TRUNG VỚI ĐẢNG NHƯNG PHẢI HIẾU VỚI DÂN

Luật sư Cao Xuân Bái

Có lẽ do bệnh nghề nghiệp nên tôi hí hửng thực sự khi bắt gặp bài có tựa đề “Phương pháp điều tra cực mới” được đăng tải trên PHÁP LUẬT online (báo điện tử của Sở Tư pháp TP.HCM). Nhưng khi đọc xong mới thấy não ruột, não lòng!

Chuyện kể rằng có một điều tra viên tên Tèo, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, chưa bao giờ bị tai tiếng về chuyện mớm cung, ép cung hay dùng nhục hình. Kết luận điều tra luôn được viện kiểm sát phê chuẩn cái rụp. Khi xét xử thì tòa cũng tuyên án hoàn toàn phù hợp với tội danh đã khởi tố, không bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nói tóm lại đây là một điều tra viên hoàn hảo, cần được nhân rộng trong ngành. Vì vậy trong hội nghị báo cáo điển hình, Tèo được chọn đọc tham luận với đề tài “phương pháp điều tra cực mới”. Các đại biểu dự hội nghị đều nóng lòng chờ đợi để được nghe “cái cực mới” trong công tác điều tra vốn dĩ xưa nay đã quá cũ và quá nhiều tai tiếng. Rốt cuộc, “cái cực mới” trong tham luận của Tèo cũng không phải là cái gì quá ghê gớm, quá to tát. Mà đó là sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, là wifi, là laptop mà bất cứ điều tra viên nào cũng có, nhưng duy nhất chỉ có Tèo mới độc quyền sở hữu phương pháp này. Tèo nói: “Sau khi mở máy tính có nối mạng lên, tôi nhỏ nhẹ nói với nghi can/bị can rằng: “Theo luật, anh/chị/ông/bà có quyền không khai, có quyền không thừa nhận gì hết. Nhưng tôi chỉ khuyên ông bà nên vào Google tra cứu cụm từ “chết tại trụ sở công an” rồi quyết định cũng chưa muộn”… Và thế là họ tự khắc thành khẩn khai báo.

Cho dù đây chỉ là câu chuyện hài hước, nhưng nó phản ánh một hiện tượng hoàn toàn có thật là ngày càng có nhiều người dân khi được công an “mời”, đã đi mà không thấy quay về, hoặc “ra đi trai tráng, ra về máu me”!

Cũng theo Pháp Luật online thì việc các đối tượng điều tra bị đánh ở trụ sở công an không còn là việc lạ nữa, thậm chí, sau nhiều vụ chết người, nhiều người đã thực sự tin rằng bước chân “vào đó” là lành ít dữ nhiều. Đa số người dân đều nghĩ mình thấp cổ bé họng, không thể làm gì được nên đành câm nín. Một số khác mạnh dạn hơn, làm đơn tố cáo công an lên… công an.

Được biết, ngày 3/1/2008, Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (thời điểm đó) đã ký Quyết định số 09/QĐ-BCA(X11) ban hành 5 lời thề, 10 điều kỷ luật của lực lượng CAND Việt Nam, thay thế 5 lời thề, 10 điều kỷ luật ban hành năm 1997 cho phù hợp với tình hình mới. Tôi tự làm một phép thống kê không chính thức, dựa vào số lượng vụ, việc được phản ánh trên mặt báo thì thấy rằng khi còn sử dụng “5 lời thề, 10 điều kỷ luật” cũ, số vụ sai phạm, mớm cung, ép cung, dùng nhục hình hay đánh chết người ít hơn hẳn so với giai đoạn sử dụng “5 lời thề, 10 điều kỷ luật” mới! Nếu lấy tiêu chí thời gian để đánh giá thì rõ ràng là có sự phát triển “đi lên” nhưng là sự đi lên đáng buồn.

Ai cũng hiểu được một nguyên lý cơ bản là không thể quản lý xã hội bằng khẩu hiệu, bằng lời kêu gọi tính tự giác của công dân mà phải quản lý xã hội bằng chính sách, bằng pháp luật bởi một nhà nước pháp quyền.

Ở xứ người, chỉ đôi lần “hoa lá” với cô thực tập sinh, đương kim tổng thống Clinton phải khăn gói hầu tòa khi có “trát” gọi, còn ở Việt Nam, ông Lê Đức Hoàn, thượng tá, phó công an thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) “năm lần bảy lượt” nhận “trát” của tòa vẫn tỉnh bơ, bình chân như vại. Chỉ sau khi báo giới và dư luận nhân dân phản đối quyết liệt kết quả bản án sơ thẩm (vụ 5 công an đánh chết người), và đặc biệt sau khi có chỉ thị xem xét lại vụ án của Chủ tịch nước, ông ta mới có mặt ở phiên phúc thẩm. Theo Bộ luật TTHS, tòa (sơ thẩm) hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp dẫn giải đối với ông Lê Đức Hoàn, nhưng cuối cùng tòa phải chấp nhận... theo ý ông Hoàn.

Ở các nước, người ta chỉ đặt tên cho lực lượng cảnh sát một cách giản dị, không hề đao to búa lớn, chẳng hạn như cảnh sát bang A, cảnh sát bang B hoặc cảnh sát liên bang. Tuyệt nhiên họ không nói cảnh sát là “của” ai cả. Nhưng năng lực và thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng của họ dù không muốn cũng phải thừa nhận là “chuẩn”!

Tên gọi “công an nhân dân Việt Nam” trước hết nó là danh xưng, sau nữa nó còn thể hiện đó là nguyện vọng, là đường lối xây dựng và phát triển lực lượng của ngành công an. Tên gọi đã hay rồi. Mong sao hành động thực tế của cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng cũng hay như chính tên gọi này!

Có chủ trương, có đường lối đúng là chưa đủ. Khâu quan trọng, then chốt và có ý nghĩa quyết định nhất là khâu tổ chức thực hiện đường lối. Bởi tầm quan trọng đặc biệt của khâu tổ chức mà Lênin đã viết: “Tổ chức! Tổ chức! và tổ chức! Kẻ nào mắc sai lầm trong công tác tổ chức thì đường lối chỉ là vấn đề không tưởng hoặc chỉ là một nguyện vọng ngây thơ”. Nếu quá coi nặng về thành phần, lý lịch, truyền thống gia đình... mà coi nhẹ yếu tố đạo đức, nhân cách, coi nhẹ tính thượng tôn pháp luật khi tuyển chọn người vào phục vụ trong lực lượng công an nhân dân, thì danh xưng “công an nhân dân” mãi mãi chỉ là một nguyện vọng ngây thơ. Chỉ có chiếc áo cà sa thôi thì chắc chắn không thể làm nên thầy tu.

C.X.B.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn