỏa thuận quốc phòng mới cho phép Mĩ hiện diện đáng kể ở Philippines lần đầu tiên kể từ năm 1991.

"Đó là sự phục hồi liên minh, một cái gì đó người ta khó thể tưởng tượng khi mà chúng tôi đòi họ phải rời đi hồi năm 1991", ông de Castro nói. "Nó sẽ làm thay đổi phương trình... Nó cho người Trung Quốc thấy rằng chúng tôi đang ở đây và đang quan sát các anh."

D. S. & R. L.

Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn